Thursday, 15 August 2019

VIỆT NAM NÊN LÀM GÌ KHI TRUNG CỘNG TIẾP TỤC 'GÂY SỰ' Ở BÃI TƯ CHÍNH? (Lê Đình Bì)




Lê Đình Bì
August 15, 2019
Ngày 13 Tháng Tám, 2019, Trung Cộng đã đưa tàu thăm dò Hải Dương Địa Chất 8 (Haiyang Dizhi 8) trở lại bãi Tư Chính (Vanguard Bank) mà chỉ 6 ngày trước đó, hệ thống truyền thông ở Việt Nam đã “vui mừng” loan báo là chiếc tàu thăm dò này đã rút lui khỏi khu vực tranh chấp. Tình hình trở lại căng thẳng và có thể biến thành một cuộc đụng độ đổ máu. Câu hỏi đặt ra là nhà cầm quyền Hà Nội nên làm gì để tránh những “vụ Tư Chính” như thế tái diễn?

Trong bài này, chúng tôi dùng từ “Biển Đông” (East Sea) như cách để củng cố chủ quyền biển đảo của Việt Nam, thay cho tên gọi Biển Hoa Nam (South China Sea) như báo chí ngoại quốc vẫn thường sử dụng.

I-Dã tâm của Bắc Kinh là độc chiếm Biển Ðông

Sau mấy thập niên phát triển kinh tế vượt bực kể từ những năm 1980, Tổng Sản Phẩm Quốc Nội (GDP) của Trung Cộng lần lượt qua mặt các cường quốc và trở thành nền kinh tế đứng hạng nhì thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ. Bắc Kinh với kế hoạch “Made In China 2025” mà dự tính đến khi kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa vào năm 2049, họ sẽ là quốc gia “độc bá quyền vương.” Giờ đây, Trung Cộng đã tự xem mình là siêu cường, có thể làm những việc bất chấp công pháp quốc tế như một số tiền lệ. Mục tiêu của Trung Cộng là “phá thế bao vây chiến lược của Mỹ” về phía Đông, là bằng mọi cách phải thoát ra Thái Bình Dương, đẩy Washington ra khỏi mọi nỗ lực liên quan đến Biển Đông. Đối với Bắc Kinh, Biển Đông phải là “ao nhà” của họ. Rõ ràng nhất là việc Trung Cộng muốn chia sẻ quyền lực và ảnh hưởng ở Á Châu-Thái Bình Dương, trước hết bắt đầu từ Biển Đông.
Có thể nói chiến lược “tằm ăn dâu” của Trung Cộng đã thành công. Sau khi cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa (Paracel Islands) của VNCH năm 1974, họ nhắm đến quần đảo Trường Sa (Spratly Islands) với việc chiếm đoạt đảo Gạc Ma năm 1988.

1- Bắc Kinh với kế sách “Tằm ăn dâu”:
Trong thập niên thứ hai của thế kỷ 21, Bắc Kinh có các hành động đáng chú ý như sau:

* 2001, Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền với phần “đường lưỡi bò” hay “đường 9 đoạn” trên biển Đông.

* 2010, dùng một tàu ngầm loại nhỏ, lặn xuống đáy Biển Đông và cắm cờ Trung Cộng dưới đáy biển như là một hành vi tuyên bố chủ quyền (giống như kiểu Nga, Mỹ, Canada, Na Uy… cắm cờ dưới đáy Bắc Băng Dương).

* 2012, chính thức thành lập thành phố Tam Sa (Sansha City) trên đảo Phú Lâm (Woody Island) thuộc quần đảo Hoàng Sa, đặt Sansha City trực thuộc tỉnh Hải Nam.

* 2014 đưa giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của VN như là một hành động thăm dò phản ứng của Hà Nội.

* Cũng từ năm 2014, Trung Cộng cho bồi đắp nhiều đảo san hô, bãi đá cạn thành các căn cứ quân sự cho tàu biển cập bến và các phi đạo cho chiến đấu cơ, thiết lập các hệ thống hoả tiễn… Cùng lúc, Việt Nam và Philippines cũng có những hành động quân sự hóa tương tự.

* Tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng khi một chiếc tàu cá, bị nghi là tàu dân quân biển của Trung Cộng, đâm chìm một tàu đánh cá của ngư phủ Philippines tại khu vực bãi Cỏ Rong trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines vào ngày 9 Tháng Sáu, 2019, rồi bỏ mặc 22 ngư dân Philippines giữa biển khơi khi tàu họ chìm. Những ngư dân này sau đó được một tàu cá của Việt Nam cứu giúp.

