Tuesday, 2 June 2020

KHÓ KHĂN CỦA MỸ LÀ CƠ HỘI CHO TRUNG QUỐC? (Hiếu Chân / Người Việt)




Hiếu Chân/Người Việt
Jun 2, 2020

Nước Mỹ đang đối mặt với những thách thức lớn. Đại dịch COVID-19 làm hơn 100,000 người chết. Nền kinh tế trì trệ mà theo các chuyên gia phải mất chục năm mới phục hồi được. Bốn chục triệu người thất nghiệp, bằng 20% lực lượng lao động, cao nhất từ trước tới nay. Xung đột sắc tộc bùng phát thành biểu tình và bạo loạn trên cả nước, hơn 40 thành phố lớn phải ban bố lệnh giới nghiêm. Xã hội bị chia rẽ sâu sắc, hai chính đảng lớn đối chọi nhau như nước với lửa làm cho việc hoạch định chính sách của quốc gia khó mà đạt được đồng thuận.

Bên ngoài, hình ảnh nước Mỹ bị sa sút trầm trọng. Vị thế “thống soái” của Mỹ trong các vấn đề toàn cầu sút giảm: Mỹ rút ra khỏi Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO), cản trở Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO), rút khỏi nhiều hiệp ước quốc tế, từ Hiệp Ước Chống Biến Đổi Khí Hậu Paris (COP 21), Hiệp Định P5+1 với Iran, Hiệp Định Bầu Trời Mở (Open Sky), rút quân khỏi Afghanistan, Phi Châu… và từ bỏ vai trò lãnh đạo công cuộc chống dịch COVID-19. “Hướng nội,” “rút lui” là những từ ngữ được giới phân tích dùng để chỉ chính sách đối ngoại hiện nay của Mỹ theo chủ trương “Nước Mỹ trên hết” của Tổng Thống Donald Trump.

Khó khăn của nước Mỹ là cơ hội cho các đối thủ. Trung Quốc, Nga, Iran, Bắc Hàn đang tận dụng lúc Mỹ co lại để lấn tới, đẩy mạnh những chiến lược bành trướng ấp ủ từ lâu.

Nga – đối thủ thời Chiến Tranh Lạnh – có những hành động lấn lướt rõ rệt. Thông tin từ Hải Quân Mỹ cho biết trong hai tuần qua, có ít nhất ba lần chiến đấu cơ Su-35 của Nga ngăn chặn hoạt động của phi cơ do thám P-8 của Mỹ trên vùng biển Địa Trung Hải. Thứ Ba tuần trước, Bộ Quốc Phòng Mỹ cho biết Nga bí mật đưa 14 chiến đấu cơ tới Libya hỗ trợ các đơn vị viễn chinh Nga trong lực lượng ly khai của Khalid Hifter nhằm lật đổ chính phủ được quốc tế hậu thuẫn ở Tripoli. Táo tợn hơn, phi cơ chiến đấu của Nga nhiều lần bay qua ranh giới trên biển Bering, đi vào gần quần đảo Aleutian Islands thuộc Alaska, buộc Bộ Tư Lệnh Phòng Không Bắc Mỹ (NORAD) phải phản ứng.

Iran và Venezuela – hai nước bị Mỹ cấm vận nặng nề nhất – thử nắn gân người Mỹ: Iran cử một đoàn tàu chở dầu tiếp tế cho Venezuela, và đúng như dự đoán, Mỹ không có phản ứng mạnh nào ngoài một vài phát ngôn cứng rắn. Ở Bắc Hàn, sau ba tuần vắng bóng, lãnh tụ Kim Jong Un xuất hiện trở lại với quyết định đẩy mạnh hơn nữa chương trình vũ khí hạt nhân chiến lược, những cam kết với Mỹ trước đây coi như chưa từng có.

Nhưng Trung Quốc mới là đối thủ đáng gờm nhất. Chỉ vài tháng trước, lãnh tụ Trung Quốc Tập Cận Bình phải đối mặt với thách thức lớn nhất trong sự nghiệp chính trị của ông: COVID-19 và cách ứng phó tồi tệ của Trung Quốc làm cho dịch bệnh nhanh chóng lây lan ra nhiều nước. Diễn biến bất ngờ của dịch, biến mất ở Trung Quốc và hoành hành dữ dội ở phương Tây, lật ngược thế cờ một cách ngoạn mục. Giới lãnh đạo Trung Quốc nghĩ rằng vào lúc này, Trung Quốc tương đối mạnh so với Mỹ, họ thấy cánh cửa cơ hội chiến lược đang mở ra.

Tuần trước, tại kỳ họp Đại Hội Đại Biểu Nhân Dân, tức Quốc Hội Trung Quốc, ông Tập Cận Bình kêu gọi Bắc Kinh phải nắm lấy cơ hội trong nghịch cảnh. Ông cảnh báo Trung Quốc đang đối mặt với nhiều thách thức, kể cả sự suy giảm kinh tế và sự chống đối toàn cầu hóa.

“Chúng ta phải theo đuổi sự phát triển đất nước trong một thế giới ngày càng bất ổn và càng khó đoán. Chúng ta phải nỗ lực nuôi dưỡng những cơ hội mới trong thời kỳ khủng hoảng,” ông Tập nói, theo báo chí Trung Quốc.

