Nhã
Duy
20/06/2020
Ngày 2 tháng 12 năm 2016,
cú điện thoại và cuộc trò chuyện khoảng 10 phút từ tổng thống Thái Anh Văn của
Đài Loan gọi chúc mừng Donald Trump đắc cử tổng thống, đã gây sự chú
ý đặc biệt của thế giới. Điều này làm cho Trung Cộng rất giận dữ bởi đây là lần
đầu tiên một tổng thống Mỹ nói chuyện trực tiếp với tổng thống Đài Loan trong gần
40 năm, kể từ khi Hoa Kỳ thiết lập bang giao với Trung Cộng vào năm 1979.
Trump đi xa hơn khi mạnh
mẽ tuyên bố sau đó là, ông muốn nói chuyện với ai là việc của ông và chính sách
“Một Trung Hoa” (One-China Policy), xem Đài Loan thuộc Trung Cộng chẳng có ý
nghĩa gì với ông. Bravo! Những người ủng hộ Trump xem đó là thái độ cứng rắn của
vị tân tổng thống nước Mỹ, cho thấy sẽ có một thái độ đối đầu mạnh mẽ với Trung
Cộng. Ông ta là người “nói là làm”!
Nhưng cuộc nói chuyện với
Tập Cận Bình ngay sau khi Trump chính thức bước vào Bạch Ốc, đã thay đổi hoàn
toàn việc “nói là làm” đó. Trong tuyên bố chung giữa hai quốc gia vào tháng 2
năm 2017, Trump cho biết Hoa Kỳ sẽ tuân thủ chính sách “Một Trung Hoa” (the US
government adheres to the One China policy) theo “yêu cầu của Tập Chủ Tịch”.
Hơn nữa, trả lời phỏng vấn
với Reuters vào tháng Tư sau khi đã mời Tập Cận Bình sang Mỹ và gặp gỡ tại khu
nghỉ mát của Trump ở Floria, khi được hỏi liệu ông sẽ nói chuyện với bà Thái
Anh Văn lần nữa không thì Trump bảo rằng: “Vấn đề của tôi là, tôi đã tạo được
mối quan hệ cá nhân rất tốt với Tập Chủ Tịch. Tôi không muốn gây khó khăn cho
ông ta. Nên tôi chắc chắn muốn nói chuyện với ông ấy trước.
Nguyên văn: “My
problem is that I have established a very good personal relationship with
President Xi… So I wouldn’t want to be causing difficulty right now for him. So
I would certainly want to speak to him first.” (Phỏng vấn của Reuters vào ngày 27/4/2017).
Trump từ chối nói chuyện
điện thoại lần thứ nhì với bà Thái Anh Văn và không hề liên lạc với bà từ đó đến
nay, ngay cả khi bà tái đắc cử tổng thống trong năm nay.
Trong khi tuyên bố và tỏ
thái độ sẽ “chống” Trung Cộng, câu chuyện với Đài Loan là một trong những bằng
chứng khởi đầu cho thấy thái độ cùng các chính sách của Donald Trump với Trung
Cộng có thể thay đổi tức thời như thế nào. Trump cần Trung Cộng cho các cuộc
thương thuyết với Bắc Hàn, đến bây giờ xem như con số không, khi quay 180 độ với
tuyên bố của mình về Đài Loan.
Nó cũng là một chính sách bất nhất trong ba năm qua của Donald Trump với
Trung Cộng, bị xem là nhắm đến các lợi ích cá nhân, đảng phái hơn là chính
sách và lợi ích quốc gia.
Hãy xem lịnh chế tài với
hãng ZTE của Trung Cộng là một ví dụ khác. ZTE vi phạm lịnh cấm vận Iran và Bắc
Hàn khi bán thiết bị cho hai quốc gia này. Tháng 4 năm 2018, Bộ Thương Mại ra lịnh
chế tài ZTE, cấm các hãng bán dẫn của Mỹ bán hàng cho ZTE trong vòng bảy năm.
Đến tháng Bảy, sau một cuộc nói chuyện với Tập Cận Bình, Donald Trump bỏ lịnh
chế tài.
Lý do có thể nhiều người
nhận thấy: Điều này xảy ra chỉ vài tháng trước cuộc bầu cử giữa khóa năm 2018,
Trump cần nhượng bộ Bắc Kinh để có những thỏa thuận thuyết phục cử tri. Nhưng kết
quả thì đảng Dân Chủ vẫn thắng đậm, giành lại Hạ Viện về tay mình.
Đôi ngày qua là câu chuyện
thời sự về Huawei, tập đoàn thiết bị viễn thông đứng đầu thế giới, đang cố qua
mặt Samsung để dẫn đầu cả về điện thoại. Huawei là một tập đoàn có sự hậu thuẫn
của Bắc Kinh và hoạt động tại khoảng 170 quốc gia, có vị trí đáng kể trong kỹ
thuật viễn thông 5G.
