Wednesday, 24 June 2020

TIN NỔI BẬT TRONG NGÀY 24/06/2020 (Nguyễn Hoàng Việt)




Nguyễn Hoàng Việt
Tác giả gửi tới Dân Luận
24/06/2020

Tác giả “Lê Văn Đoành” có bài viết “Vì sao Bạch Ngọc Chiến, con rể ông Phạm Quang Nghị xin nghỉ việc”

Bạch Ngọc Chiến, sinh ngày 20/10/1971, tại Mộ Lao, Hà Đông, Hà Nội. Chiến tốt nghiệp Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội năm 1994, được tuyển dụng vào Bộ Ngoại giao năm 1997.

Bạch Ngọc Chiến là cái tên được chú ý, bởi ông ta là chồng của Phạm Thị Phương Bình, con gái lớn của ông Phạm Quang Nghị, cựu Uỷ viên Bộ Chính trị khoá X và XI, cựu Bí thư Thành uỷ Hà Nội, từng được xem là ứng viên sáng giá cho vị trí Tổng Bí thư khoá XII.

Giai đoạn 2002-2005, Bạch Ngọc Chiến là tùy viên báo chí của Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ. Năm 2007, Chiến chuyển sang đài Truyền hình Việt Nam và giữ chức vụ Trưởng Ban Truyền hình đối ngoại.

Tháng 3/2014, “hạt giống đỏ” Bạch Ngọc Chiến là một trong 44 cán bộ được Ban chấp hành Trung ương Đảng luân chuyển công tác về địa phương để quy hoạch lên cao hơn. Ông Chiến được chỉ định tham gia BCH tỉnh uỷ Nam Định khoá 2010-2015 và giữ Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định nhiệm kỳ 2011-2016.

Năm 2015, tại đại hội đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020, Bạch Ngọc Chiến chỉ dừng chân ở BCH tỉnh uỷ, không lọt vào được Ban Thường vụ (BTV) tỉnh uỷ, đồng nghĩa với “giấc mơ” vào Ủy viên Trung ương dự khuyết cũng tan thành mây khói.

Tháng 7/2019, Bạch Ngọc Chiến, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định được điều động, chỉ định tham gia làm ủy viên Đảng đoàn Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, giữ chức vụ Phó Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức Hữu nghị Việt Nam (VUFO).

Từ chỗ nằm trong đề án “Cán bộ cấp chiến lược”, Bạch Ngọc Chiến đã bị loại ra, không có tên trong danh sách quy hoạch BCH Trung ương khoá XIII. Đồng nghĩa với việc, hoạn lộ của Bạch Ngọc Chiến đã dừng lại.

Năm xưa, dư luận xầm xì vụ luân chuyển Bạch Ngọc Chiến về Nam Định, Ủy viên Bộ chính trị Phạm Quang Nghị đã vẽ một tương lai rộng mở cho chàng con rể. Ông tin chắc với uy lực của mình, Chiến sẽ vào BTV tỉnh uỷ, trúng cử Ủy viên dự khuyết khoá XII. Sau đó Chiến sẽ ngược trở ra làm Phó Tổng giám đốc Đài truyền hình Viêt Nam và sẽ vào Ủy viên Trung ương khoá XIII, nhiệm kỳ 2016-2021…

Người tính không bằng Trời tính. Gieo “nhân” thì gặt “quả”. Trước thềm đại hội XI của Đảng, ông Phạm Quang Nghị được cho câu kết với đồng hương Thanh Hoá là ông Tô Huy Rứa, dựng lên vụ “Tâm linh Đàn xã tắc”, kéo cả “tiều phu” Nông Đức Mạnh liên thủ tấn công ông Hồ Đức Việt.