Chỉ trong vài tháng qua, Bắc Kinh có những hành động hết sức quyết đoán như ban hành luật an ninh quốc gia ở Hồng Kông, tập trận gần Đài Loan, quấy rối ở Biển Đông và va chạm với Ấn Độ trên núi Hy Mã Lạp Sơn. Mưu toan bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc đã có từ lâu và Bắc Kinh liên tục thực hiện các hành động lấn chiếm như vậy trong một thời gian rất dài theo kiểu lấn từng chút một, tiến từng bước nhỏ để không làm dư luận thế giới chú ý. Bây giờ, chớp thời cơ do đại dịch mang tới, Bắc Kinh hung hăng hơn, cương quyết hơn, một phần để xoa dịu áp lực của thành phần dân tộc chủ nghĩa trong nước, một phần để hướng sự chú ý của dân chúng ra khỏi những vấn đề kinh tế trì trệ, thất nghiệp lan tràn cũng như sai lầm chết người của đảng Cộng Sản trong việc ứng phó với đại dịch trong buổi đầu.

Hồng Kông, Đài Loan, và Biển Đông là những yếu tố cốt lõi trong “Giấc Mộng Trung Hoa” của ông Tập Cận Bình – mơ về một nước Trung Quốc thống nhất, phồn vinh và có vị thế siêu cường trên thế giới. Trung Quốc không thể ngồi yên chừng nào Hồng Kông, Đài Loan còn là những lãnh thổ dân chủ, tự do ngay trước cửa Hoa Lục, bày ra trước mắt người dân Trung Hoa một lựa chọn thể chế chính trị khác, ưu việt hơn rất nhiều so với chế độ độc tài toàn trị của Trung Quốc. Bằng đạo luật an ninh quốc gia mới thông qua, tước đoạt mọi quyền dân sự còn lại ở Hồng Kông và biến Hồng Kông thành một Thẩm Quyến, một Thượng Hải khác, là bước đi táo bạo của ông Tập dù phải trả một cái giá không hề nhỏ cả về chính trị lẫn kinh tế. Thế giới sắp phải chứng kiến một làn sóng tị nạn cộng sản của người dân Hồng Kông khi gọng kìm của Bắc Kinh đang ngày càng siết chặt.

Đài Loan là một cái gai khác. Chiến lược thu phục Đài Loan bằng cái bẫy “một quốc gia, hai chế độ” xem chừng đã phá sản, số đông người Đài Loan không muốn làm người Trung Quốc, chính phủ của nữ Tổng Thống Thái Anh Văn và đảng Dân Tiến (DPP) ngày càng lộ rõ xu hướng độc lập, buộc Bắc Kinh phải tính tới giải pháp quân sự. Trong báo cáo trước kỳ họp Quốc Hội hôm 22 Tháng Năm, Thủ Tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường gạt bỏ từ “hòa bình” khi nói về đối sách với Đài Loan sau khi quân đội Trung Quốc tổ chức nhiều cuộc diễn tập gần Đài Loan từ giữa Tháng Ba tới giữa Tháng Tư.

Ở Biển Đông, ngày 2 Tháng Tư, tàu Hải Cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu đánh cá Việt Nam ở Hoàng Sa, sau đó từ ngày 14 đến ngày 16 Tháng Tư, tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8, với đội tàu hộ tống hùng hậu, xâm nhập sâu vào vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia, quấy rối hoạt động thăm dò dầu khí của nước này. Và nếu thông tin trên báo South China Morning Post mới đây là chính xác thì chẳng bao lâu nữa Trung Quốc sẽ thiết lập Vùng Nhận Dạng Phòng Không (Air Defence Identification Zone – ADIZ) trên Biển Đông, buộc tất cả phi cơ ra vào Việt Nam phải được Bắc Kinh đồng ý, biến phần lớn vùng trời và vùng biển này thành sân nhà của Trung Quốc.

Tất cả những hành động đó của Trung Quốc tất nhiên đều tính tới phản ứng của Hoa Kỳ và các nước phương Tây. Tuy nhiên, nhiều phân tích gia nhận định, đối với Bắc Kinh, thực hiện “Giấc Mộng Trung Hoa” quan trọng hơn nhiều so với sự tổn thương hình ảnh của Trung Quốc trên trường quốc tế. Ông Bernard Chan, thành viên Hội Đồng Lập Pháp Hồng Kông và có chân trong Chính Hiệp Trung Quốc, nhận định: “Trung Quốc hoàn toàn tự tin. Sẽ có đau đớn trong đoản kỳ… nhưng trường kỳ họ không xem [dư luận quốc tế] là vấn đề.” Ông Ngô Tấn Ba (Wu Xinbo), viện trưởng Viện Nghiên Cứu Quốc Tế Đại Học Phúc Đán, Thượng Hải, cho rằng, lợi ích mà Bắc Kinh nhắm đạt được qua các hành động xâm lấn kể trên được cho là quan trọng hơn nhiều so với quan hệ với Hoa Kỳ, thậm chí khi vạch chính sách, ông Tập còn không quan tâm tới phản ứng của thế giới bởi vì dù Trung Quốc có làm gì thì cũng bị Hoa Kỳ và phương Tây phê phán. Với tính toán đó, Trung Quốc đang bất chấp chuyện thế giới nghĩ gì, phản đối thế nào mà cứ làm theo chiến lược đã vạch sẵn của họ, thậm chí sử dụng “ngoại giao chó sói” để chống đỡ mỗi khi bị lên án ở nước ngoài.

“Những bước đi lớn của lịch sử đều diễn ra tiếp theo những thảm họa lớn,” ông Tập Cận Bình nói với sinh viên Trung Quốc.

Rõ ràng, ông Tập coi cuộc khủng hoảng của Hoa Kỳ nói riêng, của toàn cầu nói chung hiện nay, là cơ hội lớn cho Trung Quốc và đang cố gắng hết sức để tận dụng nó. Ông có đạt được tham vọng của mình hay không, Hoa Kỳ trong cơn nội loạn sẽ có kế sách gì để chặn đứng tham vọng đế quốc của họ Tập.

Chúng tôi sẽ phân tích hầu quý vị trong bài kế tiếp. [đ.d.]






No comments:

Post a Comment

View My Stats