Saturday 31 August 2013

NGA XÂY DỰNG CÁC MỐI QUAN HỆ VỚI TRUNG QUỐC NHƯ THẾ NÀO? (Tài liệu của TTXVN)




Tài liệu tham khảo đặc biệt của THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM
Posted by basamnews on August 30th, 2013

Báo Độc lập (Nga) ngày 2/8 đã đăng bài của giáo sư Yevgeny p. Bazhanov, Giám đốc Học viện Ngoại giao Nga về các mối quan hệ Nga-Trung. Bài báo lý giải rằng quan hệ Nga-Trung được xây dựng, tất nhiên, không phải không dựa trên những nền tảng. Phần lớn các tiêu chí của mối quan hệ này được quy định bởi bối cảnh toàn cầu. Vậy những bối cảnh đó cụ thể là gì?


Bối cảnh toàn cầu

Trước hết, đó là do hệ thống kinh tế toàn cầu không ổn định. Các cuộc khủng hoảng nổ ra theo chu kỳ ở những khu vực khác nhau đã làm ảnh hưởng tới toàn bộ nền chính trị thế giới.

Thứ hai, các mối đe dọa toàn cầu, trong đó có những mối đe dọa vô cùng nguy hiểm, ngày càng gia tăng. Chẳng hạn, mối đe dọa phổ biến vũ khí hạt nhân cùng lúc đang xảy ra tại Viễn Đông và Trung Đông và nó cũng có thể sẽ tạo thành một phản ứng dây truyền bao trùm cả thế giới.

Thứ ba, sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, Oasinhtơn đã tiến hành đường lối bá chủ toàn cầu, tìm mọi cách sử dụng vũ lực, hoặc đe dọa dùng vũ lực để đè bẹp đối thủ. Chính sách này gây ra sự chống đối ngày càng mạnh mẽ và dẫn tới xung đột quốc tế gia tăng. Một thực tế khác của thế giới hiện đại là những mâu thuẫn giữa nhiều quốc gia. Một số mâu thuẫn có thể lên tới đỉnh điểm và phát triển thành xung đột. Nguyên nhân phổ biến nhất của các xung đột chính là tranh chấp biên giới và lãnh thổ. Một số tranh chấp gay gắt đến mức phải sử dụng các hình thức đấu tranh vũ trang. Tiếp sau loại xung đột phổ biến này là các cuộc xung đột dân tộc và tôn giáo. Chúng thường đan xen với cuộc xung đột biên giới và lãnh thổ, chẳng hạn như giữa Ixraen và người Arập, Ácmênia và Adécbaieian, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, Xécbia và người Hồi giáo Nam Tư, Ấn Độ và Pakixtan… Có những cuộc xung đột liên quan đến sự áp bức các dân tộc thiểu số. Và hiện vẫn còn một số cuộc xung đột về ý thức hệ. Những nguyên nhân mâu thuẫn khác có thể kế đến đó là cuộc tranh chấp nguồn tài nguyên, các vấn đề môi trường, người di cư, người tị nạn cũng như chủ nghĩa khủng bố và nạn buôn bán ma túy.

Thứ tư, phần lớn các quốc gia phải đối mặt với các vấn đề nội bộ nghiêm trọng do tình hình kinh tế-xã hội gây ra, đặc biệt đối với sắc tộc thiểu số, tôn giáo, bộ tộc và dòng tộc, các sai sót trong hệ thống chính trị. Điển hình nhất là những ví dụ trong thế giới Arập. Nhưng rõ ràng, không ai có thể miễn dịch với thiên tai, kể cả Trung Quốc, Mỹ hay châu Âu.


