Saturday, 31 August 2013

TẠI SYRIA, TRUNG CỘNG LÀ CỌP GIẤY (Ngô Nhân Dụng)




Ngô Nhân Dụng
Friday, August 30, 2013 6:41:18 PM

Chính quyền Cộng sản Trung Quốc vẫn nhất quyết bênh vực chế độ độc tài của Bashar al-Assad tại Syria. Trong khi các nước Tây phương giúp các nhóm nổi dậy trong cuộc nội chiến tại xứ này và chuẩn bị can thiệp quân sự, thì Bắc Kinh vẫn một mực phản đối. Nhật báo Nhân Dân mới kêu gọi: “Cộng đồng quốc tế phải báo động mạnh mẽ” khi Mỹ tính can thiệp vào Syria.

Trong bài báo đó, ra ngày Thứ Ba, 27 Tháng Tám, 2013, đã so sánh việc Mỹ can thiệp vào Syria hiện nay giống hệt cuộc tấn công vào Iraq mười năm trước. Năm 2003, chính phủ Mỹ lấy cớ Saddam Hussein đang chế vũ khí nguyên tử để lật đổ rồi giết ông ta; năm nay chế độ Assad thì bị tố cáo dùng vũ khí hóa học; một điều thế giới văn minh không chấp nhận.

Tác giả ký tên là Trung Thanh, có nghĩa là “Tiếng Nói của Trung Quốc,” tố cáo việc lật đổ chính phủ của một nước có chủ quyền là “trái với các quy tắc luân lý và đạo công bằng căn bản.”

Các quan sát viên quốc tế đều ngạc nhiên về hành vi của Trung Cộng đối với cuộc nội loạn ở Syria. Từ hai năm nay, Bắc Kinh cùng với Nga đã đứng hẳn về phía chính quyền Bashar al-Assad, mặc dù quyền lợi kinh tế của Trung Quốc tại đây không đáng kể. Hai năm trước Trung Cộng đã phạm một lỗi lầm ngoại giao lớn trong vụ dân Libya nổi lên chống nhà độc tài Gaddafi. Sau khi cả thế giới Á Rập lên án chế độ tàn ác tại Libya; Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu cho phép khối NATO đem quân giúp lật đổ Gaddafi, đại sứ của Bắc Kinh đã từ chối. Gadhafi bị lật đổ và bị giết, từ đó người dân Libya cũng như cả vùng Trung Ðông nhìn Bắc Kinh với con mắt khinh bỉ. Trong vụ Syria, Bắc Kinh lại đi đúng nước cờ sai lầm cũ. Họ chống lại một nghị quyết xác định những khu an toàn cấm máy bay oanh tạc của phe chính phủ, nhằm giúp quân nổi dậy đang yếu thế. Ðể bảo vệ chế độ đang chênh vênh của Assad, Bắc Kinh đã sử dụng “quyền phủ quyết” ba lần. Hiện tượng đáng ngạc nhiên, vì kể từ năm 1971 khi họ ngồi vào cái ghế thường trực tại Hội Ðồng Bảo An, Cộng sản Trung Quốc chỉ dùng quyền phủ quyết tổng cộng có tám lần trong 40 năm. Năm ngoái, Nga và Trung Cộng dùng quyền phủ quyết Hội Ðồng Bảo An bác bỏ một nghị quyết ủng hộ kế hoạch của các nước Á Rập kêu gọi Assad từ chức.

Ngay sau đó, dân Lybia đã đi biểu tình ném cà chua và trứng ung vào sứ quán của hai nước này tại thủ đô Tripoli. Trung Cộng ngày càng gây thêm ác cảm trong thế giới Á Rập, trong khi vẫn bị dân Châu Phi nghi ngờ có âm mưu chiếm đoạt các tài nguyên thiên nhiên, từ dầu khí đến rừng, mỏ, bằng cách hối lộ các chính quyền của họ.

Khi chính quyền Nga cố bảo vệ chế độ Assad, người ta hiểu lý do. Cha con Assad mua rất nhiều vũ khí của Nga. Cảng Tartus của Syria là nơi duy nhất, ngoài các nước cũ trong Liên Bang Xô Viết, Nga được thiết lập một căn cứ hải quân.

Assad là chính quyền duy nhất thân thiện với Nga trong số các nước Á Rập; và trong khắp vùng Trung Ðông chỉ còn hai nước Syria với Iran giao hảo với Nga. Quyền lợi kinh tế của Trung Quốc ở Syria mới tăng lên trong mấy năm gần đây sau chuyến công du của Assad năm 2004, nhưng quan hệ quân sự không đáng kể. Trung Cộng mới đầu tư vào dầu lửa ở Syria khi công ty Sinochem mua 50% cổ phần ở giếng dầu lớn nhất xứ này. Công ty dầu lửa quốc gia cũng ký kết cộng tác khai thác dầu, với số vốn nhiều tỷ đô la. Khi các nước Châu Âu tẩy chay không mua dầu của Syria, Trung Quốc đã đặt mua nhiều hơn. Năm 2011, Trung Quốc qua mặt Nga thành nước đứng hàng đầu về ngoại thương với Syria; xuất cảng 2.4 tỷ Mỹ kim. Nhưng tất cả các quyền lợi kinh tế đó không tùy thuộc ai sẽ nắm quyền, chế độ nào sẽ lên ở Syria. Dân Syria sẽ bất mãn vì Bắc Kinh cứ tiếp tục ủng hộ chế độ độc tài Assad. Nếu sau này phe nổi dậy thắng, chính quyền mới sẽ có ác cảm, có thể gây khó khăn về kinh tế. Tức là trong việc Trung Cộng ủng hộ Assad, lợi bất cập hại. Gần đây Bắc Kinh đã mở liên lạc với các nhóm quân nổi dậy; nhưng thái độ thân Assad cho đến phút chót họ sẽ không thể quên.