Những cuộc phê bình nảy lửa trong các cuộc họp Bộ Chính trị đã đưa ông Hồ Đức Việt, niềm tin và hy vọng của người dân xứ Nghệ, từ ứng viên số 1 vị trí Tổng Bí thư, đến bị loại ra khỏi cuộc đua quyền lực tại Đại hội XI vào tháng 1/2011. Đau buồn, chán nản, ông Hồ Đức Việt phát bệnh và mất hai năm sau đó, tháng 5/2013. Sau vụ việc này, mâu thuẫn, đố kỵ vùng miền trong chốn quan trường, giữa Thanh Hoá và xứ Nghệ (Nghệ An-Hà Tĩnh) đã lên đỉnh điểm.

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII (1/2016) các Ủy viên Trung ương Đảng “phe xứ Nghệ” lên tới gần 30 người, Nghệ An có 14, Hà Tĩnh có 16 người, nắm vai trò chủ chốt trong Chính phủ có 5 người, trong Quốc Hội gần 10 người, áp đảo hoàn toàn “phe cánh Thanh Hoá”. Vì vậy, các đàn em và “đồ đệ” của ông Phạm Quang Nghị chắc chắn có cái để lo.

Cựu Bí thư thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị có 3 con. Ngoài con gái cả Phạm Thị Phương Bình, vợ của Bạch Ngọc Chiến, có cô con gái kế là Phạm Thị Phương Minh và con trai út Phạm Quang Thanh. Cô Phạm Thị Phương Minh là vợ của Nguyễn Văn Dương, còn gọi là Dương “phò mã”.

Tháng 4/2019, Thành ủy Hà Nội đã điều động Phạm Quang Thanh, sinh 1981, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Hà Nội, về tham gia Ban chấp hành, Ban Thường vụ Huyện ủy Sóc Sơn, đồng thời đảm nhiệm chức vụ Phó bí thư Huyện ủy Sóc Sơn, nhiệm kỳ 2015-2020. Mặc dù Trung ương đưa vào “danh sách quy hoạch”, nhưng với “ân oán giang hồ” mà bố Nghị gây ra, con đường vào Ủy viên dự khuyết Trung ương khoá XIII của Phạm Quanh Thanh sẽ không dễ dàng gì.

Còn con rể Nguyễn Văn Dương, từng làm chủ tịch HĐQT công ty “bình phong” công nghệ CNC, cùng với Phan Sào Nam, vốn là ông trùm tổ chức đường dây đánh bạc ngàn tỷ qua mạng, bị bắt và xét xử năm 2018. Dư luận đồn đoán, Dương chỉ nhận bản án 10 năm tù giam cho hai tội danh “tổ chức đánh bạc” và “rửa tiền”, được miễn truy cứu tội danh “đưa hối lộ”, có khung hình phạt lên đến chung thân hoặc tử hình, là có sự can thiệp của… bố vợ.

Quay lại câu chuyện Bạch Ngọc Chiến. Khi được điều về VUFO, ông Chiến nhận thức và xác định rõ mình đã bị chặn lối đi. Khi mọi cánh cửa gần như đã khép lại với mình, ông Chiến làm đơn xin thôi việc, gởi cơ quan lãnh đạo Đảng và Chính phủ. Dù được hứa hẹn, thuyết phục ở lại, nhưng ông Chiến vẫn khước từ. Báo chí quốc doanh đồng loạt đưa tin, ngày 1/7/2020, Bạch Ngọc Chiến sẽ thôi công chức, ra ngoài làm kinh tế tư nhân.

Ở Việt Nam, con cháu của các lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước thường có hai con đường để làm giàu: Một là làm quan để vơ vét, hai là cậy thế, cậy quyền lợi dụng, thậm chí lũng đoạn chính sách để làm giàu, “bóp cổ” dân và “hút máu” ngân sách. Đã có nhiều trường hợp con của “tứ trụ” không theo quan trường, mà chỉ làm kinh tế tư nhân. Tất nhiên là họ trở thành người giàu, rất giàu là đằng khác, như Lê Kiên Thành con trai ông Lê Duẩn, Phan Thanh Nam và Võ Hiếu Dân con ông Võ Văn Kiệt, Phan Hoàn Ty con trai Phan Văn Khải, Nguyễn Thanh Phượng con gái ông Nguyễn Tấn Dũng… là các “gương mặt điển hình”.

