Thursday, 8 August 2019

VỤ PHỞ HÒA : KHI CÔNG AN BÓ TAY TRƯỚC CÔN ĐỒ (Trân Văn)




07/08/2019

Tuy công an TP.HCM đã “bắt khẩn cấp” năm người, tạm giữ hai người liên quan đến vụ khủng bố Phở Hòa nhưng tiệm phở nổi tiếng này vẫn chưa mở cửa trở lại.

Chuyện Phở Hòa đóng cửa, tạm ngưng kinh doanh hồi đầu tháng này đã trở thành một scandal rúng động dư luận.

Hình: Trích xuất từ trang web báo Người Lao Động, nld.com.vn.

Quả là khó hiểu khi một cơ sở kinh doanh lâu đời, nổi tiếng – một trong những điểm mà du khách ngoại quốc chủ động tìm đến hoặc được các doanh nghiệp du lịch đưa tới để thưởng thức một trong những đặc trưng của ẩm thực Việt Nam – bị tạt sơn, mắm tôm và đủ loại chất bẩn vào quán, thậm chí những kẻ tham gia khủng bố còn táo tợn đến mức mang gián bỏ vào tô phở mà khách đang ăn, trước mặt tất cả mọi người, từ chủ quán đến thực khách…
Tại sao hoạt động khủng bố Phở Hòa có thể kéo dài cả tháng, chủ tiệm phở không thể chịu đựng được nữa đành tạm ngưng kinh doanh?

Câu trả lời là vì công an có mà như không? Cho đến giờ này, không ai biết công an nhân dân Việt Nam sử dụng bao nhiêu triệu người, hàng năm ngốn hết bao nhiêu phần trăm công quỹ? Người ta chỉ đoán công an nhân dân Việt Nam đông như… quân Nguyên, rải đều từ thủ đô đến tận thôn xóm, trang bị càng ngày càng hiện đại, nắm trong tay đủ loại phương tiện chuyên dụng và thỉnh thoảng lại đem ra khoe nhằm chứng tỏ dư sức trấn áp tất cả các hoạt động phản kháng (2).

***
Về lý thuyết, công an nhân dân Việt Nam là lực lượng bảo vệ trật tự, duy trì trị an nhưng trên thực tế, công dân Việt Nam phải tự bảo vệ mình, hoặc tự dùng cơ bắp, hoặc phải cậy du đãng để giải quyết các mâu thuẫn trong sinh hoạt xã hội. Đó là lý do xã hội càng ngày càng hỗn loạn, du đãng càng ngày càng lộng hành, người lương thiện càng lúc càng hoang mang, bất an trở thành cảm giác chủ đạo vì không ai biết lúc nào thì chính mình hoặc thân nhân trở thành nạn nhân.

Trước nay, công an nhân dân Việt Nam vẫn thế - dành toàn bộ tâm lực, sức lực cho việc bảo vệ quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của đảng CSVN và chỉ thế mà thôi.

Công an nhân dân Việt Nam không như thế thì làm gì có chuyện ông Phạm Phong Phú chọn du đãng để giải quyết mâu thuẫn trong kinh doanh với ông Trần Anh Tuấn (em rể chủ tiệm Phở Hòa)! Công an nhân dân Việt Nam không như thế thì làm gì có chuyện du đãng khủng bố Phở Hòa cả tháng, liên tục đánh vào “bao tử” của chủ tiệm Phở Hòa để ép ông “ói” ra tiền mua sự an ổn cho cả ông, thân nhân của ông lẫn sự nghiệp kinh doanh của ông…

Chỉ đến khi tiệm Phở Hòa phải đóng cửa, tạm ngưng kinh doanh vì bị khủng bố, trở thành scandal khiến người ta thêm bất bình về khả năng quản lý – điều hành xã hội của đảng, công an nhân dân Việt Nam mới nhập cuộc: Bắt những cá nhân có liên quan và tổ chức họp báo để trấn an công chúng. Thượng tá Nguyễn Đăng Nam, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự của Công an TP.HCM, phân bua, vụ khủng bố Phở Hòa giữa thanh thiên, bạch nhật kéo dài cả tháng vì: Đây là thủ đoạn đê hèn, rất mới (2)!