* Kể từ đầu Tháng Bảy, 2019, Bắc Kinh đưa tàu thăm dò Hải Dương Địa Chất 8 tới bãi Tư Chính. Tàu này được các tàu hải cảnh hộ tống, trong đó phải kể đến chiếc Haijing 3901, vốn được xem là một trong số những tàu tuần duyên lớn nhất thế giới với trọng tải 12,000 tấn. Để bảo vệ chủ quyền lãnh hải, Hà Nội cho điều động các tàu tuần duyên hiện đại mà trước đó đã mua cũng như được Hoa Kỳ và Nhật Bản viện trợ.

Tình hình Biển Đông đột nhiên căng thẳng và hoàn tòan là do hành động khiêu khích, đàn áp của Trung Cộng đối với các nước yếu thế hơn.

Tầm quan trọng của Biển Đông: Được xem là một phần của Thái Bình Dương, Biển Đông có diện tích 3.5 triệu km2, là hải lộ sống còn nối liền Á Châu, đặc biệt là vùng Đông Á với Âu Châu và Phi Châu. Cơ quan thông tin năng lượng Hoa Kỳ ước tính Biển Đông có trữ lượng chí ít là 11 tỷ thùng dầu và 190 ngàn tỷ feet khối khí thiên nhiên. Các ước lượng khác cho con số gấp đôi. Vùng biển này còn chứa 10% loài hải sản có thể nuôi sống hàng trăm triệu người. (Nguồn: Wikipedia)

2-Vì sao là Bãi Tư Chính?
Biến một sự việc không tranh chấp thành một sự việc tranh chấp, rồi chủ trương đàm phán song phương để chèn ép các nước nhỏ, vốn là chủ trương của Bắc Kinh. Và thế là Trung Cộng chọn bãi Tư Chính? Vì sao? Vì Việt Nam đang cho các nước thăm dò và khai thác dầu khí ở khu vực đó. Họ muốn công ty các nước phải lo sợ mà rút lui, hoặc giả, phải thương lượng để ký kết hợp đồng khai thác với chính quyền Bắc Kinh và như vậy, chẳng khác nào công nhận chủ quyền của Trung Cộng.

Một điểm cần khẳng định ở đây là bãi Tư Chính hoàn tòan nằm trong vùng đặc quyền kinh tế EEZ của Việt Nam. Trong khi đó, Trung Cộng luôn luôn “ghép” khu vực này vào quần đảo Trường Sa. Họ mưu đồ là như vậy, để một khi có “chủ quyền hải đảo” với Trường Sa, họ sẽ có được vùng EEZ bao trùm cả bãi Tư Chính, bất chấp việc Tòa Trọng Tài Thường Trực (CPA) đã có phán quyết bác bỏ tất cả các thực thể của Trường Sa đều không được xem là hải đảo tự nhiên, có thể tự túc đời sống kinh tế trên đó, để được hưởng vùng đặc quyền kinh tế EEZ 200 hải lý.

II-Hà Nội nhìn vào hành động của Manila nên đã không dám khởi kiện Bắc Kinh ra tòa Quốc Tế:

1-Tòa Trọng Tài bất lực?
Ở phần này, chúng ta lưu ý đến việc giải quyết tranh chấp quốc tế qua hệ thống tài phán của những cơ quan Liên Hiệp Quốc.

Ngày 12 Tháng Bảy, 2016, Tòa Trọng Tài Thường Trực (Permanent Court of Arbitration – CPA) – tức Tòa Án Trọng Tài Luật Biển trong vụ Philippines kiện Trung Cộng – đã ra phán quyết, theo đó, Philippines chiến thắng vẻ vang, còn Trung Cộng thì không thể dùng “đường 9 đoạn” mà đòi chủ quyền lịch sử trên 80% diện tích Biển Đông, là đòi hỏi quá đáng và vô căn cứ của Bắc Kinh. Thắng lợi pháp lý này của Philippines cũng đồng thời có lợi cho các nước cận duyên khác, trong đó có Việt Nam, vì khi có một vụ kiện khác trong tương lai, tòa sẽ dẫn án lệ này mà giải thích, nhất là đối với các quốc gia thành viên Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).

Bản án của CPA là phán quyết chung thẩm. Có điều là cơ cấu tổ chức không quy định một cơ quan nào thi hành án.

