Thursday 5 August 2021

OLYMPICS TOKYO 2020 - CHỦ NGHĨA DÂN TỘC CUỒNG NỘ và HIẾU CHIẾN CỦA TRUNG QUỐC (Lê Tây Sơn)

 


Olympics Tokyo 2020 - chủ nghĩa dân tộc cuồng nộ và hiếu chiến của Trung Quốc

Lê Tây Sơn
5 tháng 8, 2021

https://saigonnhonews.com/thoi-su/trung-quoc/olympics-tokyo-2020-chu-nghia-dan-toc-cuong-no-va-hieu-chien-cua-trung-quoc/

 

Nếu có một phong trào đáng nhớ trong mùa Olympics Tokyo 2020 năm nay thì đó là việc những kẻ chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc tỏ ra điên cuồng kết tội các vận động viên “thất bại” của họ.

 

Áp lực thành tích đối với các vận động viên Trung Quốc tại Olympics Tokyo 2020 lớn hơn bao giờ hết. Bất cứ thứ gì “không phải màu vàng” đều được xem là “không yêu nước” và các vận động viên “thất bại” nhận được sự tức giận và chửi rửa của những người theo chủ nghĩa dân tộc.

 

Kết quả là đội tuyển bóng bàn đôi nam nữ đã phải đưa ra lời xin lỗi đầy nước mắt vì chỉ giành được huy chương bạc! “Tôi cảm thấy như chính mình đã làm cho đội thất bại. Tôi xin lỗi tất cả mọi người” – Liu Shiwen cúi đầu nhận lỗi trong nước mắt. Đồng đội Xu Xin thêm vào: “Cả nước đều kỳ vọng trận chung kết. Tôi nghĩ toàn đội Trung Quốc cũng không thể chấp nhận kết quả này!”. Mất huy chương vàng trước đội Nhật Bản trong một môn thể thao Trung Quốc thường thống trị đã khiến nhiều công dân mạng Trung Quốc công phẫn. Trên mạng Weibo, một số “chiến binh bàn phím” cấp tập tấn công hai vận động viên này, kết tội họ “đã làm đất nước thua cuộc”. Một số khác chỉ trích vô căn cứ sự thiên vị của trọng tài đối với Jun Mizutani và Mima Ito của Nhật Bản.

 

Khi chủ nghĩa dân tộc lên cao trào và tiếp tục lan rộng khắp Trung Quốc, việc xếp hạng huy chương Olympics không còn đơn thuần là “vinh quang thể thao”. Theo các nhà quan sát, đối với đám đông cực đoan dân tộc chủ nghĩa, mất huy chương Olympics cũng giống như “không yêu nước”. Tiến sĩ Florian Schneider, Giám đốc Trung tâm Châu Á Leiden tại Hòa Lan nhận định: “Đối với thành phần này, bảng huy chương Olympics là phẩm giá quốc gia và là thước đo năng lực quốc gia trong thời gian thực. Với suy nghĩ như thế, vận động viên nào bị thua trong một cuộc thi đấu với đối thủ nước ngoài thì không chỉ thất bại mà còn là… phản bội quốc gia!”.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/08/china-2-1024x576.jpg

Việc Liu Shiwen giành huy chương bạc được xem là điều “không thể chấp nhận được” (olympics.com)

 

Mất huy chương vàng môn bóng bàn truyền thống là viên thuốc cay đắng khó nuốt, nhất là lại thua Nhật Bản, nước có lịch sử đầy biến động với Trung Quốc và là “vết thương không bao giờ lành” của những kẻ dân tộc chủ nghĩa. Nhật Bản chiếm đóng Mãn Châu ở miền Bắc Trung Quốc vào năm 1931, khơi mào cuộc chiến tranh rộng hơn sáu năm sau đó, làm chết hàng triệu người Trung Quốc. “Đối với những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc, trận đấu bóng bàn không chỉ là một sự kiện thể thao mà còn là điển hình cho sự khác biệt giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Vì vậy tình cảm chống Nhật Bản trên Weibo tăng cao suốt trận đấu, với những ngôn từ khiếm nhã dành cho Mizutani và Ito” – Tiến sĩ Schneider nói.

 

Vấn đề không dừng lại ở Nhật Bản và bóng bàn

 

Hai vận động viên Li Junhui và Liu Yuchen của Trung Quốc cũng trở thành mục tiêu tấn công trên mạng khi họ để thua trong trận chung kết đôi cầu lông trước Đài Loan. Một tài khoản Weibo bực bội: “Không thấy cố gắng gì cả! Các người mê ngủ sao? Cái quái gì đang xảy ra thế?”. Căng thẳng giữa Trung Quốc và Đài Loan tăng vọt trong những năm gần đây khi Trung Quốc vẫn xem Đài Loan là một tỉnh ly khai, trong khi nhiều người Đài Loan muốn có một quốc gia riêng biệt.

