Friday, 9 August 2019

TRUNG QUỐC : CHIẾN LƯỢC DÙNG TÀU KHẢO CỨU ĐỂ ÁP ĐẶT CHỦ QUYỀN TRÊN BIỂN (Trọng Nghĩa - RFI)





Đăng ngày 08-08-2019

Hải Dương Địa Chất 8 trong vùng biển Việt Nam, Thực Nghiệm 2 trong vùng biển Malaysia, Đông Phương Hồng 3 trong vùng biển Philippines : Trong những ngày qua, tàu khảo cứu Trung Quốc đã xuất hiện nhan nhản trên vùng biển bao quanh Trung Quốc, đặc biệt là Biển Đông.

Điểm chung gắn liền các chiếc tàu này là chúng đều vào hoạt động bên trong vùng đặc quyền kinh tế của nước khác, tại những nơi mà Bắc Kinh cho là thuộc chủ quyền Trung Quốc. Câu hỏi mà giới quan sát đặt ra là phải chăng Bắc Kinh bắt đầu đẩy mạnh chiến lược có thể gọi là « tàu khảo cứu » để áp đặt chủ quyền Trung Quốc trên các vùng biển của nước khác.

Vụ tàu Hải Dương Địa Chất 8 xâm nhập vào khu vực Bãi Tư Chính trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam có lẽ minh họa rõ nhất cho chiến lược này của Trung Quốc. Đó là cứ cho tàu dân sự đi vào hoạt động trong vùng biển của nước khác nhưng bị Trung Quốc cho là của mình, cử một đội tàu hùng hậu đi theo hộ tống chiếc tàu dân sự đó, để sẵn sàng đẩy lùi tàu chấp pháp của nước bị xâm lấn khi cần thiết.

Đội tàu hộ tống cũng phải khoác vỏ bọc bán quân sự hay dân sự, tức là tàu hải cảnh và tàu dân quân biển thường đội lốt tàu cá, để các nước khác khỏi dùng đến Hải Quân để đối phó. Về bản chất, các chiếc tàu gọi là hải cảnh của Trung Quốc không khác gì chiến hạm thực thụ.

Trong trường hợp đội tàu đi theo chiếc Hải Dương Địa Chất 8 xâm nhập vùng Bãi Tư Chính chẳng hạn, số lượng tàu hộ tống có lúc lên đến 80 chiếc, theo như ghi nhận của chuyên gia Carl Thayer. Trong số các tàu Hải Cảnh đã bị nhận diện, đặc biệt có chiếc mang ký hiệu 3901, có lượng giãn nước 12.000 tấn, được coi là một trong những tàu tuần duyên lớn nhất thế giới, thậm chí lớn hơn cả những khu trục hạm hay tuần dương hạm thường được Mỹ triển khai ở Biển Đông.

Một chiếc tàu khảo cứu mà có một đội tàu hùng hậu như vậy tháp tùng theo là dấu hiệu cho thấy việc đưa tàu này vào Bãi Tư Chính không phải là một công việc nghiên cứu thực địa đơn thuần, mà còn có mục tiêu áp đặt quyền sở hữu của Trung Quốc trên vùng biển được khảo sát. Khi bị Việt Nam đưa tàu ra đuổi, không những phía Trung Quốc đã chống lại, mà phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc tại Bắc Kinh còn lớn tiếng tố cáo Việt Nam gây trở ngại cho hoạt động của tàu Trung Quốc trong vùng biển của Trung Quốc !

Gọi việc đưa tàu Hải Dương Địa Chất 8 vào vùng Bãi Tư Chính của Việt Nam nằm trong cả một chiến lược có lẽ không sai, vì ngoài việc đưa tàu khảo cứu vào hoạt động bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Trung Quốc cũng sử dụng ngón đòn tương tự với Malaysia.

