Friday, 19 June 2020

GEORGE FLOYD LÀ THẾ NÀO MÀ ĐÁM TANG TO DỮ VẬY? (Vũ Quí Hạo Nhiên)




NỘI DUNG :

.

==================================================
.

"Tôi nhìn ông ta (George Floyd) và tôi thật sự nghĩ người đó đã có thể là tôi." Đó là điểu mà vị Surgeon General (Y sĩ trưởng) Jerome Adams nói về Floyd.
Tại sao vi bác sĩ đứng đầu ngành Y chính phủ liên bang Hoa Kỳ, một nhân vật cấp cao từng đứng chung sân khấu với TT Trump trong những buổi họp báo về coronavirus, lại tự so sánh mình với Floyd, một người tiền án tiền sự đầy một danh sách?

Vì Bác sĩ Adams biết một điều mà người da đen nào cũng biết nhưng nhiều người Việt Nam có vẻ không biết, đó là xã hội Mỹ, trong đó có cảnh sát, đối xử với người da đen bất công, không như với các sắc dân khác, bất kể người da đen đó là ai, giàu nghèo ra sao.

Kenneth Frazier cũng nói tương tự. George Floyd "đã có thể là tôi."

Kenneth Frazier là ai? Frazier là triệu phú, luật sư, CEO công ty dược phẩm Merck (ở nước khác như VN được gọi tên là MSD). Merck là công ty dược phẩm lớn thứ nhì ở Mỹ. Trong 500 công ty lớn nhất nước Mỹ, chỉ có 4 CEO người da đen và Kenneth Frazier là một.

Cũng như Bác sĩ Adams, tại sao ông Frazier tại tự so sánh mình với một người có tiền án tiền sự?

Cùng một lý do. Vì họ biết xã hội này bất công với mọi người da đen chứ không chỉ một mình George Floyd.

Ông Frazier nói cộng đồng người gốc Phi Châu xem video đó và nhìn thấy "người đàn ông gốc Phi Châu đó, đã có thể là tôi hay bất kỳ một người đàn ông Mỹ gốc Phi Châu nào, bị đối xử không như một con người."

Bác sĩ Adams kể ông nhiều lần bị cảnh sát hay bảo vệ chặn lại trong siêu thị, trong các cửa hàng, bị vu cáo những điều ông không hề làm.

Ông nói thêm, “Người đó đã có thể là tôi, bị cảnh sát chặn lại vì lái quá tốc độ chỉ có 5 miles. Người đó đã có thể là tôi với đèn sau xe bị cháy bóng. Người đó đã có thể là tôi khi họ chỉ thấy một người đàn ông da đen và không phải Y sĩ trưởng Hoa Kỳ, nhất là nếu tôi không mặc đồng phục và chỉ mặc bình thường với áo có mũ, giày tennis, đồ thể thao, và người đó đã có thể là tôi bên vệ đường với đầu gối đè lên cổ tôi."

Tôi có ông bạn cùng lớp. Ông này da đen nhà khá giả, bố là bác sĩ, cá nhân bạn tôi học trung học Beverly Hills High School trong khu tài tử nhà giàu, ông hiện làm luật sư và giáo sư Luật đại học UC Irvine.

Ông cho biết trong một group Facebook dành cho các ông bố người Mỹ gốc Phi Châu, gần như tất cả, trên 90%, cho biết đã từng bị cảnh sát rút súng doạ bắn. Cá nhân ông cũng tửng bị cảnh sát rút súng doạ bắn, lần đầu tiên là năm 15 tuổi.

Ai trong chúng ta đã từng bị cảnh sát chĩa súng vào mình? Tôi ở Mỹ gần 40 năm, bị cảnh sát hú còi chặn lại nhiều lần, chưa lần nào bị rút súng ra dọa. Cảnh sát nào nói chuyện với tôi cũng tử tế.

Đó là cái bất công mà có thể không phải ai cũng nhìn thấy, vì không phải ai cũng đã kinh qua. Nếu cảnh sát nào đối xử với bạn cũng tử tế, bạn sẽ không ngờ là có thể chính viên cảnh sát đó, khi đối diện với ngưòi da đen, không tử tế như vậy.

