Saturday 23 August 2014

NHÃ CA & OLGA DROR TRẢ LỜI VỀ "GIẢI KHĂN SÔ CHO HUẾ" (Việt Báo)




21/08/201400:09:00

Sách Mourning Headband for Hue, do dịch giả Olgar Dror dịch từ Giải Khăn Sô Cho Huế của Nhã Ca. chính thức phát hành, 20 tháng 8, 2014. Nhân dịp này, Shelf Awareness, chuyên san về điểm sách tại Hoa Kỳ số đề ngày 19-8, có bài “Nha Ca, with Olga Dror: Revisiting the Tet Offensive”, phỏng vấn tác giả và dịch giả. ( http://www.shelf-awareness.com/readers-issue.html?issue=325#m5764)

Sau đây là bản việt ngữ của bài phỏng vấn do Đinh Từ Bích Thuý thực hiện, được phổ biến trên tạp chí văn chương Da Màu.

Phần Giới Thiệu:

Vào ngày 20 tháng 8 năm 2014, nhà xuất bản Indiana University Press chính thức ra mắt quyển Mourning Headband for Hue (dịch giả Olga Dror), là bản dịch Anh ngữ từ quyển Giải Khăn Sô Cho Huế của nhà văn Nhã Ca. Indiana University Press chuyên phổ biến tài liệu về Chiến Tranh Việt Nam, gần đây nhất là hồi ký Nationalist in the Vietnam Wars (Người Quốc Gia trong Các Chiến Trận Việt Nam) (2012) của Thiếu tá Nguyễn Công Luận.

Nhã Ca tên thật là Trần Thị Thu Vân, sinh năm 1939 tại Huế, nhưng lập gia đình và sự nghiệp văn chương ở Sài Gòn. Giải Khăn Sô Cho Huế, tác phẩm nổi tiếng nhất của bà, tường thuật lại những khổ nhục của người dân Huế trong cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân tại Huế năm 1968. Vào thời điểm đó Nhã Ca rời Sàigòn ra Huế để dự tang lễ của thân phụ rồi bị kẹt lại trong thành phố. Những điều tác giả thấy tận mắt, hoặc thu thập từ những nhân chứng khác, như những cuộc truy lùng, bắt bớ, thanh trừng, hạ sát, những ngôi mả tập thể – đã tạo ra những cuộc tranh luận gay go về trách nhiệm của người Cộng sản trong biến cố Mậu Thân. Giải Khăn Sô Cho Huế là một trong những tác phẩm được giải Văn chương Quốc gia năm 1970. Nhã Ca trao tặng thu thập từ tác quyền cho thành phố Huế để giúp vào việc tái thiết sau chiến tranh.

Sau khi Sài Gòn sụp đổ, Nhã Ca và chồng là nhà thơ Trần Dạ Từ bị chính quyền Cộng sản kết tội và giam giữ vì ở trong thành phần “biệt kích văn hóa.” Giải Khăn Sô Cho Huế được trưng bày tại Nhà Triển Lãm Tội Ác Mỹ Ngụy. Vào tháng 9 năm 1988, nhờ sự can thiệp của Hội Văn Bút Quốc Tế và sự bảo lãnh trực tiếp của Thủ Tướng Thụy Điển Ingvar Karlsson, Nhã Ca cùng gia đình rời Việt Nam sang Thụy Điển tị nạn chính trị. Từ năm 1992 bà định cư tại California, và là chủ nhiệm sáng lập hệ thống Việt Báo Daily News tại Hoa Kỳ. Ngoài Giải Khăn Sô Huế, bà cũng là tác giả hai tập thơ, Nhã Ca Mới và Thơ Nhã Ca (được gồm lại và xuất bản dưới tựa Nhã Ca Thơ năm 1999) và khoảng 43 tác phẩm văn xuôi.

Dịch giả Olga Dror là một trí thức Do Thái sinh ra và lớn lên tại Nga trong thời Sô-viết. Bà tốt nghiệp trường Leningrad State University chuyên ngành Văn Hóa Á Đông. Bà cũng từng là người phiên dịch Việt ngữ và làm công việc truyền thông tại Nga. Vào khoảng cuối thập niên 1980, trước khi Liên Xô sụp đổ, bà qua Do Thái và phục vụ trong ngành ngoại giao của quốc gia này. Sau đó bà sang Hoa Kỳ và tốt nghiệp Tiến sĩ ngành Lịch sử Đông Nam Á tại Cornell University. Hiện nay bà là Giáo sư tại Đại học Texas A&M. Ngoài Mourning Headband for Hue, bà còn là tác giả nhiều công trình nghiên cứu về Việt Nam:

(1) Quyển Cult, Culture, and Authority – Princess Lieu Hanh in Vietnamese History, do University of Hawaii Press xuất bản năm 2007.