Rồng Trung Quốc nổi lên

Xung quanh Trung Quốc hiện đang bao trùm sự căng thẳng. Với đà tăng trưởng hiện nay, rõ ràng Trung Quốc ảnh hưởng đến toàn bộ thị trường năng lượng thế giới. Thậm chí, người ta còn cảm nhận đất nước có dân số khổng lồ này đang muốn xây dựng lại một hệ thống quan hệ thế giới mới đa cực, vượt qua sự thống trị của phương Tây. Sau những thất bại trong thế kỷ XX, khi mà các cường quốc nước ngoài bao vây, lấn át đế quốc cổ đại, dường như bản năng vĩ đại của người Trung Quốc đã được đánh thức. Họ rất tự tin vào sức mạnh của mình. Trong nửa đầu những năm 80 của thế kỷ trước, các chính trị gia Trung Quốc thường phàn nàn, họ đang phải sống dưới “Thanh gươm Damocles” của các mối đe dọa từ Liên Xô. Dùng hình tượng để mô tả cho lời nói này, người ta bảo: “Ban đêm không ngủ được vì sợ hãi, ban ngày không ăn nổi vì cầm đũa mà tay cứ run rẩy”. Còn bây giờ, trong những cuộc trò chuyện, những chính trị gia này có thể thổ lộ tâm tư, mà không còn cần phải quan tâm ai là Tổng thống Nga, bởi vì “không có chính trị gia Nga nào dám lên tiếng chống lại Trung Quốc”.

Một quan chức Trung Quốc giải thích sự khác biệt giữa bộ đội chủ lực và dân quân ở tỉnh Chiết Giang, cho rằng: “Dân quận yếu hơn nhiều so với quân đội chính quy, nhưng tất nhiên mạnh hơn quân đội Nga”. Một quan chức tỉnh Phúc Kiến, đối diện với đảo Đài Loan, trả lời câu hỏi, liệu có gì đáng lo sợ vào thời điểm leo thang căng thẳng tại eo biển Đài Loan mùa Xuân năm 1996, đã tuyên bố: “Người Mỹ mới đáng lo sợ, họ đã phái tới bờ biển Đài Loan các tàu sân bay, khi biết rằng nếu chiến tranh bắt đầu thì chúng tôi không chỉ không để lại một chỗ ướt nào trên tàu, mà sẽ còn thọc vào hệ đầu não trên khắp nước Mỹ”.

Về lý thuyết, người Trung Quốc đã nghiên cứu rất kỹ học thuyết “Trung Hoa vĩ đại” và sẽ là bá chủ thế giới trong tương lai. Trong các bài viết của các nhà báo và đặc biệt các nhà khoa học, người ta thường gặp một luận điểm cho rằng Trung Quốc đang chuẩn bị gánh vác vai trò lãnh đạo (thế giới) trong thế kỷ XXI. Chẳng hạn, người ta khẳng định rằng Trung Quốc là lực lượng đã giúp thế giới thứ ba “đứng lên và thách thức với các nước giàu”; rằng “Trong thế kỷ XXI, trung tâm nhân loại sẽ chuyển sang châu Á, nơi mà Trung Quốc thực sự là một đất nước khổng lồ”. Bởi thế cần phải mời Trung Quốc tham gia các cuộc thảo luận và giải quyết các vấn đề sống còn của thời đại tại Liên Hợp Quốc, cũng như cần sự có mặt (của Trung Quốc) trên khắp năm châu và tạo ảnh hưởng tới tất cả các sự kiện; trong mọi vấn đề đều có ý kiến độc lập của mình; có tiềm lực hạt nhân ngang tầm với các cường quốc khác; có thể đuổi kịp các nước phát triển nhất về mọi chỉ số quan trọng của sức mạnh tổng hợp.

Đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, vai trò đầu tàu của Trung Quốc trong thế kỷ XXI được diễn giải như một điều tất yếu, từ các yếu tố lịch sử, địa lý, nhân khẩu học, kinh tế, văn hóa, quân sự. Thành công của Trung Quốc, cũng như các nước Nho giáo khác (trước hết là Nhật Bản, rồi Hàn Quốc, Xinhgapo và hòn đảo Đài Loan), đang góp phần vào cuộc thảo luận tại Trung Quốc cho rằng Nho giáo cuối cùng sẽ đẩy lùi tất cả các hệ ý thức khác và trở thành ngọn hải đăng dẫn dắt loài người phát triển trong thời gian lâu dài. Người ta còn quả quyết cho rằng chỉ có tư tưởng cổ đại này mới có thể cứu nhân loại khỏi cơ giới hóa và suy thoái đạo đức, khỏi các cuộc chiến tranh và xung đột sắc tộc và tôn giáo, dạy cho tất cả mọi người: và mọi dân tộc sống theo lương tâm, hòa bình và tương tác với nhau.