George Floyd bị cảnh sát bắt vì tình nghi dùng tiền $20 giả. Thời tôi còn làm trong một toà soạn ở Bolsa, khách hàng 100% người VN, thì khoảng 1-2 tháng lại phát hiện tờ tiền giả, thông dụng nhất là tờ $10, thứ nhì tới tờ $20. Mà đó là tiền giả phát hiện lúc đếm tiền vào cuối ngày, chứ tờ nào đã thu vào rồi lại thối ra cho khách hàng khác thì không biết luôn.

Tiền giả ở Mỹ được ước lượng khoảng 1% giấy bạc. Tức là trung bình cứ 100 tờ giấy bạc Mỹ thì 1 tờ là giả. Nói cách khác, hầu hết chúng ta đều đã ít nhất một lần cầm và tiêu một tờ giấy bạc giả mà không biết.

Nếu một người VN trong chúng ta lỡ dùng một tờ $20 giả, cùng lắm là bị cảnh sát thẩm vấn rồi thả về. Trên Twitter có người đã nói đúng điều đó. Họ bị cảnh sát thẩm vấn vì đã dùng tiền giả, để rồi bây giờ có chuyện để kể cho bạn bè. Nhưng với George Floyd thì tờ giấy $20 đã trở thành bản án tử hình.

Vì sao? Có phải vì ông có tiền án tiền sự? Hoàn toàn không; thu ngân cửa hàng làm gì mà biết tiền án tiền sự của khách!

Không phải. Mà vì ông là người da đen.

Những người như BS Adams, LS Frazier, ông bạn tôi, họ biết điều đó. Họ biết người da đen ở Mỹ không có được cái presumption of innocence, suy đoán vô tội, như người da trắng. Họ biết xã hội nhìn mọi người da đen bất kể giàu nghèo giỏi dở ngành nghề nào chức vụ gì, không như nhìn những người khác.

Cho nên mới có tang lễ lớn diễn hành rồng rắn.

Không phải họ đưa tang một kẻ cựu tội phạm. Mà họ đưa tang cho một nền công lý không cân bằng. Họ đưa tang cho cả một cộng đồng bị đối xử bất công. Họ đưa tang cho cả lý tưởng bình đẳng của nước Mỹ vẫn còn chưa đạt được.

Hạo Nhiên Q. Vũ

90 BÌNH LUẬN

.
Cám ơn một bài viết phân tích sâu sắc.
Tôi không trải qua những điều trên vì tôi không đen.
Tôi đồng lòng và thông cảm. Những sinh viên gốc Phi Châu của tôi thì đều hiểu và từng trải vấn đề này trong cuộc sống họ.

.
Hôm qua hôm kia tôi xem một cái clip rất đáng buồn. Một thanh niên da đen đậu xe đổ xăng ở một cây xăng, chẳng lỗi phạm gì cả, thì hai ông cảnh sát tới đòi thẩm tra giấy tờ. Tất cả giấy tờ đầy đủ cả, thế mà cảnh sát vẫn không tin anh ta là chủ chiếc xe, chỉ vì... chiếc xe mới keng và thuộc loại đắt tiền. Rồi cảnh sát còng tay anh ta lại. Anh ta nhún vai chán nản, nhưng ngoan ngoãn để cảnh sát còng, không dám phản ứng.

Chưa hết, hai người đứng gần đó giơ điện thoại lên quay phim, một người cũng da đen, người thứ hai trông như Mễ. Cảnh sát bảo hai anh không được quay phim. Anh da đen không dám trả lời gì, chỉ cố quay tiếp. Anh Mễ lên tiếng cãi không có luật nào cấm tôi quay cả. Thế là ông cảnh sát lao đến, vật một phát anh Mễ lăn quay. Ông cảnh sát kia cũng lao đến tiếp ứng, bẻ tay anh Mễ đang bẹp dí dưới đất ra sau lưng, còng luôn.

Anh da đen đang quay phim kia cũng bị còng! Hic...

Bao giờ thì người gốc Việt mình bị đối xử như vậy nhỉ? Có ai dám chắc là người gốc Việt mình sẽ không bao giờ bị đối xử như công dân hạng hai như vậy không?

