Nhân
sự kiện một cô giáo ở Đại Học Duy Tân bị đuổi việc, tản mạn về phần
tử trí thức đại học
Trần
Văn Chánh - Viet-Studies
12/08/2021
http://www.viet-studies.net/kinhte/TranVanChanh_CoGiaoDuyTan.html
Trong những ngày chống dịch Covid-19 đang bùng
phát dữ dội (đợt IV từ 27.4.2021) tại TP. HCM, tôi cũng đã tham gia vừa tiêu cực
vừa tích cực vào chiến dịch “chống dịch như chống giặc” đại quy mô này bằng
cách… ở yên tại nhà, nhờ vậy có thì giờ theo dõi kỹ hơn các thông tin về dịch bệnh,
thấy được chỗ hay chỗ dở trong hành động của chính quyền, sự tích cực của đội
ngũ y tế, công an, tình cảnh khốn đốn của người dân, kể cả những chuyện thế
thái nhân tình trong thời đại loạn, và những thông tin khác nữa rất đa tạp liên
quan các vấn đề chính trị, xã hội mà các loại hình truyền thông đưa tin đôi khi
trái ngược nhau, chưa kể một số tin giả giật gân lừa đảo gây xôn xao dư luận…
Trong mớ bề bộn kể trên, một trong những sự kiện
nổi bật gây chú ý dư luận mấy ngày gần đây là việc một cô giáo ở trường đại học
Duy Tân (Đà Nẵng) vừa bị đuổi việc và sau đó phải ra chầu hầu công an vì trên lớp
học trực tuyến cô đã dám bày tỏ cảm xúc bất bình về sự thiếu trách nhiệm của
nhà cầm quyền trước tình cảnh khó khăn của hàng ngàn người dân phải tự đàn đúm
tháo chạy đến hàng ngàn cây số để trốn khỏi vùng dịch hiểm nguy về quê với hi vọng
tìm được một chỗ trú ẩn an toàn hơn trong vòng tay bảo bọc của người thân hoặc
bè bạn. Lời phê phán của
cô giáo trung thực và đầy lương tri kia, dù có thể còn vướng vài sơ suất trong
cách diễn đạt trong khi nóng nảy, đã bị một sinh viên ghi âm ghi hình lại rồi
báo cáo. Không phải nói, ai cũng có thể đoán ra được anh sinh viên kia
là thuộc thành phần nào rồi. Xem đoạn video clip tranh luận giữa cô và trò, người
nghe có cảm tưởng anh sinh viên như một bậc bề trên đang gằn giọng chầm chậm vặn
hỏi một kẻ cấp dưới bằng một thái độ cố ý trầm tĩnh, còn khoe mình đã từng được
đi du học nhiều nước trên thế giới! Phía cô giáo cũng chẳng chịu nhường, thẳng
thắn lớn tiếng bảo vệ ý kiến, biến thành một cuộc tranh luận được ghi âm mà hồi
kết là cô bị đuổi việc!
Nghe qua câu chuyện, nhiều người trước hết tỏ
nỗi bất bình vì thái độ hỗn xược của trò đối với thầy, từ đó nói qua tình trạng
xuống cấp văn hóa-giáo dục-đạo đức của xã hội Việt Nam, lên án gay gắt thái độ
của trường đại học Duy Tân. Nhưng theo tôi, trong câu chuyện cụ thể này, yếu tố
anh sinh viên nêu trên có lẽ ít quan trọng, vì anh này chắc chắn không phải
sinh viên thuần túy cầu học, hoặc ít ra cũng là một thứ tương đối cá biệt, đầu
óc vô minh, hay một loại đoàn viên đặc biệt tích cực nào đó. Thoạt đầu tôi cũng
giống mọi người, giận như muốn sôi gan, nhưng chỉ vài phút sau thì cơn giận biến
thành nỗi vui mừng: mừng cho cô giáo có được cơ hội quá tốt để thoát khỏi một
môi trường giáo dục tệ hại, và ban giám hiệu qua việc này đã bộc lộ nguyên hình
cho mọi người thấy rõ hơn bản chất xấu xa. Nếu họ không phải nhóm người bất hảo
thì cũng là một tập thể mang danh trí thức đại học nhưng hèn kém, cô giáo được
tách ra khỏi họ chẳng khác gì được giải phóng khỏi nơi nhầy nhụa, vì trường đại
học Duy Tân cũng chẳng phải nơi tử tế, trái lại nó còn là một cơ sở kinh doanh
giáo dục đáng đào đất đổ đi, đã từng phạm nhiều chuyện bê bối mà bẩn nhất là vụ
trường này hồi tháng 9.2020 đã từng bị Công an Đà Nẵng kết luận về thủ đoạn đã
dùng 900 lá thư nặc danh bôi nhọ các đồng nghiệp đại học khác trên địa bàn Đà Nẵng
trong mùa tuyển sinh đại học, cốt để thu hút sinh viên về cho trường mình!