(2) Quyển A Small Treatise on the Sects Among the Chinese and Tonkinese (Một tiểu luận về các Giáo phái của Người Trung Hoa và Người Việt trên đất Bắc Hà) do Cornell University Press xuất bản năm 2002 (gồm bản dịch Anh ngữ một bút ký viết từ năm 1770 của nhà truyền giáo Ý Adriano di Santa Thecla, cộng thêm phần bổ cứu đặc biệt, dịch từ các nguyên bản La-tinh, Hán và Nôm).

(3) Tiểu luận “Doan thi Diem’s ‘Story of Van Cat Goddess’ as a Story of Emancipation” (Vân Cát Thần Nữ Truyện của Đoàn thị Điểm: Truyện Giải Phóng Phụ Nữ) – Lê thị Huệ (dịch giả), Gió O, 2002.

Hiện bà đang nghiên cứu về truyền thống giáo dục và văn hóa của thanh thiếu niên Bắc và Nam Việt Nam trong thời điểm 1965-1975.

Olga Dror cũng là vợ học giả Keith Weller Taylor, tác giả quyển The Birth of Vietnam (Việt Nam Khai Quốc), đăng nhiều kỳ trên Da Màu.

Bìa sách Mouning Headband for Hue.

(1) Cô và Olga có lúc nào thảo luận về ảnh hưởng lịch sử của Giải Khăn Sô Cho Huế hoặc những lý do, điều kiện liên hệ đến việc tác phẩm được chuyển ngữ sang tiếng Anh?

Nhã Ca: Cho tới nay, tôi chưa hề trực tiếp hỏi Olga điều này vì thấy không cần hỏi. Tuy giỏi nhiều ngôn ngữ và có trực tiếp làm công việc dịch thuật, như dịch bút ký truyền giáo của Linh Mục Adriano di Santa Thecla từ tiếng La Tinh sang Anh ngữ, hay bút ký chạy loạn Huế Mậu Thân của Nhã Ca từ Việt ngữ sang Anh ngữ, Olga không chỉ là một dịch giả mà là một học giả, và cũng như phu quân là ông Keith Taylor, bà là người giảng dạy về lịch sử Việt Nam.

Tại Hoa Kỳ, chúng ta đều biết từ bao năm qua, chiến tranh Việt Nam là đề tài chính thức được giảng dạy ở trung học cũng như đại học theo cách nhìn của phong trào phản chiến từng một thời thắng thế. Sau khi đẩy được chính sách Mỹ tới chỗ phải buông bỏ miền Nam tự do cho Cộng sản, mặc cảm từ “hội chứng Việt Nam” khiến họ tự bưng mắt, cố tình không nhìn thấy mặt thật của chế độ Cộng sản ngay cả khi mọi thứ màn tre màn sắt đã sụp đổ. Các sản phẩm từ miền Bắc Cộng sản tiếp tục được dịch, được xuất hiện thường xuyên trong những thư viện, trường học Mỹ. Trong khi ấy, mọi tiếng nói của cuộc chiến chống Cộng tại miền Nam Việt Nam bị vùi dập, các tác giả và tác phẩm của văn chương miền Nam tự do cũ bị bỏ lơ, quên lãng. Nữ diễn viên Jean Fonda nói vài câu xin lỗi vì hành vi phản bội khi đội nón cối ở Hà Nội thì dễ, có thể nói ngay. Thay đổi quan điểm và chương trình giảng dạy về cuộc chiến Việt Nam, dĩ nhiên khó hơn, lâu hơn. Nhưng dù khó, dù chậm, rồi vẫn tới lúc phải thay đổi.