.
Read this if you have a chance
Lời thú tội của một cựu cảnh sát khốn nạn


---------------------------------------
.
19/06/2020

Hàng chục ngàn người Mỹ hôm Thứ Sáu, 19 tháng 6 đánh dấu lễ Juneteenth kỷ niệm xóa bỏ chế độ nô lệ bằng các cuộc tuần hành chống kỳ thị chủng tộc, các cuộc biểu tình ôn hòa, cưỡi xe đạp và các buổi trình diễn âm nhạc đánh dấu sự đen tối còn trên khắp đất nước.

Lễ kỷ niệm Juneteenth diễn ra trong bối cảnh các cuộc biểu tình trên toàn quốc chưa từng có đòi hỏi công lý chủng tộc gây ra bởi cái chết của George Floyd, một người đàn ông da đen ở thành phố Minneapolis đã bị giết bởi một sĩ quan cảnh sát da trắng đè cổ trong gần 9 phút.

Juneteenth không phải là một ngày lễ liên bang, mặc dù 47 tiểu bang và Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn đánh dấu nó, nhưng đối với nhiều người trong cộng đồng da đen, Juneteenth đúng ra là ngày 4 tháng 7 được coi là ngày độc lập thực sự. Nó còn được gọi là ngày tự do, độc lập và giải phóng da đen.

Tại Minneapolis, Minnesota, lễ kỷ niệm được kết hợp với sự bày tỏ lòng tôn kính tới Floyd trong một tuyến đường dài 5 dặm dành cho người chạy bộ, người đi bộ và người đi xe đạp đã kết thúc tại địa điểm nơi ông ấy bị giết. Một cuộc biểu tình đòi bồi thường đã được lên kế hoạch cho buổi chiều tại thủ phủ tiểu bang Minnesota với những người tổ chức yêu cầu việc giết Floyd phải được công nhận là một vấn đề kỳ thị chủng tộc và kinh tế.

Tại Atlanta, những người biểu tình đã tập trung trước Hiệp Hội Luật Sư Georgia và tuần hành để đòi công lý cho Ahmaud Arbery - người đàn ông da đen 25 tuổi không có vũ khí bị bắn chết trong khi chạy đi bởi một người cha và con trai da trắng, trong khi một người đàn ông da trắng thứ ba giúp đỡ anh ta và quay video cảnh giết chóc. Cũng tại Atlanta, các sinh viên đại học và cao đẳng đã dẫn đầu một cuộc tuần hành kết thúc với một buổi ghi tên cử tri và buổi hòa nhạc.

Mục Sư Al Sharpton, nhà hoạt động dân quyền kỳ cựu và là nhà truyền giáo, người đã phát biểu tại tang lễ Floyd, đã có bài phát biểu tại lễ kỷ niệm Juneteenth ở Tulsa, Oklahoma, nơi vào năm 1921, một đám đông da trắng kỳ thị chủng tộc đã phá hủy cộng đồng “Black Wall Street.” Donald Trump ban đầu đã lên kế hoạch cho cuộc tập họp vận động ở Tulsa vào ngày 19 tháng 6 nhưng sau đó đã dời lại vào Thứ Bảy sau khi biết về tầm quan trọng của lễ này.

Thống Đốc Illinois J.B. Pritzker, Thượng Nghị Sĩ Dick Durbin và TNS Tammy Duckworth đã tham gia với hàng trăm người diễn hành qua đường phố Chicago hôm Thứ Sáu.

Trước khi đi diễn hành, Pritzker nói với CNN rằng ông muốn biến Juneteenth thành ngày lễ tiểu bang để cho người dân trong thành phố có ngày nghỉ.

Juneteenth, kết hợp các chữ “June” và “19th,” là ngày biểu tượng vào năm 1865 khi thiếu tướng quân đội Liên Minh Gordon Granger đọc Tuyên Ngôn Giải Phóng của  Tổng Thống Abraham Lincoln bãi bỏ chế độ nô lệ trên một đồn điền ở Galveston, Texas.

Tuyên ngôn đã được ký bởi tổng thống hơn 2 năm trước, nhưng ít có tác dụng đối với nhiều người Mỹ gốc Phi Châu bị bắt làm nô lệ trong lãnh thổ liên minh. Chế độ nô lệ bị đặt ra ngoài vòng pháp luật trên toàn quốc vài tháng sau đó khi tu chính án thứ 13 được phê chuẩn.








No comments:

Post a Comment

View My Stats