Ian Bùi dịch
08/06/2020
Lời
dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W.
Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George
Floyd.
*
Con Đường Tốt Hơn
Laura và tôi đau lòng hết
sức khi nhìn cảnh George Floyd bị chèn cổ một cách dã man, cũng như rất buồn
khi thấy sự bất công và nỗi sợ hãi đang làm cả nước muốn ngộp thở. Nhưng mấy
hôm nay chúng tôi vẫn cố không nói gì vì đây không phải lúc để lên tiếng dạy đời.
Đây là lúc để lắng nghe. Đây là lúc để nước Mỹ xét lại những điều sai quấy của
mình — và qua đó ta cũng sẽ nhìn ra sức mạnh cứu chuộc cho dân tộc.
Quả là một sự thất bại
khi vô số công dân Mỹ gốc Phi, nhất là những người trẻ, tiếp tục bị quấy nhiễu
và đe doạ đến tính mạng ngay trên quê hương của họ. Nhưng cũng là sức mạnh khi
người biểu tình được các lực lượng cảnh sát có trách nhiệm bảo vệ để họ có thể
xuống đường đòi hỏi một ngày mai tươi sáng hơn.
Bi kịch này — với một chuỗi
dài những bi kịch tương tự, đề ra một câu hỏi mà lâu nay không ai muốn trả lời:
Làm sao để chấm dứt sự kỳ thị có hệ thống ở Mỹ? Cách duy nhất chúng ta có thể nhìn thấy chính
mình trong ánh sáng của sự thật là lắng nghe tiếng kêu van của những người đang
đau khổ. Những kẻ muốn bóp nghẹt tiếng kêu đó không hiểu nước Mỹ là gì, hoặc bằng
cách nào nước Mỹ có thể trở nên tốt hơn.
Ảnh trái: Người da
đen xuống đường đòi quyền bình đẳng tại Washington, D.C. tháng 8 năm 1963; Phải:
Dân Mỹ biểu tình ở New York City đòi công lý tháng 6, 2020. Nguồn: Hulton
Archive; David Delgado
Thử thách lớn nhất của Hiệp
Chúng Quốc Hoa Kỳ là làm sao kết hợp những con người có nguồn gốc vô cùng khác
nhau thành một đất nước của công lý và cơ hội. Những giáo điều và thói quen về
sự thượng đẳng của giống dân da trắng mà đã một lần suýt xé đôi đất nước vẫn
còn đang đe doạ quốc gia chúng ta. Câu trả lời cho vấn nạn của nước Mỹ nằm
trong cách ta ăn ở sao cho đúng với lý tưởng đã tạo nên đất nước này — tất cả mọi
người sinh ra đều bình đẳng và được thượng đế ban cho những quyền căn bản.
Chúng ta dễ quên rằng đó là những tư tưởng cực kỳ cấp tiến, và những nguyên lý
căn bản mà ta trân quý luôn luôn thách thức các cơ chế bất công dù do cố ý hay
mặc nhiên.
Những người hùng xưa nay
của nước Mỹ — từ Frederick Douglass đến Harriet Tubman, từ Abraham Lincoln đến
Martin Luther King Jr. — đều là những vị anh hùng của sự đoàn kết. Thiên chức của
họ không dành cho kẻ yếu tim. Họ có khả năng làm lộ diện sự kỳ thị và bóc lột —
những vết nhơ của dân tộc mà đôi khi không dễ cho cộng đồng đa số bình tâm suy
xét. Chúng ta chỉ có thể nhìn ra nhu cầu của đất nước qua cặp mắt của người bị
đe doạ, áp bức và bỏ rơi.
Trước đài tưởng niệm
Lincoln Memorial ở Washington, D.C. ngày 6/6/2020. Nguồn: Tyrone Turner/ W
Giờ đây chúng ta đang đứng
trước một câu hỏi lớn. Có rất nhiều người hoài nghi nền công lý của nước Mỹ. Và
họ có lý do. Người da đen thấy quyền con người của họ cứ bị vi phạm liên miên,
trong khi các cơ quan nhà nước thì phản ứng hết sức chậm chạp hoặc không đi tới
đâu.
Ai cũng biết một nền công
lý bền vững chỉ đạt được bằng những phương tiện ôn hoà. Hôi của không là giải
phóng; tàn phá không phải là tiến bộ. Nhưng ta biết muốn có yên bình dài lâu phải
có sự công bằng tương xứng. Chế độ pháp trị cần đặt trên nền tảng của sự bình đẳng
và chính danh của nhà cầm quyền; công lý cho tất cả là trách nhiệm của tất cả mọi
người.
Nó sẽ đòi hỏi một nỗ lực
bền bỉ, dũng cảm và sáng tạo. Khi ta hiểu được kinh nghiệm sống của người khác,
ta sẽ dễ giúp họ hơn. Muốn thương người như thể thương thân ta phải đối xử với
người khác bình đẳng. Chúng ta có một con đường tốt hơn — con đường của sự đồng
cảm, của giao ước sẻ chia, của hành động can đảm, và của sự bình yên dựa trên
công lý. Tôi tin rằng người Mỹ chúng ta sẽ cùng nhau chọn con đường tốt hơn ấy.
Một cậu bé đọc diễn
văn trong một cuộc xuống đường tổ chức cho trẻ em ngày 6/6/2020 tại Manhattan
Beach. Nguồn: Danielle Segura
No comments:
Post a Comment