Hôm nay báo Đức nhắc đến ngày 20.6.1977, 43 năm trước,
khi nghệ sỹ Manfred Krug rời bỏ nước CHDC Đức, sang Tây Đức định cư. Krug là ai
mà báo chí Đức lại nói về sự kiện này?
Khi thực tập ở đài Truyền
hình CHDC Đức Berlin Adlershof 1969-1970 tôi có lần được chiêm ngưỡng nghệ sỹ nổi
tiếng này trong nhà ăn. Ông xếp hàng trước tôi vài người. Thời kỳ đó tôi vừa
xem xong bộ phim nhiều tập “Những con đường qua đất nước” (Wege übers Land)[1]
nói về số phận của những người nông dân Đông Đức từ trong chiến tranh thế giới
thứ II chuyển sang cuộc sống nông thôn XHCN.
Là một thanh niên đầy nhiệt
huyết cộng sản, tôi rất hâm mộ nhân vật cán bộ xã Willi Heyer do Krug thủ vai.
Từ đó tôi rất mê các phim có Krug đóng. Trong các phim cách mạng, ông thường
đóng các nhân vật “chính diện” nhưng rất có góc cạnh, ngang tàng. Tên tuổi của
ông vượt qua biên giới nước CHDC Đức.
Manfred Krug khi
sang đến Tây Berlin. Ảnh: internet
Manfred Krug có giọng nói
ấm và trầm, hay tự gẩy guitar hát các ca khúc tự sáng tác. Ông còn là một nghệ
sỹ hát nhac Jazz nổi tiếng nên thường được các kênh TV phương tây mời tham gia
các chương trình ca nhạc đắt tiền. Do uy tín của Krug rất cao tại CHDC Đức nên
ông được ưu đãi đặc biệt, muốn đi đâu thì đi, muốn trả lời phỏng vấn đài nào
cũng được.
Manfred Krug sinh năm 1937
tại Tây Đức và năm 1949, khi hàng triệu người Đông Đức lũ lượt bỏ chế độ XHCN
chạy sang phía Tây, ông theo cha sang Đông Đức định cư. Chắc chắn chính kiến của
ông bố có ảnh hưởng đến cậu bé Manfred. Manfred Krug có theo học trường đại học
sân khấu điện ảnh Berlin, nhưng lại không thích mài đũng quần trên ghế nhà trường
nhàm chán nên bỏ dở. Ông xin làm thực tập sinh cho nhà hát kịch Bertold Brecht
và cứ thế thẳng tiến vào con đường nghệ thuật.
Những năm tuổi trẻ, ông
trung thành với lý tưởng xã hội chủ nghĩa, bênh vực người nghèo, hướng tới công
bằng xã hội. Erich Honecker, tổng bí thư đảng kiêm chủ tịch CHDC Đức đã phát biểu
năm 1972: Chúng ta cần nhiều Krug (Wir brauchen viele Krüger!). Sở dĩ ông ta
nói vậy vì Krug là khuôn mặt dễ chịu của CNXH ở phương tây, một khuôn mặt tài
năng, sâu sắc và đức độ.
Cũng vì đức độ nên khi
Krug được các cán bộ cao cấp kết thân, ông nhận ra ở họ những điều ngược lại với
nhân sinh quan của mình. Lúc đầu ông chỉ coi đó là vấn đề đạo đức cá nhân.
Ngày 16.11.1976, chính phủ
CHDC Đức tuyên bố tước quyền công dân của ông Wolf Biermann, một nhạc sỹ bất đồng
chính kiến. Họ không cho ông quay về lại quê hương, khi ông đang biểu diễn ở
Cologne, Tây Đức. Lập tức hành động này vấp phải một làn sóng phản đối của các
văn nghệ sỹ nổi tiếng Đông Đức. Tất nhiên Manfred Krug không bỏ bạn, mặc dù có
những nhà văn nổi tiếng như bà Anna Seghers (Những người chết còn trẻ mãi)
không ký. Chữ ký của Krug trong bản phản đối trục xuất Biermann là một quả bom
tấn vì uy tín tuyệt đối của ông.
Lập tức ông bị sức ép rất
lớn. Bạn thân của ông là Werner Lamberz, ủy viên bộ chính trị, trưởng ban tuyên
huấn đảng SED cũng khuyên ông rút chữ ký. Lúc này thì Krug không còn coi đó là
vấn đề đạo đức cá nhân của từng con người mà là vấn đề của hệ thống. Quan hệ giữa
nghệ sỹ yêu lý tưởng XHCN và chính quyền toàn trị bắt đầu rạn nứt. Mâu thuẫn
leo thang, một số buổi công diễn của ông bị dừng lại xem xét.
Nước tràn ly. Ngày
19.04.1977 Manfred Krug nộp đơn xin sang Tây Đức định cư. Đây là quả bom thứ
hai trong vòng sáu tháng. Lúc này chính quyền CHDC Đức biết là đã già néo đứt
dây. Họ xin lỗi ông đủ điều và hứa hẹn sẽ tổ chức một tua biểu diễn hoành tráng
khắp các nước XHCN. Bộ trưởng Văn hóa Hoffmann còn đề nghị: Ông muốn đi đâu
trên thế gian này, chúng tôi cũng sẽ chiều.