Việc Trung Quốc gia tăng sức mạnh và tham vọng đã khiến thế giới xung quanh lo lắng, sợ hãi và hậu quả sẽ là phải kêu gọi kiềm chế “con rồng phương Đông”. Trong xã hội Nga cũng đang tồn tại nhiều lo ngại. Đã có những cảnh báo rằng Trung Quốc đang dần dần đẩy Nga ra khỏi Trung Á, cướp bóc tài nguyên thiên nhiên của Nga, ngấm ngầm thực hiện bành trướng dân số ở vùng Viễn Đông của Nga và cuối cùng khi đã tích lũy đủ sức mạnh, sẽ tiến hành xâm lược Nga.

Một câu hỏi được đặt ra là Nga sẽ hành động như thế nào trong tình hình đó? Tất nhiên, bạn có thể tập trung sự chú ý vào những vấn đề đang tồn tại và suy đoán về tương lai. Nhưng tôi nghĩ rằng đó là cách không hiệu quả, bởi vì thật khó dự báo chính xác về những gì chưa diễn ra. Cũng cần nói ngay rằng vào đầu thế kỷ XX, các nhà khoa học và chính giới đã cho rằng mối nguy hiểm chủ yếu của Nga sẽ đến từ Trung Quốc. Nhưng trên thực tế, chúng ta đã tiến hành hai cuộc chiến tranh thế giới với kẻ thù đến từ phương Tây. Có thể cứ tiếp tục đưa ra những dự báo, nhưng dù sao cũng không thể biết chắc chắn tương lai. Tại sao cứ phải gây căng thẳng, khi mà điều đó hoàn toàn không nhất thiết. Thổi phồng luận điểm về mối đe dọa từ Trung Quốc sẽ chỉ gây ra cho người dân nước này những ác cảm, mà bản thân mình cũng bị lừa gạt và cuối cùng làm hỏng mối quan hệ với Trung Quốc.


Hợp tác lâu dài

Chúng ta (Nga) có cơ sở để xem Trung Quốc thực sư là một đối tác lâu dài và tin cậy. Tại sao? Trước hết là vì Bắc Kinh đang gặp áp lực ngày càng tăng từ phía Oasinhton, do Mỹ không muốn chia sẻ với bất cứ ai vai trò lãnh đạo toàn cầu. Trong việc chống lại sự bá quyền của Mỹ, Trung Quốc cần có đối tác, cần những người bạn đồng hành và Mátxcơva là một người đồng hành không tồi. Một mặt, hiện Nga không đe dọa Trung Quốc. Nga tương đối yếu nên không thể làm được điều đó. Mặt khác, Nga cũng không thích sự bá quyền của Mỹ và sẵn sàng chống lại điều đó.

Có những yếu tố khác cũng góp phần cải thiện quan hệ Nga-Trung. Ngoài sự cạnh tranh với Mỹ, Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với các vấn đề khác trên trường quốc tế. Đó là mối bất hòa với Nhật Bản, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á. Ngoài ra, đó còn là vấn đề Đài Loan.

Bên trong Trung Quốc cũng tồn tại những vấn đề nội bộ nghiêm trọng: kinh tế, xã hội, dân tộc, tư tưởng, môi trường, v.v… Trung Quốc như một người đi xe đạp mà lúc nào cũng phải guồng pêđan quay tít cho các cuộc cải cách. Nếu bị phân tâm bởi một cái gì đó, dừng lại là có thể đổ ngã. Trong điều kiện khó khăn như vậy, Bắc Kinh phải duy trì môi trường hòa bình ở phía Bắc, dọc theo biên giới hơn bốn nghìn cây số với nước Nga. Chúng ta (Nga) cũng cần một ranh giới như vậy và cả hai bên đang nỗ lực để duy trì bầu không khí thân thiện tôn trọng lẫn nhau. Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau còn bởi vì thực tế cả hai quốc gia đang tiến hành các cuộc cải cách. Khi chúng ta và người Trung Quốc đều là những người cộng sản, thì hai bên coi nhau là “kẻ thù chính trị-quân sự”. Bây giờ hai nước có ý thức hệ chính thức dường như khác nhau, tuy nhiên chúng ta lại cảm thấy tốt hơn và hiểu nhau, bởi vì chúng ta cùng giải quyết các vấn đề cải cách nội bộ tương tự. Người Trung Quốc thấy rằng chúng ta (Nga) tôn trọng họ vì những thành tựu của họ trong các cuộc cải cách, rằng chúng ta đang cố gắng tìm hiểu những kinh nghiệm của họ. Đương nhiên, điều đó làm tăng cảm xúc tích cực của Trung Quốc, đặc biệt là trong lúc Mỹ đang gây áp lực đối với Trung Quốc.

