Friday, 30 August 2013

GSTS HOÀNG CHÍ BẢO THÁCH ĐẤU, ĐÃ CÓ NGƯỜI NHẬN CHIẾN (Thiện Tùng)




Thiện Tùng

Là cư dân mạng, sáng sớm hôm nay 27/08/2013, tôi ghé Thông tấn xã Vĩa hè để săn tin. Cố tật của tôi thấy chữ là nhào vô như vịt đói thấy lúa ào vào xốc nuốt. Tôi nuốt một mạch đứt hai bài của Đào Tiến Thi và Trung Nghĩa. Hai ông nầy mổ xẻ bài viết tựa đề “Trọng sự thật và chân lý để hành động có trách nhiệm” của Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo.

Ông Thi, ông Nghĩa “cạo”, tôi mường tượng, gần như hết “nhớt” ông Bảo. Thương ông Bảo quá, tôi cố tìm và gặp được bài viết của Ông trên nhật báo Quân đội Nhân dân chủ nhật 25/08/2013.
Hớp  một ngụm nước nuốt lấy trớn, nghiền ngẫm bài viết của GS,TS Hoàng Chí Bảo.  Ngay tựa đề, ông Bảo nhắc nhở tôn trọng sự thậtchân lý. Nhưng càng đọc kỹ bài viết của Ông, tôi càng thấy Ông xa rời sự thật, xa rời chân lý. Ông nói gần như những điều mà đài, báo và người Quốc doanh từng nói, theo phương pháp “cả vú lấp miệng em”. Càng đọc bài viết của Ông, tôi càng giảm đến hết thương Ông. Thế là bài viết của ông Thi, ông Nghĩa đã thuyết phục được tôi.
Trên  “phần ruộng” của ông Bảo, ông Thi “cày”, ông Nghĩa “bừa”, khi nghiệm thu, tôi thấy còn “lõi” 2 chỗ , tôi xin chỉ điểm và nói đôi điều xung quanh 2 chỗ lõi ấy: (chữ nghiêng là trích).

1/ Ông Bảo viết: <<Có một thực tế hiển nhiên cũng cần được làm rõ, trong các nước tư bản chủ nghĩa, dù tồn tại đa đảng và các đảng đối lập, nhưng vẫn định hình một đảng cầm quyền. Chính trường đó thường xuyên xảy ra các cuộc tranh giành quyền lực giữa các đảng chính trị tư sản. Họ chỉ đa nguyên, đa đảng trên hình thức, còn trên thực tế đều tỏ rõ sự nhất nguyên, bỡi đảng chính trị tư sản nào cũng không bao giờ xa rời mục đích bảo vệ cho quyền thống trị và sự tồn tại của chủ nghĩa Tư bản >>.

 - “Trong các nước Tư bản dù tồn tại đa đảng nhưng định hình một đảng cầm quyền”. Chớ sao, đã chấp nhận thi đấu lành mạnh thì phải có kẻ thắng người thua – chẳng lẽ tất cả cùng thắng , cùng cầm quyền để “loạn sứ quân” sao ?. Ông Bảo cố tình quên rằng ở các nước dân chủ và đa đảng, đảng thắng cử chấp chánh, các đảng được xem là thua cử tham chánh, chia ghế theo kết quả bầu cử – “ thắng làm vua, thua làm trợ lý ”cùng lo việc dân việc nước.

-“Chính trường đó thường xuyên diễn ra các cuộc tranh giành quyền lực giữa các đảng chính trị Tư sản”. Làm gì có thường xuyên tranh giành quyền lực – thường xuyên tranh luận để tìm giải pháp tối ưu cho ích nước lợi dân thì có, đó là điều đảng đang cầm quyền khuyến khích. Đảng người ta chính danh, có tên hẳn hoi mà ông Bảo xem như một phồn có tên chung là “Tư sản”.