Thông thường, để thi hành một phán quyết của tòa án quốc tế, chẳng hạn Tòa Hình Sự Quốc Tế ICC, một vụ việc liên quan đến tranh chấp giữa các quốc gia, ảnh hưởng đến hòa bình và an ninh thế giới, thì Hội Đồng Bảo An LHQ (HĐBA) sẽ yêu cầu tòa xét xử, sau khi có phán quyết, HĐBA sẽ ra một nghị quyết để buộc các quốc gia thi hành. Trong trường hợp nếu như có một trong 5 quốc gia là Hội viên thường trực của HĐBA (Hoa Kỳ, Nga, Trung Cộng, Anh, Pháp) là một bên của vụ kiện, họ sẽ dùng quyền phủ quyết (Veto) để “bó tay” khiến cho HĐBA không thể ra được một nghị quyết thi hành án. Thành thử ra, ngay từ đầu, Bắc Kinh đã không tham gia vụ kiện, rồi sau đó, không công nhận phán quyết chung cuộc của CPA, nên mặc dầu thắng kiện, Tổng Thống Philippines Duterte chỉ “bỏ túi” bản án mỗi khi cần nói chuyện với Bắc Kinh.

2-Hành động yếu ớt của Manila
Hãng tin Reuters có tường thuật buổi đọc thông điệp của tổng thống Philippines, ông Duterte trước Quốc Hội nước này, để biện minh cho những phát biểu của ông mà dân chúng cho là “hèn nhát” trước thái độ của Bắc Kinh dẫn đến việc biểu tình của khoảng 3 ngàn người dân thủ đô Manila ngày 22 Tháng Bảy, 2019. Và khi đề cập đến tình hình tranh chấp với Trung Cộng ở Biển Tây Philippines (cách gọi của người Philippines đối với Biển Đông), thì ông tổng thống xứ này nói rằng, “Nếu tôi gửi 5 chiến hạm đến đó kể cả chiếc khu trục hạm mới, thì tất cả sẽ bị tiêu diệt, vì họ (Trung Cộng) đã bố trí sẵn các loại hoả tiễn đạn đạo ở trên đảo đó rồi, và loại hỏa tiễn nhanh nhất của họ có thể bắn tới Manila trong vòng 7 phút. Quý vị có muốn chiến tranh không?”

Nên nhớ Philippines là nước có Hiệp Ước Phòng Thủ Chung với Hoa Kỳ từ năm 1951.
Phản ứng của nước này, dưới thời một tổng thống được coi là khó lường và thân Bắc Kinh như ông Rodrigo Duterte, trong giai đoạn căng thẳng vừa qua cũng rất đáng chú ý. Tổng Thống Duterte nhấn mạnh là ông muốn tiếp tục đối phó với Trung Cộng qua bàn đàm phán ngoại giao mà theo ông, “có thể đạt được nhiều thành quả” hơn và tốt hơn trong sự riêng tư của một phòng họp, thay vì những tranh cãi ở chốn công cộng.

3-Việt Nam nên làm gì?
Nếu Hà Nội kiện chính quyền Bắc Kinh liên quan đến tranh chấp ở bãi Tư Chính thì theo nhận xét của hầu hết các chuyên gia pháp luật, Việt Nam sẽ “chắc thắng.” Lý do là tòa án quốc tế sẽ căn cứ vào Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và nhất là án lệ liên quan đến vụ kiện Philippines và Trung Cộng mà CPA đã ra phán quyết. Tuy nhiên, Hà Nội đã không chọn phương án thưa kiện quốc gia “đàn anh.” Điều đó chứng tỏ sự lệ thuộc của Hà Nội đối với chính quyền Bắc Kinh, đặc biệt là về mặt chính trị và kinh tế.

Một điểm được đánh giá khá cao là việc Bộ Ngoại Giao Cộng Sản Việt Nam đã biết vận dụng thời cơ, từng bước lên tiếng trước công luận quốc tế về ý đồ bành trướng của Trung Cộng. Tuy mềm dẻo, nhưng Phó Thủ Tướng kiêm Bộ Trưởng Ngoại Giao Phạm Bình Minh đã có tiếng nói mạnh mẽ, cứng rắn với Bắc Kinh tại diễn đàn khu vực ASEAN đầu Tháng Tám, 2019. Việt Nam lâu nay cũng chuẩn bị cho tình huống chiến tranh xảy ra với “quân Bắc phương,” kể cả hải chiến, với việc đặt mua các tàu ngầm hiện đại của Nga, mua hệ thống hỏa tiễn phòng thủ của Israel…