Theo ghi nhận ngày 04/08 của giáo sư Ryan Martinson, thuộc Trường Hải Chiến Mỹ, chiếc tàu khảo cứu Thực Nghiệm 2 (Shiyan) của Trung Quốc đã có mặt bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia, gần bãi cạn Luconia Breakers ở cực nam Biển Đông, do Malaysia kiểm soát nhưng bị Trung Quốc đòi chủ quyền. Tính đến ngày 06/08, chiếc tàu khảo sát Trung Quốc vẫn hoạt động trong khu vực.

Thông tin về hoạt động của chiếc Thực Nghiệm 2 không nhắc đến đội tàu tháp tùng, nhưng vào tháng sáu vừa qua, tàu hải cảnh Trung Quốc đã thâm nhập vào vùng này để sách nhiễu tàu và giàn khoan của Malaysia hoạt động trong khu vực.

Sau Việt Nam, Malaysia, đến lượt Philippines trở thành nạn nhân của chiến lược tàu khảo cứu của Trung Quốc. Báo chí Philippines trong hai ngày qua đã loan tin rộng rãi về tiết lộ cũng của giáo sư Martinson, theo đó hai chiếc tàu khảo cứu Trung Quốc đã tiến vào hoạt động bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Đó là chiếc Trương Kiển (Zhang Jian) đã thâm nhập vào vùng biển phía đông Philippines chỉ cách đảo Siargao của nước này 75 hải lý từ ngày 03/08 để tiến hành hoạt động khảo sát. Qua ngày 07/08, đến lượt chiếc Đông Phương Hồng 3 (Dong Fang Hong) thâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Philippines ở phía bắc đảo Luzon từ ngày 07/08.

Đến nay chưa rõ là Bắc Kinh có xin phép Manila để cho tàu vào khảo sát bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines hay không, nhưng nếu tự ý tiến hành, thì điều đó hàm nghĩa là Bắc Kinh cũng coi các vùng khảo sát thuộc chủ quyền của họ, vì luật của Trung Quốc đòi hỏi là tàu nước ngoài muốn khảo sát trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc phải xin phép Bắc Kinh.

Và như vậy, chiến lược dùng tàu khảo cứu để áp đặt yêu sách chủ quyền cũng được Trung Quốc áp dụng tại Philippines.

-----------------------------------

XEM THÊM

Cao Nguyên
2019-08-08

Tàu Hải Dương Địa chất số 8 (HD8) của Trung Quốc rút khỏi vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam hôm 7/8/2019 và đang neo đậu ở Đá Chữ Thập thuộc Quần đảo Trường Sa, hãng tin Reuters đưa tin dẫn lời chuyên gia từ Trung tâm nghiên cứu quốc phòng cấp tiến có trụ sở tại Mỹ.

Tàu khảo sát địa chấn của Trung Quốc ở gần Bãi Tư Chính hồi tháng 7/2019. Courtesy of Twitter Ryan Martinson

Trong cuộc họp báo thường kỳ chiều 8/8, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam bà Lê Thị Thu Hằng xác nhận tin Bắc Kinh đưa tàu ra khỏi EEZ nhưng không cho biết thêm đội tàu của nước này đang ở đâu. Trong khi đó bên phía Trung Quốc vẫn chưa phát biểu gì về vụ việc.

Liệu trong thời gian tới tàu HD8 và đội tàu hải cảnh, dân binh hộ tống có trở lại Bãi Tư Chính, nơi có ít nhất 2 tàu hải cảnh của Trung Quốc vẫn đang lởn vởn? Nguyên nhân nào khiến chính phủ của Tập Cận Bình rút tàu đi?

Chưa có gì chắc chắn

Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu độc lập từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS, Singapore) cho RFA biết nhận định của ông:

Hôm nay, Tàu đó (Hải Dương 8 - PV) đang neo ở Đá Chữ Thập. Đây là khu vực do Trung Quốc kiểm soát, có cả sân bay và được vũ trang hóa một cách đầy đủ.
Bây giờ, nó đang ở đấy nhưng chưa biết nó sẽ đi về Hải Nam hay là ở đó lấy dầu, lấy thực phẩm, đổi người rồi quay lại. Cái này thì mình chưa biết được!”

Nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc từ Sài Gòn cũng thận trọng cho rằng cần tiếp tục theo dõi.

Theo tôi phải theo dõi thêm trong vòng hai hoặc ba ngày nữa, bão ở phía Nam của Quần đảo Trường Sa mà sóng yên gió lặng thì có thể Trung Quốc cũng không rút lui yêu sách của mình đâu. Đây chỉ là giải pháp tạm thời có yếu tố của thiên nhiên.”

Thạc sỹ luật Hoàng Việt, một chuyên gia nghiên cứu Biển Đông cũng cho rằng chưa thể đánh gia là Trung Quốc đã rút hẳn tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam.

“Vụ việc lần này có thể coi là việc Trung Quốc “nắn gân” Việt Nam. Nhưng có thể sau khi chưa “nắn gân” được, họ phải đổi qua một chiến lược khác, hoặc họ chờ đợi một thời cơ khác .
Nhưng mà cũng chưa biết họ đã rút ngay hay chỉ tránh bão do hiện nay ở khu vực Trường Sa đang có bão. Cho nên cũng chưa biết là họ chỉ tránh bão để sau này quay trở lại hay là rút luôn. Chuyện đó còn phải chờ đợi tiếp.”

Tác động dẫn đến việc rút tàu

Thạc sĩ Hoàng Việt cho rằng Trung Quốc rút đi là do sự phản đối quyết liệt của Việt Nam. Ngoài ra, theo ông còn có thể bắt nguồn từ sự lên tiếng của quốc tế và đặc biệt là Hoa Kỳ.
Đồng thời với sự lên tiếng mạnh mẽ, hôm 6/8, hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan của Mỹ tiến vào Biển Đông, cho các phản lực cơ thực hiện các chuyến phi tuần.

Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc phân tích kỹ hơn về quyết định cho rút tảu Hải Dương Địa chất 8 ra khỏi EEZ của Việt Nam vào chiều ngày 7 tháng 8:

Trong 35 ngày mà Trung Quốc đưa tàu HD8 vào xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam đã tạo ra một điểm nóng trong mối quan hệ Việt - Trung. Sự cố này này đã đặt quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc vào thế rất khó xử, đó là vấn đề hoà bình, hữu nghị và hợp tác giữa hai quốc gia.
Khuya nay, HD8 đã lui về neo đậu ở Bãi Chữ Thập. Tôi đánh giá rằng Trung Quốc cũng phải sợ đến dư luận quốc tế, cũng phải căn cứ vào tương quan lực lượng khi Việt Nam cứng rắn, cương quyết không rút tàu hải giám, tàu cảnh sát biển của mình ra khỏi vùng biển của Việt Nam.
Tôi nghĩ Trung Quốc cũng không sợ đâu. Nhưng tại hội nghị của của Ban lãnh đạo, Trung Quốc đã làm tròn nhiệm vụ, Tập Cận Bình cũng đã chứng tỏ được quyền lãnh đạo của mình đối với đảng Cộng sản và nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, thì chuyện rút Tàu là dĩ nhiên.
Thêm nữa là vì thời tiết không cho phép Trung Quốc tiếp tục động thái đe dọa, khống chế kiểm soát vùng biển này của Việt Nam.
Tôi đánh giá hành động rút tàu của Trung Quốc là rất tốt. Vì cả hai bên Việt Nam và Trung Quốc đều không muốn chiến tranh.”

Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp lại có nhận định khác, ông cho rằng có thể tàu thăm dò của đối phương hoàn thành xong nhiệm vụ thăm dò nên quay về:

Như trước đây tôi đã nói rằng có 4 khả năng có thể xảy ra ở Bãi Tư Chính. Thứ nhất là Trung Quốc có thể họ lặng lẽ rút tàu ra, tức là không nói lý do gì. Thứ hai là họ sẽ công bố rằng đã xong nhiệm vụ rồi thì họ rút. Thứ ba là rút xong lại quay lại. Thứ tư là rút xong thì sẽ đưa giàn khoan vào để để khoan dầu hoặc khoan khí ở khu vực Bãi Tư Chính.
Khả năng bây giờ họ đã rút ra không nói gì là đã xảy ra rồi, hoặc có thể mai mốt người ta sẽ nói rằng đã xong việc thăm dò địa chất ở trong khu vực ấy.
Trong vòng một tháng bốn ngày qua họ đã dùng tàu HD8 để thăm dò trên diện tích khoảng 37 ngàn cây số vuông ở vùng ngay sát Bãi Tư Chính. Bây giờ, họ có thể lấy lý do là xong việc rồi thì đi về chứ không nói gì khác cả.
Thế còn những dự đoán khác như là Việt Nam đấu tranh với họ buộc họ phải rút là có nhưng mức độ như thế nào thì mình chưa đánh giá được.”

Còn theo nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, nếu thực sự có xảy ra hải chiến với nước láng giềng “4 vàng 16 tốt” thì năng lực Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được. Ông nhấn mạnh đến giải pháp ngoại giao của Việt Nam lúc này:

Chiến tranh trên biển không phải là trò đùa, và đánh nhau không thể bằng xuồng ba lá. Tiềm lực kinh tế, quân sự của Việt Nam cũng không cho phép.
Do đó, tôi nghĩ rằng giải pháp ngoại giao kêu gọi cộng đồng quốc tế lên tiếng và tiếng nói của các nước có giá trị nhất định để cho Trung Quốc phải rút tàu, tạm ngưng lại ý đồ và mục đích khi đưa tàu Hải dương Địa Chất 8 xuống vùng Bãi Tư Chính và cả một vùng biển rộng lớn thuộc chủ quyền của Việt Nam.”

Việt Nam sẽ làm gì với giàn khoan dầu đang hoạt động ở Lô 06.1

Một trong những nguyên do khiến Trung Quốc mang tàu Hải dương địa chất 8 vào khu vực Bãi Tư Chính được các chuyên gia nghiên cứu cho là, do Hà Nội cho phép giàn khoan Nhật Hakuryu 5 hoạt động khoan thăm dò tại Lô 06.1, thuộc dự án liên doanh giữa Tổng Công ty Thăm dò & Khai thác Dầu khí Việt Nam và Công ty Rosneft của Nga.

Ngày 25/7/2019, giữa lúc thông tin về đối đầu giữa 2 nước lan rộng ở Bãi Tư Chính, báo chí trong nước dẫn thông báo của Tổng công ty Bảo đảm An toàn Hàng hải Miền Nam cho hay, cơ quan này vừa gia hạn hoạt động của giàn khoan Nhật Bản đến ngày 15 tháng 9 năm 2019, trong sự quấy nhiễu của các tàu hải cảnh Trung Quốc.

Nhà nghiên cứu Hà Hoàng Hợp cho rằng, việc này không phải để thách thức chính phủ của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Trung Quốc bây giờ muốn kiểm soát toàn bộ việc khai thác và sử dụng các tài nguyên ở trong vùng mà họ gọi là tranh chấp. Nhưng nếu vùng đó có là vùng tranh chấp thực đi nữa thì họ cũng không có quyền đó, mà tranh chấp với ai thì phải bàn với bên kia thì mới có thể đưa ra quyết định, nên ý muốn của họ là sai trái.
Người Việt Nam cho phép Nhật đưa giàn khoan thăm dò vào không chỉ chống lại một việc cụ thể nào mà còn chống lại toàn bộ quá trình và nền tảng pháp lý mà Trung Quốc đang theo đuổi một cách sai trái, chứ không phải chỉ là chuyện cái tàu (HD8 - PV).
Quay về chuyện giàn khoan, đây là giàn khoan mà công ty liên doanh với công ty của Việt Nam và công ty Nga thuê giàn khoan của Nhật vào khoan, và đây không phải là khoan thăm dò mà là khoan mở rộng khai thác. Hai việc khác hẳn nhau bởi vì thăm dò đã đủ rồi.
Từ đầu, Việt Nam và Nga tuyên bố việc khoan này có thể kéo dài từ 60 đến 90 ngày. Nhưng mới diễn ra cho đến ngày họ gia hạn là được đúng một tháng, rồi họ mới hạn thêm cho đến ngày 15/9.
Khi hoàn thành xong nhiệm vụ khoan thì đương nhiên họ phải rút đi thôi. Sau đó chắc chắn người ta sẽ rút dầu và rút khí ở đấy, nên việc rút giàn khoan hay không rút giàn khoan ở đó không còn quan trọng.
Việc gia hạn 90 ngày đó hoàn toàn là vì công việc của hợp đồng chứ không phải là thách thức Trung Quốc hay là vì lý do nào khác cả.”

Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc nhắc lại sự kiện Hà Nội phải ngưng dự án khoan dầu và khai thác ở mỏ Cá Rồng Đỏ hợp tác với công ty Repsol của Tây Ban Nha vì áp lực từ Trung Quốc vào năm ngoái:

Đó là sai lầm chiến lược. Thứ nhất là phải đền tiền cho các hợp đồng kinh tế. Thứ hai là từ bỏ chủ quyền của mình trên vùng lãnh thổ mà mình đang quản lý đúng theo luật biển của Liên Hiệp Quốc năm 1982.
Vấn đề hiện nay ai cũng biết là kinh tế Việt Nam đang rất khó khăn. Nếu từ bỏ chủ quyền, nếu phải bị phạt ở khu vực mà đang hợp tác với Nga để thăm dò và khai thác nữa thì sẽ bất lợi cho Việt Nam về cả mặt chính trị và kinh tế.
Theo tôi dù Trung Quốc có tiến như thế nào đi nữa thì Việt Nam vẫn sẽ cứng rắn để bảo vệ chủ quyền của mình.”

Hồi tháng 5/2018, Công ty dầu khí Repsol tiến hành đàm phán với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) về việc phía Việt Nam phải bồi thường do đột nhiên yêu cầu ngưng dự án khoan dầu ở Biển Đông khi đang bước vào giai đoạn khai thác.

Số tiền đền bù (nếu có) không được tiết lộ, tuy nhiên hợp đồng mà Repsol cho phóng viên BBC xem có các dự án khoan dầu lên tới 1 tỷ USD.

Lời cuối bình luận về toàn bộ sự kiện Trung Quốc mang tàu HD8 xâm phạm vùng biển Việt Nam lần này, ông Đinh Kim Phúc nói:

Việc Trung Quốc đưa tàu xuống quấy nhiễu và xâm phạm vùng biển Việt Nam không chỉ riêng vụ Hải dương địa chất 8, mà từ rất lâu Trung Quốc đã thể hiện tham vọng của mình về phương Nam.
Tôi muốn rằng sự nghiệp bảo vệ đất nước, bảo vệ chủ quyền không chỉ là việc của đảng và nhà nước, mà đó là chuyện của toàn dân Việt Nam. Nếu không có sức mạnh của nhân dân thì đảng và nhà nước Việt Nam sẽ phải trả một cái giá rất lớn trên Biển Đông.”

Đợt này khi tin Trung Quốc đưa tàu Hải Dương Địa chất 8 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, nhiều người yêu nước cũng sục sôi khí thế phản đối hoạt động xem thường chủ quyền của Việt Nam và luật pháp quốc tế như thế.

Tuy nhiên, qua kinh nghiệm của những đợt biểu tình chống Trung Quốc trong nhiều năm qua, những người từng xuống đường biểu tình đều cho rằng không thể để lòng yêu nước của họ lại bị chính giới đang lãnh đạo đất nước phản bội.

Dẫu thế, một số nhà hoạt động đã không còn đủ kiên nhẫn chờ đợi nên vào trưa ngày 6 tháng 8 đã đến trước Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội giương cao biểu ngữ yêu cầu Trung Quốc rút tàu ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

------------------------------

Tin, bài liên quan







No comments:

Post a Comment

View My Stats