Wednesday, 17 June 2020

BẢN TIN NỔI BẬT TRONG NGÀY 17/06/2020 (Nguyễn Hoàng Việt)




Nguyễn Hoàng Việt
Tác giả gửi tới Dân Luận
18/06/2020

Báo Dân Việt đưa tin "Khởi tố, bắt tạm giam ông Tất Thành Cang, cựu phó Bí thư TP Hồ Chí Minh": Nhưng sau đó bài đã bị gỡ. Blogger Hoàng Dũng cho biết: "Tất Thành Cang chưa bị bắt. Hiện mới chỉ bị mời làm việc về vụ 30ha đất ở Phước Kiển, Nhà Bè."

Tất Thành Cang

Ông Đặng Hùng Võ có bài "Đất nóng, tâm lạnh": Bài viết phê phán Quốc Hội Việt Nam không đụng đến dự án sửa đổi Luật Đất đai 2013 trong phiên họp này, dù đây là lĩnh vực nóng và nguy hiểm tiềm tàng: "Đành rằng chuyển dịch đất từ hiện trạng sử dụng thiếu hiệu quả sang mục đích khác hiệu quả cao hơn là điều tất yếu phải làm để phát triển. Nhưng cũng có một điều tất yếu khác phải bảo đảm: hiệu quả sử dụng đất trong tương lai trừ đi hiệu quả sử dụng đất theo hiện trạng phải là số dương rất lớn, đủ để chia sẻ giữa nhà nước, nhà đầu tư (đóng góp tiền) và người đang sử dụng đất (đóng góp đất).

Ở các nước tiến bộ, người ta gom đất để đầu tư phát triển dựa trên nguyên tắc "chia sẻ lợi ích từ hiệu quả sử dụng đất tăng thêm". Tức nhà đầu tư phải thuê đất hoặc nhận góp vốn bằng đất của người đang sử dụng để đầu tư dự án. Xã hội rất bình yên.

Ở ta, nhà nước vẫn thu hồi đất và thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Luật đã quy định giá đất tính bồi thường phải phù hợp giá đất trên thị trường, nhưng chính phủ lại quy định phương pháp định giá đất thứ 5 bằng cách lấy giá đất theo bảng giá nhân với một hệ số do chủ tịch ủy ban tỉnh quyết định theo chủ quan. Cách định giá này đã kéo Luật Đất đai 2013 về năm 1993. Giá đất tính bồi thường chỉ khoảng 50 % đến 70 % giá đất trên thị trường. Kinh tế tuy tăng lên nhưng bất ổn xã hội cũng vì thế mà tăng theo...

Điều đáng ngại hơn là bằng cách nào để ngăn chặn hình thức đại gia nước ngoài núp bóng người Việt mua các bất động sản của hộ gia đình, cá nhân Việt? Các đại gia Trung Quốc đã bỏ nhiều tiền để mua nhiều doanh nghiệp quan trọng của Mỹ, Canada, châu Âu, Australia... mục tiêu là để chế ngự công nghệ và kinh tế thế giới. Đối với Việt Nam, công nghệ và kinh tế còn nhỏ nhoi, nếu căn cứ vào địa chính trị thì chế ngự đất đai có thể trở thành mục tiêu chính. Nhìn rộng hơn, các đại gia nước ngoài còn có thể tiếp cận được đất tại Việt Nam thông qua mua cổ phiếu ở mức chi phối doanh nghiệp nội địa trên thị trường chứng khoán, mua trái phiếu do doanh nghiệp trong nước phát hành, cho vay tín dụng không chính thức hoặc chính thức... Tất cả các hình thức này đều có thể dẫn đến mua bán và sáp nhập doanh nghiệp ở dạng buộc phải chuyển nhượng dự án hay mua lại cả công ty. Đất đai theo đó mà sang tay người nước ngoài. Đây là những khoảng trống siêu lớn, khá nguy hiểm đang tồn tại trong Luật Đất đai 2013."

Liên quan nhân quyền, VOA có tin “Kêu gọi Úc thúc đẩy Việt Nam phóng thích Châu Văn Khảm”: Chính phủ Australia bị thúc ép phải tăng cường hơn nữa các nỗ lực đòi tự do cho ông Châu Văn Khảm, một công dân Úc gốc Việt đang chịu án tù ở Việt Nam sau khi bị kết án 12 năm tù vì tội “khủng bố” vào cuối năm ngoái.

Tàu khảo sát Hải Dương 4 của Trung Quốc đã vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, chỉ cách đảo Phú Quý khoảng 182 hải lý hôm thứ Ba, ngày 16 tháng Sáu.

Đài Á Châu Tự Do sử dụng hai phần mềm định vị xác định Hải Dương 4 đã tiến đến vùng biển của Việt Nam hôm 14/6 sau khi đi qua căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa. Dữ liệu định vị mới nhất vào sáng ngày 16/6 cho thấy tàu này nằm hoàn toàn trong vùng 200 hải lý từ bờ biển của Việt Nam.

Hiện không rõ nguyên nhân vì sao Trung Quốc điều tàu Hải Dương 4 vào vùng biển của Việt Nam vào lúc này. Chính phủ Trung Quốc và Việt Nam đều chưa lên tiếng gì về động thái này.

