Saturday 31 August 2013

ĐÃ ĐẾN LÚC BỎ ĐẢNG CHƯA ? (Phạm Nhật Bình)




Phạm Nhật Bình
Cập nhật: 31/08/2013

Trong những năm đói liên tục ngay sau 1975, người dân khắp nơi, đặc biệt trong Nam, ráng cười với nhau qua câu: sẽ có ngày “sao dzàng bảng đỏ” khắp nơi (tức sẽ có ngày "sang giàu bỏ đảng" khắp nơi). Tuy có phần hả hê khoái chí nhưng bà con mình hồi đó phải ngó trước nhìn sau, nói nho nhỏ, và cười thì thầm. Phải mất đến 47 năm sau, mới có một người dám nói lớn, nói công khai cho toàn dân nghe, nói bằng giấy trắng mực đen, nói từ giường bệnh của mình. Ông Lê Hiếu Đằng kêu gọi các đảng viên CSVN hãy mạnh dạn bỏ đảng.

Thật ra không phải bây giờ mới có đảng viên bỏ đảng hay bàn đến chuyện hãy cùng nhau vì nước bỏ đảng. Trường hợp có thể coi là điển hình đầu tiên sau 1975 là bác sĩ Dương Quỳnh Hoa (1930- 2006). Bà từng làm Bộ trưởng Y tế của chính phủ CMLTMNVN. Sau 1975, bà nhận ra: “Trong chiến tranh, chúng tôi sống gần nhân dân, sống trong lòng nhân dân. Ngày nay, khi quyền lực nằm an toàn trong tay rồi, đảng đã xem nhân dân như là một kẻ thù tiềm ẩn.” Không khí bao trùm những năm tháng thời đó vô cùng ngột ngạt nhưng bà vẫn nhất quyết đệ đơn chính thức ra khỏi đảng. Khi các thuyết phục và nỗ lực lấy gia đình bà ra hăm dọa không thành, ông Lê Đức Thọ chấp thuận cho bà ra khỏi đảng nhưng cấm tiết lộ với bất cứ ai trong vòng 10 năm.
Trường hợp điển hình thứ nhì của những người chọn lương tâm thay vì chọn đảng CSVN, một khi đã nhìn ra sự thật, là ông Nguyễn Hộ và các bạn hữu của ông trong Câu Lạc Bộ Những Người Kháng Chiến Cũ ở Sài Gòn, như ông Hồ Trung Hiếu, Bác sĩ Đỗ Thị Văn, ông Đỗ Trung Hiếu, v.v.... Họ chọn cách bỏ đảng bằng việc tham gia vào những hành động mà họ biết chắc sẽ bị khai trừ. Hành động mà họ chọn là nói lên sự thật về tình trạng đất nước, về khát vọng dân chủ và tự do của dân tộc.

Cách bỏ đảng ấy tiếp tục nơi ông Trần Xuân Bách, tướng Trần Độ, cựu đại tá Phạm Quế Dương, ông Hoàng Minh Chính, ... của các thập niên trước, kéo dài đến những con người rất can đảm như cựu trung tá Trần Anh Kim, nhà văn Phạm Đình Trọng, cựu chủ nhiệm trường đảng Vi Đức Hồi, kỹ sư Nguyễn Chí Đức... của ngày hôm nay.

Nhưng có lẽ ông Lê Hiếu Đằng và các bạn đồng chí hướng của ông là những người vẽ ra con đường trách nhiệm rõ nhất và cụ thể nhất cho những đảng viên Cộng sản còn lại:

  • Ông Đằng đặt câu hỏi: “Vậy tại sao chúng ta hàng trăm đảng viên không tuyên bố tập thể ra khỏi Đảng và thành lập một Đảng mới, chẳng hạn như Đảng Dân chủ Xã hội, những Đảng đã có trên thực tế trước đây cho đến khi bị Đảng CS bức tử phải tự giải tán.” Vì theo ông, "“Muốn có dân chủ thực sự thì phải thay đổi thể chế từ một nhà nước độc tài toàn trị chuyển thành một nhà nước cộng hòa với tam quyền phân lập: lập pháp, hiến pháp, tư pháp độc lập. Tư pháp độc lập thì mới có thể chống tham nhũng. Cần có Quốc hội lập hiến để soạn thảo và thông qua Hiến pháp mới.”

  • Tiếp liền theo đó, ông Hồ Ngọc Nhuận trong một bài viết mang tên Phá xiềng đã mạnh dạn kêu gọi: "Các bạn đảng viên cộng sản thật sự yêu nước, từng cả đời dấn thân đấu tranh vì lý tưởng độc lập Tổ Quốc, tự do dân chủ và nhân đạo, nhưng ngày càng nhận thấy đã bị đảng mình phản bội, mà số này là rất đông, hãy mạnh dạn dứt khoát đứng vào hàng ngũ Đảng Dân chủ Xã hội mới.”

  • Họ có cùng nhật xét về lý do bỏ đảng như ông Nguyễn Chí Đức: “Lý do bỏ đảng thì có nhiều như mưu sinh, sức khỏe, hoàn cảnh gia đình v.v… và một lý do nữa là vấn đề về tư tưởng đã không còn tin vào chủ thuyết Cộng sản, chán ngán với hàng ngũ lãnh đạo cầm quyền….. Một nghịch lý, tuy Đảng rất đông thành viên nhưng nó đã mất lý tưởng, đại đa số đảng viên đã xa rời cương lĩnh của Đảng do chính họ viết ra.”

  • Họ cùng chia sẻ ước mơ của ông Nguyễn Trung trong bài viết Hoang tưởng và hiện thực: “Thông qua thay đổi hòa bình, đưa đất nước thoát khỏi trạng thái nhiễu nhương tê liệt hiện nay, mở ra cho đất nước một thời kỳ phát tiển mới.” Vì “Trên đời này chẳng có chủ nghĩa nào hay cuộc cách mạng nào, cũng chẳng có công nghiệp hóa - hiện đại hóa nào có thể lôi dắt đất nước ta ra khỏi quá khứ gian truân dằng dặc từ hai thế kỷ vừa qua và của bảy thập kỷ qua để đi tới Hạnh phúc – Văn minh mà chỉ có con đường của tự do dân chủ để phát triển.”

Nhưng có một điều cho tới giờ cả 4 vị trên và nhiều người can đảm đi đầu khác chưa đề cập đến, đó là câu hỏi: Còn cái sổ hưu thì sao?

Càng ngày lãnh đạo đảng không những càng không che đậy ý đồ dùng sổ hưu làm xích trói mà còn thường xuyên cho những cán bộ như Đại tá - Phó Giáo sư - Tiến sĩ - Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Đăng Thanh đi dứ sổ hưu vào mặt đảng viên với lời cảnh cáo báng bổ: “Bảo vệ tổ quốc Việt Nam thời XHCN hiện nay có rất nhiều nội dung, trong đó có một nội dung rất cụ thể, rất thiết thực với chúng ta đó là bảo vệ sổ hưu cho những người đang hưởng chế độ hưu và bảo vệ sổ hưu cho những người tương lai sẽ hưởng sổ hưu, ví dụ các đồng chí ngồi tại đây.”

Nhưng thử nhìn lại sợi dây xích này. Trước hết, đại đa số đảng viên Cộng sản hiện nay không có và không cần đến sổ hưu. Ngay cả các đảng viên lớn tuổi cũng không hẳn ai cũng có sổ hưu. Hơn thế nữa, nếu không từng là các quan chức cỡ lớn thì cái gọi là sổ hưu chưa hề đủ để đảng viên sinh sống. Hầu hết các đảng viên có sổ hưu vẫn phải sống nhờ con cháu.

Trong khi đó, như đang thấy ở hầu hết các nước dân chủ, khi lòng nhân bản trong xã hội được phục hồi, khi nhân phẩm của từng con người được đề cao và được luật pháp nghiêm minh bảo vệ, và nhất là đối với trường hợp Việt Nam, khi truyền thống đùm bọc lẫn nhau "nhiễu điều phủ lấy giá gương" của dân tộc được sống lại, thì chắc chắn trong xã hội mới đó, không một một thành phần nào bị bỏ rơi, dù già, dù trẻ, dù kinh, dù thượng, ..... Mọi con dân Việt không phải sống bám vào một đảng phái, một nhóm lợi ích nào. Họ, đặc biệt những công dân lớn tuổi, đương nhiên được hưởng các chính sách an sinh xã hội của chính phủ và được luật pháp hóa hẳn hoi như đang thấy tại các nước dân chủ, văn minh.

Nhưng để tiến tới được xã hội mới đó, bước đầu tiên là phải dứt bỏ sợi giây xích "sổ hưu" hiện nay. Vì để được số tiền nhỏ nhoi đó, nhiều đảng viên lớn tuổi đã và đang bị đảng buộc phải làm những chuyện trái với lương tâm: từ những buổi đấu tố tại các tổ dân phố đối với các ứng viên tranh cử độc lập hay các nhà hoạt động dân chủ cho tương lai đất nước; đến việc kéo nhau đi đóng kịch, ngồi cho kín các hàng ghế tại các buổi "xử công khai" trong các vụ án chính trị; đến các buổi "khuyên bảo" tại nhà những người yêu nước hãy đừng lên tiếng phản đối nước "Trung Quốc anh em" nữa; đến các lệnh phải đi chửi mướn trong vai "dân tự phát" trước các nhà thờ, đền chùa, thánh thất, ....

Ngày nào gỡ được sợi xích sổ hưu và bỏ đảng lại phía sau, ngày đó, giá trị của danh dự , lương tâm và ý thức trách nhiệm sẽ sống lại trong từng con người:

  • Trách nhiệm đối với sự tồn vong của dân tộc. Mức độ báo động đang gia tăng từng ngày. Giới lãnh đạo đảng nay không chỉ đã chấp nhận mất biển đảo tổ quốc (đàng sau những phản ứng chiếu lệ và các màn kịch mua vũ khí, tổ chức hội thảo, ...) mà còn đang mở cửa choTrung Quốc vào dựng thêm các khu biệt lập tại những vùng đất hiểm yếu trên khắp nước Việt Nam; cùng lúc với việc tập cho người Việt quen dần với sự tiến sâu của quyền lực Trung Quốc vào lãnh vực kinh tế và văn hóa Việt Nam. Chúng ta có nên tiếp tay cho đảng tiếp tục con đường này không?

  • Trách nhiệm đối với những đồng đội đã nằm xuống. Không những tên tuổi của họ đã bị tẩy rửa khỏi sử sách, mồ mả của họ bị đập phá, mà những hy sinh xương máu của họ cho chủ quyền và độc lập tổ quốc đang bị phản bội. Hàng triệu những cái chết ở tuổi thanh xuân và tật nguyền suốt đời ấy đang trở nên hoàn toàn vô nghĩa. Chúng ta có nên tiếp tay cho đảng tiếp tục con đường này không?

  • Trách nhiệm đối với cháu con. Tại thời điểm này khó còn có ai tin rằng nạn tham nhũng sẽ thôi gia tăng - chứ chưa nói gì đến giảm xuống hay chấm dứt; Khó còn có ai tin rằng hệ thống giáo dục, y tế sẽ không tiếp tục tệ hại thêm; Khó còn có ai tin rằng công an sẽ không ngày càng một đông hơn, hung tợn hơn, và trấn lột dân bạo dạn hơn; .... Và nạn nhân của tất cả tai ách đó là chính các con, các cháu của từng người đảng viên trong những thập niên trước mặt, khi mà những người đảng viên đó đã đi xa khỏi thế gian này. Chúng ta có nên tiếp tay cho đảng tiếp tục con đường này không?

Nhưng có lẽ quan trọng nhất vẫn là những trách nhiệm đối với chính mình. Đã đến lúc những người đảng viên không rời bỏ đảng sẽ cùng chia tội bán nước với đảng. Lịch sử của dân tộc chắc chắn sẽ ghi rõ tội bán nước của đảng CSVN hôm nay. Nhưng gia phả của từng dòng họ và trí nhớ của từng gia đình cũng sẽ ghi nhận những vết nhơ: có cha, mẹ, ông, bà là đảng viên CSVN tới tận ngày chết.

So với những năm tháng đã qua, có lẽ hiện nay là thời điểm thuận lợi nhất để bỏ đảng, về đồng hành với dân tộc. Sau nhiều năm tháng tranh cãi và đắn đo, chưa bao giờ dân tộc chúng ta sẵn sàng đón nhận nhau, gạt qua quá khứ vì những hiểm họa hiện tại và tương lai đất nước như hiện nay. Một lý do chính là vì phần lớn dân tộc đã cùng nhận ra chúng ta, kể cả các đảng viên Cộng sản, kể cả các chiến sĩ ở 2 bên trận tuyến trước 1975, và các thế hệ từ đó đến nay đều là nạn nhân của chủ nghĩa Cộng sản và của cỗ máy chuyên chính Lênin-Stalin-Mao trên đất nước.

Những cảnh rời bỏ đảng sẽ bị cô lập và hành hạ cho đến chết cũng không còn nữa. Ngược lại, những tiếng nói can đảm kêu gọi cùng nhau công khai vì nước bỏ đảng đang nhận được sự thán phục, quí trọng, và đùm bọc của nhiều tầng lớp nhân dân ở trong và ngoài nước.

Đã quá đủ cảnh làm ngơ chấp nhận sự hiện hữu của một cơ chế lạc hậu, tàn ác, nhất định dìm cả dân tộc trong lạc hậu đói nghèo chỉ vì lợi riêng của một số gia đình ở thượng tầng. Và đối với nhiều đảng viên lớn tuổi, cũng không còn nhiều thời gian để trả lời món nợ lương tâm. Xin hãy để lại cho con cháu những hình ảnh đáng kính về lòng can đảm, yêu nước, yêu dân tộc của cha, mẹ, ông, bà.

"Vì nước bỏ đảng" phải chăng là tiếng gọi thiêng liêng nhất hiện nay của tình yêu tổ quốc?


1 comment:

View My Stats