Đúng 10 năm trước đây, vào mùa thu 2004, nhu cầu thay đổi ấy được Giáo sư Keith Weller Taylor lên tiếng trong bài “How I Began To Teach About the Vietnam War” (Michigan Quarterly Review: Fall 2004), lúc đó là một giáo sư sử học tại đại học Cornell, tiểu bang Nữu Ước.[i] Trước khi trở thành nhà sử học chuyên về Việt Nam, Giáo sư Taylor từng là một chiến binh tình nguyện tại chiến trường Việt Nam. Cũng như chồng, chính nhu cầu nghiên cứu để giảng dạy là sức thúc đẩy chính để Olga Dror làm công việc dịch Giải Khăn Sô Cho Huế. Đó là lý do trong ấn bản Mourning Headband for Hue, ngoài phần dịch trực tiếp từ nguyên tác Việt ngữ, Olga Dror còn có thêm phần “Translator’s Introduction,” (Giới Thiệu của Dịch Giả) bổ cứu công phu, phân tích tỉ mỉ các quan điểm của nhiều học giả, nhà văn về Chiến Tranh Việt Nam: người miền Bắc và Nam Việt Nam, Mỹ (khuynh tả và khuynh hữu), Sô viết, và hậu-Sô viết, v.v..

Olga Dror: Giải Khăn Sô Cho Huế được viết vào năm 1969, một năm sau biến cố Mậu Thân, với tâm trạng nhà văn vẫn còn sốc vì những thảm cảnh bà đã trực tiếp quan sát hoặc nghe thuật lại từ các nhân chứng trong những tháng ngày đầu của năm 1968. Thường tôi thấy kinh nghiệm chiến tranh từ khuynh hướng người dân miền Nam ít khi được đề cập đến trong những sách viết về cuộc chiến Miền Nam. Tác phẩm của Nhã Ca tạo dựng lại những thử thách của người dân Huế khi họ bị kẹt giữa hai lằn đạn – giữa Cộng sản và lính Việt Nam Cộng Hòa cùng người Đồng Minh của họ. Người đọc cảm nhận được nỗi đau của Nhã Ca cho Huế và người dân Huế. Cách hành văn gần như thô sơ – mà tôi cố duy trì khi dịch sang Anh ngữ – phản ảnh nét trung thực của hiện tại chiến tranh. Do đó, Giải Khăn Sô Cho Huế cũng khác những hồi ký Anh ngữ của các tác giả miền Nam Việt Nam xuất bản trong những năm gần đây. Tuy những hồi ký của các tác giả miền Nam đã làm một công việc rất quan trọng là sửa đổi cái nhìn của người Mỹ – từ trước tới nay chỉ quan tâm đến Hoa Kỳ hay người Cộng sản mà ít khi đề cập đến miền Nam, những hồi ký này thường bị chi phối bởi những dữ kiện, kinh nghiệm, hoặc kiến thức kết tạo sau chiến tranh. Tính cách sống trong tác phẩm của Nhã Ca là nét độc đáo mà tôi thấy độc giả Mỹ nên tìm hiểu trong lúc này.

Nhã Ca và các nữ sinh Đồng Khánh năm 1970 – vào dịp tác giả trao tặng tác quyền cho thành phố Huế. (photo Việt Báo)

(2) Xin Cô và Olga cho biết thêm về quá trình cộng tác. Giải Khăn Sô Cho Huế được dịch trong bao lâu? Cô đã làm việc với Olga qua email, điện thoại, hoặc trực tiếp gặp mặt? Olga trao đổi với Cô bằng tiếng Việt hay phải qua một thông dịch viên? Cô và Olga đã có những thử thách hoặc giải pháp nào cho những đoạn khó dịch?

Nhã Ca: Tôi chính thức ký giấy ủy quyền về bản dịch Anh ngữ vào tháng Chín 2012. Tính tới ngày sách được phát hành là vừa đúng hai năm. Có thể trước đó, chúng tôi đã trao đổi ý kiến khá lâu. Mọi liên lạc hàng ngày cả trong công việc lẫn tình thân, đều bằng email, gần như hoàn toàn dùng chữ Việt. Cho tới nay, chúng tôi chưa hề trực tiếp găp mặt nhau, cũng không có nhu cầu nên chưa hề nói chuyện qua điện thoại. Công việc dịch trực tiếp từ Việt ngữ sang Anh ngữ được Olga tiến hành nhịp nhàng suông sẻ, không thấy khó khăn thử thách nào đáng kể. Đọc bài giới thiệu công phu của Olga dành cho cuốn sách và nhiều tình huống phức tạp quanh nó, chỉ cần nhìn những ghi chú, đã có thể thấy số lượng lớn sách báo, tài liệu mà tự Olga đã bỏ công tìm đọc, nghiên cứu.

