Minh
Anh - RFI
Đăng
ngày: 25/06/2020 - 11:26
Ngày 15/06/2020, quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đã xô
xát nhau dữ dội ở vùng Ladakh, trên dãy Himalaya. Hai bên đổ lỗi cho nhau là đã
xâm phạm đường kiểm soát thực tế (LAC). Thế nhưng, tranh chấp biên giới chỉ là
bề nổi. Dự án « Vành đai và Con đường » mới chính là cốt lõi căng thẳng
Ấn – Trung.
Căng thẳng biên giới Ấn –
Trung tại thung lũng Galwan, vùng Ladakh, nằm trên cao 4.300 mét của dãy
Himalaya đã kéo dài từ hơn một tháng nay. Tuy nhiên, trận ẩu đả tay không hôm
thứ Hai 15/06/2020, nổ ra ở nhiều điểm dọc theo vùng biên giới có tranh chấp giữa
Ấn Độ - Trung Quốc, là đẫm máu nhất.
Phía Ấn Độ cho biết có 20
binh sĩ thiệt mạng. Trung Quốc, giống như trong đại dịch Covid-19, không cho biết
chính xác con số nạn nhân là bao nhiêu : 5 người (Hoàn Cầu Thời Báo), 43
người (Thời báo Ấn Độ) hay là 35 binh sĩ, trong đó có một viên chỉ huy cấp cao
(trang mạng U.S News and World Report) ?
Chuyện gì thật sự đã xảy
ra trong đêm đó giữa hai cường quốc hạt nhân hàng đầu châu Á ? Bên nào gây
hấn trước ? Không ai có thể biết được. Ông Gilles Boquérat, chuyên gia về Nam Á, Quỹ
Nghiên Cứu Chiến Lược FRS, trên làn sóng của RFI có nhắc lại rằng cuộc tranh chấp
dai dẳng này giữa Ấn Độ và Trung Quốc còn là hệ quả của một quá khứ lịch sử.
« Đúng là giữa
Trung Quốc và Ấn Độ, đó còn là một vấn đề liên quan đến đường biên giới do thời
kỳ thực dân Anh để lại. Đường biên giới này chưa bao giờ được Trung Quốc công
nhận, bất kể đó là đường Mac Mahon (được ký kết giữa chính quyền thực dân và
chính phủ Tây Tạng thời đó), nằm ở phía đông biên giới Ấn – Trung. Đây là nơi
phân cách Ấn Độ với Trung Quốc, tại khu vực Ladakh. Đây chính là di sản của thời
kỳ thực dân và chúng chưa bao giờ được giải quyết dứt điểm . »
« Ván Cờ Lớn »
Vẫn theo ông Gilles
Boquerat, cuộc đối đầu đẫm máu hôm thứ Hai 15/06, không đơn giản là một cuộc
tranh chấp lãnh thổ, mà còn phản ảnh rõ một sự đối đầu sâu sắc giữa hai ông « khổng
lồ » châu Á.
Bởi vì giữa Ấn Độ và
Trung Quốc còn có một cuộc đọ sức khác, có quy mô lớn hơn. Giáo sư Serge Granger, ngành
Chính trị học ứng dụng, trường đại học Sherbrook, Canada, trong một bài viết
đăng trên tạp chí Diplomatie năm 2018, từng so sánh cuộc đối đầu Trung - Ấn
ngày nay với giai đoạn « Ván Cờ Lớn » (1813 – 1907), thời
kỳ đối đầu thực dân và ngoại giao giữa hai đế chế Anh Quốc và Nga nhằm giành
quyền thống trị Trung Á.
Khi quan sát « Ván
Cờ Lớn » đó, nhà địa lý học người Anh, Halford John MacKinder,
người đi tiên phong trong ngành địa chính trị, năm 1909 từng đưa ra giả thuyết
rằng ai thống trị được
hành lang Á – Âu trên bộ sẽ thống trị được thế giới. Bốn mươi năm sau, ông
Nicholas Spykman, nhà báo, giảng viên đại học, và cũng là một trong những
nhà sáng lập ngành địa chính trị học tại Mỹ đưa ra khái niệm : Chính sự thống trị con đường
giao thương hàng hải giúp bảo đảm uy thế cường quốc.
Những học thuyết trên được
Trung Quốc áp dụng triệt để trong dự án « Sáng kiến Vành Đai và Con Đường »
(One Belt, One Broad Initiative – BRI). Giới quan sát Ấn Độ xem dự án những con
đường tơ lụa đó như là một sự xác quyết ý muốn thống trị hành lang Á – Âu của
Trung Quốc. Họ e ngại rằng dự án này có nguy cơ vây hãm, hạn chế khả năng của
New Dehli tiến hành các hoạt động giao thương liên lục địa.
