Saturday, 3 August 2013

VỤ SNOWDEN ĐE DỌA QUAN HỆ MỸ - NGA (RFI / BBC / VOA)




Mai Vân  -  RFI
Thứ sáu 02 Tháng Tám 2013

Như tin chúng tôi đã đưa vào hôm qua, 01/08/2013, cựu kỹ thuật viên tình báo Mỹ Edward Snowden đã được Nga cấp quy chế tỵ nạn tạm thời và đã rời khỏi sân bay Cheremetievo – Matxcơva - sau gần hơn một tháng bị kẹt tại đây. Chỗ ở mới của Snowden, công việc mà anh được phép làm trong thời gian tới đây vẫn là một ẩn số, nhưng theo giới phân tích, việc Nga cho Snowden quy chế tỵ nạn chắc chắn sẽ tác hại quan hệ vốn đang lạnh nhạt giữa Nga và Mỹ.

Văn bản chính thức cho phép Edward Snowden quyền tỵ nạn tạm thời tại Nga - REUTERS /M. Shemetov

Trước mắt điều thấy rõ nhất là quan hệ Mỹ Nga sẽ phải hứng chịu bão táp sau quyết định của Matxcơva, vốn đặt tổng thống Mỹ vào trong tình thế rất tế nhị. Cho đến nay Washington đã luôn cảnh cáo Matxcơva rắng cho Snowden tỵ nạn sẽ là một quyết định ‘rất đáng tiếc’, trái lại Nga phải cho Mỹ dẫn độ Snowden.

Chính quyền Obama đã lập tức tỏ thái độ bất bình sau diễn biến mới trong vụ Snowden. Phát ngôn viên Nhà Trắng, Jay Carney đã tuyên bố rằng Hoa Kỳ « vô cùng thất vọng » trước việc chính phủ Nga đã quyết định như vậy cho dù phía đã có yêu cầu rõ ràng... là muốn thấy ông Snowden bị trục xuất về Hoa Kỳ để trả lời về các cáo buộc nhắm vào ông ».

Phát biểu của ông Carney xem ra rất chừng mực so với phản ứng dữ dội trong giới lập pháp. Họ kêu gọi tổng thống Obama phải trả đũa cứng rắn hành động mà Thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa John McCain cho là ‘một cái tát tai đối với Mỹ’. Nghị sĩ đảng Dân Chủ, Chuck Schumer thì xem đó là ‘một nhát dao đâm sau lưng’ Mỹ.

Biện pháp mà nhiều người đề nghị truớc mắt là ông Obama nên hủy bỏ cuộc gặp gỡ được dự kiến với tổng thống Nga Vladimir Putin tại Matxcơva trước hội nghị thượng đỉnh nhóm G20 tại Saint Petersburg. Phát ngôn viên Nhà Trắng hôm qua đã không loại bỏ khả năng này khi thông báo là chính quyền đang xem xét lại sự cần thiết của một chuyến thăm như thế.

Cũng phải nói là ông Putin và ông Obama không mấy hợp nhau. Giới quan sát đều ghi nhận là các cuộc gặp gỡ trước đây giữa hai người đều không mấy có kết quả. Nhiều người còn đề nghị tẩy chay Thế vận hội mùa đông sắp được tổ chức tại thành phố Nga Sotchi.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã tóm lược tình hình khi đánh giá vụ Snowden đó là một sự suy thoái trong quan hệ Mỹ Nga.

Rõ ràng theo các nhà bình luận, quan hệ hai bên khó thể tiếp tục như trước, như không có chuyện gì xẩy ra sau diễn tiến hôm qua, kể cả khi cuộc gặp thượng đỉnh Putin-Obama được duy trì.

Phía Nga dĩ nhiên đã tìm cách giảm nhẹ tầm hệ trọng của vụ việc, tuy cũng công nhận ảnh hưởng của vụ này trên quan hệ Mỹ Nga.

Từ Mátxcơva, thông tín viên RFI, Anastasia Becchio, lược lại những phản ứng :

« Tổng thống Obama có thể không ghé Matxcova, vì chuyện của cựu phân tích viên của CIA », đây là nhận xét của tờ Kommersant, phản ánh đánh giá tại đây. Tờ báo ghi nhận lần đầu tiên Nhà Trắng đã chính thức xác nhận việc Nga cho Snowden tỵ nạn sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc gặp dự kiến vào tháng chín.
Còn điện Kremly thì đang ra sức giảm thiểu hệ quả của vụ việc, cho răng vấn đề đó quá nhỏ để có thể tác hại đến quan hệ Matxcơva – Washington.
Giới lập pháp Nga đã bào chữa cho quyết định cho Snowden tỵ nạn : Trả lời tờ Kommersant, dân biểu Viatcheslav cho là Nga ‘không thể có quyết định nào khác nếu không muốn bị mất mặt’.
Nhắc lại sự kiện máy bay tổng thống Bolivia phải chuyển hướng do một quốc gia Châu Âu không cho phép bay qua - vì Snowden bị tình nghi có mặt trên máy bay - dân biểu Aleksei Pouchkov quy trách nhiệm cho một mình Hoa Kỳ về khủng hoảng hiện nay.
Trong hàng ngũ đối lập, nhà văn Edouard Liminov cũng hoan nghênh quyết định của Matxcơva, cho là « Nga đã hành động như một cường quốc có trách nhiệm ».

