Friday, 9 August 2019

BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU & AN NINH LƯƠNG THỰC : XEM LẠI CÁCH SỬ DỤNG ĐẤT ĐAI (Thu Hằng - RFI)




Thu Hằng – RFI
Đăng ngày 08-08-2019

Để bảo đảm an ninh lương thực cũng như chống biến đổi khí hậu, thế giới phải xem lại cách sử dụng đất nông nghiệp. Trong bản báo cáo được công bố hôm 07/08/2019, Nhóm chuyên gia liên chính phủ về khí hậu ( GIEC ) còn khuyến cáo phải có biện pháp « trong ngắn hạn » để chống tình trạng đất bị thoái hóa, lãng phí thực phẩm và khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ lĩnh vực nông nghiệp.

Vì khí hậu, có nên giảm ăn thịt ? Ảnh chụp tại Lundy, Anh Quốc, 18/05/2019.REUTERS/Phil Noble

Theo bản báo cáo, được AFP trích dẫn, con người phải chịu trách nhiệm trực tiếp về tình trạng đất đai bị thoái hóa. Con người sử dụng hơn 70% diện tích mặt đất không bị băng bao phủ, trong khi đó khoảng 1/4 diện tích này bị thoái hóa vì hoạt động nông nghiệp, lâm nghiệp để nuôi sống dân số ngày càng đông. Hoạt động này làm tăng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, tác động đến hệ sinh thái và sự đa dạng sinh học.

An ninh lương thực của nhân loại còn bị tác động vì tình trạng Trái đất nóng lên. Các đợt nắng nóng, thời tiết cực đoan đã làm giảm sản lượng nông nghiệp, gây mất mùa. Theo báo cáo, nếu nhiệt độ Trái đất tăng thêm 2°C, việc bảo đảm nguồn lương thực cho nhân loại trở thành vấn đề « vô cùng cấp bách » : phụ nữ, trẻ em, người già, và người nghèo sẽ là những nạn nhân đầu tiên.

Ngoài ra, vẫn theo báo cáo, trong giai đoạn từ 2007 đến 2016, ngành nông nghiệp, khai thác rừng và nhiều hoạt động khác liên quan đến việc sử dụng đất đai đã thải ra khoảng 23% tổng lượng khí gây hiệu ứng nhà kính liên quan đến hoạt động của con người ; riêng ngành công nghiệp chế biến thực phẩm chiếm khoảng 37%.

Các chuyên gia của GIEC khuyến cáo cần có những mô hình mới để hạn chế mức tăng nhiệt độ ở 1,5°C hoặc dưới 2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Các biện pháp được đưa ra là thay đổi cách sử dụng đất đai, hạn chế phá rừng, tái tạo rừng, sử dụng năng lượng sinh học…

Về phía người tiêu dùng, cần phải tránh lãng phí thực phẩm. Dù không khuyên ngừng ăn thịt, nhưng các chuyên gia của GIEC khuyến cáo mọi người nên thay đổi chế độ ăn uống...
Bản báo cáo được nhóm chuyên gia của GIEC soạn thảo trong khuôn khổ chuẩn bị Hội nghị về biến đổi khí hậu COP 25 tại Chilê vào tháng 12/2019, nhằm tìm ra những biện pháp để thực hiện thỏa thuận khí hậu Paris 2015.

---------------------------

CÙNG CHỦ ĐỀ

Trọng Thành – RFI   -   Đăng ngày 03-08-2019

Trọng Thành – RFI   -   Đăng ngày 26-03-2018

Trọng Thành – RFI   -   Ngày 4-3-2015

Ngày 27-6-2018

-----------------------------------

BBC Tiếng Việt
8-8-2019

Hội đồng Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên Hiệp Quốc ra báo cáo ngày 8/8 nói rằng thế giới phải thay đổi chế độ ăn để có thể giữ nhiệt độ toàn cầu ở mức an toàn.

Các nhà khoa học nói chỉ giảm lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch sẽ không đủ để đối phó với hiện tượng biến đổi khí hậu, nếu chúng ta không thay đổi tập quán ăn uống.

Khoảng một nửa lượng khí methane thải ra là do gia súc và trồng lúa. Khí methane góp phần đáng kể cho hiệu ứng nhà kính dẫn đến thay đổi khí hậu.

Theo các nhà khoa học, chúng ta nên ăn ít thịt và các sản phẩm từ sữa hơn, và nên ăn nhiều loại hạt chưa xay xát, các loại đậu đỗ và rau quả.









No comments:

Post a Comment

View My Stats