Ngoài phần trả lời các câu hỏi về chính mình, vì tôn trọng cách làm việc khách quan của bà bạn, tôi không hề có ý kiến hoặc gợi ý nào liên quan tới người khác. Olga cũng hỏi tôi có muốn phát biểu gì không về vài ba trường hợp chỉ trích Giải Khăn Sô Cho Huế mà Olga trích dẫn trong phần Giới Thiệu của Dịch Giả, tôi cám ơn bà và nói không. Dù công việc đã xong, chúng tôi hiện vẫn giữ liên lạc.

Olga Dror: Tôi chưa hề gặp mặt Nhã Ca lần nào. Tôi đã đọc những tác phẩm của bà rồi sau đó viết thư xin phép được dịch quyển Giải Khăn Sô Cho Huế. Tôi nghĩ tôi bắt đầu dịch vào cuối năm 2011 hoặc đầu năm 2012. Do tôi không phải là một dịch giả chuyên nghiệp và vì việc dạy học tại đại học Texas A&M là việc chính của tôi, tôi dịch bất cứ lúc nào có thể. Nhã Ca tôn trọng cách làm việc của tôi. Khi nào tôi có những thắc mắc về nguyên bản, thứ tự thời gian, tên gọi của các nhân vật, phương ngữ Huế, tôi thường gửi các câu hỏi của tôi qua e-mail và chúng tôi trao đổi từ đó. Nhã Ca rất kiên nhẫn và hòa nhã trong việc giải thích các thành ngữ, cách phiên âm địa phương ở phần đối thoại trong tác phẩm. Ngoại trừ những thay đổi nhỏ mà tôi đã làm với sự chấp thuận của tác giả (như chuyển Chương Ba – “Những Mảnh Vỡ Góp Nhặt” thành Chương Bốn và ngược lại, Chương Bốn – “Qua Một Chuyến Đò” thành Chương Ba trong bản Anh ngữ), tôi chỉ coi mình như trung gian cho tiếng nói của tác giả, và qua bà, những tiếng nói của người dân Huế trong thời điểm Tết Mậu Thân.

Dịch giả Olga Dror. (photo Michael Dror)

(3) Trong Giải Khăn Sô Cho Huế, ở lời “Tựa nhỏ Cho Lần In Đầu Tiên: Viết Để Chịu Tội,” Cô đã viết, “Thế hệ chúng ta, cái thế hệ ưa dùng những danh từ đẹp đẽ phô trương nhất, không những chúng ta phải thắt một giải khăn sô cho Huế, cho quê hương bị tàn phá, mà còn phải chịu tội với Huế, với quê hương.” Thưa cô, “chúng ta” đây là những ai? Và tại sao “chúng ta” mà không chỉ người Cộng sản, phải chịu tội với Huế?

Nhã Ca: Từ đoạn trích dẫn trên, chỉ cần đọc tiếp là thấy ngay bàn thờ của “Ngày giỗ Huế Mậu Thân” và lời cuối: “Mời bạn, chúng ta cùng thắp đèn, châm nhang.” Đây là nơi và lúc tưởng nhớ, khấn vái.

Chuyện Huế và chiến tranh Việt Nam, khác biệt giữa người tự do với cộng sản khi cốt nhục tương tàn, là thứ dễ tìm thấy trong hơn 40 cuốn sách ký tên Nhã Ca – trên chục ngàn trang – đã xuất bản. Lời kết bài tựa nhỏ về thế hệ của mình chỉ là mấy dòng hướng tới lúc anh em một nhà có thể đứng chung trước bàn thờ ngày giỗ. Khi cùng nhau thắp đèn châm nhang – nếu có được ngày ấy – hẳn không phải là lúc để hạch tội tranh công hay đấu tố chụp mũ. Nếp nhà và văn hóa của một dân tộc biết tôn thờ sự linh thiêng, dạy bảo tôi viết vậy.

Cũng không chỉ dân tộc Việt, văn hóa Việt mới dạy bảo điều này.

Hai năm trước khi Nội Chiến Nam Bắc Mỹ kết thúc, Tổng Thống Hoa Kỳ Abraham Lincoln đã chỉ định “một ngày tủi nhục quốc gia” cho nước Mỹ. Trong ngày đó ông kêu gọi cả nước cùng nhận chung “tội lỗi dân tộc của chúng ta,” cùng nhau xưng tội, cầu nguyện sự khoan dung, tha thứ. [ii]

“Ngày tủi nhục quốc gia” được công bố tại Mỹ là ngày 30 tháng Ba 1863. Đã hơn 150 năm. Nội Chiến Hoa Kỳ chấm dứt vào Tháng Tư năm 1865. Liên bang nước Mỹ, với những khoan hồng cho các vị lãnh đạo và binh sĩ của miền Nam, đã có cơ hội và thời gian hàn gắn vết thương, dần dà trở nên vững mạnh.