Vì vậy, đừng “lo bò trắng răng” cho trường hợp Bạch Ngọc Chiến. Biết đâu vài năm nữa, một “tư bản đỏ” Bạch Ngọc Chiến sẽ ghi tên mình vào danh sách tỷ phú Việt Nam.

.
Chế độ cộng sản toàn trị “CHỐNG GIẶC BẰNG CỜ - CHỐNG DÂN BẰNG TAR-21” được “Phạm Minh Vũ” chia sẻ:

Nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Dân quân tự vệ ngày 28-03 vừa qua, bên cạnh hình ảnh vẫn là những loại vũ khí, công cụ hỗ trợ thường thấy như dùi cui, lá chắn, giáp, súng bắn đạn cao su khi lực lượng này biểu dương, thì năm nay, một loại vũ khí đặc biệt được lực lược này phô trương là súng trường tấn công Tar-21.

Tar-21 là súng trường mạnh nhất mà quân đội Việt Nam đang sở hữu. Nó chỉ được trang bị cho một số đơn vị đặc biệt trong đó Hải quân đánh bộ, vì hiện đại và đắt đỏ nên quân đội VN chưa sử dụng rộng rãi.

Dân quân tự vệ ra đời trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, và nó phát triển để phù hợp trong tình hình quốc gia bị xâm lược tấn công bởi kẻ thù bên ngoài. Thì DQTV được trang bị vũ khí chiến lược chống lại kẻ thù rất phù hợp.

Chiến tranh đã lùi xa, Việt Nam trong thái bình, đúng ra lực lượng này nên chấm dứt sứ mạng của nó, nhưng đảng cộng sản đã sử dụng nó như một công cụ trấn áp trong các cuộc biểu tình Nhân dân. Để thị uy sức mạnh chế độ, và cho lực lượng này lấy le với dân, nhà cầm quyền sử dụng như chân sai vặt, đi làm điều khiển giao thông, đi dọn vỉa hè, dẹp lòng đường để cướp bóc của dân buôn bán hàng rong.

Hình ảnh súng Tar-21 này là thông điệp rất rõ của nhà cầm quyền gửi tới toàn dân VN rằng: đây là món quà đảng sẽ gửi nếu ai dám đi ngược lại quyền lợi của đảng. Một thông điệp đầy múi máu và thuốc súng trong ngày kỷ niệm lực lượng này hồi cuối tháng 3 năm nay.

Trong khi hàng năm ngư dân VN ra khơi để khẳng định chủ quyền theo lời gọi của đảng, hàng trăm vụ tàu của ngư dân VN bị Trung quốc đâm làm chìm, cướp bóc, đánh đập tài sản mà đảng chỉ quan ngại. Đảng chỉ biết tặng cờ cho họ tiếp tục ra khơi trước họng súng của kẻ thù luôn rình rập, như lũ sói hoang muốn ăn tươi nuốt sống ngư dân, trung cộng cướp đảo, chiếm biển VN mà đảng luôn gọi bằng đồng chí, bạn tốt. Thứ để đảng cộng sản chống kẻ thù xâm lược nước ta duy nhất là cờ máu và tình hữu nghị.

Còn trong bờ, quan chức cướp đất, bán biển, phá hoại môi trường sống thì chúng bao che nhau, Nhân dân bao lâu nay thể hiện thái độ ôn hòa, xuống đường thì đảng luôn dùng bạo lực tra tấn, đàn áp đến đổ máu. Còn bây giờ đảng chẳng ngần ngại đem Tar-21 ra để đe dọa.

Sứ mệnh bảo vệ chủ quyền, thì quân đội VN không được trang bị vũ khí hiện đại như Tar-21, còn chống dân thì trang bị tận răng.