Tình hình có vẻ như người Mỹ muốn làm chậm sự nổi lên của Trung Quốc. Còn chúng ta bày tỏ ủng hộ đối với những nỗ lực của Trung Quốc. Ở Trung Quốc, người ta gọi Nga là hậu phương đáng tin cậy của họ. Đến lượt chúng ta, cũng có cơ sở để coi CHND Trung Hoa là hậu phương của Nga. Cuối cùng, yếu tố thứ tư làm Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau, đó là sự bổ sung giữa hai nền kinh tế của chúng ta. Trung Quốc trong một tương lai lâu dài cần đến nguồn cung năng lượng ngày càng gia tăng từ Siberia và Viễn Đông, cần đến công nghệ của chúng ta, đặc biệt là các công nghệ quân sự. Đến lượt mình, chúng ta rất cần xuất khẩu năng lượng sang Trung Quốc và thông qua Trung Quốc xuất khẩu tới các nước khác trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Chúng ta cũng quan tâm mua hàng hóa của Trung Quốc, nhập khẩu lao động Trung Quốc, từ đó thu hút nguồn tài chính và công nghệ.

Chính nhân tố hợp tác song phương chặt chẽ, sự bổ sung lẫn nhau giữa hai nền kinh tế Nga và Trung Quốc, cần phải trở thành yếu tố chủ yếu để xác định phương pháp tiếp cận của chúng ta đối với Trung Quốc. Siberia và Viễn Đông cần phải được phát triển. Có hai cách hành động. Thứ nhất, đó là đóng cửa Viễn Đông và Siberia. Khi đó, mọi việc đều phải dựa trên khả năng tự lực cánh sinh. Cách ứng xử này sẽ dẫn đến đâu? Chúng ta sẽ không thể giải quyết được những vấn đề kinh tế-xã hội bằng những nỗ lực của riêng mình. Hơn nữa, có thể còn gây cãi vã, tranh chấp với Trung Quốc và các nước láng giềng, nếu chúng ta đóng cửa biên giới đối với họ. Hơn nữa, sau 40-50 năm, những người hàng xóm láng giềng từ hai bàn tay trắng có thể sẽ giành quyền kiểm soát những mảnh đất của chúng ta ở phía Đông.

Còn cách khác để khắc phục sự lạc hậu, đó là hợp tác với Trung Quốc; nhưng không phải chỉ riêng với họ, mà còn với Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước Đông Nam Á, với tất cả những ai muốn tham gia phát triển lực lượng sản xuất ở vùng Siberia và Viễn Đông. Điều đó đem lại lợi ích gì? Trước hết, người nước ngoài bắt đầu cạnh tranh với nhau và sẽ không có ai có thể giành được bá quyền ở đó. Thứ hai, các khu vực phía Đông sẽ trở nên mạnh mẽ hơn, phát triển hơn và sẽ có đông người Nga hơn. Và như vậy, thậm chí trong tương lai nếu có điều gì xảy ra trong quan hệ giữa Nga với các nước láng giềng, thì chúng ta sẽ dễ dàng hơn trong việc bảo vệ các khu vực này. Thứ ba, làm sâu sắc hơn nữa các mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau. Trung Quốc, Nhật Bản và tất cả những ai đầu tư tiền của ở Siberia và Viễn Đông, làm việc ở đó, sẽ đều quan tâm đến sự phồn vinh của các khu vực này.

