Wednesday, 25 August 2021

HOA KỲ RÚT KHỎI AFGHANISTAN và NHỮNG HỆ LỤY TỪ Á SANG ÂU (Anh Vũ - RFI / ĐIỂM BÁO)

 


Mỹ rút khỏi Afghanistan và những hệ lụy từ Á sang Âu

Anh Vũ  -  RFI / ĐIỂM BÁO

Đăng ngày: 25/08/2021 - 14:12

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20210825-m%E1%BB%B9-r%C3%BAt-kh%E1%BB%8Fi-afghanistan-v%.....BB%AB-%C3%A1-sang-%C3%A2u

 

Afghanistan vẫn là chủ đề thời sự chính của các báo Pháp ngày hôm nay với diễn biến mới: Bất chấp áp lực của các đồng minh, tổng thống Joe Biden dứt khoát rút những lính Mỹ cuối cùng ra khỏi Afghanistan ngày 31/08 tới đây, mà không cần biết chiến dịch di tản sẽ kết thúc thế nào.

 

https://s.rfi.fr/media/display/cb83207e-0268-11ec-9c89-005056bfb2b6/w:900/p:16x9/AP21232774554259.webp

Hàng rào thép gai được lực lượng đặc biệt Hoa Kỳ dựng lên để bảo đảm an ninh cho các chuyến bay di tản ở phi trường quốc tế Hamid Karzai, Kabul, Afghanistan, ngày 20/08/2021. Ảnh do Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ cung cấp. AP - Lance Cpl. Nicholas Guevara

 

Libération ghi nhận « Biden nhất quyết thổi còi chấm dứt các chiến dịch ở Afghanistan ». Trong khi Le Figaro chạy tựa chính trang nhất : « Sóng sốc từ hỗn loạn Afghanistan » cùng với nhiều bài viết cho thấy những biến động ở Afghanistan sẽ còn gây nhiều hậu quả cho Washington cũng như đồng minh.

 

Trong bài tựa đề « Joe Biden biện hộ sự hỗn loạn ở Kabul là không tránh khỏi », Le Figaro nhắc lại, hồi tháng 6 vừa qua, tổng thống Mỹ cam đoan sẽ duy trì an ninh đủ để các nước đồng minh vẫn có thể có mặt tại Kabul sau khi quân Mỹ rút đi. Giờ đây, ông Joe Biden dường như không còn giữ lời hứa. Tối hôm qua (24/08), ông Biden khẳng định hạn chót rút hết quân Mỹ vẫn là 31/08. Anh, Pháp và một số đồng minh khác của Hoa Kỳ đã kêu gọi cần phải có thêm thời gian để sơ tán nhân sự của họ. Thế nhưng một phát ngôn viên của Taliban đã cảnh cáo Hoa Kỳ vượt qua « lằn ranh đỏ » và dọa rằng việc quân Mỹ ở lại quá ngày 31/08 sẽ kéo theo các « hậu quả ».

 

Quyết định một lần nữa lại làm tổn hại thêm hình ảnh và uy tín tổng thống Biden. Tờ báo viết : « Khi lên nắm quyền, ông Biden được giới thiệu như là một tổng thống cực kỳ có năng lực, đặc biệt trong lĩnh vực đối ngoại, và như là một người thẳng thắn, đáng tin cậy, nhất là khi so sánh với người tiền nhiệm. Giờ đây Biden đang cho thấy hình ảnh và uy tín của ông bị tổn hại vì thất bại trong vụ triệt thoái khỏi Afghanistan ».

 

 

Châu Âu lại bị ám ảnh về nỗi lo tự chủ 

 

Những gì diễn ra ở Afghanistan không chỉ là thất bại của Mỹ, mà còn đặt ra những hệ lụy cho các đồng minh châu Âu : Vấn đề tự chủ.

 

Le Figaro ghi nhận : Chính quyền Afghanistan sụp đổ đột ngột từ hôm 15/08, rồi những cảnh tượng hỗn loạn kéo theo cuộc di tản kiều dân nước ngoài cùng những người Afghanistan cộng tác đã khiến các nước châu Âu không khỏi bàng hoàng. Các nước đồng minh của Hoa Kỳ như Đức, Anh hay Pháp, dù đã tiên liệu được tình hình từ lâu, nhưng vẫn thấy thất vọng về cách thức thoái lui của chính quyền Mỹ. Bộ trưởng Quốc Phòng Anh, Ben Wallace, gọi đây là « thất bại của cộng đồng quốc tế ». Tổng thống Đức, Frank-Walter Steinmeier, thì nhận định « những hình ảnh đầy tuyệt vọng ở sân bay Kabul là nỗi hổ thẹn của phương Tây ». Thủ tướng Đức Angela Merkel gọi đó là những « sự kiện cay đắng ».

