Sunday, 15 August 2021

SÀI GÒN NGÀY PHONG TỎA THỨ 38 (Đỗ Duy Ngọc)

 


Sài Gòn ngày phong tỏa thứ ba mươi tám

Đỗ Duy Ngọc

15/08/2021

https://baotiengdan.com/2021/08/15/sai-gon-ngay-phong-toa-thu-ba-muoi-tam/

 

Tiếp theo phần 1 — phần 2 — phần 3 — phần 4 — phần 5  phần 6 — phần 7 — phần 8 — phần 9 — phần 10 — phần 11 — phần 12 — phần 13 — phần 14 — phần 15 — phần 16 — phần 17 — phần 18 — phần 19 — phần 20 — phần 21 — phần 22 — phần 23 — phần 24 — phần 25 — phần 26 — phần 27 — phần 28 — phần 29 — phần 30 — phần 31 — phần 32 — phần 33 — phần 34 — phần 35 — phần 36 — phần 37

 

 

Ngày hôm qua, Sài Gòn có nhiều biến động. Trước hết là tình trạng ùn tắc diễn ra ở nhiều đường trong thành phố. Xuất phát từ việc Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) đã đưa vào thí điểm việc sử dụng ứng dụng khai báo y tế, quản lý di biến động công dân vùng dịch và quản lý tiêm vaccine trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Được gọi tên là DI BIẾN ĐỘNG DÂN CƯ.

 

Theo chương trình này, người dân sẽ khai báo quá trình di chuyển của mình qua một hệ thống có mã code. Hệ thống sẽ lưu lại thông tin và tiến hành xác thực thông tin công dân qua kết nối với hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hàng ngày, cán bộ công an được giao trách nhiệm thực hiện thống kê, báo cáo tình hình công dân ra/ vào vùng dịch; truy vết đối với người nghi vấn F0, F1, F2 khi cần thiết.

 

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch trên cả nước, việc quản lý di biến động, khai báo y tế của người dân và quản lý tiêm chủng vaccine đặt ra rất cấp bách. Tuy nhiên khi thực hiện lại gặp nhiều trở ngại. Trước hết là gây ùn tắc ở các giao lộ và tình trạng đó đã diễn ra từ hôm qua và tiếp tục sáng hôm nay. Có cần phải thực hiện gấp rút việc này không khi con số tử vong còn cao vùn vụt, khi tình trạng lây nhiễm lúc nào cũng dính vào người, khi cái chết luẩn quẩn khắp nơi?

 

Giá như thành phố yêu cầu từng địa phương phát giấy khai báo hoặc hướng dẫn cho mọi người thực hiện tại nhà cách đấy vài hôm, chắc là việc ùn ứ sẽ bớt đi nhiều vừa khổ cho dân mà cũng tội cho những lực lượng thi hành. Để có mã code, người dân sẽ phải qua 5 bước thực hiện, không phải ai cũng đủ kiến thức để tự thực hiện và cũng không phải ai cũng có điện thoại để làm cho mình một cái mã code. Mã QR code lại chỉ có giá trị sử dụng trong 72 giờ.

 

Như vậy muốn di chuyển có lý do người ta phải cập nhật liên tục để có mã mới. Từ đó sinh ra nhiều rối rắm. Trong thời giãn cách, số người nhiễm bệnh chưa giảm được bao nhiêu, con virus biến thể Delta gây nhiễm rất lẹ mà tập trung kiểu này thì thua mất. Thiết nghĩ trong tình hình dầu sôi lửa bỏng thế này, càng đơn giản thủ tục thì càng tốt và có lợi cho việc kềm chế dịch bệnh.

 

Sáng 15.8, khoảng 8 giờ 10 phút, người dân tập trung quá đông trước chốt nội thành TP.HCM chờ khai báo ‘di biến động dân cư’ nên chốt Gò Vấp tạm xả để các xe qua lại. Ngay sau đó, chốt kiểm tra lại bình thường. Hầu hết người dân đều tỏ ra lúng túng trước việc khai báo theo hình thức mới dẫn đến ùn ứ, tập trung đông tại các chốt kiểm soát.

 

Theo lực lượng chức năng tại các chốt kiểm soát dịch, hiện nay thành phố vẫn đang thực hiện nghiêm giãn cách xã hội nhưng không hiểu sao người dân vẫn ra đường quá nhiều.