Nếu nói chế độ cộng sản ác với dân hèn với giặc vẫn chưa đúng, ví như TQ cũng là cs nhưng lãnh thổ ngày càng mở rộng hơn không hề mất một mét đất nào, tuy ác với dân nhưng không hèn với giặc.

Câu đó chỉ đúng với CSVN, một chế độ mà 4 ngàn năm lịch sử VN chưa bao giờ tồn tại mô hình cầm quyền kiểu này.

Thắng nhân dân, phải chăng là chiến thắng oanh liệt nhất của đảng?

.
Việt Nam tiếp tục vi phạm nhân quyền khi tiếp tục bắt giữ những nhà hoạt động cho dân chủ, nhân quyền. Fanpage “Việt Tân” cho biết “CÔNG AN PHÁ CỬA NHÀ BẮT ANH TRỊNH BÁ PHƯƠNG VÀ CÔ CẤN THỊ THÊU":
Trước khi bị bắt anh Trịnh Bá Phương đã quay video báo tin có rất nhiều công an vây nhà anh tại Dương Nội. Có cả công an mặc thường phục lẫn công an mặc sắc phục, cùng nhiều lực lượng khác. Có cả người mặc sắc phục viện kiểm sát. Anh Trịnh Bá Phương quay video được khoảng hơn 6 phút thì công an đã cắt khoá cửa sắt xông vào nhà bắt người anh Trịnh Bá Phương và cô Cấn Thị Thêu. Chị Nguyễn Thị Tâm cũng đã bị Công an bắt khi đang trên đường đi chợ. Vợ anh Trịnh Bá Phương vừa mới sanh con được 3 ngày. Trong những ngày qua công an luôn theo dõi anh Trịnh Bá Phương. Theo em gái của Trịnh Bá Phương là chị Bao An cho biết chị không liên lạc được với em trai là Trịnh Bá Tư và bố là Trịnh Bá Khiêm. Người quen cho biết hiện tại bọn công an đang bao vây rất đông căn nhà ở trên Hoà Bình. Rất có thể AnhTrịnh Bá Tư và ông Trịnh Bá Khiêm đã bị bắt đi.

.
Theo “Dự Án Đại Ký Sự Biển Đông”, Bản tin Số 27 về Biển Đông có những nội dung đáng chú ý về Trung Quốc như sau:
Repsol chuyển nhượng lại ba lô dầu khí cho Việt Nam vì sức ép của Trung Quốc

Tập đoàn dầu khí Repsol của Tây Ban Nha đã ký kết một thoả thuận với PetroVietnam nhằm chuyển nhượng lợi ích trong ba lô dầu khí nằm trong vùng biển
Việt Nam do sức ép suốt thời gian qua từ phía Trung Quốc. Một trong ba lô là Cá Rồng Đỏ.

Cụ thể, 51,75% cổ phần của Repsol tại lô 07/03 PSC và 40% cổ phần tại lô 135-136/03 PSC sẽ được chuyển giao cho PetroVietnam.

Bằng cách này, Repsol sẽ có thể cởi bỏ được xung đột với PetroVietnam về tình trạng của các lô dầu khí trên, và giảm sự hiện diện của mình ở Việt Nam, quốc gia được Repsol cho là có độ rủi ro cao do các xung đột về lãnh thổ ở Biển Đông.

Trong hai năm 2017 và 2018, PetroVietnam đã yêu cầu Repsol ngừng tiến hành các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí tại các lô trên do sức ép từ phía Trung Quốc.

.
Hải Dương Địa Chất 4, Lô 06.1, và tàu khoan Noble Clyde Boudreaux

Như chúng tôi đã thông tin trong những bản tin trước, tàu khoan Noble Clyde Boudreaux được Rosnef Việt Nam thuê để tiến hành khoan thẩm lượng ở mỏ Phong Lan Dại tại lô 06.1, tại cùng vị trí mà năm ngoái giàn khoan Hakuryu-5 đã khoan thăm dò trong áp lực của tàu hải cảnh, tàu Hải Dương Địa Chất 8 và máy bay ném bom của Trung Quốc.