 

Theo chuyên gia Benjamin Haddad về quan hệ giữa Hoa Kỳ và châu Âu, thuộc cơ quan tư vấn The Atlantic Council, được Le Figaro trích dẫn, « đây không phải là lần đầu tiên các đồng minh châu Âu của Hoa Kỳ bị đặt trước chuyện đã rồi, nhưng những biến động ở Kabul có thể là một bước ngoặt ». Tờ báo nhắc lại việc tổng thống Pháp Emmanuel Macron từ năm 2019 đã từng đánh giá NATO bị « chết não » đồng thời kêu gọi Châu Âu phát triển « tự chủ chiến lược ». Đến giờ, 27 nước Châu Âu vẫn bị chia rẽ, không thể tự quyết trong các hồ sơ quốc tế lớn. Hậu quả của khủng hoảng ở Afghanistan không chỉ ở Kabul hôm nay, mà còn có nguy cơ kéo dài sang các hồ sơ khác sát sườn với châu Âu hơn, như hồ sơ Belarus hay Ukraina liên quan đến mối quan hệ với Nga.

 

Cùng góc độ này, nhật báo Le Monde ghi nhận : « Khủng hoảng Afghanistan làm nổi bật sự cô đơn của Luân Đôn ». Theo tờ báo, thất bại của phương Tây ở Afghanistan, và nhất là lập trường của Mỹ, đang làm dấy lên những câu hỏi trong dư luận Anh. Ở Luân Đôn, truyền thông, giới chuyên gia và các quan chức chính trị những ngày qua đặt câu hỏi : Mối quan hệ đặc biệt được Luân Đôn vun đắp với Washington từ sau Thế chiến thứ hai là để làm gì ? Mối quan hệ đặc biệt mà thủ tướng Anh Boris Johnson đặt nhiều hy vọng sau Brexit này sẽ ra sao khi mà Anh phải lạy lục Nhà Trắng kéo dài thời hạn rút quân đến sau ngày 31/08 ?

 

 

Trung Quốc : Sau thái độ hí hửng là nỗi lo

 

Một hệ lụy khác của cuộc khủng hoảng Afghanistan liên quan đến Trung Quốc được Le Figaro ghi nhận trong bài mang tựa đề : « Afghanistan : Trung Quốc huênh hoang trước Đài Loan, nhưng lo lắng cho Tân Cương ».

 

Ngay sau khi Taliban trở lại nắm quyền ở Afghanistan, Trung Quốc đã nắm ngay cơ hội để tấn công Hoa Kỳ, trước tiên là trên mặt trận tuyền thông. Phát ngôn viên Ngoại Giao của Bắc Kinh, trong một cuộc họp báo, không tiếc lời chỉ trích Washington : « Mỗi lần Hoa Kỳ nhảy vào một đất nước, dù đó là Irak, Syria hay Afghanistan, thì đều dẫn đến những rối loạn, chia cắt, gia đình tan tác, người chết và còn nhiều vết thương khác ». 

 

Bắc Kinh đã tận dụng việc Mỹ rút khỏi Afghanistan như là « công cụ tuyên truyền để củng cố lập luận cho rằng Hoa Kỳ là một thế lực bành trướng suy tàn và Trung Quốc sẵn sàng thế chỗ », theo chuyên gia về quan hệ Trung Quốc - Afghanistan, Andrew Small, thuộc tổ chức German Marshll Fund. Ngoài ra, Trung Quốc còn lấy sự kiện Afghanistan như là bài học để nhắc các đồng minh của Mỹ rằng Washington có thể bỏ rơi họ bất cứ lúc nào, để ám chỉ đến Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Úc.

 

Tuy nhiên, theo Le Figaro, mặc dù hoan hỉ như thế, nhưng Trung Quốc có không ít lo lắng về việc Taliban trở lại nắm quyền ở Afghanistan.

 

Theo chuyên gia Andrew Small, « Trung Quốc sợ rằng giờ đây Afghanistan có thể được dùng làm hậu cứ cho các nhóm khủng bố từ Tân Cương ». Bắc Kinh sợ nhất là Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (Etim), một tổ chức quy tụ những người sắc tộc Duy Ngô Nhĩ từng tiến hành nhiều vụ tấn công khủng bố tại Trung Quốc trong giai đoạn 2008-2015. Những chiến binh của phong trào này từng được huấn luyện ở Afghanistan trong những năm 1990 và đã tham gia chiến đấu ở Syria bên cạnh các nhóm quân của Front al-Nosra, một nhánh của al-Qaida.

