Posted by basamnews on 09/09/2012
Thưa quý độc giả,
Blog Ba Sàm ra đời ngày 9-9-2007, tới hôm
nay là tròn 5 năm.
Suy tính từ 3 tháng trước phải viết gì đây
và chợt nghĩ: tại sao người của “cơ quan chức năng” quá biết về BS, trong khi
đó các độc giả thân yêu lại không rõ, thậm chí còn nghi ngại?
Nhiều suy nghĩ cần được chia sẻ với những
người đã góp công rất lớn, là độc giả và các cộng sự, cộng tác viên, mà suốt 5
năm qua chưa một lần chính thức thực hiện.
Vậy là quyết định sẽ phải tranh thủ con cà
con kê, lấy chuyện mình để nói chuyện ngoài đời, mong bà con ráng đọc.
Do bài viết dài, nên để tiện cho người đọc,
riêng 3 phần đầu được thu gọn, bấm vào chữ “Mời
đọc tiếp” hoặc “Vượt tường lửa”
sẽ mở ra cả trang. Nhiều độc giả phải vượt tường lửa, không gửi phản hồi được
tại trang chính, có thể gửi bên trang phụ basamnews.com, BS sẽ đăng lại
sang tranh chính, hoặc gửi email: basamvietnam@gmail.com .
1- “Tự diễn biến”. Bao nhiêu năm sống giữa chốn “cung đình”, “nằm trong chăn”,
hưởng sung sướng nhất những khi người dân khốn khổ nhất, ngộ ra bao điều phi
lý, bao nghịch cảnh … Mời đọc tiếp
– (Vượt tường lửa).
2- Chỉnh Đảng. Mấy tháng trước, trong cuộc chuyện trò, thằng bạn đang
là lãnh đạo một cơ quan pháp luật, cũng diện con ông cháu cha, bảo: “Chế
độ này mà đổ thì tao với mày nó thịt đầu tiên!” Hắn cười: “Thì tao đang làm cái việc để cho nó không
‘đổ’, mà sẽ dần dần thay đổi, phát triển tốt đẹp hơn” ... Mời đọc tiếp - (Vượt tường lửa).
3- Dân trí. Khi gia nhập đảng CSVN, nguyện đi theo lý tưởng cộng
sản, thế rồi hắn đã tìm thấy một lý tưởng khác, như viết trong Tuyên ngôn “Phá vòng nô lệ”
… Mời đọc tiếp – (Vượt tường lửa).
.
4- Blog-báo. Để tiếp nối những gì đã đề cập trong bài Ba Sàm 4 tuổi,
xin được trao đổi nhiều hơn những chuyện “bếp núc” tỉ mẩn hàng ngày.
Giữa giai đoạn “bùng nổ” của loại blog
Yahoo!360º, như một bài lược sử blog Việt Nam mới
đây viết, hắn lọ mọ mở blog và tìm hiểu.
Các hệ thống blog tựa như những khu đô thị,
nhà cung cấp xây lên sẵn, cho dân vào ở miễn phí. Ai muốn cơi nới, có thêm dịch
vụ… thì bỏ tiền mua. Đại đa số không cầu kỳ, ở miễn phí là sướng quá rồi. Trên
thế giới mạng có rất nhiều “khu đô thị” như vậy, thế nhưng cư dân mạng VN lại
có đặc điểm khác hẳn phần còn lại của thế giới, họ khoái nhất Yahoo!360º. Có lẽ
nó là thứ vừa thích hợp cho dân nghèo, mà lại thuận lợi cho giao du hơn cả
(Facebook sau này đã phát triển tính năng tương tự). Đặc điểm nổi trội của loại
này là mỗi người được phép có trong danh sách của mình tới 300 người bạn, ai có
bài mới, có “câu phát ngôn” mới là hiện lên ngay. Độc giả còn có thể gửi nhắn tin
cho riêng chủ blog mà vẫn không bị lộ địa chỉ, danh tính. Mối dây liên hệ giữa
họ với nhau được tăng lên theo cấp số nhân. Một lời kêu gọi, như với cuộc biểu
tình chống Trung Quốc cuối 2007 chẳng hạn, là tức khắc hàng vạn người biết. Và
chính quyền đã lo sợ điều đó. Khi tuyên bố đóng cửa Yahoo!360º để thay vào là
Yahoo!Plus Việt hóa, hãng này viện cớ kỹ thuật, nhưng đằng sau có lẽ là trò
thỏa hiệp với những chính thể độc tài mà Yahoo nhiều năm nay vẫn hay bị tai
tiếng.