Hồi năm trước, Hoa Kỳ đã
cấm các hãng Mỹ làm ăn, mua thiết bị 5G của Huawei vì lý do an ninh quốc gia.
Hoa Kỳ còn vận động và hăm dọa châu Âu cùng các quốc gia khác nếu hợp tác với
Huawei, dù vai trò của Mỹ với thế giới xem ra đã không mấy còn giá trị.
Dù rủi ro với Huawei là
điều có thật, cộng đồng tình báo và lãnh đạo các tập đoàn kỹ thuật cao của Hoa
Kỳ đều có những cảnh báo về vấn đề an ninh quốc gia khi làm ăn với Huawei.
Nhưng như đã thấy, Bộ Thương Mại một lần nữa vừa công bố cho phép các hãng Mỹ
được phép làm việc với Huawei để thiết lập các tiêu chuẩn cho kỹ thuật 5G. Hay
nói khác hơn, cho phép các hãng Mỹ chia sẻ các kỹ thuật với Huawei. Một dấu hiệu
cho thấy lịnh chế tài với Huawei đã bị thay đổi đáng kể và sẽ chẳng gây ngạc
nhiên nếu có sự bất ngờ khác, như đã từng xảy ra với ZTE.
Tại sao vậy? Bởi chỉ còn vài tháng nữa là đến cuộc bầu cử tổng thống và
ưu tiên hàng đầu của Trump lúc này là phải tái đắc cử bằng mọi giá. Trong cuốn sách mới của cựu cố vấn an ninh quốc
gia John Bolton – một chính khách diều hâu chống Trung Cộng thật sự, ông cũng
cho biết rằng, Donald
Trump đã sử dụng ZTE và Huawei để thoả thuận với Bắc Kinh và nhờ Tập Cận Bình
giúp đỡ cho cuộc tái tranh cử của mình vào tháng 11 tới, bất kể lợi ích và an
ninh quốc gia.
Thông báo của Bộ Thương Mại
Hoa Kỳ về Huawei được đưa ra đồng lúc với cuộc họp đầy bất ngờ giữa Ngoại trưởng Mike Pompeo và Dương Khiết Trì, Ủy Viên Bộ Chính Trị
Trung Cộng tại Hawaii hôm thứ Tư. Nếu tuyên cáo của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ chỉ ngắn
gọn về cuộc họp là “sự cần thiết cho những thoả thuận đối ứng về thương mại,
an ninh, ngoại giao giữa hai quốc gia, cần có sự minh bạch, chia sẻ thông tin để
chống trả đại dịch hiện nay và tương lai” (đăng trên trang mạng Bộ Ngoại
Giao Hoa Kỳ) thì phía Trung Cộng ra tuyên bố như một mệnh lệnh với Hoa Kỳ rằng:
“Không can dự vào vấn đề Hồng Kông, Đài Loan, Tân Cương và hợp tác là chọn lựa
đúng đắn duy nhất” (theo Tân Hoa Xã ngày 06/18/2020). Trung Cộng ắt có lý
do để tuyên bố mạnh mẽ như vậy.
Hơn ba năm qua, với những
tuyên bố hùng hổ bề mặt cùng cuộc chiến tranh thương mại kéo dài với hàng chục
cuộc thương lượng, Trump chỉ dừng lại ở “Giai đoạn Một” không mang nhiều ràng
buộc và cam kết từ Trung Cộng. Trump nói trong cuộc họp với Thống Đốc Iowa hôm
đầu tháng Năm rằng: “Hy vọng, họ sẽ giữ lời. Chúng ta sẽ thấy. Có thể có và
có thể không. Chúng ta sẽ biết thôi” (“Hopefully, they’re going to keep the
deal. We’ll see. They may, they may not. We’re going to find out” vào ngày 09
tháng 5, 2020).
Một chính sách ngoại giao
“hy vọng”? Đó là sự tái thú nhận của Trump khi trả lời phỏng vấn trên đài Fox một
ngày trước đó rằng, “đang có khó khăn với Trung Quốc” (“I’m having a
very hard time with China” trên Fox & Friends ngày 8/5/2020)
Lui một bước
để lùi thêm … hai bước trước Trung Cộng, Trump xem ra
không phải đối thủ của Tập Cận Bình lắm mưu mô. Hơn thế nữa, Trump sẵn sàng
nhượng bộ Bắc Kinh để đánh đổi lợi ích quốc gia cho quyền lợi chính trị của
mình, qua những vụ Đài Loan, ZTE hay Huawei nói trên, cùng vô số điều khác.
Với chính nước Mỹ và Đài Loan còn như vậy, điều gì
khiến người ta tin rằng Donald Trump sẽ đem lại dăm lợi ích nào đó cho Việt
Nam?
No comments:
Post a Comment