Đồng thời cũng không nên bỏ qua các yếu tố của sự gần nhau về lợi ích địa-chính trị giữa Mátxcơva và Bắc Kinh, như tôi đã đề cập ở trên. Hợp tác địa-chính trị với Bắc Kinh là có lợi, chỉ có điều nên thực hiện sự hợp tác đó trong những giới hạn nào. Về câu hỏi này có những ý kiến khác nhau. Một quan điểm cho rằng chúng ta nên áp dụng chiến lược của người Trung Hoa cổ đại – “Tọa sơn quan hổ đấu”. Cứ để mặc cho Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và các nước khác ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương cạnh tranh nhau, làm suy yếu lẫn nhau. Họ chiến đấu với nhau càng lâu, họ càng không thể động chạm tới lợi ích của chúng ta. Tuy nhiên, những người ủng hộ quan điểm này đã bỏ qua một thực tế rõ ràng là “cuộc chiến của những con hổ” sẽ làm leo thang căng thẳng, kéo theo cuộc chạy đua vũ trang, gây khó khăn cho việc hóa giải các cuộc xung đột khu vực và do đó gây trở ngại cho hợp tác kinh tế. Nga, hiện không có khả năng cũng như không mong muốn tham gia cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc, và trong tương lai sẽ bị đẩy xuống “chiếu dưới”, đặc biệt là tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Nga sẽ chỉ giữ vai trò thứ yếu, tụt hậu so với các quốc gia hàng đầu không chỉ trên phương diện kinh tế, mà còn cả trong lĩnh vực chính trị-quân sự. Và quả thật, cuộc tranh giành ngôi vị bá chủ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương là một hiện tượng rất nguy hiểm. Tình hình hiện nay ở phương Đông làm cho người ta nhớ tới tình hình xảy ra ở phương Tây trong suốt nửa sau của thế kỷ XX sau khi thống nhất nước Đức. Khi ấy, do cán cân lực lượng thay đổi nên đã xảy ra cuộc đấu tranh quyết liệt nhằm phân chia quyền lực trong quan hệ quốc tế, đẩy loài người lâm vào cuộc thảm sát toàn cầu.

Một số người có quan điểm khác thôi thúc Mátxcơva tham gia một liên minh quân sự với Bắc Kinh, chống lại chủ nghĩa bá quyền Mỹ. Ở Trung Quốc cũng vậy, đôi khi có những tiếng nói ủng hộ Liên minh, đặc biệt là trong số các nhà phân tích quân sự. Lãnh đạo Trung Quốc có thể cũng cho rằng một triển vọng như vậy là hữu ích vì nó sẽ đe dọa các đối thủ. Tuy nhiên, trên thực tế họ vẫn không có ý định vượt qua trong sự cạnh tranh với Mỹ. Mỹ là một đối tác rất có giá trị của Trung Quốc trong các lĩnh vực hợp tác kinh tế-thương mại, khoa học và công nghệ, giáo dục và nhiều lĩnh vực khác. Bắc Kinh cần đối thoại với Oasinhtơn để đảm bảo an toàn cho Trung Quốc, cho khu vực, cũng như cho toàn cầu. Một số nhà phân tích chính trị Trung Quốc thậm chí còn khẳng định rằng Mỹ là đối tác quan trọng nhất của Trung Quốc, về mặt chính thức, Bắc Kinh đã bác bỏ đề xuất của Oasinhtơn về việc hai nước hợp tác “chỉ đạo loài người”, nhưng rõ ràng Trung Quốc đang mong muốn tình hình sẽ diễn tiến theo hướng Trung Quốc, cùng với Mỹ, đóng vai trò chủ đạo trong việc bảo vệ hòa bình và phát triển trong thế kỷ XXI.

Chúng ta không cần một liên minh quân sự Nga-Trung. Bởi vì như vậy chúng ta sẽ trở thành “con tin” cho lợi ích của kẻ khác và bị lôi kéo vào những cuộc xung đột không liên quan gì tới nước Nga. Đồng thời như vậy cũng làm suy yếu toàn bộ hệ thống toàn cầu với các mối quan hệ với Mỹ và các đồng minh của Mỹ. Không thiếu gì việc để người ta nhớ lại rằngr Liên minh chính trị-quân sự Nga-Trung vào những năm 1950 đã nhanh chóng tan vỡ, nhưng có lúc lại được tái sinh trở thành một kẻ thù nguy hiểm. Cũng cần phải nói ngay rằng ban lãnh đạo Trung Quốc ngay từ năm 1982 đã đề ra đường lối không tham gia liên minh với các cường quốc. Họ giải thích rằng những liên minh như vậy “có thể sẽ làm suy yếu ý chí chống lại các hành động tiêu cực của các đối tác của Trung Quốc, những âm mưu sử dụng Trung Quốc gây thiệt hại cho chính lợi ích của Trung Quốc”. Họ cũng chỉ ra rằng một liên minh như vậy sẽ “cản trở các mối quan hệ bình thường với các nước khác trên thế giới”. Quả thực, một đồng minh luôn luôn mong muốn rất nhiều ở một đồng minh khác. Nếu một ngày mai, Bắc Kinh muốn bắt đầu cuộc chiến chống lại hòn đảo nổi loạn Đài Loan, họ yêu cầu chúng ta cùng tham gia với họ như một đồng minh. Mátxcơva từ chối, thì đó cũng đồng nghĩa với việc bắt đầu đặt dấu chấm hết cho Liên minh của chúng ta.