Sau khi đăng những bài báo của mình, BS nảy
ra ý định tự dịch các bài viết về VN trên báo chí ngoại quốc, thứ khi đó còn
rất ít trang mạng quan tâm dịch thường xuyên, còn báo nhà nước thì chỉ … “lược
dịch”. Trình độ có hạn, nhưng được độc giả khắp nơi thẳng thắn góp ý, nên bài
dịch ngày càng đỡ hơn. Mục tiêu mỗi ngày dịch một bài, nhiều bài dịch rồi đăng
ngay chỉ sau vài giờ.
Người góp công nhiều nhất cho bài dịch và
rồi cũng là cộng sự tích cực gầy dựng nên blog BS trong thời gian đầu là
blogger Trần Hoàng. Tiếp đến, 2-3 năm nay, là BTV, các CTV, blogger, người
dịch, cũng chính là độc giả ở khắp nơi đã lặng lẽ góp phần rất lớn làm cho nội
dung của trang súc tích, sinh động thêm không ngừng. Đặc biệt có vai trò của
BTV, là “tiếng nói phản biện” chống lại chế độ “độc đảng”, “độc quyền cai trị”
trong nội bộ blog BS.
Riêng với BS, tại sao có thể để hết công
sức, thời gian vào ngôi nhà chung này được? Bởi vì thật may mắn, hắn đã có một
hậu phương vững chắc, có bạn quản thủ dùm công ty, có người thân lo toan cho đủ
thứ … Cơ quan chức năng đỡ phải băn khoăn có “thế lực thù địch” chu cấp tiền
bạc. Cuộc đời hắn như sang trang mới nữa cũng là từ đó.
Thời gian đầu, nhiều độc giả “chê” blog BS
khô khan, toàn chuyện chính trị, sợ là sẽ khó hấp dẫn. Quả tình khi đó, như bài
viết về lịch sử blog VN đề cập, nhiều blog “hot” là do đưa nhiều tin, hình ảnh
sex, kinh dị, chuyện giật gân. Cho tới hôm nay, tình thế rõ ràng là đã đảo
ngược. Dân mình thực ra rất quan tâm chính trị, chỉ phải cái đảng, nhà nước lại
không muốn vậy, làm đủ cách để dân chán chính trị, nói đúng hơn là nghĩ, bàn
chuyện chính trị theo “định hướng”, trong đó cách quan trọng nhất là thông qua
báo đài nhà nước.
Thấy các trang web của 4 đài phương Tây
RFI, BBC, VOA, RFA bị tường lửa, ban đầu, BS đã điểm thêm các tin bài trên các
trang này giúp cho độc giả. Tiếp đến, thấy nhiều bài trên báo nhà nước cũng khá
tốt, hắn thử bổ sung, thế là vấp phải phản ứng khá tiêu cực của bà con, thậm
chí còn có nghi ngờ hắn làm “tuyên vận” …
Khi chuyển sang hệ thống WordPress này,
chức năng lên danh sách bạn bè kiểu Yahoo!360 không có, nhưng thay vào đó là nó
cho phép tạo ra danh mục và đường dẫn (link) nhiều “bất tận” tới các blog, web,
báo chí. Vậy là BS lần mò tìm những blog/web hay, kế đến là các báo trong,
ngoài nước, đưa vào danh mục của mình với hy vọng le lói ban đầu là tạo nên một
nơi hội tụ thật nhiều thông tin, tiện tìm kiếm để phục vụ độc giả. Cuối cùng,
khi mọi người đã tập hợp đông đủ như một cái chợ thông tin họp giữa nhà ga
trung tâm, là diễn ra nhu cầu, hoạt động trao đổi, bàn luận đủ kiểu. Những bài
viết, sự kiện, những cơ quan, tổ chức … có điều gì hay/dở, những con người
tốt/xấu đều có thể được hội tụ về đây, phơi bày, cọ sát, so sánh, được đông đảo
cư dân mạng khắp trong ngoài nước tức khắc nhận biết. Kẻ xấu bị vạch mặt phải
biết sợ, người tốt được động viên, gắn bó.
Xin đi vào chuyện “bếp núc”:
- Độc giả có một thành phần quan
trọng là các cán bộ đảng viên, những người đang hoặc đã từng tham gia hệ thống
chính trị của chế độ, ít nhiều gắn bó, còn “kiên định lập trường”, họ rất cần
được thay đổi dần nhận thức, được cung cấp nhiều hơn thông tin đa chiều và
trung thực. Tuy nhiên, làm sao cho họ “tiêu hóa” dần được, tránh bị sốc, “bội
thực”, rồi quay lưng là điều không dễ. Mong những bà con có phản ứng nóng nảy
quá, lên án theo kiểu “vơ đũa cả nắm”
mọi cán bộ, đảng viên, hoặc muốn nội dung tin, bài phải mạnh hơn, … có thể cảm
thông điều này.
