Wednesday, 17 June 2020

NGUỒN GỐC NHỮNG BẢN TIN 'FAKE NEWS' LAN TRUYỀN TRONG CỘNG ĐỒNG VIỆT (Mai Phi Long / Người Việt)




Mai Phi Long/Người Việt
June 17, 2020

WESTMINSTER, California (NV) – Các phương tiện truyền thông xã hội, như Facebook hay Youtube, phát triển mạnh đưa con người gần nhau hơn. Nhưng, cái hại đi kèm vào kỹ thuật tân tiến là tình trạng đưa thông tin sai lạc, bóp méo và xuyên tạc sự thật, bùng phát kể từ cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ năm 2016, đẩy con người vào chỗ loạn kiến thức đi đến tình trạng đảo điên và chia rẽ.

Bài viết này là một nỗ lực tìm cách xác minh nguồn gốc của một vài bản tin giựt gân và gây tranh cãi.

Tin số một:Cảnh sát Chicago xác nhận DHS Việt hôi của bị chủ bắn gục tại King Nail & Spa”
Bản tin này, có link nguồn từ trang Tin Tức Việt Nam 360, nhưng trên giao diện lại để tên trang là “tin tức Thanh Niên online.”
Người viết ký tên là An Nhiên.


Bản tin này bắt đầu với những dòng như sau:
Trích: “Một nhóm tên cướp giả danh người biểu tình đập phá một tiệm Nail ở thành phố ở thành phố Chicago tiểu bang Illinois đã bị bắn trúng lưng nhưng không chết, vì “lỡ dại” đập phá đồ đạc của chủ tiệm King Nail & Spa.”
“Vào sáng ngày 4/6, Johny Phạm phát hiện nhóm hơn 30 người giả danh người biểu tình ban đầu ném đá đồ đạc gây vỡ kính tiệm King Nail & Spa của ông liền rút súng bắn tới tấp, trúng lưng một tên, nhưng bọn chúng đã bỏ chạy thoát, theo hãng tin AP.” (Ngưng trích)

Một tên cướp, theo bản tin này tường thuật, tên là Kaity Vo, là một du học sinh sống tại Seattle, Washington, bị bạn dụ dỗ, đi theo những người da đen lợi dụng biểu tình để cướp phá ở thành phố Chicago, vì đang túng thiếu do tình hình dịch bệnh không có việc làm.

Bản tin này được nhiều người Việt dùng Facebook chuyền đi, gây một tâm lý chống người biểu tình và các du học sinh Việt Nam.

Thực hư, bản tin này ra sao?

Theo lời tường thuật bản tin này có nguồn từ hãng thông tấn AP, nhưng phóng viên Người Việt, truy tìm trong trang tin của hãng này thì không có dấu vết.

Kế đến, theo trong bản tin trên, tiệm làm móng này có tên King Nail & Spa tại thành phố Chicago, Illinois.

Hình được cho là cảnh bên trong tiệm nail bị đập phá tương ứng với bài báo. (Hình chụp qua màn ảnh)

Bản tin này có đưa hai tấm hình, một tấm là mặt tiền tiệm nail và tấm còn lại là cảnh bên trong tiệm nail bị đập phá.

Phóng viên Người Việt tìm trên Google Map, cả thành phố Chicago, chỉ có một tiệm tên King’s Nails, và hình ảnh cửa tiệm này hoàn toàn khác cửa tiệm đăng trên Tin Tức Việt Nam 360.

Ở Chicago chỉ có một tiệm này, có tên King’s Nails. (Hình Google Map)

Truy tìm rồi cũng ra, hình ảnh mặt tiền tiệm nail mà trang Tin Tức Việt Nam 360 dùng, lại là hình ảnh một tiệm nail bị cướp tại thành phố Phoenix, tiểu bang Arizona, vào Tháng Sáu, 2019.

Dùng hình ảnh một tiệm nail bị cướp tại thành phố Phoenix, tiểu bang Arizona, vào Tháng Sáu, 2019

Còn hình ảnh bên trong tiệm nail bị cướp là hình ảnh được đăng trên tờ Người Việt, nói về một tiệm nail ở Los Angeles bị đập phá (link: https://www.nguoi-viet.com/little-saigon/tiem-nail-nha-hang-cua-nguoi-viet-bi-dap-pha-dot-chay-vi-bieu-tinh-bao-dong/)

Kỹ thuật lừa độc giả được dùng một cách khéo léo.

- Nguồn và hình của tin thì được viết là AP, một hãng thông tấn uy tín, tầm cỡ quốc tế.

- Dùng sự kiện biểu tình và tình cảnh đập phá hôi của đang xảy ra, làm hậu cảnh cho bài viết tưởng tượng.

-Lợi dụng và kích động tâm lý của một số người chống đối người biểu tình và du học sinh.

-Tác giả biết là người Việt chiếm đại đa số trong kỹ nghệ ngành nail, nên bịa đặt một bản tin giật gân có liên quan đến tiệm nail, là chắc chắn sẽ có nhiều người Việt quan tâm.

-Dùng tên tuổi những cơ quan truyền thông lớn để đánh lạc hướng người đọc. Thí dụ, chữ tuổi trẻ màu đỏ, trên giao diện được trình bày giống chữ nguyên gốc từ tờ báo Tuổi Trẻ trong nước.

-Dùng tên Thanh Niên Online làm cho người xem tưởng rằng đây có nguồn gốc là tờ Thanh Niên trong nước.

Kết luận: Tin “Cảnh sát Chicago xác nhận DHS Việt hôi của bị chủ bắn gục tại King Nail & Spa” với nội dung và hình ảnh đều không kiểm chứng được, và đặc biệt hình ảnh được vay mượn từ một chuyện có thật để đánh lừa khán giả dễ tin.

Kết Luận “Final”= Fake News - Tin giả!

Bài kế tiếp: Có phải con gái cựu Tổng Thống Obama là thành phần khủng bố Antifa?
Xin chờ đón xem!







No comments:

Post a Comment

View My Stats