Tuy nhiên vào khoảng nửa cuối năm 2019, Trung Quốc đã từng điều tàu khảo sát Hải Dương 8 cùng các tàu hải cảnh vào quấy nhiễu hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam ở lô dầu khí 06 -01 trong liên doanh giữa Việt Nam với công ty Rosneft của Nga ở Bãi Tư Chính.

Lập trường của Trung Quốc là phản đối việc các quốc gia đòi chủ quyền ở khu vực Biển Đông hợp tác với các công ty quốc tế ngoài khu vực để khai thác dầu khí ở Biển Đông.
Theo các phần mềm theo dõi hàng hải, dường như Hải Dương 4 lần này không đi cùng với các tàu hải cảnh vào vùng biển Việt Nam. Chỉ có tàu hải cảnh Haijing 5202 hiện đang đậu ở Đá Chữ Thập gần đó.

Việc Hải Dương 4 lần này vào vùng biển Việt Nam cũng có thể liên quan đến các hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam với công ty Rosneft của Nga gần Bãi Tư Chính.
Truyền thông trong nước cho biết, giàn khoan dầu Clyde Boudraux của một công ty có trụ sở ở Anh theo dự định sẽ hoạt động trong khu vực này. Giàn khoan đã được kéo về cảng Vũng Tàu hôm 22/4 nhưng theo dữ liệu phần mềm định vị thì giàn khoan này vẫn chưa rời cảng.

Trung Quốc cũng đã từng đe doạ Việt Nam trong những hoạt động khoan thăm dò dầu khí trước đây với công ty Repsol của Tây Ban Nha hồi năm 2017 và 2018.

Hôm 13/6 vừa qua, công ty dầu khí Repsol của Tây Ban Nha đã chuyển nhượng các cổ phần của công ty này ở 3 lô dầu khí ngoài khơi phía đông nam Việt Nam cho PetroVietnam với lý do khó khăn do bị sức ép từ Trung Quốc hồi năm 2018.

CHẤT LƯỢNG CÁN BỘ VÀ “BỘ LỌC” QUỐC HỘI
Blogger Nguyễn Tiến Tường chia sẻ: "Tôi chưa bao giờ mất hết niềm tin ở Quốc Hội, bởi ở đó vẫn có những cá nhân xuất sắc và mẫn tiệp; những tiếng nói trung dung mực thước và dạn dày. Tuy nhiên, điều tôi đón đợi ở nghị trường vẫn chưa xuất hiện: Đó chính là chất vấn cán bộ và công tác cán bộ.

Thật không may cho quốc gia khi Bộ Chính trị khởi xướng trọng tâm công tác cán bộ trước thềm Đại hội Đảng, lại liên tiếp xuất hiện nhiều hiện tượng không hay ở nhiều địa phương. Càng không may, nó rơi vào chính những căn bệnh trầm kha mà thể chế quyết tâm tiễu trừ: cục bộ, tham lam..

Thanh Hoá, Quảng Trị, Quảng Ninh... và rất nhiều địa phương khác đang thật sự khiến người dân hồ nghi quyết tâm sắt đá của hệ thống chính trị. Vì khi thượng tầng chính trị nêu gương, ở dưới lại “quân hồi vô phèng”, tôn nghiêm quốc gia không thể nào tồn tại.

Không thể chấp nhận một lãnh đạo tỉnh chưa ngồi đủ nhiệm kỳ cơ sở đã tót lên ghế chủ tịch. Lại càng không thể chấp nhận người chưa ngồi ấm ghế chủ tịch lại ôm đồm thêm chức hiệu trưởng Đại học như trường hợp Chủ tịch Quảng Ninh, ông Nguyễn Văn Thắng.

Cho dù là chân phương mưu cầu điều tốt, cán bộ thông minh dư biết thời điểm nào là nhạy cảm chính trị, không vì cảm xúc cá nhân mà làm lung lay đại cục. Nhất là khi ông Thắng đang là Uỷ viên dự khuyết và cũng đồng thời là đại biểu Quốc Hội!

Lại càng phải rất nắn nót khi báo chí đã gọi tên ông Thắng trong các sai phạm khi ông Thắng còn làm lãnh đạo Vietinbank cùng khoản cho vay 1.600 tỷ đồng của Gang thép Thái Nguyên. Trước đó, trong vụ lừa đảo của Lê Huyền Như, luật sư từng yêu cầu toà triệu tập ông Thắng xung quanh việc ký ủy quyền cho Vietinbank chi nhánh TP.HCM nhận tiền gửi của Cty chứng khoán Phương Đông số tiền 780 tỷ đồng.

Quan lộ của ông Thắng là một trường hợp kỳ lạ, cái lạ lộ thiên này khiến người dân đóng đinh một kịch bản hao hao tuần phủ xuống địa phương. Trắng đen chưa thể lạm bàn nhưng khi Quốc Hội không nghị sự những hiện tượng như vậy, nghĩa là đánh mất một cơ hội sát hạch cán bộ.