Chiến tranh Việt Nam, anh em một nhà bị lừa phỉnh đẩy tới chỗ giết nhau, cũng đã 60 năm, 70 năm. Vậy mà cho tới nay chưa tỉnh. Tại Huế cũng như tại quê nhà và đâu đó trong nhiều cái đầu, vẫn chưa thể có được một ngày giỗ chung, bàn thờ chung.

Khi viết lời tựa nhỏ cho bản in lần đầu Giải Khăn Sô Cho Huế vào năm 1969, tôi viết với niềm tin vào tương lai của Huế, tương lai Việt Nam. Vào năm 2008, khi viết thêm ít dòng cho bản Việt ngữ của cuốn sách được tái bản ở Mỹ, và ngay ngày hôm nay, khi bản Anh ngữ xuất hiện, tôi vẫn nguyên vẹn niềm tin xưa, tôi tiếp tục chờ đợi, “một ngày giỗ tương lai tại quê hương, nơi từng biết thế nào là tình yêu thương, sự ăn ở tử tế, như từng biết thế nào là văn hoá, lịch sử.”

Olga Dror: Tôi không hỏi Nhã Ca về lời “Tựa Nhỏ” của bà. Đó là quan điểm cá nhân của tác giả, ít nhất là trong thời điểm 1968, và tôi tôn trọng nó. Trong những tác phẩm của bà, chúng ta thấy một bước nhảy khá dài, từ một người chuyên viết về đề tài lãng mạn, về tình yêu, đến một nhà văn với khuynh hướng chính trị được hun đúc bởi những yếu tố hữu cơ, qua những thực trạng của chiến tranh. Mục đích của tôi chỉ là tái tạo tiếng nói của tác giả, một tiếng nói dân sự của người miền Nam, để tiếng nói ấy không bị chìm vào quên lãng, để cho ta thấy một cái nhìn sâu sắc hơn về Chiến Tranh Việt Nam. Như tôi đã nói ở trên, trong cái nhìn của người Mỹ họ chỉ biết đến họ và người Cộng sản. Chúng ta nhiều khi quên rằng ở miền Nam có nhiều người không theo Cộng sản mà cũng không chấp nhận đường lối chính trị của Mỹ. Giải Khăn Sô Cho Huế cho ta thấy những kinh nghiệm cá nhân, đa diện, phong phú. Chính những kinh nghiệm đa diện này giúp cho ta nhận thức một khuôn khổ bao quát, phức tạp hơn về chiến tranh, gần giống như cách kể truyện dường như phân mảnh nhưng thật ra tổng hợp về xã hội Nhật bản trong phim Lã Sanh Môn (Rashomon) của nhà đạo diễn Akira Kurosawa.

Nhà văn Nhã Ca trong buổi lễ trao giải Viết Về Nước Mỹ năm 2013. (photo Việt Báo)

(4) Câu hỏi cuối cùng xin được dành cho cô Nhã Ca. Trong hơn 40 năm qua, ngoài những đe dọa từ phía Cộng sản lúc tác phẩm xuất hiện vào năm 1969-70, cùng thời gian bị Cộng sản giam giữ sau 1975, cô đã có bao giờ đối phó với những nhân vật, dư luận chỉ trích Giải Khăn Sô Cho Huế?

Nhã Ca: Là người bị Cộng sản bỏ tù vì tội danh “văn nghệ sĩ phản động,” tôi từng được công an áp tải vào “Nhà Triển Lãm Tội Ác Mỹ Ngụy,” bắt đứng nhìn cuốn sách Giải Khăn Sô Cho Huế bị đóng đinh trưng bầy. Và tôi đã đứng lặng lẽ chào sách của chính mình và bạn hữu. Sách đã có đó, khen chê chỉ trích là quyền của người đọc. Tôi thấy mình không có nhu cầu phải đối phó. Xin nhận. Chừng đó là đủ.

[i] Bản dịch bài nói chuyện của Giáo sư Keith Weller Taylor xuất hiện trên Da màu ngày 18 tháng 8 năm 2014.

[ii] “It behooves us, then, to humble ourselves before the offended Power, to confess our national sins, and to pray for clemency and forgiveness.” Abraham Lincoln: “Proclamation 97 – Appointing a Day of National Humiliation, Fasting, and Prayer,” March 30, 1863.

-----------------------

20.08.2014

No comments:

Post a Comment

View My Stats