Hầu hết người dân qua chốt đều có các lý do như vận chuyển hàng hoá, đi khám bệnh, đi tiêm vaccine, đi mua nhu yếu phẩm… Ngoài ra, còn có những người đi giao nước, giao gas khiến lưu lượng xe trên đường vẫn còn quá đông đúc.

 

Việc tập trung thế này quá nguy hiểm. Ngày hôm qua đã diễn ra, hôm nay lại tái diễn. Hi vọng thành phố sẽ có phương cách khác hơn chứ cứ như thế này thì những nỗ lực mấy tháng nay để ngăn chận dịch sẽ dễ thành công cốc.

 

Nhiều người hỏi tôi về nghĩa của cái cụm từ mới này, tôi cũng chịu vì cụm từ này không có trong ngôn ngữ sử dụng hàng ngày từ trước đến nay, cũng chẳng tìm thấy trong từ điển. Nó là một nhóm từ chắp vá gây khó hiểu cho người nghe và toàn chữ Hán. Sao không gọi là “Theo dõi sự di chuyển dân cư” mà phải dùng cái tên hắc búa thế nhỉ? Một cụm từ rất Tàu. Hay là cái app này của anh Hai môi hở răng lạnh?

 

Ngay khi thành phố thông báo chủ trương tiếp tục giãn cách cho đến 15.9, đã tái xuất hiện nhiều người dân mang theo hành lý chạy xe máy về quê. Khi qua các chốt, lực lượng chức năng đều yêu cầu người dân quay lại. Họ tụ tập cầu vượt Sóng Thần, ở quốc lộ 1 đoạn ở phường An Bình, TP Dĩ An (Bình Dương). Còn tại chân cầu vượt Linh Xuân, cả trăm người dân mang theo hành lý đứng thành đoàn.

 

Lý do trước đây họ chưa quyết định về quê vì hi vọng tình hình sẽ khá hơn, giãn cách sẽ được bãi bỏ, họ sẽ tiếp tục có công ăn việc làm. Giờ đây hi vọng đó đã tiêu tan khi thành phố tiếp tục giãn cách. Cái đói đã xuất hiện, chút tiền tiết kiệm cũng không còn, không tiền đóng tiền trọ, họ sẽ phải ra lề đường, vỉa hè để sống. Họ sợ không được tiêm chủng, sợ lây bệnh, sợ không có bệnh viện nào nhận, họ sợ trở thành tro khi chết, họ sợ đủ thứ nên họ đành quay về nhà.

 

Không còn cách chọn lựa nào khác là đành phải quy cố hương dù họ biết đường trở về nhà còn nhiều gian nan và bế tắc đang chực chờ phía trước. Nhà nước bắt quay đầu xe cũng có cái lý của họ, nhưng nhà nước lại không cho thấy một chính sách hỗ trợ cụ thể để họ có thể tin tưởng mà nằm lại chờ đợi. Đi không được, ở không xong, chẳng biết tương lai của họ sẽ thế nào. Không lẽ cứ mãi hàng ngày xếp hàng chờ những hộp cơm từ thiện?

 

Thành phố bắt đầu giãn cách nghiêm ngặt từ 9.7. Đã gần hai tháng trôi qua rồi, số người bệnh không giảm bao nhiêu, số tử vong vẫn còn cao. Bộ Y tế lần đầu tiên nhận định rằng, số ca nhiễm tại thành phố có thể cao hơn mức ghi nhận gấp 4-5 lần. Và như thế con số tử vong cũng có thể cao hơn con số đã công bố hàng ngày. Mở facebook, người ta sẽ thấy nhiều khung avatar đen, nhiều lời chia buồn, nhiều hũ cốt xếp hàng.

 

Sáng nay vừa được tin một giảng viên thanh nhạc, một ca sĩ lão thành vừa ra đi sau những ngày chiến đấu với virus. Hôm qua là một nhà báo mới 28 tuổi. Trước nữa là một bác sĩ tình nguyện viên và chàng ca sĩ trẻ. Cũng theo báo, đã có 900 nhân viên y tế đã bị phơi nhiễm virus. Toàn những hình ảnh, tin tức và con số buồn lo.

 

Và như thế chứng tỏ biện pháp giãn cách, hạn chế lưu thông hình như không hiệu quả mà lại gây nhiều khó khăn cho đời sống người dân. Mong nhà nước và lãnh đạo thành phố sớm tìm ra một giải pháp thiết thực và có tác dụng hơn trong việc kềm chế dịch bệnh đồng thời giúp người dân có sinh hoạt tiện lợi hơn.