Theo một cuộc thăm dò trên tờ Izvestia, hơn một nửa người Nga tán đồng hành động của Snowden.
Báo Vedomosti chú ý đến những hệ lụy khác của vụ việc. Snowden đã được đề nghị làm việc trong hệ thống mạng xã hội đứng đầu ở Nga : Vkonke, một loại ‘Facebook Nga’. Vedomosti nhìn thấy : ‘Vkonke giờ đây có triển vọng trở thành kẻ thù số một của Hoa Kỳ’.

Trong hồ sơ này nhận định hầu như chung của giói phân tích ông Obama ở trong thế tế nhị hơn là Putin. Câu hỏi đặt ra là Washington sẽ phải phản ứng như thế nào.

Theo nhận định của chuyên gia về quan hệ Mỹ Nga, Steven Pifer, thuộc viện Brookings ở Washington, Tổng thống Nga đã từng cho thấy không hề nao núng trước sức ép của Mỹ, và ngược lại có những phản ứng rất cứng rắn.

Về phần ông Obama, theo nhận định của ông Pifer, nếu duy trì cuộc họp thượng đỉnh với Putin thì sẽ bị chỉ trích rất gay gắt tại Mỹ. Vấn đề là ông Putin có chịu làm cho cuộc họp này mang lại nhiều kết quả hay không, để ông Obama có thể chịu cái giá chính trị mà ông phải trả.

Giới quan sát cũng đang chờ đợi xem Washingon có tỏ thái độ giận dữ hay không vào lúc này, trong khi mà Mỹ cần sử dụng lãnh thổ Nga để rút quân khỏi Afghanistan.


------------------------------------

Cập nhật: 04:08 GMT - thứ sáu, 2 tháng 8, 2013

Hoa Kỳ tuyên bố việc Nga chấp thuận cho cựu nhân viên tình báo Edward Snowden tỵ nạn là "vô cùng đáng thất vọng".
Nhà Trắng đang cân nhắc liệu có nên tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh đã được lên kế hoạch từ trước giữa Tổng thống Barack Obama và người đồng nhiệm Nga Vladimir Putin hay không.
Mỹ muốn dẫn độ Snowden về Nga và mang ông ra xét xử vì tội rò rỉ thông tin mật.

Snowden đã được chuyển đi khỏi khu vực quá cảnh của sân bay Sheremetyevo ở Moscow sau khi ở đó suốt từ tháng Sáu tới nay.
Ông lên tiếng cảm ơn nước Nga.

'Đâm dao vào lưng'
Ông Obama theo kế hoạch sẽ gặp ông Putin bên lề hội nghị G20 vào đầu tháng Chín tới tại St Petersburg.
Tuy nhiên, Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney nói: "Chúng tôi vô cùng thất vọng về việc chính phủ Nga đã có hành động như vậy cho dù chúng tôi đã yêu cầu một cách rõ ràng và chính danh cả công khai lẫn trong các tiếp xúc riêng nhằm dẫn độ Snowden về Mỹ để xét xử các tội danh đối với ông ta".
"Chúng tôi đang cân nhắc lại khả năng gặp gỡ vì việc này và một số việc khác."
Thượng nghị sỹ của đảng Dân chủ Chuck Schumer, đồng minh của ông Obama, nói quyết định của Nga là "đâm dao vào sau lưng" Mỹ và kêu gọi ông tổng thống khuyến cáo rời địa điểm tổ chức hội nghị G20 ra khỏi nước Nga.
Cựu ứng viên tổng thống John McCain thì nói việc này sẽ gây "hậu quả nghiêm trọng".
Nga đã nhiều lần giảm nhẹ vụ Snowden xin tỵ nạn và nói không có ảnh hưởng gì tới quan hệ với Hoa Kỳ.

Phóng viên BBC Daniel Sandford tại Moscow nói quan hệ Nga-Mỹ đã không lấy gì làm tốt đẹp và sau quyết định dường như là cố ý của Tổng thống Putin thì nó chuyển sang giai đoạn xấu.
Moscow và Washington đã không bằng lòng với nhau quanh một loạt các chủ đề, đặc biệt là cuộc xung đột ở Syria, nơi Nga ủng hộ chính quyền còn Mỹ thì lại hỗ trợ phe nổi dậy.

Snowden, người từng làm việc cho CIA và sau đó là một nhà thầu của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA), đã rò rỉ tài liệu cho các nhà báo về quy mô chương trình do thám của NSA.
Dòng chảy thông tin liên quan tới vụ rò rỉ này vẫn còn đang tiếp tục. Hôm thứ Năm 1/8, báo Guardian của Anh cáo buộc chính phủ Mỹ đã trả ít nhất 150 triệu đôla cho công ty tình báo Anh GCHQ để tiếp cận các chương trình do thám của Anh.