Theo kế hoạch, chiến dịch khoan được dự định vào đầu tháng 6. Nhưng tàu khoan Noble Clyde Boudreaux đã phải neo đậu ở Vũng Tàu cho tới nay vì còn phải chờ quyết định từ lãnh đạo Việt Nam trước sức ép từ Trung Quốc, theo thông tin mà nhiều nhà nghiên cứu nhận được.

Cũng xin tiết lộ một chi tiết rằng giới học giả Trung Quốc đã biết thông tin về kế hoạch khoan ở phía Việt Nam trước khi cộng đồng người Việt nói chung biết, và họ đã theo dõi chặt chẽ sự chuyển động của tàu khoan Noble Clyde Boudreaux kể từ khi nó di chuyển từ Myanmar đến neo đậu ở Vũng Tàu.

Và có lẽ như để củng cố áp lực, ngày 10/6, Trung Quốc đã cho triển khai tàu Hải Dương Địa Chất 4.

Hải Dương 4 (Hai Yang Shi Hao hoặc Hai Yang Di Zhi 4 Hao) là tàu khảo sát hải dương của nhà nước Trung Quốc, kích thước 104 x 14m, tải trọng 2086 tấn, có thể hoạt động trên biển liên tục đến 60 ngày. Tàu xuất phát từ Quảng Châu ngày 10/6. Ngày 13/6, tàu hiện diện ở phía đông Đá Chữ Thập.

Thời điểm tàu Hải Dương 4 vào gần bờ biển Việt Nam nhất. Ảnh: Đức Tâm/Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.

Từ ngày 13 đến 18/6, Hải Dương 4 đã tiến sâu vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở khu vực phía tây đến tây nam đá Chữ Thập, cách đảo Phú Quý từ 120 đến 220 hải lý. Tàu thường duy trì tốc độ thấp (thường từ 1,5 hải lý/giờ trở xuống) ngoại trừ một số thời điểm thay đổi khu vực hoạt động, tàu di chuyển với tốc độ cao (khoảng 15 hải lý/giờ). Sẽ cần phải có thêm thông tin để suy đoán hoạt động cụ thể của tàu Hải Dương 4.

Từ 23h35 ngày 18/6 không bắt được tín hiệu AIS của tàu. Đến 18h46 ngày 19/6, Hải Dương 4 đã có tín hiệu trở lại khi đang di chuyển theo hướng xa vùng biển Việt Nam, cách xa vị trí trước đó 13 tiếng khoảng 62 hải lý, cách đảo Phú Quý khoảng hơn 200 hải lý, với tốc độ từ 0,7 đến 2,5 hải lý/ giờ. Đến 19h37’, tàu cách Phú Quý 202 hải lý, cách Đá Chữ Thập 45 hải lý.

Sự di chuyển ra xa hơn vùng biển Việt Nam của tàu Hải Dương 4 tối ngày 19/6 cũng trùng hợp với một số nguồn đăng tin trong cùng ngày cho biết kế hoạch khoan thẩm lượng tại mỏ Phong Lan Dại đã chính thức bị đình lại, giàn khoan Noble Clyde Boudreaux, neo đậu ở Vũng Tàu từ ngày 30/4 tới nay, đã được trả lại cho chủ giàn.
...
Hiện tàu khoan Noble Clyde Boudreaux vẫn đang neo đậu tại Vũng Tàu. Tàu tới Vũng Tàu từ ngày 30/4 sau khi kết thúc nhiệm vụ ở Myanmar, dự định đã được triển khai ra mỏ Phong Lan Dại từ đầu tháng 6 nhưng sau đó đã phải trì hoãn để chờ quyết định cho phép. Tới nay đã gần 3 tuần bị trễ so với kế hoạch, với giá thuê tàu được tính theo từng ngày (giá bên Myanmar là 135.000 USD/ngày). Nếu thông tin Noble Clyde Boudreaux không được cấp phép hoạt động và đã được trả lại cho chủ giàn là chính xác thì dự kiến một thời gian ngắn nữa, tàu khoan sẽ rời khỏi Việt Nam mà chưa được một ngày hoạt động.