Trong
xã hội Việt Nam vài chục năm nay, văn hóa-giáo dục xuống cấp thê thảm là điều
trông thấy rõ đến mức không cần phải mất công tranh cãi chứng minh, để được
thay thế bằng một loại tân văn hóa (văn hóa mới) của nước CHXHCNVN. Theo đó, trên tất cả mọi lĩnh vực hoạt động, người trung thực có nhiều ý
kiến phản biện bị trù dập trong các cơ quan, trường học từ lâu đã trở thành một
lẽ tự nhiên, tương tự trường hợp cô giáo trẻ tài năng Nhã Thuyên 5-6 năm về trước
ở Đại học Quốc dân Hà Nội cũng bị đuổi việc vì đã làm được một bản luận văn thạc
sĩ đầy sáng tạo về đề tài “thơ mở miệng”. Nền tân văn hóa này được
biểu thị qua thành ngữ “đấu tranh tránh đâu” hay câu ca dao bình dân “trung thực
thực thà thì thiếu thốn/ lọc lừa lèo lá lại lên lương”…, mà ai cũng thuộc nằm
lòng, thậm chí đã trở thành triết lý sống dân gian được coi là khôn ngoan đem
ra áp dụng một cách phổ biến, lâu ngày trở thành một thứ văn hóa Việt mới tạm gọi
là văn hóa vô sản, có sức áp đảo tràn lấn từ giới bình dân qua tới cả các thành
phần có học vấn cao trong xã hội. Loại văn hóa mới này vốn có gốc nguồn sâu xa
từ trong lịch sử lâu dài của người Việt, với những thói xấu đặc trưng cố hữu,
tương tự nước láng giềng Trung Quốc, nhưng nó đặc biệt phát triển nổi bật kể từ
dấu mốc lịch sử năm 1954 chiến thắng Điện Biên Phủ, thiết lập chế độ toàn trị ở
miền Bắc XHCN với những bước đi tiêu biểu cụ thể như cải cách ruộng đất, tập thể
hóa nông nghiệp, quốc hữu hóa công thương nghiệp… dưới sự hướng dẫn của chủ
nghĩa Mác-Lênin đã được giáo điều hóa trước khi du nhập và thông qua tư tưởng của
Stalin ở Nga và của Mao Chủ tịch ở Trung Quốc, mà phương tiện phổ biến để biện
minh cho nó là một nền văn học nghệ thuật minh họa giả dối, bao gồm
cả báo chí cách mạng, với bộ máy tuyên truyền đồ sộ đến nay vẫn tồn tại dưới
hình thức sự chỉ đạo thống nhất của cái gọi là Ban tuyên giáo trung ương. Từ
đây, lối sống giả dối hai mặt đã bắt đầu phát triển, đức tính trung thực thực
thà trong con người Việt Nam truyền thống tuy chưa mất hẳn nhưng đã trở thành
thiểu số, để qua giai đoạn chuyển hình lịch sử 1975, dẫn tới 1986 “đổi mới” chấp
nhận một phần kinh tế thị trường, thì bao nhiêu những tính cách tệ hại và điều
kiện tha hóa con người lại có thêm cơ hội được chắp cánh, xã hội coi lợi quyền
là tiên là phật, diễn biến nhanh thành quốc nạn tham nhũng vô phương cứu chữa,
tội ác và tệ nạn xã hội gia tăng, bất công xã hội/ hố ngăn cách giàu nghèo ngày
một thêm sâu sắc, đạo đức truyền thống xuống cấp, môi trường thiên nhiên bị hủy
hoại nghiêm trọng…, trên cái nền của một thứ chủ nghĩa xã hội (CNXH) dị dạng
(socialisme perverti), mà cách diễn đạt lịch sự gọi là CNXH thân hữu, hay khác
nữa thì gọi CNTB cuồng nhiệt, đẻ ra các nhóm lợi ích, được bảo bọc bởi một nền
luật pháp mị dân chỉ có trên giấy, kể cả trên tất cả những bản hiến pháp cũ và
mới, tính từ năm 1946 trở đi.