 

Ngay cả một người đoạt huy chương vàng đầu tiên của Olympics Tokyo, vận động viên bắn súng Yang Qian cũng là mục tiêu tấn công. Một bài đăng trên Weibo của Qian với việc khoe bộ sưu tập giày Nike đã bị “chửi” tan nát: “Cô ta đã thoái hoá!”. Thương hiệu này nằm trong số những sản phẩm bị tẩy chay sau khi Nike cam kết ngừng sử dụng bông vải Tân Cương, một sản phẩm của lao động cưỡng bức.

 

“Là một vận động viên Trung Quốc, tại sao bạn lại sưu tập giày Nike mà không đi tiên phong tẩy chay nó?” – một bình luận viết. Yang đã xóa bài đăng kể từ đó. Đồng đội Wang Luyao của cô cũng phải đối mặt sự tức giận khi cô không vào được chung kết 10m súng trường hơi nữ. “Chúng tôi đâu cử bạn đến đó để đại diện cho một đất nước yếu kém?” – một bình luận viết. Yang bị chỉ trích thô bạo đến nỗi Weibo phải đình chỉ tài khoản của khoảng 33 người dùng quá khích.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/08/china-1-1024x623.jpg

Yang Qian bị chỉ trích vì đăng ảnh giày Nike (Weibo)

 

Tính chất cạnh tranh quyết liệt của Thế Vận Hội cũng khiến nảy sinh “chủ nghĩa dân tộc” tại một số nước khác. Ví dụ ở Singapore, vận động viên bơi lội ngôi sao Joseph Schooling bị chỉ trích gay gắt vì không bảo vệ được vương miện 100m bướm của mình. Khi làn sóng chỉ trích đi quá xa, một số nhà lãnh đạo chính phủ, bao gồm cả Tổng thống Halimah Yacob, phải nói người dân hãy ủng hộ Schooling.

 

Tuy nhiên, không nơi nào mà “chủ nghĩa dân tộc” đạt đến mức độ cuồng nộ kiểu chiến tranh như Trung Quốc. Tiến sĩ Jonathan Hassid, giảng dạy môn khoa học chính trị tại Đại học tiểu bang Iowa, nhận định: “Cái gọi là ‘little pinks’ (gồm những người trẻ tuổi có tình cảm dân tộc chủ nghĩa mạnh mẽ) giữ vai trò xung kích trong cuộc chiến này. Khi những chỉ trích nhà nước rất khó được chấp nhận thì việc khuyếch đại chủ nghĩa dân tộc như một sân chơi mới của giới trẻ là một chọn lựa thay thế”.

 

Chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc đã trỗi dậy mạnh mẽ những năm gần đây khi ảnh hưởng toàn cầu của nước này tăng lên. Bất kỳ chỉ trích quốc tế nào cũng bị xem là “âm mưu làm chậm sự sự phát triển và bôi bác Trung Quốc”. Olympics trở thành tâm điểm sau lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vào Ngày 1 Tháng Bảy, khi Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố “Trung Quốc sẽ không bao giờ để bị các cường quốc nước ngoài bắt nạt!”.

 

Tiến sĩ Schneider nhận định: “Sau khi các lãnh đạo Trung Quốc sử dụng chủ nghĩa dân tộc để giải thích và để hiểu các vấn đề hiện tại, nay đến lượt người dân cũng dùng chủ nghĩa này khi hiểu về vai trò của Trung Quốc trên thế giới. Họ được dạy rằng, thành công của quốc gia là quan trọng nên các vận động viên cũng phải mang lại thành công này ở Tokyo”. Để tránh bị dư luận thế giới lên án, truyền thông nhà nước đã kêu gọi công chúng “nên suy nghĩ chín chắn hơn”.

 

“Tôi hy vọng khi ngồi trước màn hình chúng ta sẽ có quan điểm hợp lý về huy chương vàng, về chiến thắng và thất bại, trong tinh thần Olympics” – trích bình luận của Tân Hoa Xã. Theo các nhà quan sát thì sự kiềm chế này là dấu hiệu cho thấy mối nguy hiểm của “chủ nghĩa dân tộc đi quá xa”, vượt khỏi tầm kiểm soát của chính quyền. “Đảng Cộng sản Trung Quốc cố khai thác chủ nghĩa dân tộc cho các mục đích riêng nhưng khi công dân nổi cơn thịnh nộ quá mức, nhà nước sẽ khó kiểm soát – Tiến sĩ Hassid nói – Sử dụng tình cảm dân tộc cũng giống như cưỡi lưng cọp. Khi đã ngồi lên thì rất khó kiểm soát và khó xuống!”.

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats