Saturday, 31 August 2013

CHIỀU THƠ NHẠC "NGÀY BÃO LOẠN" (Đình Thu - DienDanCTM)




Đình Thu
12:57 - 30/08/2013

Vào lúc  2 giờ chiều ngày 25/8/13, một chương trình mang tên Chiều Thơ Nhạc “NGÀY BÃO LOẠN” dựa trên cuốn sách cùng tên của nhà thơ Hương Giang đã được tổ chức trong khung cảnh ấm cúng của Viện Việt Học tọa lạc trên đường Brookhurst, Santa Ana, Nam Cali.  Sau nghi thức khai mạc với lời dẫn nhập của MC Bảo Long, nhà thơ Hương Giang đã được giới thiệu lên sân khấu để chào mừng, cùng cám ơn quan khách và đồng bào tham dự.

Ngay sau phần phỏng  vấn ngắn của hai MC Thúy Phượng và Bảo Long dành cho tác giả, chương trình Hát Cho Ngày Bão Loạn được  bắt đầu ngay với giọng hát mạnh, vút cao, của ca sĩ Ngọc Quỳnh qua một sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn “Tôi Cố Bám Lấy Đất Nước Tôi”.

Tôi đã đổ mồ hôi, đổ máu tươi
Ðể mong ở lại đây


Dù thế nào cũng ở lại đâỵ
(Tôi cố bám lấy đất nước tôi - Nguyễn Đình Toàn)

Lời ca bi tráng trong hai ca khúc “Tôi cố bám lấy đất nước tôi” của nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn và “Anh đã ngủ yên trên quê hương” của Trần Duy Đức đã gợi lại cho người nghe ký ức về những tháng ngày đau thương của quê hương . Chính điều này đã khiến những con dân Việt Nam chọn từ bỏ hạnh phúc riêng tư, đem chính thân mình đi tìm một giải pháp cho dân tộc ngay trong những  tháng ngày đen tối nhất của tổ quốc.  Họ là các anh  Trần Văn Bá, Lê Quốc Quân, họ là chiến sĩ  Võ Đại Tôn, cựu trung uý Vũ Đình Khoa, Phó đề đốc Hoàng Cơ Minh, nhà văn Võ Hoàng và biết bao chiến sĩ vô danh khác.

Sau ca khúc mang tên “Đừng chết nhé ta ơi” của Hà Thúc Sinh do ca sĩ Nguyên Phong trình bày là phần nói chuyện của nhà văn Diên Nghị. Ông đã chia sẻ tâm tình của một người đã từng là lính chiến, đã sống và chiến đấu trong những Ngày Bão Loạn trên quê hương. Cử tọa đã thật xúc động khi slide show đưa lên hình ảnh của cố Phó đề đốc Hoàng Cơ Minh, con chim đầu đàn của những anh hùng Đông Tiến năm xưa. Người ta nhìn thấy khía cạnh rất mềm trong một vị tướng qua bài thơ ông gởi về cho vợ được ký bằng cái tên ghép của hai người  - Minh Vân.  Bài thơ được nhạc sĩ Trần Thiện Khải phổ thành ca khúc  “Trăng Chiến Khu” và được trình bày qua hai giọng hát của Cao Xuân Ánh và Hạnh Lâm.

Mọi người đã không ngăn được cảm xúc với “Bông Bưởi Chiều Xưa” rồi “Như Đọt Trầu Xanh”, các ca khúc gợi lại  hình ảnh chia tay của những người yêu nhau để làm tròn bổn phận với đất nước. Đặc biệt bài thơ “Thăm Bạn” của Kháng chiến quân Nguyễn Đức Thắng đã nói lên tình cảm trọn vẹn giữa những người cùng chung lý tưởng, mà hình ảnh cây chanh trồng đánh dấu trước mồ người chiến hữu nằm xuống là một hình ảnh sống mãi sáng trong lòng những người đang đi tiếp quãng đường còn lại.

Vị diễn giả kế tiếp là nhà văn Song Nhị.  Ông là trưởng Cơ Sở Thi Văn Cội Nguồn,  nơi đã xuất bản cuốn sách Ngày Bão Loạn. Tác phẩm đầu tay này của Hương Giang đang tạo một tiếng vang lớn trên văn đàn hải ngoại, nối tiếp truyền thống của văn chương đấu tranh cho tình yêu tổ quốc.

Suốt gần ba tiếng đồng hồ, chiều Thơ Nhạc Ngày Bão Loạn đã không để mất giòng cảm xúc thưởng ngoạn của gần hai trăm đồng bào ngồi kín hội trường Viện Việt Học. Các ca khúc “Ngủ Đi Em Mai Sáng Lên Đường” của Nguyễn Hoàng Hà phổ thơ Võ Hoàng, “Chuyến Đò Đêm” của kháng chiến quân Hồng Thái được trình bày xen kẽ với slide show về hình ảnh một số các kháng chiến quân như Võ Hoàng, Ngô Chí Dũng, Trần Thiện Khải… Tất cả viết lại trang sử Đông Tiến oai hùng.

Không khí càng đặc biệt khi Tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân cũng là phu quân của Hương Giang lên sân khấu cùng diễn ngâm bài thơ “Chiều Sâu Của Biển” của chính Hương Giang. Người nghe đã thật sự bị cuốn hút đến phút chót với sự diễn đạt lúc tình cảm, lúc trầm hùng của hai anh chị.
Chiều Thơ Nhạc Ngày Bão Loạn còn có sự góp mặt đặc biệt của nhạc sĩ Trúc Hồ trong tiết mục cao điểm. Gần 200 quan khách đã hòa cùng nhạc sĩ Trúc Hồ và các ca sĩ trong bài hát “Triệu Con tim” dâng tràn lòng yêu đất nước, yêu đồng bào ruột thịt. Những giọng ca thân thương của Thúy Phượng, Quế Hương, Nguyên Phong, Thế Khải, Lâm Dung, Cao Xuân Ánh, … mang nhiều ấm áp đến cho chiều thơ nhạc hôm nay.

Nhiều cơ quan truyền thông báo chí như đài SBTN, TV/SET, đài Little Sài Gòn TV, Viễn Đông, Việt Báo, v.v... đã đến tham dự và đưa tin. 




1 comment:

View My Stats