Rời sân bay
Snowden rời sân bay Sheremetyevo vào lúc 14:00 giờ chiều (17:00 giờ thứ Năm 1/8 giờ Hà Nội), theo luật sư của ông là Anatoly Kucherena.
Luật sư Kucherena nói thân chủ của ông sẽ "không công bố bất cứ tài liệu nào nhầm bôi nhọ chính phủ Mỹ".
Trước đó ông Putin nói đây là điều kiện để Nga nhận cho Snowden tỵ nạn.
Ông Kucherena cũng cho hay ông Snowden đã được cho trú ngụ tại nhà của người Mỹ ở Nga.
Cơ quan Nhập cư Nga sau xác nhận rằng ông Snowden đã được phép tỵ nạn một năm.
Điểm đến cuối cùng của Snowden là một nước ở Mỹ Latin, nhưng các quan sát viên chưa thống nhất liệu ông có thể đi lại với giấy tờ mà Nga cấp cho không.
Khi rời sân bay, Snowden ra thông cáo cảm ơn nước Nga và lên án Mỹ không tôn trọng luật pháp.
Các thông tin mà ông rò rỉ thoạt tiên xuất hiện trên báo Guardian của Anh và Washington Post của Mỹ hồi đầu tháng Sáu.

----------------------------------------

02.08.2013

Người tiết lộ tin tình báo của Hoa Kỳ đang bị truy nã Edward Snowden đã rời khỏi phi trường Moscow để đi đến một nơi không rõ ở Nga sau khi chính quyền nước này cho ông được hưởng quy chế tỵ nạn tạm thời. Hoa Kỳ đã chỉ trích quyết định của chính phủ Nga, trong khi một số nhà tranh đấu cho nhân quyền lại hoan nghênh quyết định đó.

Nga đã chấp thuận cho cựu nhân viên hợp đồng làm việc cho chính phủ Hoa Kỳ Snowden được tỵ nạn một năm, từ chối một lời yêu cầu của Hoa Kỳ đòi hồi hương ông ta để thẩm vấn về các cáo buộc tiết lộ thông tín bí mật.

Hôm qua, chính quyền Obama đã bầy tỏ sự thất vọng. Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Jay Carney lập lại rằng Snowden phải bị trục xuất về Hoa Kỳ để đối mặt với các cáo trạng chống lại ông ta. Ông nói:

 “Ông Snowden không phải là một người “thổi còi báo hiệu.” Ông ta bị cáo buộc là tiết lộ thông tín bí mật và đã bị truy tố về ba trọng tội, và ông ta nên bị trả càng sớm càng hay về Hoa Kỳ, nơi ông sẽ được dành cho sự thụ lý và bảo vệ đúng cách.”

Quyết định của Nga đã gây căng thẳng cho bang giao vốn đã lung lay giữa hai nước.

Nhưng thân phụ của ông Snowden, ông Lon Snowden ở tiểu bang Pennsylvania miền đông Hoa Kỳ, đã ca ngợi quyết định của Nga và cảm ơn Tổng thống Putin.

Trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình RU-RTR của Nga hồi hôm qua, ông khuyên nhủ con trai nên ngưng tiết lộ thêm bất cứ thông tin nào:

“Vào thời điểm này, tôi muốn con tôi chỉ giữ im lặng và quan tâm đến sức khoẻ, và tin tưởng … Sự thực sẽ được phơi bày và họ càng biết nhiều hơn thì càng lo lắng hơn, họ sẽ thừa nhận rằng họ nhận được thông tin sai lạc, rằng dân chúng không thành thực với họ và họ sẽ đòi hỏi thêm từ phía những người này và chính phủ mà lẽ ra phải thành thực với họ, cũng như với giới truyền thông Mỹ.”

Một số nhà hoạt động nhân quyền đã hoan nghênh việc Snowden được cho tỵ nạn, nhưng bà Lyudmila Alexeyeva, một nhà tranh đấu cho nhân quyền kỳ cựu của Nga, nêu ra rằng cuộc mưu tìm tự do thông tin của ông Snowden đã đưa ông tới một đất nước không dành mấy tôn trọng cho các quyền tự do. Bà nói:
“Ðây không phải là một hiện tượng số phận trớ trêu. Tôi nghĩ đó là thảm kịch của anh ta. Chắc chắn anh ta đã trải qua một thời gian rất gay go ở đây. Tôi có thể mường tượng rằng trong khi ở lại phi trường này, chắc hẳn anh ta đã bị những người của Sở An ninh Nhà nước FSB rầy rà rất nhiều, và sau đó anh ta sẽ phải giữ vững quyết tâm.”


 Cách đây 2 tháng, thanh niên 30 tuổi từng làm nhân viên hợp đồng cho chính phủ Hoa Kỳ này đã tiết lộ chi tiết về các chương trình theo dõi bí mật mà Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ đã tiến hành.

Các chương trình này gồm việc thu thập các dữ liệu về các cú điện thoại và nhắn tin qua Internet trong cố gắng ngăn chặn các vụ tấn công khủng bố.




No comments:

Post a Comment

View My Stats