 Nhưng, giả sử Liên minh quân sự Nga-Trung vẫn còn tồn tại. Nếu vậy sẽ ra sao? Sẽ xảy ra cuộc đối đầu tổng lực và cuối cùng sẽ nổ ra cuộc chiến tranh thế giới thứ ba. Chúng ta cũng như Trung Quốc đều không cần đến cuộc chiến tranh này. Bởi vậy, sự hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực địa-chính trị, theo quan điểm của tôi, cần phải được xây dựng trong khuôn khổ các mối quan hệ bình thường và hợp tác tốt hơn, so với Mỹ và phương Tây nói chung; buộc Oasinhtơn và các đồng minh của Mỹ phải quan hệ với chúng ta như với một thế giới đa cực mà ở đó các cực không cạnh tranh với nhau, như trong quá khứ, mà sẽ là hợp tác với nhau.

Có cơ sở để hợp tác như vậy. Đó là tổ chức Liên Hợp Quốc, các tổ chức quốc tế khu vực và luật pháp quốc tế. Ngoài ra còn một chương trình nghị sự rộng lớn đòi hòi sự hợp tác đa phương. Đấy là những vấn đề mà ai cùng rõ – hợp tác trong các cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế, phổ biến vũ khí hạt nhân, hàng loạt các cuộc xung đột khu vực, từ tình hình ở bán đảo Triều Tiên và cuối cùng là những gì đang xảy ra ở châu Phi. Đó là những vấn đề môi trường, buôn bán ma túy, tội phạm có tổ chức, sự phát triển của các nước lạc hậu…

Trở lại phương hướng chính và quan trọng nhất trong các mối quan hệ của chúng ta với Trung Quốc (hợp tác trong việc hiện đại hóa vùng Siberia và Viễn Đông, sự phát triến chung của hai người láng giềng Khổng lồ), cần lưu ý rằng người Trung Quốc (trái với những lo ngại về sự bành trướng dân số từ Trung Quốc) tạm thời chưa phải là đối tác tích cực trên thị trường Nga, cũng như các nước thành viên khác ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Nguyên nhân đã rõ ràng, đó là tình hình không thuận lợi của thị trường trong nước, về chỉ số tiện lợi của các doanh nghiệp Nga, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, đứng thứ 112 trong số 185 nước được nghiên cứu trên toàn thế giới. Có thể nghe thấy những điều phàn nàn, khiếu nại khác nhau của các doanh nhân Trung Quốc về môi trường đầu tư ở Nga. Song có lẽ điều quan trọng nhất là chi phí lao động cao. Tất nhiên, người Nga không sẵn sàng giảm đồng lương của mình. Nhưng hiểu được thực tế này là hữu ích. Một bất lợi nữa là các mức phí vận chuyển, điện, khí đốt đều còn cao. Những khoản chi phí này cho mỗi đơn vị sản phẩm ở Nga cao gấp hai lần ở Trung Quốc; so với ở Đức, Anh và Mỹ còn cao hơn 8-9 lần. Lãnh thổ của chúng ta rất rộng lớn, những đoàn tàu chuyên chở các trang thiết bị và sản phẩm phải chạy qua hàng nghìn dặm (đây không phải những nước như Xinhgapo hay Hà Lan). Tuy nhiên, mức chi phí vận chuyển cao đã được bù đắp lại bằng giá rẻ cho các nhu cầu về nhà ở, thực phẩm và nhiều thứ chi tiêu khác. Các doanh nhân Trung Quốc không hài lòng với hạ tầng cơ sở yếu kém của nền kinh tế Nga. Người Trung Quốc đã làm thế nào để thu hút vốn đầu tư nước ngoài? Tháng 12/1978, lãnh đạo Trung Quốc đã quyết định thành lập tại khu vực biên giới 4 đặc khu kinh tế. Suốt 2 năm họ xây dựng hạ tầng cơ sở, làm đường ô tô, xây dựng đường ống dẫn nước, dẫn gas, đường điện cao thế, các cảng biển và cảng hàng không, cũng như các tuyến cáp bảo đảm thông tin liên lạc. Song song với những công trình đó, đồng thời xây dựng các trung tâm công nghiệp, các khu dân cư với đầy đủ cửa hàng, vườn trẻ, bệnh viện, trường tiểu học, trung học, đại học và các trung tâm văn hóa. Người ta cũng không quên xây dựng cả những cơ sở vui chơi, giải trí, những nhà nghỉ ở ngoại ô, sân tập và thi đấu thể dục, thể thao, bãi tắm, khu săn bắn, khu câu cá… Các doanh nhân Trung Quốc có đời sống và hoạt động kinh doanh ở nước Nga với tất cả tiện nghi mà không có một quốc gia nào khác cho phép như vậy. Tuy nhiên, môi trường Nga vẫn tồn tại nhiều nhược điểm.