***
Nếu đem công an nhân dân Việt Nam ra so sánh với các lực lượng bảo vệ trật tự, duy trì trị an của những quốc gia khác trên thế giới, chắc chắn công an nhân dân Việt Nam nằm trong nhóm dẫn đầu cả về hành xử vô trách nhiệm lẫn mức độ trâng tráo khi đề cập đến những vấn đề vốn thuộc phạm vi trách nhiệm của lực lượng này.

Khủng bố tinh thần công dân bằng tạt sơn, mắm tôm, các loại chất bẩn, các hình thức dọa nạt khác đúng là “đê hèn” nhưng sự “đê hèn” đó hoàn tàn không “mới”. Hình thức khủng bố này phổ biến từ lâu trên toàn Việt Nam, bất kể Việt Nam có lực lượng… công an nhân dân hết sức hùng hậu!

Ngay tại TP.HCM, hình thức khủng bố như đã kể từng tạo ra vô số scandal. Chẳng hạn, cuối năm ngoái, công chúng từng xôn xao khi một nữ giáo viên ngụ tại phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP.HCM phải viết thư ngỏ, gửi cho “mấy anh xã hội đen” xin tha cho vợ chồng cô, cho mẹ già, các cháu vì họ không liên quan đến món nợ mà người chị dâu trót vay nặng lãi (2). Cũng cuối năm ngoái, tờ Tuổi Trẻ thực hiện một phóng sự cảnh báo “Nạn tạt sơn, mắm tôm ngày càng táo tợn ở TP.HCM” (3)…

Tạt sơn, mắm tôm, các loại chất bẩn, dùng đủ loại hình thức dọa nạt, khủng bố tinh thần người khác, ép họ phải thực thi, đáp ứng tất cả những yêu cầu hết sức ngang ngược rõ ràng là “đê hèn” nhưng được dân nuôi, hưởng đủ thứ đãi ngộ nhằm bảo vệ trật tự, duy trì trị an song lại để xã hội càng ngày càng hỗn loạn, du đãng càng ngày càng lộng hành, người lương thiện càng ngày càng hoang mang thì nên xem… là gì? Xấp xỉ với đê hèn hay hơn cả đê hèn?

Về lý thuyết, trật tự - trị an phải được dùng làm thước, đo cả năng lực lẫn tư cách của các thành viên trong lực lượng bảo vệ trật tự, duy trì trị an. Tại sao đảng ta, quốc hội ta, nhà nước ta, chính phủ ta không dùng thước đó? Tại sao xã hội càng ngày càng hỗn loạn, du đãng càng ngày càng lộng hành, trộm cắp, cướp giật, hành hung, đâm chém, truy sát tràn lan, không chừa cả những công thự, người lương thiện càng ngày càng hoang mang nhưng các sĩ quan trong lực lượng công an nhân dân vẫn thăng tiến vùn vụt, đồng chí Tô Lâm, Bộ trưởng Công an vẫn có thể từ Thượng tướng trở thành… Đại tướng?

Tại sao chưa bao giờ có sĩ quan cao cấp nào trong lực lượng công an nhân dân bị cật vấn, truy cứu trách nhiệm do không chu toàn nghĩa vụ bảo vệ tính mạng, phẩm giá, tài sản của công dân? Bao giờ người lương thiện tại Việt Nam tự hỏi chính mình: Có nên nhẫn nại nuôi một lực lượng, tiếng là bảo vệ trật tự, duy trì trị an nhưng trong hoạt động chỉ biết có đảng, chỉ tâm niệm “còn đảng, còn mình”?

--------------
Chú thích












No comments:

Post a Comment

View My Stats