Xin lỗi, phải nhắc lại dài dòng một số điều cũ
rích nghe muốn nhàm tai như trên thì mới ra được vấn đề.
Khi vụ việc cô giáo vừa xảy ra, đã có vài vị
nhân sĩ trí thức kịp thời lên tiếng phê phán nặng nề trường đại học Duy Tân với
lời lẽ và cách nhìn vấn đề vô cùng xác đáng, chắc chắn sẽ đem lại cho cô giáo một
chút niềm an ủi, tương tự như trường hợp cô giáo trẻ Nhã Thuyên trước đây cũng
được không ít người công tâm bênh vực để vặc lại một số đông quan chức
hèn kém trong Bộ Giáo dục-Đào tạo và trong cái gọi là Hội đồng lý luận trung
ương. Nhưng ở đây, tôi không muốn đi sâu vào câu chuyện cô giáo, anh sinh viên
và cái tập thể BGH đáng đào đất đổ đi kia, vì anh em đã nói khá đủ rồi, mà muốn
đề cập trách nhiệm/ vai trò của phần tử trí thức nói chung và đặc biệt của giới
trí thức đại học nói riêng, đối với cuộc hưng suy của xã hội.
Không kể các trí thức nhà văn nhà báo
nhà khoa học, nếu đã là thầy giáo đại học thì đương nhiên phải được xã hội coi
là trí thức rồi, thậm chí còn là nơi tập trung của phần tử trí thức tinh hoa nữa
là khác. Đó là nơi đại diện cao nhất nền học thuật của một quốc gia, cũng là
cái nôi sản sinh ra những tư tưởng cải cách thúc đẩy tiến bộ xã hội. Nhưng xét
kỹ suốt khoảng gần nửa thế kỷ nay trong giới trí thức đại học Việt Nam, họ đã
nói, đã viết và đã làm được những gì đáng kể, để giúp cải thiện cho các tình trạng
hiện hữu, nhất là về phương diện chính trị-tư tưởng… để không còn có những cô
giáo như Nhã Thuyên, Trần Thị Thơ… bị đuổi việc vì những lý do như đã được biết?
Cũng như các hội nghề nghiệp khác, chưa từng thấy Hội nhà giáo Việt Nam, giới
giáo chức đại học có một lời tuyên bố hay kiến nghị tập thể gì liên quan những
vấn đề quốc kế dân sinh hệ trọng; thậm chí nhiều lần Trung Quốc lấn hiếp Việt
Nam ở Biển Đông trong khoảng chục năm gần đây cũng thấy họ im phăng phắc, thủ
khẩu như bình… Trái lại, cãi nhau thậm chí đấm vào mặt nhau giữa các ông tiến
sĩ, thạc sĩ, giáo sư trong hội đồng quản trị để tranh giành quyền lợi ngay
trong văn phòng một số trường đại học dân lập là hiện tượng kỳ quặc khá phổ biến
đã từng được báo chí đưa tin rộng rãi. Ở các đại học công lập thì có phần đỡ
hơn, nhưng giáo chức nói chung cũng im như thóc trước các vấn đề lớn về cải
cách chính trị-xã hội. Thảng hoặc, nếu có ai thẳng thắn phát biểu trung thực điều
gì đó trong cuộc họp hay khi đứng lớp thì trước sau cũng được hiệu trưởng mời
lên làm việc, vì BGH các trường vốn đã được tính toán cơ cấu sẵn, bầu lên là để
đóng vai trò kiểm soát đề phòng sự tự chuyển biến, tự chuyển hóa… về mặt tư tưởng,
hành vi của các nhân viên cấp dưới. Cứ như vậy, kéo dần lên trên thành một dây
hệ thống cho tới ông bộ trưởng giáo dục và cả đến cấp lớn hơn ông ta nữa. Tuy
nhiên, nếu chỉ trách riêng ông bộ trưởng thì xem ra cũng không được công bằng,
vì trong thể chế chính trị, mọi ông bộ trưởng đều không có quyền tự ý quyết định
như nhau. Các trường đại học cũng vậy, nếu không được tự trị và tự do học thuật
trên thực tế thì cũng chẳng làm gì được ngoài việc truyền thụ đơn thuần kiến thức
mà một số bộ môn đã bị làm méo mó đi vì chủ nghĩa giáo điều.
Đến đây, vấn đề đang xét đã tỏ ra dễ hiểu. Rằng
tính cách hèn kém hiểu như tội đồng lõa bằng thái độ thờ ơ với các hiện tượng
tiêu cực xã hội của giới trí thức đại học là một thực tế khó lòng phủ nhận,
nhưng nói cho công bằng chính xác thì hẳn không phải do bản chất của giới trí
thức đại học Việt Nam tự nhiên nó trở thành như vậy. Vẫn có không ít người
trung thực khí khái, ưu tư thời cuộc, nhưng nếu biểu hiện công khai sẽ bị loại
trừ dẫn tới bản thân, gia đình phải chịu đời khốn khổ. Bởi vì họ đã từng trông
thấy tấm gương tày liếp của một số bậc tiền bối như các GS Nguyễn Mạnh Tường,
Trần Đức Thảo… thời Nhân Văn Giai Phẩm (1955-1956), và của các cô giáo Nhã
Thuyên, Trần Thị Thơ… thời hiện tại, mà ít có ai đang còn làm việc lại dám đứng
ra công khai bênh vực đồng nghiệp của mình, do cũng sợ bị vạ lây mất việc theo.
Giả định, qua vụ cô giáo trường Duy Tân, nếu tập
thể giáo chức đại học trên toàn quốc có thư kiến nghị can thiệp, hoặc thậm chí
bãi khóa để phản đối cách ứng xử của đám BGH tồi tệ kia, thì tình
hình chắc chắn phải hoàn toàn chuyển khác. Nhưng giả định trước sau cũng chỉ là
giả định, vì trong điều kiện chính trị-luật pháp như hiện tại, nếu có ai phát động
làm kiến nghị tập thể chẳng hạn, chắc chắn sẽ bị quy chụp có thế lực thù địch
nào đó đứng sau lưng xúi giục, nên chẳng ai còn dám ho he. Suy ra không chỉ giới
giáo chức đại học rụt rè gà phải cáo, mà các giới nhà văn, nhà báo, nhà khoa học
cũng tương tự vậy thôi, vì trong chế độ độc tài toàn trị không có tự do dân chủ
cũng như không có một nền pháp luật minh bạch để con người và công lý được bảo
vệ. Sở dĩ có tình trạng đáng bi quan như vậy vì giới trí thức trẻ Việt Nam ngày
nay không chỉ đã bị tẩy não bằng những tư tưởng sai lạc từ khi ngồi học ở bậc
tiểu học mà còn bị tiêm nhiễm thói xấu của các bậc cha mẹ dân trong một nền
chính trị thối nát, đi cùng với một nền dân khí bệ rạc đã được cố ý tạo ra để dễ
bề cai trị, khiến con dân ai ai cũng chỉ bo bo tranh đấu cho phần quyền lợi ích
kỷ riêng của mình. Điều này có thể hiểu là nhà cầm quyền đã rất thành công
trong chính sách ngu dân và hèn hạ hóa các phần tử trí thức trong nước, bằng
cách thông qua kỹ thuật tuyên truyền và ràng buộc kinh tế, đã điều kiện hóa tư
tưởng hành vi con người dựa theo nguyên lý phản ứng có điều kiện của nhà bác học
Nga Pavlov (1849-1936/ giải Nobel năm 1904).