- Phản hồi của độc giả có ý nghĩa
đặc biệt. Có người đã bảo, vào đây chỉ thích đọc còm của độc giả. Những còm sĩ tiếng tăm nhưng “ẩn danh” như Nice
Cowboy, Hồ Thơm, Bác Ba Phi, Bình Loạn Viên, Đông Hải Long Vương, Hoang Lan Moc
Chau, Hai Lúa, Qx, Xman, D.Nhật Lệ, Bun Thoong, Mongun, Long A, Trần Quốc, Mèo
con, chipheo@, hahien, TRỰC NGÔN_ABS, Tg …, “nổi danh” như KTS Trần Thanh Vân,
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, GS Huệ Chi, KS Lê Quốc Trinh, Nhà giáo Hà Văn Thịnh,
Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, … Từ “hội giật tem” rất đáng yêu mà không một
trang mạng nào có được, những bài thơ xuất thần độc đáo thay cho lời bình luận
khô khan, những nhận xét sâu sắc đáng được bổ sung vào bản tin hoặc đăng thành
bài, kể cả những câu cảm thán ngắn ngủi nhưng vẫn đầy ý nghĩa, … cho tới cả
tiếng chửi tục vì không thể kìm nén nỗi căm giận. Ngoài ra, tuy chiếm số lượng
rất ít, nội dung thường sơ sài, nhưng những phản hồi trái chiều, trái tai với
tuyệt đại đa số độc giả cũng vẫn được quan tâm, khích lệ. Tất cả làm nên một
bức tranh sinh động, thiếu đi là mất một phần lớn sức hấp dẫn. Phần nào vì vậy
mà việc giữ hay cắt bớt, bỏ hẳn một phản hồi quá nặng là rất khó khăn, thường
người biên tập tạm cho ẩn, sau đó mới quyết định chính thức. Do nhân lực, thời
gian có hạn, nên không trả lời được mấy các phản hồi của độc giả, trong khi
nhiều có ý kiến rất thú vị. Riêng thư từ gửi tới, BS hầu như hồi đáp đầy đủ.
- Điểm tin là công việc nặng nhọc
nhất mà cũng quan trọng nhất. Cố bao quát cho hết những vấn đề thời sự mọi mặt,
trên cả báo nhà nước, nước ngoài và mạng tự do; sắp xếp hợp lý, nối kết những
tin liên quan, tìm thông tin đã được đề cập từ trước đó, rồi đọc lướt những tin
bài quan trọng để phát hiện ra câu, ý hay, trích ra, bình luận v.v.. kể cả làm
sao để hạn chế trùng lắp, trong khi các báo cũng hay sử dụng tin bài của nhau.
Nhiều độc giả, các blogger, thậm chí cả các nhà báo cũng đã góp phần phát hiện,
giới thiệu tin, bài quan trọng, vừa sinh động thêm, tính cộng đồng tăng lên,
lại đỡ nhiều công sức cho các thành viên của trang. Mục điểm tin này cũng giúp
ích không nhỏ cho các báo, nhà báo, giới blogger có điều kiện hiểu mình, hiểu
người, nâng dần năng lực, ý thức trong công việc.
- Bài viết được gửi tới khá nhiều,
nhưng do nhân sự biên tập có hạn, lại muốn đảm bảo chất lượng bài vở khi đăng
lên, nên nhiều khi phải từ chối. Thay vào đó, BS cố phát hiện những bài đáng
quan tâm trên báo, blog khác để đăng lại.
- Bài đăng lại có khi bị độc giả phê
phán dữ dội; có người thắc mắc tại sao một bài tệ hại mà lại đưa lên. Lý do: +
Tự do thông tin, có vậy mới đầy đủ bức tranh sáng, tối của truyền thông nước
nhà, kể cả cho thấy sự kém cỏi của vài “thợ viết” bảo vệ quan điểm “chính
thống”. + Nếu không đăng lại, làm sao biết người dân suy nghĩ ra sao về thứ sản
phẩm tồi đó, khi mà ở trang báo “chính thống” thì không có lấy một phản hồi,
nhưng đăng lại trên BS thì hàng trăm ý kiến phê phán. Nó sẽ là sức ép lên chính
người viết, tòa báo có bài đó, sớm muộn, ít nhiều họ cũng sẽ phải thay đổi. Một
dạng đăng lại đặc biệt là các bản “gốc” khi bản “biên tập” được đăng trên báo
nhà nước đã không làm vừa lòng tác giả, do bị cắt xén quá mức. Một trong những
ích lợi của công việc này là tạo nên sức ép nhất định cho tòa báo, với cơ quan
chức năng, không thể tiếp tục mãi lối quản lý cũ kỹ.
