Friday, 12 June 2020

KHI NGƯỜI ANH GIẬT TƯỢNG 'CHA GIÀ BRISTOL (Nguyễn Hùng)




12/06/2020

Tháng Sáu này người Anh khởi đầu phong trào kéo đổ tượng đài của những nhân vật lịch sử đang đổ thêm dầu vào ngọn lửa chống phân biệt chủng tộc vốn bùng lên từ Hoa Kỳ sau cái chết tức tưởi của ông George Floyd.

Tượng của một mạnh thường quân có tiếng ở thành phố Bristol và cũng là người kiếm bộn tiền từ buôn nô lệ, ông Edward Colston, đã bị kéo đổ và thả xuống hồ hôm Chủ Nhật, ngày 7/6 trong cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc với sự tham gia của 10.000 người.

Ông Colston thực sự là cha già của thành phố Bristol nơi đường phố, trường học, khán phòng và trại tế bần mang tên của thương gia và chính trị gia qua đời từ năm 1721 nhưng tài sản ông để lại trong di chúc cho các hoạt động xã hội vẫn có tác dụng cho tới ngày nay. Sách giới thiệu về ông có tại Thư viện Bristol không lảng tránh chuyện ông từng tham gia buôn nô lệ và từng là lãnh đạo cao cấp của công ty buôn nô lệ thời thế kỷ 17 mang tên Royal African Company. Nhưng họ có ý nói ông cũng còn kiếm tiền bằng nhiều cách khác chứ không chỉ từ buôn nô lệ. Tác giả sách không lên án ông Colston mà chú ý tới các điểm son của ông. Chẳng hạn họ dẫn lời ông nói với bạn bè khi bị giục lấy vợ rằng ‘mỗi bà quá cơ nhỡ là vợ tôi và những đứa con mồ côi khốn khó của họ là con tôi’. Hay chuyện ông nói trong di chúc rằng ông chỉ mong có một đám tang khiêm tốn dù người ta vẫn cứ tổ chức lễ rước linh cữu linh đình.

Nhưng nhiều người không thể quên sự dính líu của Colston từ hơn ba thế kỷ trước tới công ty có nhiều năm độc quyền buôn nô lệ và bị buộc trách nhiệm đã quẳng hàng chục ngàn nô lệ xuống biển khi họ chết trên đường từ châu Phi tới các đồn điền ở Bắc Mỹ. Công ty Royal African Company cũng được cho là thường đóng ba chữ viết tắt của tên công ty RAC lên ngực của các nô lệ phi Châu, từ trẻ tới già. Những tranh cãi về quá khứ bất hảo của ông Colston đã khiến một số cơ sở ở Bristol trong đó có một trường học và một khán phòng đã bỏ tên ông ra khỏi tên trường và tên khán phòng trong vài năm gần đây. Nhưng một số nơi khác vẫn giữ trong đó có cả tên đường nơi có tượng bị kéo đổ của ông Colston.

Điều đặc biệt là thị trưởng Bristol là người da đen và ông không hề thương tiếc gì chuyện tượng Colston bị giật đổ, kéo lê trên phố rồi vất xuống hồ. Cảnh sát nói rằng họ có quyết định chiến thuật và để mặc người biểu tình hạ tượng vì nếu can thiệp sẽ gây thương vong. Họ cũng nói họ sẽ xem những video được quay lại và sớm đưa vụ việc ra toà. Dư luận cũng khá chia rẽ về hành động của những người tham gia cuộc biểu tình đông tới cả vạn. Một số cho rằng những hành động phản xã hội và trái luật không nên được khuyến khích. Số khác nói họ ủng hộ việc hạ tượng nhưng phải theo lộ trình dân chủ. Nhưng dường như số người ủng hộ hành động của những người biểu tình nhiều hơn. Hay ít nhất họ cũng lớn tiếng hơn trên một số mạng.

Nhiều người bày tỏ sự ủng hộ người biểu tình qua bình luận dưới bài viết của người từng là uỷ viên hội đồng địa phương tại Anh, ông Chris Bowers, người cho rằng cần xét xử những ai kéo đổ tượng dù chỉ cần những bản án nương tay.

Ông Tony Greaves viết: “Có những lúc có bầu không khí cách mạng và có những hành động không chỉ thu hút [sự chú ý] nhất thời mà còn được lịch sử nhớ tới. Tôi cho rằng đây là một trong những lúc như thế. Và không, không thể biện minh cho Colston vì thế giới khác [với ngày nay] thời 300 năm trước. Ông ta là kẻ ác quỷ dù theo chuẩn của bất kỳ thời nào – Hy Lạp, La Mã, Anglo-Saxon, thế kỷ 18 hay ngày nay.”

Còn Tim Oliver viết: “Khi người dân của nước khác phá bỏ tượng đài của độc tài và bạo chúa, với tư cách là Người Tự do, chúng ta có hoan nghênh chuyện đó không? Chúng ta có tán thưởng khi con người tìm tới tự do và dân chủ, và tìm cách loại bỏ tượng đài tô vẽ cho sự áp bức mà họ phải chịu đựng?[N]ếu chúng ta tán thưởng điều đó ở những nơi khác thì sao không tán thưởng khi họ giật đổ sự tô vẽ cho những người lèn cả ngàn [người] lên những con tàu, thả chết đuối những người ốm, và dùng những đồng bạc bẩn họ kiếm được từ việc đó để toan tẩy máu khỏi tên của họ.”

Và bà Sue Sutherland viết: “Tôi cảm thấy nhẹ người khi tượng Colston không còn nữa. Nó ở đó chỉ vì dân chủ đã không đáp ứng những cố gắng bỏ nó đi cũng giống như [dân chủ] đã từng bỏ mặc những người đòi quyền bầu cử cho nữ giới cho tới khi có những người sẵn sàng dùng bạo lực xuất hiện.”

Việc giật đổ tượng người buôn nô lệ ở Bristol dường như đã khởi đầu phong trào gỡ bỏ tượng của một số nhân vật lịch sử trong thế giới tư bản. Sau tượng của Colston, tượng Vua Leopol đệ nhị ở Bỉ cũng bị hạ bệ phần nhiều do những hành động tàn ác của vị vua này với hàng triệu người ở châu Phi trong thế kỷ 19. Tại Hoa Kỳ, tượng Columbus trong một công viên ở tiểu bang Virginia cũng bị kéo đổ và thảy xuống hồ do vai trò của ông trong việc diệt chủng người bản xứ tại châu Mỹ. Sau những bảo tàng tượng Lenin và Stalin ở Đông Âu, nhiều khả năng có không ít tượng ở Tây Âu và Hoa Kỳ rồi cũng sẽ được chuyển tới các bảo tàng thay vì tiếp tục ung dung ngắm người qua lại trên các phố.







No comments:

Post a Comment

View My Stats