Rốt cuộc chỉ có hạng trí thức nô dịch mới được
trọng dụng cất nhắc lên cao, cho hưởng nhiều quyền lợi; trong số họ cũng có
không ít người tài năng và thiện chí, nhưng tài năng và thiện chí đó đã bị tha
hóa sang một hướng khác, không phải để phục vụ cho quyền lợi của nhân dân lao động,
và ngay cả điều này đôi khi chính họ cũng không tự nhận ra do luôn bị bao vây bởi
những vòng hào quang danh dự thông qua những danh hiệu mỹ miều, những tấm bằng
khen, huân chương lao động này khác. Trong khi người ta được biết, trong giai
đoạn những năm 45-60 của thế kỷ trước, giới trí thức tinh hoa không đi theo đường
lối của chính quyền cách mạng phần lớn đều bị tiêu diệt hoặc bị vô hiệu hóa bằng
nhiều thủ đoạn tinh vi khôn khéo. Người trung kiên thiện chí vì thế
ngại phát biểu thẳng thắn, nếu không xu phụ quyền lực cũng không dám treo ấn từ
quan chỉ còn cách cố giữ cho tư cách mình được tương đối trong sạch, giả dại
qua ải, không xu phụ quyền lực cũng không dám dũng cảm ăn ngay xổ thẳng, chỉ lo
làm tròn bổn phận nghề nghiệp, hi vọng có chút đóng góp, chờ tới tuổi về hưu
lãnh lương hưu để sống cho hết tuổi đời còn lại. Hạng trí thức này chiếm số khá
đông, nhận ra được hết thảy các hiện trạng chính trị-xã hội nhưng tính tình cẩn
trọng. Triết lý sống bình nhật của họ là nếu tiến được thì lo cho cả thiên hạ,
không thì chỉ lo hoàn thiện bản thân mình (đạt tắc kiêm thiện thiên hạ, cùng tắc
độc thiện kỳ thân), giữ cho được lòng tốt trong quan hệ xử kỷ tiếp vật. Họ thường
thường hiền lành dễ thương, có thể gần được. Để được yên tâm, người trí thức
trong sạch thường tự biện hộ, “ngụy tín” (tin giả) rằng trong bối cảnh lịch sử
khó khăn, lực bất tòng tâm, không thể làm theo lý tưởng được thì phải khôn khéo
biết ẩn nhẫn để có thể phục vụ cho đồng bào mình được lâu hơn nhiều hơn thay vì
nói năng ngay thẳng để bị đuổi việc sớm (nếu là nhà báo thì bị rút thẻ nhà
báo…), cho nên vì chiếm số đông, vô tình họ cũng trở thành một loại đồng lõa bất
đắc dĩ cho chính sách đi ngược lòng dân của các nhà đương cuộc. Hạng trí thức
thứ ba còn lại, từ lúc trẻ thường bị thu hút bởi những chủ thuyết hứa hẹn cứu đời,
họ khó hòa hợp với số đông, về già thường trở nên thất vọng, buồn bã, trước hiện
thực nghiệt ngã của chính trị vốn đầy tính thủ đoạn và giả trá.