Trong thời gian này, nhóm theo dõi AIS còn phát hiện tàu khảo sát hải dương Hướng Dương Hồng (Xiang Yang Hong) 14 trọng tải 3141 tấn của Trung Quốc thả trôi tại đá Chữ Thập từ ngày 11/6/2020. Chưa rõ mục đích hoạt động của Hướng Dương Hồng 14.

.
Tiêm kích Trung Quốc xâm phạm vùng nhận diện phòng không của Đài Loan

Cơ quan phòng vệ Đài Loan hôm 15/6 cho biết đã phát đi cảnh báo vô tuyến khi phát hiện tiêm kích J-10 của Trung Quốc tiến vào vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở phía tây nam hòn đảo. Đài Loan sau đó đã triển khai chiến đấu cơ để xua đuổi.

Đây là lần thứ ba trong một tuần qua các tiêm kích Trung Quốc xâm nhập ADIZ của Đài Loan. Hôm 9/6, cơ quan phòng vệ của hòn đảo cũng phải triển khai chiến đấu cơ để xua đuổi một số tiêm kích Su-30 của Bắc Kinh. Ba ngày sau, Đài Loan tiếp tục phải điều tiêm kích để ngăn máy bay vận tải Thiểm Tây (Shaanxi) Y-8 của Trung Quốc xâm nhập.

Cho tới thứ tư (17/6), một máy bay chiến đấu J-10, và một máy bay giám sát Y-8 của Trung Quốc đã bay vào khu vực nhận dạng phòng không của Đài Loan vào khoảng giữa trưa. Đây là cuộc chạm trán thứ 4 trong 9 ngày qua. Các máy bay chiến đấu tuần tra của Đài Loan đã gửi cảnh báo bằng lời để yêu cầu máy bay Trung Quốc rời đi và máy bay Trung Quốc đã rời khỏi khu vực nhận dạng phòng không của Đài Loan ngay lập tức, không quân Đài loan cho biết trong một tuyên bố.

Thứ sáu (19/6), máy bay Trung Quốc tiếp tục tiếp cận không phận Đài Loan. Không quân Đài Loan cho biết máy bay J-10 xuất hiện nhưng không nói rõ là có bao nhiêu chiếc đã xâm phạm vùng ADIZ.

.
Hải cảnh Trung Quốc hoạt động với số ngày kỷ lục xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư

Một tàu cảnh sát biển Nhật Bản đã theo dõi 4 tàu hải cảnh Trung Quốc khi chúng đang hoạt động tại vùng biển gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư vào ngày 17/6.
Các tàu Trung Quốc đã hoạt động liên tục tại đây kể từ ngày 14/4 và tính đến nay đã là tổng cộng 65 ngày, một con số kỷ lục. Con số trước đây là 64 ngày kéo dài thứ tháng 4 đến tháng 6 năm ngoái.

Trong năm 2019, có tổng cộng 1097 tàu Trung Quốc hoạt động trong vòng hơn 282 ngày tại khu vực xung quanh quần đảo, xác lập kỷ lục mới về tổng số tàu lẫn số ngày hoạt động. Trong cùng năm, có 126 tàu xâm phạm vùng biển chủ quyền của Nhật Bản trong 32 ngày, cao thứ hai từ năm 2013. Trong 6 tháng đầu năm 2020, có 532 lượt tàu Trung Quốc hoạt động xung quanh Senkaku/Điếu Ngư với thời gian là 159 ngày.






No comments:

Post a Comment

View My Stats