Châu Thị Phan
14/08/2019
Thật tình khi chuẩn
bị đặt mua 340 bộ đồ đồng phục để mang ra cho các cháu học sinh từ lớp một tới
lớp ba của trường tiểu học Mỹ Sơn C, thôn Mỹ Hiệp, xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh
Ninh Thuận, tôi chưa hề có ý định sẽ trở lại đây một lần nữa. (Do quá nhiều người
nghèo trên khắp đất nước này mà quỹ dành cho người nghèo ở các vùng sâu, vùng
xa của quán cơm từ thiện Nụ Cười thì ít ỏi nên phải dàn trải cho nhiều nơi).
Mười giờ rồi, vậy
mà có mặt tại hội trường để nhận lãnh quần áo đi học và thể dục, không tới 100
cháu, trong số 170 cháu được duyệt. Theo cô Thuỳ Trang, hiệu trưởng, lý giải là
nhiều cháu nhân dịp nghỉ hè thường theo ba mẹ đi chăn bò, chăn dê, cừu ở huyện
khác hoặc lên Đắc Lắc hái cà phê thuê, nên không biết.
Nhìn những đứa trẻ
da đen nhẻm, thấp bé đến mức tôi không thể phân biệt được bé nào học lớp một,
bé nào học lớp hai, ba. Nhỏ tẻo teo, chiều cao đứng chưa bằng cái bàn, vậy mà hầu
như đứa nào cũng có một vài năm kinh nghiệm trong việc chăn bò, chăn cừu, dê.
Cô Mộng Điệp, hiệu
phó, nói với tôi, cô dạy ở đây gần 20 năm nên hoàn cảnh của học sinh, cô đều nắm
khá rõ. Cô chỉ cho tôi:
“Đây là bé Mai
Thị Thắm, 6 tuổi, năm nay mới vào lớp một. Mẹ mất khi bé mới bốn tháng tuổi,
nên hai chị em đều sống dựa vào bà và dì”.
“Kia là bé Tro
Thị Tình, vừa học xong lớp ba. Mẹ nó đi làm thuê về, bị tai nạn giao thông chết.
Người ta bồi thường mười mấy triệu thì người cha lấy hết rồi bỏ đi lấy vợ khác.
Mấy chị em phải sống lây lất bên người dì nghèo khổ. Dì có hai đứa con nay thêm
ba đứa cháu mồ côi, với đồng tiền đi làm mướn chẳng là bao nên cả con, cả cháu
đều có nguy cơ phải bỏ học nửa chừng để phụ mẹ, phụ dì đi làm mướn. Vậy mà có lần
có một người giàu có đề nghị cho bớt một đứa, họ sẽ đưa vào Sài Gòn cho ăn học,
nhưng người dì từ chối vì sợ không ai thương cháu mình bằng mình”.
Còn đây em Châm Thị
Loan; Tain Ngọc Diệp, Mai Thị Thơm v.v… mỗi đứa ngoài giờ học đều đi chăn bò.
Hoàn cảnh bé nào cũng thật buồn!
Tôi hỏi: “Cháu
nào hiện không sống với ba mẹ, mà sống với chị, dì hay ông bà?” thì gần
phân nửa bé đang ngồi trong hội trường giơ tay. Tôi hỏi thêm: “Các con, bé
nào đi chăn bò?” Có 12 đứa! Sau, tôi mới biết con số đó không chính xác, vì
những bé chăn dê, chăn cừu không đưa tay. Thế nhưng hỏi chuyện các bé thật khó,
do các cháu ít tiếp xúc với người lạ nên luôn tỏ ra sợ sệt, xa cách và im lặng.
May cuối giờ tôi
cũng tìm được bà Tain Thị Bí. Người phụ nữ 56 tuổi này là bà ngoại (do người
Raglai theo chế độ mẫu hệ, nên bên người Kinh gọi bằng bà nội thì ở đây gọi bằng
bà ngoại) của bé Mai Thị Thắm học sinh lớp 1B. Bà kể, từ sau ngày con dâu mất,
con trai bỏ đi, vất lại hai đứa con cho bà và dì. Do bà đã già, không còn sức
khỏe để đi làm thuê, nên bà chỉ có thể làm rẫy và lượm phân bò để nuôi thân,
nuôi con và nuôi cháu!
Ba sào rẫy, năm được
mùa nhất cũng chỉ thu được 17 bao bắp (loại 50 kg). Với giá bán năm ngàn một
kg, thì 17 bao kia nếu bán hết cũng chỉ được bốn triệu. Bốn triệu ấy vừa để trả
bớt nợ cho hàng xóm, vừa mua gạo nuôi hai đứa cháu côi cút – một đứa, mẹ chết
khi còn đỏ hỏn, một đứa, mẹ liệt nửa người, chồng bỏ, bà cũng phải cưu mang
luôn cả hai mẹ con.
Mấy năm trước nhà
Nước cũng giao cho bà một con bò để nuôi. Nhưng sau đó bà ốm, chẳng ai dắt bò
đi ăn, nên nó cũng gầy rộc. Sợ nó chết, và cũng vì cần chút tiền thang thuốc
nên bà bán rẻ. Thế là mất đứt vốn. Mấy lần cán bộ vô đòi bò, bà nói, “nhà tui
có chi, mấy ông lấy được thì lấy”. Nói vậy thôi, chứ nghèo rạc như bà thì có gì
nữa đâu mà cấn nợ! Hai năm nay, hạn quá, rẫy bắp trồng không được trái nào. Bà
đành cùng đứa cháu đi lượm phân bò kiếm sống. Nhưng phân bò, bà kể, một bao cở
50kg người ta trả cho 20 ngàn, cũng không dễ kiếm vì cả thôn, nhà nào cũng
nghèo, nên ai cũng chăm chỉ đi lượm, nhất là trẻ con.
Chị Mai Thị Gái, mẹ
của bé Mai Thị Thơm, cũng thuộc hộ nghèo nhưng khá hơn bà Tain Thị Bí. Năm nay
chị 46 tuổi, và có cả thảy sáu người con, đứa út là bé Thơm đang học lớp ba.
Còn cậu con trai lớn nhất (đã có gia đình) cũng đã 35 tuổi (?!). Tôi trợn tròn
mắt “Nghĩa là mười một tuổi chị đã có con?”. Chị cười: “Đẻ thì đẻ chứ tui có biết
mấy tuổi”.
Hiện nay chị đi
chăn thuê 20 con bò. Mỗi con, một năm chủ trả một triệu. Hai mươi triệu, là
toàn bộ thu nhập cả năm của gia đình chị. Tính ra mỗi tháng chưa tới 1 triệu 6.
Chị Gái luôn xin chủ lấy trước để chi dùng cho gia đình và trả nợ. Và tiền đó
cũng bay biến rất nhanh, vì trong nhà chỉ có mình chị lao động, ông chồng chỉ
biết lấy tiền uống rượu. Vì thế, chị phải kiêm thêm nghề lượm phân bò. Cũng may
là từ hai mươi con bò chăn dắt mỗi ngày nên lượng phân của nó không ai tranh
giành với chị, nên cũng có thêm chút đỉnh. Chị cười. Nụ cười một người nghèo
quen an phận!
Cha mẹ nghèo thì
con khó, nên nhiều mùa tựu trường trước, mặc dầu nhờ vào chính sách ưu đãi dành
cho người dân tộc, và sự hạn chế thu tối đa của ban giám hiệu trường Mỹ Sơn C,
phụ huynh chỉ đóng một vài khoản cần thiết tối thiểu (cụ thể lớp một và lớp hai
là 198 ngàn; từ lớp ba đến lớp năm là 434 ngàn…) thế mà học sinh cứ rơi rụng lộp
độp vì không có tiền đóng.
Hai năm nay, kể từ
khi cô Thuỳ Trang, hiệu trưởng mới về, năm nào cô cũng tong tả đi xin quần áo đồng
phục, xe đạp, sách, vở (cũ, mới gì cũng lấy) để cho học trò của mình. Sách giáo
khoa của thư viện cô ưu tiên cho học sinh mượn… Vậy mà, cũng không ngăn được
các bé thôi nghỉ học để theo cha mẹ đi làm mướn. Tổng số học sinh của trường
chưa hơn 370 em mà đã gần hai trăm em thuộc hộ nghèo.
Cũng giống như những
người Chăm, bà con Raglai, nhất là trẻ con thường có đôi mắt to, sâu và buồn
thăm thẳm. Giọt nước mắt còn đọng trên mi của bé Mai Thị Thắm đứng nép bên cạnh
bà ngoại và những đôi chân trần của những bé học sinh đi chăn bò cứ làm tôi ám ảnh.
Phải trở lại, cho dẫu những gói quà, những tờ tiền chúng ta mang lại, cũng chỉ
giúp họ được dăm mươi bữa.
Nhìn các bé và
nhũng người phụ nữ Raglai đang đứng lố nhố ngoài cửa lớp để xem các cháu nhận
quà… không hiểu sao tự dưng tôi lo sợ… Rồi đây, vài mươi năm nữa dân tộc Việt
Nam của tôi liệu có giống như vậy? Cũng xác xơ, nghèo đói, thất học… khi Đất Nước
này nằm trọn trong tầm kiểm soát của quân Tàu cộng xâm lược!
Một số hình ảnh của
tác giả Châu Thị Phan:
Đây là một trong số
những bé vừa đi học vừa đi chăn bò thuê. Đồng phục chúng đang mặc được cô hiệu
trường xin từ nhiều nguồn khác nhau
Bà ngoại và đứa
cháu côi cút mất mẹ khi mới bốn tháng tuổi.
Các con vui sướng
khi nhận được quần áo đi học mới
Bé Mai Thị Thắm,
sáu tuổi, vừa đi học vừa giúp bà lượm phân bò
--------------------
1 Comment
Vậy mà ông Thủ tướng
Nguyễn Xuân Phúc cứ leo lẻo tuyên bố: Không để người dân nào tụt lại phía sau!
Không để trẻ em nào tụt lại phía sau!
No comments:
Post a Comment