Không chỉ cá nhân ông Thắng, những hiện tượng khác thông qua đó cũng sẽ có lời giải. Và cũng không có cơ quan nào hơn QH có thể giải mã nhân sự cấp cao cho Đảng, trước ánh sáng ban ngày. Khi QH lơ là hoặc thoái thác cơ hội sát hạch cán bộ, thể chế mất đi cơ hội lựa chọn người tài đức vẹn toàn. Và như vậy, niềm tin của nhân dân không được dịp kiểm chứng trực quan sinh động.

Cán bộ trong thể chế như con ngươi trong mắt, có một dịp tốt để nhìn thì lại bỏ qua, sau này nói với nhân dân cán bộ này lãnh đạo kia “xứng đáng”, e rằng khiên cưỡng...

Một trường hợp "bổ nhiệm thần tốc" khác được báo Tiền Phong mổ xẻ qua bài "Kiểm tra hồ sơ một phó chủ tịch tỉnh Thái Bình": Đó là ông Nguyễn Khắc Thận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình.

Theo các tài liệu được công khai, năm 2011, ông Thận được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Phụ phải áp dụng Quy định về tiêu chuẩn chức danh Phó Chủ tịch UBND huyện ban hành cùng Quyết định 341-QĐ/TU ngày 18/4/2007 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình (Về việc ban hành tiêu chuẩn một số chức danh lãnh đạo). Quy định này nêu, vị trí Phó Chủ tịch UBND huyện phải đạt chuyên viên chính trở lên, có trình độ chuyên môn tốt nghiệp đại học trở lên, đối với cán bộ dưới 45 tuổi phải tốt nghiệp đại học hệ chính quy và cao cấp chính trị hệ tập trung. Tuy nhiên, lúc đó, ông Thận 37 tuổi, chỉ có bẳng chuyên môn Cao đẳng Kiểm sát và Cử nhân Luật hệ chuyên tu, không đáp ứng tiêu chuẩn “tốt nghiệp đại học hệ chính quy”.

Tháng 6/2014, ông Thận được bầu giữ chức Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Phụ. Theo tiêu chuẩn chức danh Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện ban hành kèm Quyết định 1496-QĐ/TU ngày 22/8/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình (Về việc ban hành một số chức danh lãnh đạo, thay QĐ 341-QĐ/TU) yêu cầu về trình độ như sau: Đạt tiêu chuẩn nghiệp vụ ngạch chuyên viên chính trở lên, có trình độ chuyên môn tốt nghiệp đại học trở lên, đối với cán bộ dưới 45 tuổi phải tốt nghiệp đại học hệ chính quy... Thời điểm đó, ông Thận mới 40 tuổi, chưa có bằng đại học chính quy, chưa là chuyên viên chính.

Đặc biệt, chỉ sau 1 năm giữ chức Chủ tịch UBND huyện, tháng 7/2015, ông Thận được bầu giữ chức Bí thư Huyện ủy, tham gia Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh Thái Bình. Trong tiêu chuẩn chức danh ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh ban hành kèm Quyết định 1891-QĐ/TU, ngày 10/11/2014 quy định: “Có trình độ chuyên môn tốt nghiệp đại học trở lên (đối với cán bộ dưới 45 tuổi phải tốt nghiệp đại học chính quy, nếu tốt nghiệp đại học tại chức phải có bằng thạc sỹ và tương đương trở lên, đúng chuyên ngành đào tạo ở bậc đại học)”. Đối chiếu quy định này, ông Thận cũng không đạt. Cụ thể, ông Thận chỉ có bằng Thạc sỹ Quản ký kinh tế hệ tại chức, không phải bằng thạc sỹ Luật - ngành mà ông đã từng được đào tạo ở bậc đại học theo quy định nêu trên.

Đặc biệt, trước khi bổ nhiệm ông Thận làm Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Phụ chưa đầy 1 tháng, vào tháng 5/2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình ra quyết định hạ tiêu chuẩn với Chủ tịch UBND huyện. Theo đó, từ tiêu chí bắt buộc “là chuyên viên chính” thành “đủ điều kiện, tiêu chuẩn nghiệp vụ dự thi ngạch chuyên viên chính và tương đương trở lên”. Theo quyết định này, ông Thận lúc đó cũng chỉ đạt về yếu tố chuyên viên. Tuy nhiên, ông Thận vẫn chưa có bằng đại học chính quy theo quy định.

Trao đổi về việc này, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng có dấu hiệu vi phạm và phải làm rõ. “Đầu tiên là phải yêu cầu giải trình, khi có thông tin thì Ban Tổ chức, Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy Thái Bình phải vào cuộc thanh kiểm tra và có ý kiến, quan điểm về việc này. Tôi nói trường hợp này không bình thường ở chỗ, vị này có thể là thiên tài, có biệt tài vượt qua các quy định, tiêu chuẩn, cần phải thông tin hoan nghênh. Nhưng đây là trường hợp hiếm có, ít xảy ra. Mặt khác, câu chuyện phổ biến hiện nay là dung dưỡng nhau, có lợi ích nhóm, lôi kéo nhau ngồi trên quy định”, ông Hùng nói.







No comments:

Post a Comment

View My Stats