Nghiêm trọng hơn nữa, sự
gia tăng ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc tại Trung Á có lẽ sẽ còn đe dọa đến
an ninh Ấn Độ. Theo ông Nirupama Rao, cựu đại sứ Ấn Độ tại Trung Quốc và Hoa Kỳ,
sáng kiến những con đường tơ lụa đó chính là một sự thể hiện « hard
power » (quyền lực cứng) ngày càng gia tăng của Bắc Kinh, cả ở những
vùng biển lẫn trên lục địa châu Á.
Một cách cụ thể, trên bộ,
Trung Quốc thiết lập hai hành lang kinh tế : Thứ nhất là Trung Quốc –
Pakistan nối liền Kashgar (Tân Cương, Trung Quốc) với cảng biển Gwadar
(Pakistan) và hành lang thứ hai là BCIM (Bangladesh – China – India – Myanmar),
nối thẳng Trung Quốc với vịnh Bengal thông qua ngả Miến Điện.
Ngoài biển cả, Ấn Độ
Dương không còn là đại dương của riêng Ấn Độ nữa. Bắc Kinh lần lượt thiết lập
các cơ sở cảng biển của mình nằm rải rác như một chuỗi ngọc từ nhiều nước Nam Á
đến tận vùng biển Tây Phi. Những cơ sở cảng biển và quân sự này cho phép Trung
Quốc lắp đặt các hệ thống ra-đa cảnh báo mọi chuyển động của hải quân Ấn Độ.
Chuỗi ngọc đó còn là một nguồn bảo đảm chống lại mọi ý đồ của Ấn Độ chặn đường
tiếp tế nhiên liệu cũng như khoáng sản đến Trung Quốc. Đây thật sự là một mối
đe dọa cho Ấn Độ.
Tóm lại, những con đường
tơ lụa đó tạo lợi thế cho hoạt động giao thương Á-Âu của Trung Quốc. Những cơ sở
hạ tầng này tạo thuận lợi cho Trung Quốc xuất khẩu hàng hóa, một thế mạnh quan
trọng của Bắc Kinh. Những con đường này còn cho phép Trung Quốc dễ dàng nhập khẩu
nguyên nhiên liệu để rồi tái xuất khẩu dưới dạng các thành phẩm.
Ladakh : Chốt chặn
cho cả Trung Quốc và Ấn Độ ?
Chỉ có điều những hành
lang chiến lược này của Trung Quốc đã cản trở Ấn Độ kết nối thương mại với vùng
Trung Á, có một tầm quan trọng cốt lõi cho New Dehli, theo như nhận xét của ông
Serge Granger. Con đường ngắn nhất để Ấn Độ đến với Trung Á là đi qua Pakistan
và Afghanistan. Đây cũng chính là một trong những tâm điểm của mọi căng thẳng
Trung - Ấn tại vùng biên giới trên dãy Himalaya.
Vùng Ladakh, khu vực diễn
ra cuộc xung đột Ấn - Trung, có một vị thế chiến lược quan trọng cho Trung Quốc.
Khu vực này, dưới sự kiểm soát của Ấn Độ, nằm giữa Aksai Chin (Ấn Độ đòi chủ
quyền, nhưng Trung Quốc kiểm soát) và thung lũng Shaksgam, thuộc vùng Baltistan
(dưới sự kiểm soát của Pakistan). Đoạn biên giới có xung đột giữa Ấn Độ và
Trung Quốc, gây trở ngại cho Trung Quốc, kết nối quân sự và tiếp cận vùng
Kashmir của Pakistan, vốn dĩ là một mắc xích quan trọng trong dự án BRI.
Việc chiếm đóng được vùng
lãnh thổ phía bắc hồ Pangong hay chí ít thung lũng Galwan không những bảo đảm
cho Trung Quốc tiếp cận được Pakistan, mà còn có thể ngăn cản Ấn Độ thâm nhập
vào Afghanistan và vùng Trung Á. Để thực hiện ý đồ này, Bắc Kinh cho tiến hành
chiến thuật « gấm nhấm » dần từng thước đất một tại đường LAC, theo
như ghi nhận của báo Le Monde.
Đọ sức bất cân xứng ?