Thông thường, chỉ những người trí thức hưu trí
về già rồi hoặc đã thoát được ra nước ngoài rồi mới dám cất lên tiếng nói trung
thực phản biện chính sách bênh vực quyền lợi của nhân dân, bằng cách vạch ra những
điều sai trái trong đường lối căn bản của chính quyền; một số khác, mãi đến khi
sắp nhắm mắt xuôi tay mới dám trối lại vợ con, bạn bè, học trò… mình những điều
cần nói, như có thể dẫn chứng khá nhiều vị trí thức khả kính tên tuổi, mà kẻ
bài viết này cảm thấy bất tiện hoặc không cần phải kể tên ra vì ai quan tâm thời
cuộc cũng có thể tự biết đến họ. Nhưng rất tiếc số này tính ra vẫn còn quá ít,
không trở thành lực lượng đối trọng đáng kể. Giả định (lại giả định!) những người
trí thức trẻ còn đầy nhiệt huyết chưa nghỉ hưu mà biết nêu gương đám già kể
trên để đồng loạt có thái độ phản biện trước những hiện tượng bất công, chẳng hạn
như việc bắt bớ cầm tù một số nhà hoạt động dân chủ đấu tranh trong hòa bình và
hợp hiến, hay như các vụ án Đồng Tâm, vụ án Hồ Duy Hải… thì tình hình đã có thể
chuyển khác, như thế sẽ góp phần xây dựng, vừa thúc đẩy tái lập sự công bằng xã
hội vừa giúp cho các nhà đương cuộc điều chỉnh chính sách để họ trị dân được tốt
hơn mà không bị mặc cảm tội lỗi mình là thế lực tà ác, mang lại niềm yên vui
cho tất cả mọi gia đình người dân Việt, đồng thời tạo được sức mạnh đoàn kết nhất
trí cao trong nước để đối phó hữu hiệu với bất kỳ ngoại bang nào đang đe dọa chủ
quyền dân tộc…
Đến đây, chắc có người sẽ có người bảo: Những
điều phân tích nhận định như trên đây xưa quá rồi, chẳng có gì mới, lại còn chứng
tỏ chỉ là nói suông, kiểu hoạt ngôn không thức thời vụ. Tôi nhất trí phần lớn với
loại ý kiến này, tuy nhiên vẫn bảo lưu một niềm xác tín cho rằng lớp trẻ nhiệt
huyết vẫn còn có nhiều chỗ đáng tin, không loại trừ trong số những “hạt giống đỏ”
ưu tú là con cháu các ông lớn, có học vấn và tư tưởng tiến bộ hơn các lớp cha
anh. Nếu phần lớn trí thức trẻ Việt Nam hiện nay ý thức đầy đủ sứ mệnh lịch sử
của mình dám dắt tay nhau đi cùng một hướng đấu tranh cho lý tưởng tốt đẹp họ
đã cưu mang, thì chắc chắn sẽ không có những chuyện xảy ra ở các trường đại học
dân lập như Duy Tân (Đà Nẵng), Đông Đô (Hà Nội, bán bằng giả), Tôn Đức
Thắng (TP. HCM, hiệu trưởng bị ép từ chức)…, bởi vì một số kẻ cường quyền dù thủ
đoạn cao sâu đến đâu cũng không thể tự ý tung hoành nếu không có xung quanh họ
một lực lượng trí thức đồng lõa vô tình hoặc hữu ý. Vì thế tôi chia sẻ được ý
này với nhân vật trí thức khả kính Lưu Hiểu Ba (1955-2017), một nhà đấu tranh
cho hoạt động nhân quyền chống độc tài ở Trung Quốc được giải Nobel Hòa Bình rồi
cuối cùng cũng lâm nạn, vì thể chế chính trị của Việt Nam và Trung Quốc là rập
khuôn nhau kể từ những năm 50 của thế kỷ trước dưới sự lãnh đạo độc tài trái với
thiên lý nhân tình của họ Mao gian độc: “Tôi tuyệt đối không tin rằng sự lạc hậu
của Trung Quốc là do một số vị hôn quân nào đó gây nên, mà trước hết do tất cả
mọi người, vì hệ thống do con người tạo ra. Mọi tấn bi kịch Trung Quốc đều do
chính người Trung Quốc tự biên, tự diễn, tự dàn dựng và tự hân hoan thưởng thức.
Vì vậy đừng đổ lỗi cho ai khác. Trí thức không nên đóng vai nạn nhân, một mình
Mao Trạch Đông thì không thể làm nên cuộc Cách mạng Văn hóa…”.
Người ta nói, dân nào thì chính phủ đó, điều
này có ứng hợp với ý kiến phát biểu trên đây của Lưu Hiểu Ba hay không?
TVC
12.8.2021
.
No comments:
Post a Comment