Tại sao Trung Cộng lại hành xử như vậy? Có lẽ lý do quan trọng nhất là đảng Cộng sản Trung Quốc muốn dùng các vụ xung đột trên thế giới như cơ hội kích thích tự ái chủng tộc và quốc gia của dân Trung Hoa trong lục địa. Khác với Việt Nam, dân Trung Quốc cũng như dân Nga vẫn coi Mỹ là đối thủ đáng sợ cần phải đương đầu. Cho nên, trên các trang mạng Internet ở Trung Quốc có những luận điệu chống Mỹ trong vụ Syria không khác gì những luận điệu được báo Nhân Dân cổ xúy. Ðiều này đáng ngạc nhiên, vì các công dân mạng ở Trung Quốc thường bài bác những lý luận của các cơ quan truyền thông do đảng Cộng sản kiểm soát. Trong vụ xung đột với Nhật Bản về mấy hòn đảo Ðiếu Ngư, các mạng còn quá khích hơn báo của đảng nữa. Cho nên, đảng Cộng sản bày tỏ thái độ cứng rắn chống Mỹ trong vụ Syria chỉ là một thủ đoạn mị dân hơn là một chính sách ngoại giao. Họ phản đối cuộc thay đổi chế độ ở bất cứ nơi nào nếu chính quyền sắp lên có thể thân Mỹ hơn chính quyền cũ.

Sở dĩ Trung Cộng phải lớn tiếng tỏ ra đối nghịch với Mỹ ở Syria cũng vì trong thực tế họ không thể đương đầu trên mặt quân sự. Trung Quốc chưa thể đóng vai một cường quốc quân sự. Ngân sách quốc phòng được gia tăng trong những năm gần đây vẫn chỉ nhắm vào các vũ khí phòng thủ, không có khả năng tấn công ở những vùng xa như tận Trung Ðông. Một chiếc hàng không mẫu hạm cũ được tân trang mà chưa có một hạm đội kèm theo thì không thể so sánh với các hạm đội của Mỹ cũng như Ấn Ðộ. Trong năm 2011 Trung Quốc cần di tản mấy chục ngàn công nhân đang làm việc ở Libya ra khỏi xứ đó vì loạn, Bắc Kinh không thể đưa một con tàu nào sang cứu nạn mà phải thuê các công ty chuyên chở đường thủy!

Ông Từ Quang Dụ (Xu Guangyu), một vị tướng hồi hưu nay đang làm cố vấn cho Ủy Ban Tài Giảm Vũ Khí, nói thẳng rằng nước ông không đủ sức can dự về quân sự ở Trung Ðông: “Trung Quốc không biết rõ tình hình các nước đó. Tốt nhất là giữ thái độ trung lập.” Một giáo sư Viện Khoa Học Xã Hội là Ngân Cương (Yin Gang), chuyên gia về Trung Ðông, thú nhận tình cảnh bất lực của Trung Quốc tại vùng này: “Nếu ở đó yên ổn thì tốt cho Trung Quốc; nếu loạn thì xấu. Nhưng Trung Quốc không có khả năng tự mình duy trì ổn định ở vùng đó. Trung Quốc không có cách nào dùng lực lượng quân sự để bảo vệ quyền lợi của mình ở Trung Ðông.”

Trong bảy tháng đầu năm 2013, Trung Quốc nhập cảng 91.49 triệu tấn dầu (tương đương 83 tỷ ký lô) từ các nước Saudi Arabia, Iran, Iraq, Oman và các vương quốc UAE (United Arab Emirates); số dầu này là một nửa số tiêu thụ trong nước. Phải công nhận hiện nay Trung Quốc hoàn toàn tùy thuộc vào nước Mỹ trong việc bảo vệ an ninh vùng Trung Ðông, nơi họ mua dầu lửa nhiều nhất. Có Mỹ ở đó thì không lo Iran sẽ phá hoại, làm bế tắc eo biển Hormuz, con đường chở dầu lửa quan trọng bậc nhất!

Tại Syria và cả vùng Trung Ðông, người ta biết Trung Cộng thực sự là một con cọp giấy, có gắn loa. Mở miệng kêu rất to, nhưng không thể nhảy lên để vồ, cũng không có răng, không có vuốt để cắn, xé ai cả. Các lời tuyên truyền chống Mỹ trên nhật báo Nhân Dân và những lời lẽ khiêu khích trên các trang mạng ở Trung Quốc chỉ nhằm làm thỏa mãn tự ái quốc gia của người dân Trung Quốc; cốt sao cho họ quên cảnh sống dưới một chế độ độc tài và tham nhũng.


CÁC BÀI TRƯỚC :


1 comment:

View My Stats