Nhân tố lạ xuất hiện trong vụ tranh chấp ở bãi Tư Chính: Một bài báo đăng trên tạp chí Foreign Policy ngày 1 Tháng Tám, 2019, có tựa đề “Vietnam’s Strange Ally in Its Fight With China,” tạm dịch “Đồng minh lạ của Việt Nam trong cuộc đối đầu với Trung Cộng,” đề cập đến công ty dầu khổng lồ của Nga là Rosneft lặng lẽ hậu thuẫn Hà Nội trong cuộc tranh chấp với Bắc Kinh. Bài báo viết: “Khi các con tàu tuần duyên vũ trang hạng nặng của Việt Nam và Trung Cộng ‘nghênh’ nhau ở Biển Đông gần bãi cạn Tư Chính, Hà Nội có vẻ như đã tìm thấy sức mạnh của họ bất chấp sự đe dọa từ nước láng giềng khổng lồ. Không giống như hai năm trước đây, khi Việt Nam lặng lẽ hủy bỏ công trình thăm dò của công ty năng lượng Repsol của Tây Ban Nha trước áp lực của Trung Cộng, Việt Nam hiện nay đã công khai đòi Trung Cộng rút lui tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8, cùng các tàu hộ tống ra khỏi vùng phụ cận của các khu dầu khí này. Lần này, Việt Nam đã hợp lực với một người bạn cũ và là cổ đông chính trong lĩnh vực thăm dò dầu khí: Đó là chính phủ Nga.”

Cũng theo tạp chí này thì nhìn chung, chẳng có gì thay đổi kể từ những vụ căng thẳng gần đây nhất vào các năm 2017 và 2018. Tất cả đều xảy ra trong cái mà Bắc Kinh gọi là “đường 9 đoạn” mà họ tự vẽ ra để tuyên bố chủ quyền hầu như tòan thể Biển Đông. Nhưng những khu dầu khí tranh chấp này, tất cả đều nằm trong Bồn Nam Côn Sơn giàu tài nguyên năng lượng, với diện tích khoảng 35,000 dặm vuông, cũng nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam. Trong khi khỏang cách về phía Trung Cộng là 600 hải lý, gấp 3 lần so với bờ biển Việt Nam, khiến cho Bắc Kinh không có căn bản pháp lý để hiện diện ở bãi Tư Chính.

Tạp chí Foreign Policy nhận định là lần trước, công ty Repsol phải bỏ cuộc với thiệt hại hàng trăm triệu Mỹ kim, nhưng lần này, một đối tác cứng rắn hơn đã tham gia: Đó là công ty Rosneft mà cổ đông chính là chính phủ Nga. Ngoài Rosneft, các công ty lớn của Nga như Gazprom và Zarubezhneft cũng hoạt động kế cận. Zarubezhneft là công ty quốc doanh của Nga có liên doanh với Vietsopetro để khai thác dầu khí. Trong khi Repsol chỉ là công ty tư nhân của Tây Ban Nha, là quốc gia ít có ảnh hưởng về địa chính trị, thì Điện Kremlin phải thể hiện vai trò của mình để bảo vệ nguồn tài chính của nước Nga.

Vậy thì “đồng minh lạ” này nói lên điều gì? Phải chăng đã đến lúc nhà cầm quyền Hà Nội phải xét lại, nếu không muốn nói là hủy bỏ chính sách “3 không” lâu nay. Chính sách “3 không” của Việt Nam là: không tham gia các liên minh quân sự với bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam, và không dựa vào nước này để chống nước kia. Nếu như nước Nga quá xa xôi với khu vực Biển Đông thì Việt Nam cần phải liên kết với các cường quốc có lực lượng hải quân mạnh trong khu vực như Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, nếu không muốn nói đến cường quốc hàng đầu là Hoa Kỳ. Hà Nội buộc phải xét lại một khi họ còn lo ngại rằng, nếu kiện Bắc Kinh mà có thắng đi chăng nữa, điều đó cũng sẽ không ngăn được Trung Cộng gây hấn ở các vùng biển Việt Nam trong tương lai. Chưa kể là hành động thưa kiện đó có thể khiến Bắc Kinh hung hăng hơn. Một điểm nữa đáng lưu ý là hiện nay, Hà Nội được lợi thế khi Trung Cộng đang gặp muôn vàn khó khăn, đang bị cộng đồng quốc tế theo dõi giữa lúc sáng kiến “Vành Đai Con Đường” (Belt and Road) bị xem là “bẫy nợ,” rồi lại phải đương đầu với cuộc thương chiến căng thẳng với Hoa Kỳ, trong khi mục tiêu duy trì tăng trưởng kinh tế là sống còn với chế độ tòan trị Bắc Kinh.

----------------------

Tài liệu tham khảo:

- Chinese ship returns to Vietnam’s exclusive economic zone

- Rising South China Sea Tensions Cast Shadow Over Asean SummitBy Philip Heijmans , Bibhudatta Pradhan , and Arys AdityaJuly 29, 2019 –

- ‘Ready to fight’: Tensions escalate in South China Sea by Jamie Seidel July 26, 2019 –

- What’s Next for the South China Sea?By Wu ShicunAugust 01, 2019 –

-Vietnam’s Strange Ally in Its Fight With China byBennett MurrayAugust 1, 2019 –

- Tạp chí Foreign Affairs July/August 2019 .





No comments:

Post a Comment

View My Stats