 

Mặt khác, việc Taliban trở lại nắm quyền có thể làm trỗi dậy các nhóm khủng bố ở Pakistan, Tadjikistan, Kirghistan và Kazakhstan, những quốc gia đầu mối quan trọng trong dự án « Con đường tơ lụa mới » đang được Bắc Kinh đổ rất nhiều tiền đầu tư.

 

Tuy nhiên, Le Figaro cho rằng Trung Quốc có trong tay nhiều lá bài. Từ năm 1990, Bắc Kinh đã có « quan hệ thân thiện » với Taliban. Mới đây, quan hệ này được tăng cường thêm bằng những cuộc gặp cấp cao, cùng với các thỏa thuận ngầm với Taliban. Các chuyên gia có chung nhận định « Taliban cần Trung Quốc, hy vọng được Trung Quốc ủng hộ trên trường quốc tế để tránh bị trừng phạt và nhất là để nhận được hỗ trợ tài chính từ Bắc Kinh ». Ngoài ra, Trung Quốc còn có một ảnh hưởng lớn đối với Pakistan, hy vọng có thể nhờ Islamabad can thiệp hộ với Taliban trong việc ngăn chặn, kiểm soát các nhóm nổi dậy người Duy Ngô Nhĩ. Nhưng sẽ là ảo tưởng khi chờ đợi Taliban trục xuất các nhóm như vậy ra khỏi Afghanistan, như nhận định của nhiều chuyên gia.

 

 

Kamala Harris tới châu Á củng cố niềm tin vào Mỹ

 

Vẫn liên quan đến Mỹ và châu Á, Les Echos dành sự chú ý tới chuyến công du của phó tổng thống Mỹ Kamama Harris tới 2 quốc gia Đông Nam Á, Singapore và Việt Nam, từ ngày 23/08 đến ngày 26/08.

 

Nhật báo kinh tế ghi nhận qua tựa bài viết : « Hoa Kỳ gia tăng nỗ lực để các đồng minh châu Á yên tâm ». Les Echos nhận định : « Giữa cuộc rút lui hỗn loạn tại Afghanistan, bà Kamala Harris muốn trấn an các đồng minh của Washington đang có những thắc mắc về tính chất lâu dài của cam kết Mỹ trong vùng châu Á và họ đang có cảm giác bị bỏ rơi dưới thời Donald Trump ».

 

Theo Les Echos, trong khi các căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh không hề giảm đi chút nào từ khi ông Joe Biden vào Nhà Trắng, chuyến công du của phó tổng thống Harris nhằm « tăng cường đối trọng với những ý đồ bá quyền của Bắc Kinh trong vùng, đặc biệt trong khu vực Biển Đông, nơi các nước như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan đều ít nhiều đang cảm thấy bị đe dọa » từ Trung Quốc.

 

Tại Singapore, phó tổng thống Mỹ liên tiếp có các tuyên bố nhắm vào Trung Quốc như : « Bắc Kinh tiếp tục gây sức ép, hăm dọa và đòi hỏi chủ quyền phần lớn Biển Đông. Những hành động của Bắc Kinh phá hoại trật tự quốc tế dựa trên luật pháp và đe dọa chủ quyền của các quốc gia ».

 

Đặc biệt, bà Kamala Harris hứa hẹn : « Hoa Kỳ đoàn kết với các đồng minh và đối tác của mình trước những đe dọa đó ». Tuyên bố trấn an này được đưa ra khi mà các đồng minh và đối tác của Mỹ đang có những hoài nghi từ thực tế diễn ra ở Afghanistan. Nhưng theo Les Echos, những hoài nghi đó không phải bây giờ mới có. Từ thời chính quyền tiền nhiệm của Joe Biden, dù kêu gọi mặt trận chung chống Trung Quốc, tổng thống Donald Trump lại luôn vắng mặt trong các hoạt động ngoại giao và chính trị trong vùng. Từ năm 2018, ông Donald Trump đã bỏ hầu hết các cuộc gặp thượng đỉnh của vùng châu Á. Dù Hải quân Mỹ tiếp tục hiện diện trong vùng, sự vắng mặt của tổng thống Mỹ ở các diễn đàn lớn khu vực không khỏi gây hoài nghi, Les Echos nhận định.

 

·          

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

.

Afghanistan : Từ thất bại của « state building » đến cuộc di tản hỗn loạn

.

Di tản khỏi Afghanistan: Phương Tây chạy đua với thời gian

.

Việt Nam, thất bại của Mỹ nhưng Afghanistan là thảm bại của Joe Biden

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats