Joseph E. Stiglitz - Project Syndicate
Trà
Mi dịch
Posted on August 12, 2019 by editor
Những chuyên gia
kinh tế đã nhiều lần cố gắng giải thích cho Donald Trump hiểu rằng các thỏa thuận
thương mại có thể ảnh hưởng đến các quốc gia mà Hoa Kỳ có trao đổi về mậu dịch,
nhưng không ảnh hưởng đến mức độ thâm hụt tổng quát.
Nguồn: Drew Angerer/Getty Images
NEW
YORK – Trong thế giới mới do Tổng thống Mỹ Donald
Trump bào dũa nên, người dân liên tục bị sốc, không bao giờ có thời gian để suy
nghĩ đủ về những tác động của các sự kiện dồn dập đổ vào đầu. Vào cuối tháng 7,
Cục Dự trữ Liên bang đã đảo ngược chính sách, đưa lãi suất về mức bình thường
hơn, sau một chục năm giữ lãi suất thật thấp sau cuộc Đại suy thoái. Sau đó,
trong vòng ít hơn 24 giờ Hoa Kỳ đã có thêm hai vụ giết người hàng loạt, nâng tổng
số người thiệt mạng trong năm lên 255 – nhiều hơn một người bị bắn chết mỗi
ngày. Và một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, mà Trump đã tweet sẽ
là “tốt, và dễ thắng”, đã bước vào một giai đoạn mới, nguy hiểm
hơn, làm náo loạn thị trường và đưa ra mối đe dọa của một cuộc chiến tranh lạnh
mới.
Những chuyên gia kinh tế đã nhiều lần cố gắng giải
thích cho Donald Trump hiểu rằng các thỏa thuận thương mại có thể ảnh hưởng đến
các quốc gia mà Hoa Kỳ có trao đổi về mậu dịch, nhưng không ảnh hưởng đến mức độ
thâm hụt tổng quát. Nhưng, như thường lệ, Trump tin những gì Trump muốn tin,
khiến những người khốn khó nhất phải trả giá cho hậu quả của những chính sách của
ông.
Ở một mặt, quyết định của Cục Dự trữ Liên bang ít
quan trọng: thay đổi 25 điểm căn bản sẽ không có nhiều hậu quả. Ý nghĩ cho rằng
Cục Dự trữ Liên bang có thể điều chỉnh nền kinh tế bằng cách cẩn thận thay đổi
lãi suất đúng lúc đã bị mất uy tín từ lâu – ngay cả khi nó chỉ là trò giải trí
cho người theo dõi chính sách của Cục Dự trữ Liên bang và đem lại việc làm cho
các nhà báo viết về tài chánh. Nếu việc hạ lãi suất từ 5,25% xuống zero đã không ảnh hưởng nhiều đến nền
kinh tế trong năm 2008-09, tại sao chúng ta lại nghĩ rằng việc hạ 0,25% lãi suất
sẽ có tác dụng có thể thấy được? Các tập đoàn lớn vẫn đang ngồi trên đống tiền
mặt: không phải vì thiếu thanh khoản khiến họ ngừng đầu tư.
Từ lâu, John Maynard Keynes đã nhận ra rằng tuy việc
đột ngột thắt chặt chính sách tiền tệ, tín dụng bị hạn chế, có thể làm chậm nền
kinh tế thì khi nền kinh tế yếu kém, tác động của sự nới lỏng chính sách có thể
không đáng kể. Ngay cả việc sử dụng các công cụ mới như nới lỏng định lượng
cũng không có hiệu quả, như châu Âu đã kinh nghiệm. Trên thực tế, lãi suất âm
đang được một số quốc gia thí nghiệm có thể trái thói làm suy yếu nền kinh tế
do hậu quả bất lợi trên bảng cân đối của ngân hàng và do đó ảnh hưởng đến cả việc
cho vay.
Lãi suất thấp hơn dẫn đến tỷ giá hối đoái thấp hơn.
Thật vậy, đây có thể là con đường chính đem lại hiệu quả cho chính sách của Cục
Dự trữ Liên bang hôm nay. Nhưng có phải đó là không có gì khác, ngoài việc “phá
giá cạnh tranh”, mà chính quyền Trump đang tru tréo chỉ trích Trung Hoa? Và điều
đó, theo dự đoán, đã khiến các quốc gia khác chạy theo, giảm tỷ giá hối đoái của
họ, cho thấy rằng bất kỳ lợi ích nào cho nền kinh tế Mỹ nhờ hiệu ứng tỷ giá hối
đoái chỉ xẩy ra trong thời gian ngắn. Trớ trêu hơn nữa là nguyên nhân của sự sụt
giảm tỷ giá hối đoái hiện nay ở Trung Hoa gần đây là vì chế độ bảo vệ nền kỹ
nghệ trong nước mới đây của Mỹ và vì Trung Hoa đã ngừng can thiệp vào tỷ giá hối
đoái – nghĩa là ngừng hỗ trợ nó.
Nhưng, ở một mặt khác, hành động của Cục Dự trữ Liên
bang đã nói lên nhiều điều. Nền kinh tế Mỹ được cho là rất tuyệt vời. Tỷ lệ thất
nghiệp ở mức 3,7% và tăng trưởng ba tháng đầu năm là 3,1% đáng làm cho các nước
tiên tiến phải ghen tị. Nhưng nhìn vào bên dưới bề mặt một chút thôi người ta
thấy ngay có rất nhiều điều phải lo ngại. Tăng trưởng ở ba tháng thứ II giảm xuống
chỉ còn 2,1%. Số giờ làm việc trung bình trong ngành sản xuất trong tháng 7 đã
giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2011. Tiền lương thực tế chỉ cao hơn một
chút so với mức lương mười năm về trước, trước cuộc Đại suy thoái. Tỉ lệ đầu tư
thực tế trên GDP thấp hơn nhiều so với tỉ lệ đó vào cuối những năm 1990, mặc dù
việc cắt giảm thuế được cho là để thúc đẩy chi tiêu kinh doanh, nhưng ngược lại,
phần lớn chúng lại được các tập đoàn dùng để tài trợ cho việc mua lại cổ phần.
Kinh tế nước Mỹ đáng ra phải phát triển huy hoàng, với
ba biện pháp kích thích công khố khổng lồ trong ba năm qua. Việc cắt giảm thuế
năm 2017, phần lớn chỉ mang lại lợi ích cho các tỷ phú và những tập đoàn, đã
tăng thâm hụt mười năm thêm 1,5-2 nghìn tỷ đô la. Trump đã phải tăng khoản chi
tiêu gần 300 tỷ đô la trong hai năm để tránh việc chính phủ bị tê liệt, phải
đóng cửa vào năm 2018. Và vào cuối tháng 7, một thỏa thuận mới để tránh đóng cửa
chính phủ một lần nữa đã phải chi thêm 320 tỷ đô la. Nếu phải chịu thâm hụt
hàng nghìn tỷ đô la để giữ cho nền kinh tế Mỹ hoạt động tốt, thì Mỹ sẽ ra sao
khi mọi thứ không còn sáng sủa nữa?
Nền kinh tế Mỹ đã không mang lại lợi ích cho hầu hết
người Mỹ, thu nhập đã bị đình trệ – hoặc tệ hơn – trong nhiều chục năm. Những
khuynh hướng bất lợi này phản ảnh bằng việc giảm tuổi thọ dân số. Đạo luật thuế
của Trump làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn bằng cách kết hợp vấn đề cơ sở hạ tầng
đang mục rữa, làm suy yếu khả năng của các tiểu bang tiến bộ hơn trong việc hỗ
trợ giáo dục, tước đi bảo hiểm y tế của hàng triệu người, và khi nó được thực
thi tất cả sẽ khiến tầng lớp có mức thu nhập trung bình của Mỹ phải đóng thuế
nhiều hơn, làm đời sống kinh tế, xã hội của họ xấu đi.
Phân phối lại từ dưới lên trên – dấu ấn không chỉ của
thời tổng thống Trump, mà còn của các chính quyền Cộng hòa trước đây – làm giảm
tổng số cầu, bởi vì tỉ lệ chi tiêu so với thu nhập của những người ở tầng lớp
giầu nhất nhỏ hơn nhiều so với tỉ lệ đó của những người nghèo nhất ở dưới đáy
xã hội. Chính sách này làm suy yếu nền kinh tế một cách không thể bù đắp được
ngay cả khi chính phủ biếu không cho những tập đoàn và tỷ phú. Và số thâm hụt công khố khổng lồ
của Trump đã dẫn đến thâm hụt thương mại khổng lồ, lớn hơn nhiều so với thời tổng
thống Obama, vì Mỹ phải nhập cảng vốn để tài trợ cho khoảng cách giữa tiết kiệm
và đầu tư trong nước.
Trump hứa sẽ giảm thâm hụt thương mại, nhưng sự thiếu
hiểu biết sâu sắc về kinh tế của ông đã khiến nó gia tăng, giống như hầu hết những
chuyên gia kinh tế dự đoán nó sẽ xảy ra. Mặc dù Trump đã quản lý kinh tế tồi tệ
và cố gắng giảm giá đồng đô la, và việc Cục Dự trữ Liên bang giảm lãi suất,
chính sách của chính phủ Trump đã khiến đồng đô la Mỹ vẫn mạnh, do đó không
khuyến khích được xuất cảng mà lại khuyến khích nhập cảng. Những chuyên gia
kinh tế đã nhiều lần cố gắng giải thích cho Donald Trump hiểu rằng các thỏa thuận
thương mại có thể ảnh hưởng đến các quốc gia mà Hoa Kỳ có trao đổi về mậu dịch,
nhưng không ảnh hưởng đến mức độ thâm hụt tổng quát.
Biểu đồ của Catherine Song. © The Balance 2019
Trong lĩnh vực này cũng như trong nhiều lĩnh vực
khác, từ tỉ giá hối đoái đến việc kiểm soát súng, Trump tin những gì Trump muốn
tin, khiến những người khốn khó nhất phải trả giá cho hậu quả của những chính
sách của ông.
*
Về
tác giả | Joseph E. Stiglitz, đoạt giải Nobel
về kinh tế, là Giáo sư tại Đại học Columbia và Chuyên gia kinh tế trưởng tại Viện
Roosevelt. Ông là tác giả, gần đây nhất, của cuốn “Con người, Quyền lực và Lợi
nhuận: Chủ nghĩa tư bản tiến bộ cho một thời đại bất mãn” (People, Power, and
Profits: Progressive Capitalism for an Age of Discontent, W.W. Norton và Allen
Lane).
© 2019 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ
DCVOnline.net”
*
Nguồn:
Trump’s
Deficit Economy | Joseph
E. Stiglitz | Project
Syndicate | August
9, 2019.
No comments:
Post a Comment