Krug không thích xài những
cái đĩa vỡ chắp lại. Ông kiên quyết từ bỏ chế độ.
Krug đã nhận rõ bản chất
chế độ hơn ai hết. Ông biết là muốn sống sót ra đi, ông phải có vũ khí mạnh.
Đó là quyển nhật ký ông
ghi lại những gì đã xảy ra với ông, một nghệ sỹ nhân dân, từ tháng 12.1976, sau
khi ông ký kiến nghị phản đối vụ Biermann. Nếu ông bị bắt hoặc bị giam lỏng
không được sang miền Tây, tất cả các sự thật này sẽ được công bố. Bên cạnh các
cuộc nói chuyện của ông với các lãnh đạo CHDC Đức, còn có một cuộn băng ghi âm cuộc họp của ban lãnh đạo
đảng với nhóm nhân sỹ ký tên phản đối, tổ chức tại villa của ông ở Pankow. Cho
đến nay không ai biết nội dung băng ghi âm, nhưng chắc chắn nội dung của nó phải
kinh tởm đến mức mà phía STASI phải lùi bước.
Krug nói với Werner
Lamberz rằng: Nếu cậu lo cho tớ được giấy phép ra đi, tớ sẽ đưa cậu bản copy cuộn
băng đó. Như vậy cậu sẽ có cơ hội rút kinh nghiệm để sau này tử tế và cẩn thận
hơn với các trường hợp khác!
Lamberz là nhân vật thứ
ba trong đảng SED lúc đó. Ông ta đã lo cho Krug được rời CHDC Đức một các ngon
lành theo “Giải pháp 1A”.
Vợ chồng Krug
Ngày 20.06.1977 ông cùng
vợ, bà Ottlie Krug và 3 con thu xếp đồ đạc lên 1 chiếc xe ô tô Mercedes có rơ
móc, đi qua cầu Glienicke, nơi vẫn trao đổi điệp viên hai bên để sang Tây
Berlin. Toàn bộ tài sản của ông, bao gồm cả bộ sưu tầm xe ô tô cổ được chuyển
sang sau. Chính quyền CHDC Đức cho phép ông giữ lại lâu đài của ông ở Berlin
Pankow, điều xưa nay chưa từng có tiền lệ. Hơn thế nữa ông còn đòi cho vợ ông
quyền đi lại thăm gia đình bên Đông Đức mỗi khi thấy cần thiết. [2]
STASI chấp nhận những điều
kiện này một phần vì các ghi chép của ông, nhưng cũng một phần vì tầm cỡ của
người nghệ sỹ Krug.
Manfred Krug giữ lời hứa,
trao cho ông bạn Werner Lamberz bản copy cuộn băng. Cho đến nay ông không hề
công bố nội dung của nó. (Không cần công bố thì nhiều người ở đây cũng mường tượng
ra nội dung).
Sang Tây Đức, Manfred
Krug vẫn tiếp tục con đường nghệ thuật và thành công vang dội. Sau thống nhất đất
nước, ông trở về Berlin sinh sống và qua đời ở đó ngày 21.10.2016.
Mộ của Manfred
Krug. Ảnh: internet
Tôi viết về Krug vì quý
trọng tình nghĩa của ông đối với mảnh đất và con người miền Đông, nơi đã cất
cánh cho ông trên con đường nghệ thuật.
Tôi vẫn còn nhớ hình ảnh
khi ông sang đến bên kia cầu, phóng viên Tây Đức xúm lại chào mừng và phỏng vấn
ông. Krug nín lặng không nói gì, chỉ nhìn sang Đông Berlin, mắt rơm rớm.
Một lúc sau ông mới nói:
Tôi rất đau buồn vì phải rời bạn bè và công chúng CHDC Đức.
Không một lời vui mừng về
tự do mới được hưởng.
_____
Ghi chú:
.
Xem Talkshow này nghe
Krug giãi bày khi mới chuyển qua Tây Berlin. Vẻ mặt đượm buồn và không ít khi
ngân ngấn nước mắt:
https://youtu.be/wvAlyhXgHpE
https://youtu.be/wvAlyhXgHpE
YOUTUBE.COM
Je später
der Abend - komplettes Interview mit Manfred Krug und Klaus…
.
Theo DE Wikipedia thì 20
năm sau khi sang CHLBĐ Krug đã phổ biến cuộn băng ghi âm trong cuốn Abgehauen
Và trong đó cũng ghi lại cuốn nhật ký nêu trên. Không biết đúng không? 1998
truyện còn được làm thành phim.
Cảm ơn anh Thoai
Pham. Tôi đã kiểm tra lại. Manfred Krug giữ kín câu chuyện đó suốt hai mươi
năm và chỉ công bố nội dung của nó sau khi các hồ sơ STASI được công khai.
No comments:
Post a Comment