- Bài dịch hầu như đều có người khác
hiệu đính, thậm chí nhiều bài còn được chính tác giả-giỏi cả tiếng Việt xem lại
lần cuối. Tuy nhiên, rất nhiều độc giả của BS thành thạo ngoại ngữ cũng đã góp
phần chỉnh sửa, bàn luận, mong là cách này sẽ được quan tâm hơn nữa.
- Danh mục blog, web, báo được cập
nhật, điều chỉnh thường xuyên. Nhưng “lực bất tòng tâm”, nên sẽ tốt hơn nếu như
bà con giới thiệu thêm những blog, web đáng được đưa vào nhưng lại bỏ sót.
Ngoài ra, do có khi trục trặc, nhầm lẫn, có blog vô tình bị mất khỏi danh mục.
Ngược lại, có blog nổi tiếng, nhưng không đưa vào danh mục, hoặc đã có nhưng bị
loại ra, đều có chung một lý do … “nhạy cảm”, không thuộc dạng này thì cũng ở dạng
khác mà độc giả có thể cảm nhận qua những thông tin, bình luận hàng ngày.
- Bình luận của BS và cộng sự là thứ
có thể đáp ứng tức thì, ngắn gọn với một bài viết hay những vấn đề xảy ra hàng
ngày mà không phải chờ đợi, phải cậy đến một bài báo sẽ có ở đâu đó. Những trao
đổi, gợi ý của độc giả qua phản hồi, email gửi tới cũng bổ sung thêm kha khá.
Nhưng … để tránh lối “múa gậy vườn hoang”,
rất cần có thêm những ý kiến độc giả tranh cãi với chủ nhà.
- Tin tức ngoài hệ thống báo chí,
văn bản nhà nước, gọi là tin “vỉa hè”, ở xứ sở không báo tư nhân, báo nhà nước
được quản chặt ghê gớm, là rất có ý nghĩa. Trong số này, ngoài những gì BS và
cộng sự trực tiếp thu thập được, thông tin, hình ảnh do các CTV, nhà báo thân
thiết gửi tới, thì nguồn tin do độc giả cung cấp vẫn còn ít.
Đặc biệt xin cám ơn các cộng tác viên
“chiến trường”, lăn lộn cùng người biểu tình yêu nước, bà con nông dân mất đất,
từ Tiên Lãng, Văn Giang … tới Vụ Bản, không quản vất vả, hiểm nguy. Có người
còn bị xã hội đen tới tận nhà đe dọa nhiều ngày.
.
Có độc giả cho là tới khi nào nền báo chí
của VN được tự do thực sự, thì sẽ không còn BS nữa. Nghĩ vậy thì chỉ mới nhìn
thấy một nửa tiện ích ở đây. BS đã từng mơ sẽ có ngày gắn kết blog của mình vào
một hệ điều hành dùng riêng cho các “máy đọc báo” kiểu iPAD và iPhone. Hắn cũng
tin là cách làm hiện nay sẽ “bất tử”, nên rủi mình có ham chơi mà lơ là bỏ bê
công việc, cũng vẫn sẽ có các cộng sự ở khắp nơi cùng độc giả tiếp tục công
việc hàng ngày này.
Xin cám ơn các quý độc giả đã kiên nhẫn đọc
hết bài viết dài lê thê này. Vậy mà vẫn còn rất nhiều điều cần trao đổi, đành
chuyển tới mục Phản hồi.
Ba Sàm
*
*
09/09/2012
Hôm nay,
kỷ niệm sinh nhật lần thứ Năm của TTXVH (Basamnews), chủ blog tôi
xin gửi đến đến chủ trang, các BTV và cộng tác viên của trang lời chúc mừng
thân thiết và cũng xin được chia vui với các blogger và các nhà báo tiến bộ từ
lâu đã coi TTXVH là ngôi nhà chung để cùng nhau góp phần nâng cao nhận thức xã
hội như tiêu chí mà chủ trang đã nêu cao là Phá Phòng Nô Lệ.
Đối với riêng tôi, TTXVH là hãng thông tấn có uy tín lớn
nhất ở nước ta hiện nay.
Nhân dịp này, chủ blog tôi xin phép Anh Ba Sàm được đăng
lại dưới đây đôi dòng tâm sự của Anh qua bài viết rất thú vị với tiếu đề “Tự diễn
biến”
Trân trọng,
No comments:
Post a Comment