Các nhà đầu tư luôn lo sợ những khoản thuế. Thuế chiếm đến một nửa lợi nhuận. Các doanh nhân đến khắp mọi nơi, ở đâu họ cũng được hưởng ưu ái nếu đầu tư vào những ngành kinh tế tiên tiến. Nhưng ở Nga thì không như vậy. Lại còn những thủ tục đáng sợ để nhận giấy phép lao động, đăng ký cư trú, nộp thuế, xin phép xây dựng cơ sở sản xuất… Như một nhà ngoại giao Trung Quốc đã nhận xét, đối với các công ty nước ngoài (muốn hoạt động tại Nga), họ phải hội đủ một đống giấy tờ cao tới vài mét!

Doanh nhân các nước châu Á-Thái Bình Dương thường phàn nàn về những thay đổi và những điều không thể dự báo trong luật pháp của Nga liên quan đến hoạt động kinh doanh. Quả là có những cái mà ngày hôm qua được chào đón và thậm chí được khuyển khích, được hưởng mọi ưu ái, nhưng hôm nay đã trở thành điều cấm kỵ. Rút cục là nhà đầu tư bị thua thiệt và thậm chí phá sản.

Một tai họa hiện nay là nạn tham nhũng. Không phải một lần tôi nghe thấy các doanh nhân Trung Quốc so sánh rằng: Ở Trung Quốc cũng có nạn tham nhũng vô độ, nhưng khi đã nhận hối lộ thì người ta làm như đã hứa; còn ở nước Nga, họ nhận hối lộ nhưng rồi chỉ dối trá, lừa lọc. Thậm chí có những doanh nhân đã phàn nàn về nạn tham nhũng cả ở những cơ quan bảo vệ pháp luật lẫn tòa án. Cuối cùng, người Trung Quốc cho rằng chúng ta (Nga) có thái độ không hữu nghị và không hiểu biết họ, Đôi khi chúng ta coi các nhà đầu tư như những ông già tuyết, luôn đòi hỏi ở họ tấm lòng từ thiện và mọi thứ nhịn nhường. Lại còn có ý nghĩ cho rằng khách tự tìm tới nước Nga kinh doanh, thế thì tại sao lại không đến thăm mấy quan chức và các vị chủ nhà, Hơn nữa, nhiều khi còn cạnh khóe, bắn tin đến các thương nhân Trung Quốc: “Các người định làm giàu trên lưng chúng tôi sao!”

Có thể nói gì trong phần kết luận? Tất nhiên, cần phải bỏ qua một số thiếu sót. Khi đó sẽ có nhiều cảm xúc với sức mạnh mềm để lôi cuốn tư bản và công nghệ Trung Quốc vào nước Nga, Như vậy, thứ nhất, Sibiria và Viễn Đông, cũng như nước Nga nói chung sẽ phát triển mạnh mẽ hơn và thành công hơn. Thứ hai, sự hợp tác của chúng ta với Trung Quốc sẽ lại được củng cố trong tương lai lâu dài hàng thế kỷ. Và như vậy chúng ta sẽ không còn sợ “con rồng Trung Quốc”./. 



No comments:

Post a Comment

View My Stats