Về phần Ấn Độ, cảm thấy
như bị vây hãm bởi ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc trên Ấn Độ Dương và
trên châu lục, chính quyền New Dehli tiếp tục xây dựng cầu đường và các tuyến
đường sắt chiến lược cho phép di chuyển quân dọc theo đường kiểm soát. Những động
thái này khiến Bắc Kinh bực tức, xem đấy là một rào cản tiềm tàng cho « Hành
Lang Trung Quốc – Pakistan », một trục chính cho con đường tơ lụa.
Mặt khác, trong nỗ lực đối
trọng với con đường tơ lụa trên bộ của Trung Quốc, Ấn Độ lần lượt cho ra đời
hai dự án : Thứ nhất là con đường vận tải Bắc Nam (North-South
Transport) nối Mumbai với Saint-Petersbourg (Nga), qua ngả Teheran (Iran) và
Baku, và thứ hai là trục xa lộ Ấn Độ – Miến Điện – Thái Lan, nối vùng
đông bắc Ấn Độ với các nước Đông Nam Á.
Ở trên biển, cùng với Nhật
Bản, chính quyền New Dehli khởi động dự án Asia Africa Growth Corridor (AAGC) nối
Nhật Bản, Úc, Đông Nam Á, Ấn Độ và châu Phi.
Câu hỏi đặt ra : Liệu
Ấn Độ có đủ thực lực để đọ sức dài lâu cùng với Trung Quốc hay không ?
Xung đột tại biên giới ít nhiều cho thấy nỗi lo âu của New Dehli trước đà đi
lên thành cường quốc của Bắc Kinh. Bởi vì, cách biệt về tương quan lực lượng
ngày một lớn. Cách đây 30 năm, mức ngân sách cho quân sự của hai nước là ngang
nhau. Ngày nay, Trung Quốc chi đến 260 tỷ đô la cho quân sự, cao hơn 3,5 lần so
với mức chi của Ấn Độ chỉ có 71 tỷ đô la.
Trên lĩnh vực kinh tế, Ấn
Độ vẫn thua xa Trung Quốc theo như ghi nhận của Pascal Boniface, chuyên
gia địa chính trị, trên trang mạng của Viện Nghiên Cứu Quốc Tế và Chiến Lược
(IRIS). « Trung Quốc có thặng dư mậu dịch so với Ấn Độ khoảng từ 50 –
60 tỷ đô la. Nhất là GDP của Trung Quốc (14.000 tỷ đô la/năm) cao hơn 4 lần của
Ấn Độ (chưa tới 3.000 tỷ đô la/năm). Rõ ràng là Trung Quốc vượt xa hẳn Ấn Độ. »
Cuộc tranh chấp này còn
thêm phần gay gắt khi có bóng dáng của Mỹ. Chuyên gia Pascal Boniface nhắc lại,
trong quá khứ, nhất là trong giai đoạn Chiến Tranh Lạnh, Liên Xô là đồng minh của
Ấn Độ và là đối thủ của Trung Quốc. Còn bây giờ, nếu như Trung Quốc là đồng
minh của Pakistan, kẻ thù của Ấn Độ, thì New Dehli đang có xu hướng ngả dần
theo Washington.
« Giờ đây, Ấn Độ
dường như xích lại gần hơn với Mỹ. Thủ tướng Modi trở nên thân Mỹ hơn. Ông hy vọng
rằng điều đó có thể giúp Ấn Độ có được vị trí cường quốc thứ 6 mà Ấn Độ mong muốn
từ bao lâu nay. Hơn nữa, Ấn Độ cũng tỏ ra ganh tỵ trước việc Trung Quốc là
thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc mà Ấn Độ không có được.
Rồi Trung Quốc là cường quốc chính thức trong khi Ấn Độ chỉ là cường quốc không
chính thức. Thế nên, sự đối đầu là rất lớn.
Ngoài ra, căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc
dường như cũng có những tác động lên quan hệ song phương giữa Bắc Kinh và New
Dehli. Trung Quốc cũng muốn lợi dụng cuộc khủng hoảng virus corona để khẳng định
thế mạnh như là nước này đã làm với Hồng Kông, với Mỹ và đương nhiên là cả với Ấn
Độ. »
« Ván Cờ Lớn »
giữa hai ông « khổng lồ » châu Á liệu có đi đến chiến tranh
hay không ? Về điểm này, giới chuyên gia đều cùng nhất trí : Cả Ấn Độ
và Trung Quốc chẳng được lợi gì khi đối đầu trực diện. Nhưng sự việc cho thấy
rõ thái độ nghi kị của Ấn Độ ngày càng lớn đối với Trung Quốc, rủi thay lại là
một đối tác kinh tế không thể thiếu cho chính quyền thủ tướng Modi.
No comments:
Post a Comment