 -“Họ chỉ đa nguyên, đa đảng trên hình thức, còn trên thực tế đều tỏ ra sự nhất nguyên, bởi đảng chính trị tư sản nào  cũng không bao giờ xa rời mục đích bảo vệ quyền lợi thống trị và sự tồn tại của chủ nghĩa Tư bản”. Họ đa nguyên, đa đảng thật chớ không phải cuội chính trị như Trung Quốc hiện nay, Việt Nam ta sau 1945, kiểu suy bụng ta ra bụng người nếu có đúng chỉ là cầu may. Ông nói đảng chính trị Tư sản  nào cũng bảo vệ quyền lợi thống trị và sự tồn tại của chủ nghịa Tư bản. Vậy đảng Cộng sản VN có như thế không ? –  một mình một chợ, cố sống cố chết giữ địa vị thống trị và ra sức bảo vệ sự tồn vong của chủ nghĩa Cộng sản ?. Đã là đa thì không nhất, dầu thắng hay thua trong bầu cử họ vẫn tồn tại – không ai được quyền bóp mũi. Đảng hình thành ở các nước Tư bản, phải thực thi Pháp Luật quốc gia Tư bản đó, chúng xúm nhau bảo vệ sự tồn tại của chủ nghĩa Tư bản là tất nhiên thôi có chi đai nghiến đối với họ, thưa Giáo sư ?
Vậy là ý định “Khuyên mọi người đừng bày chi Đa đảng như các nước Tư bản sanh rắc rối, nên vừa lòng với thể chế chính trị Độc tôn, Toàn trị của Đảng CSVN” của Giáo sư có tác dụng ngược lại rồi ?!.

2/ Ông Bảo viết: <<Không phải cứ đa nguyên đa đảng là có thể xây dựng được xã hội dân chủ. Cũng không phải một đảng là trở ngại của sự phát triển dân chủ. Nếu trên quan điểm nầy người ta không tính đến, hoặc vô tình, hoặc cố ý sự khác biệt bản chất giữa các đảng chính trị Tư sản và Cộng sản, giữa dân chủ Tư sản và dân chủ XHCN…>>.

-  Giáo sư Bảo cho rằng “ Không phải cứ đa nguyên, đa đảng là có thể xây dựng được xã hội dân chủ. Cũng không phải một đảng là trở ngại của sự phát triển dân chủ”. Lập luận nầy của Giáo sư nghe phớt qua cũng có lý, sẽ đứng vững nếu không xuât hiện lập luận phản biện đối với nó của ông Đào Tiến Thi: “Không phải cứ đa đảng là có thể xây dựng được xã hội dân chủ, nhưng muốn xây dựng xã hội dân chủ, không thể không đa nguyên, đa đảngĐiều nầy thực tế đã chứng minh: chưa hề có nước nào độc đảng mà dân chủ, ít nhất nó cũng dân chủ hơn các nước độc đảng”.

Tôi xin tham kiến trích doạn 2 nầy:

+ Dân chủ phải thể hiện chủ yếu và trước tiên: đảm bảo cho người dân tham gia và quyết định cuối cùng ở  2 khâu : Lập Quyền Lập Hiến (tham gia xây dựng bộ máy chính quyền và tham gia thảo luận, phúc quyết Hiến Pháp). Đồng thời buộc mọi người phải sống và hành động theo Pháp Luật – Chính Quyền được làm những gì Pháp Luật cho phép, Nhân Dân được làm những gì Pháp Luật không cấm.

 + Độc đảng dễ thấy nhất là không dân chủ về chính trị – Cuộc sống con người không thể thiếu giá trị tinh thần và già trị vật chất.

+ Đa đảng mà không dân chủ thì loạn, khó tránh khỏi xung đột. Dân chủ mà  không có đảng chỉ thiếu tính cạnh tranh chớ chẳng sao. Độc đảng chỉ sinh ra dòng họ độc thôi : độc quyền, độc tài, độc đoán…và cuối cùng là độc ác – đừng mơ có dân chủ, nếu có chỉ là giả hiệu . Vậy thì “Dân chủ Đa nguyên” như đôi song sinh, là cập phạm trù không thể tách rời nhau . Chúng là xu thế thời đại, là động lực thúc đẩy phát triển về mọi mặt đời sống xã hội.

-  Giáo sư Bảo viết : “… Người ta không tính đến sự khác biệt bản chất giữa các đảng chính trị Tư sản và Cộng sản, giữa dân chủ Tư sản và dân chủ XHCN…”,

Bằng một đoạn quá dài, ông Bảo dẫn chứng không mấy thuyết phục về sự hơn hẳn của Đảng CSVN đối với đảng Tư sản và sự hơn hẳn về Dân chủ XHCN đối với Dân chủ Tư sản. Tôi xin tham kiến:

 + Sự khác nhau giữa đảng Tư sản và đảng Cộng sản, giải thích đơn giản cho dễ hiểu : Đảng Tư sản là đại diện cho phương thức sản xuát Tư bản Chủ nghĩa, đặc trưng là tư liệu sản xuất phân tán. Đảng Cộng sản là đại diện cho phương thức sản xuất XHCN,đặc trưng là tư liệu sản xuất tập trung – một đàng là “Chia”, một đàng là “Cộng”, khác nhau một trời một vực.

+ Sự khác nhau giữa  Dân chủ Tư sản và Dân chủ XHCN , chỉ nói về mặt Lập Quyền, Lập Hiến đủ thấy ai ưu việt hơn ai: Về Lập Quyền, dưới Tư sản, người  dân tham gia đủ các khâu : “đề cử, ứng cử, bầu cử và bãi miễn”; dưới Xã hội Chủ nghĩa, “Đảng CS chọn, dân bầu”- bãi miễn thuộc quyền bên chọn. Về Lập Hiến, dưới Tư sản, người dân tham gia phúc quyết từng điều khoảng của Hiến pháp ; dưới XHCN, Đảng CS viết ra, dành cho mình “món ngon” rồi đưa ra áp dụng, không cần dân phúc quyết .

Trước khi kết thúc bài viết, tôi có 3 điều muốn nói riêng với ngài Hoàng Chí Bảo:

- Kinh tế thị trường là kinh tế Tư bản, kinh tế Tư bản tất yếu sinh ra tư sản. Việt Nam ta đang cố hoàn thiện kinh tế thị trường – đang cầu cạnh mà người ta chưa chịu công nhận VN đã có nền kinh tế thị trường ; và gần như ai ít nhiều cũng có tài sản riêng (tư sản), từng bước phân hóa, hình thành tư sản thượng lưu (cấp cao) – phần lớn nằm trong giới lãnh đạo. Không biết tôi có ngộ nhận hay không, khi đọc bài viết của Ngài, tôi có cảm nhận Ngài không thích chủ nghĩa Tư bản và ghét cay ghét đắng Tư sản. Nếu   vậy thì Ngài đang lạc lõng giữa trường đời. Xin nói nhỏ với Ngài, ở VN ta làm gì có Cộng sản thật mà Ngài cố đeo bám.

- Tiếp dưới đầu đề bài viết nầy của mình, Ngài không quên viết và gạch dưới  câu:  Làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình”. Chẳng biết đây là  hàng  nội hay hàng ngoại nhập từ phương Bắc mà quan chức của ta thời nay thích dùng nó làm câu Bái tổ ?. Tôi nghe nhiều người nói và viết câu nầy, nhưng chưa thấy ai thích nghĩa, phải chăng nó có nghĩa “những diễn biến trong thời bình”. Nếu vậy thì trong thời bình có những diễn biến tốt và xấu, chẳng lẽ phủ định sạch trơn ?!. Dầu sao diễn biến hòa bình cũng tốt hơn diễn biến lựu đạn ?.

- “Đi ngày đàng học sàn khôn”,Trí thức lăn lóc ngoài đời họ học được nhiều lắm, cao kiến lắm, Ngài nên trao dồi thêm, thận trọng hơn trong nói và viết, nếu không, tiếp tục ngã đài.

Nhờ “giải Lê Hiếu Đằng”, tôi biết mặt, biết tài của nhiều đấu thủ đã “ra sân”, nâng cao thêm kiến thức cho mình – xin chân thành cám ơn quí đấu thủ.

29/08/2013
T.T

-------------------------------------








GS TS HOÀNG CHÍ BẢO  (Quân Đội Nhân Dân /  Báo Mới)   25/08/2013 



1 comment:

View My Stats