 

Mọi người tin vào vaccine, trông chờ vaccine. Thành phố đã nỗ lực hết sức và đã có 3 quận hoàn thành chỉ tiêu là Phú Nhuận 94%, Quận 11 được 92% và Quận 5 cũng được 91% trên dân số. Nhưng bây giờ lại thiếu vaccine, chỉ còn Sinopharm của Tàu. Nhiều người dù cũng còn băn khoăn và nghi ngại nhưng đành chấp nhận tiêm chủng, hi vọng thoát được con virus này. Chìa tay chích mà lòng cũng bất an.

 

Trong cuộc chiến đấu với con virus độc ác này, đã có nhiều cán bộ y tế hi sinh. Họ chiến đấu trong thầm lặng và ra đi trong thầm lặng. Lãnh đạo Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) cho hay, trường hợp y, bác sĩ tham gia các hoạt động phòng, chống dịch mà bị nhiễm bệnh dẫn tới hy sinh có thể được xem xét công nhận là liệt sĩ.

 

Sao lại là có thể mà phải là đương nhiên được công nhận là liệt sĩ. Bởi họ cũng là chiến sĩ. Tại sao một chiến sĩ công an chết khi đang truy đuổi một người vi phạm giãn cách liền được phong ngay liệt sĩ mà y, bác sĩ tử vong vì ở tuyến đầu lại chỉ là có thể. Không hợp lý, hợp tình chút nào. Làm ơn bỏ chữ có thể trong văn bản đấy đi.

 

Những cảnh bi thương vẫn còn đó, những bệnh viện nghẹt người vẫn còn đó, những người bệnh cũng vẫn còn mong có được một hơi thở và những con số vẫn còn đầy ám ảnh. Hiện thành phố chưa công bố số liệu về tổng số ca tử vong kể từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, qua tổng hợp số liệu được công bố mỗi ngày cho thấy, hôm 11.8 có 225 ca, đến 12.8 ghi nhận 223 ca, sang ngày 13.8 là 285 ca. Dù các bệnh viện, Trung tâm Hồi sức đang nỗ lực điều trị nhưng thực tế bệnh nhân tử vong vẫn tăng và duy trì ở mức cao.

 

Đôi khi tìm xem anh chàng đi phát bánh, tặng khẩu trang cho người ở vỉa hè với lối nói hoạt kê, với nụ cười niềm nở, với tấm lòng rất đẹp của anh để tạm quên những nỗi đau của một Sài Gòn trong cơn bệnh nặng.

 

                                                 ***

Trong khi cả nước đang nỗ lực chống dịch và toàn dân đang khổ nạn vì dịch thì ngoài khơi hàng trăm tàu cá Trung Quốc chuẩn bị kéo xuống Biển Đông, vùng nước mà Bắc Kinh đơn phương thừa nhận chủ quyền trái phép. Nhiều tờ báo của nhà nước ta dẫn nguồn từ Nhật báo Tam Á đưa tin, ngày 13.8 nhiều tàu cá của Tàu đang ồ ạt kéo xuống biển Đông và cho biết thêm, có hơn 400 tàu cá đã neo đậu ở phía nam thành phố Tam Á của đảo Hải Nam để chờ hết lệnh cấm đánh bắt kéo dài 3 tháng rưỡi. Dịch chưa yên biển cũng đang bị đe doạ, tham vọng của lũ cướp không bao giờ chấm dứt.

 

Lại thêm một tháng nữa đợi chờ và hi vọng. Thêm một tháng nữa tiếp tục chứng kiến nhiều sinh mạng ra đi. Thêm một tháng nữa bị trừ đi trong quãng đời ngắn ngủi còn lại của tuổi già. Con virus vẫn còn đó, nó tồn tại trong đời sống của chúng ta dù có thể trong tương lai, mọi người có thể ngăn chận được đại dịch. Con người vẫn tiếp tục sống trong âu lo. Người lạc quan cách mấy cũng khó mà không lo lắng.

 

Thế giới vẫn hỗn loạn với những tin tức, những quan điểm khoa học trái ngược nhau về virus, về vaccine. Sau đại dịch người ta sẽ có cách sống khác, suy nghĩ khác. Và có lẽ định nghĩa hạnh phúc chắc cũng phải thay đổi.

_____

 

Một số hình ảnh:

.

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/08/0-82.jpg

.

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/08/1-56-768x888.jpg

.

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/08/2-39.jpg

.

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/08/3-27.jpg

.

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/08/4-34.jpg

.

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/08/5-34.jpg

……………………………..

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats