Saturday, 31 August 2013

VIỄN CẢNH CHIẾN TRANH THƯƠNG MẠI TRUNG QUỐC - LIÊN HIỆP CHÂU ÂU (Tài liệu của TTXVN)




Tài liệu tham khảo đặc biệt của THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM
Posted by basamnews on August 30th, 2013


Cuộc đấu ngầm về năng lương mặt trời

Ngành công nghiệp năng lượng mặt trời thế giới lâm vào khủng hoảng: nhiều doanh nghiệp phá sản ở cả châu Âu lẫn Trung Quốc, Trong bối cảnh đó, Liên minh châu Âu (EU) đã dọa áp mức thuế chống bán phá giá tới 47% đối với tấm pin mặt trời nhập khẩu từ Trung Quốc. Ngày 4/6, khi không đạt được một giải pháp thương lượng nào, lời cảnh báo của EU phần nào trở thành hiện thực: mức thuế 11,8% được áp dụng kể từ ngày 6/6 và sẽ tăng lên 47% nếu hai bên vẫn không tìm được giải pháp.

Theo tạp chí “Tin Trung Hoa”, trong bước đi tiến tới phát triển của mình, bộ máy chiến tranh kinh tế và công nghệ của Trung Quốc đã giáng một đòn mạnh vào ngành chế tạo tấm pin mặt trời của châu Âu. Người ta nói rằng hàng nghìn doanh nghiệp đã phải đóng cửa vì không thể chịu được sức cạnh tranh của sản phẩm cùng loại do Trung Quốc sản xuất. Một số khác nói đến việc bán tống bán tháo (rẻ hơn 40%) do Trung Quốc bán phá giá bằng cách trợ giá cho doanh nghiệp của mình. Điều này bị Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cấm vì phá hoại quy luật thị trường. Nhưng ai quan tâm đến điều đó?

Trong khi châu Âu trợ giá cho việc lắp đặt tấm pin mặt trời, Trung Quốc trợ giá mạnh cho sản xuất tấm pin thông qua việc cấp tín dụng lãi suất thấp nhưng vẫn không thể phát triển thị trường trong nước ở mức độ tương xứng. Sự mất cân đối đó thể hiện ở mức thâm hụt thương mại cao của châu Âu: doanh nghiệp Trang Quốc nắm giữ tới 80% thị phần châu Âu. Hậu quả là để không bị lâm vào tình trạng “trợ giá cho nền công nghiệp Trung Quốc”, nhiều nước châu Âu giảm trợ giá và để cho ngành công nghiệp Trung Quốc sụp đổ sau ngành công nghiệp châu Âu.

Người ta vẫn còn nhớ thời chính sách bảo hộ mậu dịch của Mỹ khi nước này quyết định trợ giá sản xuất thép ở trong nước. Người ta cũng vẫn còn nhớ trò lừa đảo diễn ra trong Chính sách nông nghiệp chung châu Âu khiến các nước châu Phi khuynh gia bại sản vì không thể sản xuất được hàng đủ sức cạnh tranh. Tóm lại, châu Âu phản ứng bằng cách trừng phạt mặt hàng tấm pin mặt trời nhập khẩu từ Trung Quốc.

Với quyết định tạm thời áp thuế nhập khẩu đối với mặt hàng này, ủy ban châu Âu thận trọng giương móng vuốt ra với Bắc Kinh nhưng vẫn hy vọng đạt được giải pháp thân thiện. Trên tinh thần đó, Brúcxen đưa ra câu đáp trả từng bước: từ ngày 6/6, mức thuế đối với tấm pin mặt trời do Trung Quốc sản xuất là 11,8% và có thể lên tới 47,6% nếu không đạt được thỏa thuận với Bắc Kinh trong hai tháng sau đó.

Các nhà chế tạo tấm pin mặt trời châu Âu bị chia rẽ trước các biện pháp này. Các công ty lắp đặt không đồng tình vì họ nghĩ đó là biện pháp tồi tệ. Mặt hàng này chiếm tới 80% thị trường châu Âu. Đối với ông Jade Lindgaard, tình hình hiện nay là do Trung; Quốc sản xuất thừa và bán sản phẩm với giá thấp hơn chi phí sản xuất. Cuối năm 2012, Chính phủ Mỹ đã áp thuế chống phá giá và chống tài trợ ở mức 31-250% đối với tấm pin mặt trời của Trung Quốc. Tuy nhiên, phản ứng của các nhà sản xuất Pháp lại không mạnh mẽ. Trên thực tế, các công ty chế tạo tấm pin mặt trời và tế bào quang điện chính của Pháp (Photowatt, Bosch, MPO, Sillia, Fonroche, Solarezo, Sunpower) đang phải chịu sức cạnh tranh của Trung Quốc, trong khi các tác nhân khác trong lĩnh vực này (lắp đặt, bán năng lượng, phát triển dự án…) được hưởng lợi từ đó. Đến mức ông Jean-Pascal Pham-Ba, Tổng thư ký Solaire Diorect, công ty chuyên lắp đặt tấm pin mặt trời và bán năng lượng, mỉa mai: “Người ta nói rằng với sự giúp đỡ của nhà nước dành cho ngành năng lượng tái tạo, châu Âu đang trợ giá cho ngành công nghiệp của Trung Quốc. Nhưng cũng rất có thể nói ngược lại, rằng chính Trung Quốc trợ giá cho điện từ năng lượng tái tạo ở châu Âu khi trả tiền để tấm pin mặt trời của mình được bán với giá rẻ như vậy”.

Đối với ông Pham-Ba, ngành sản xuất tấm quang điện đã được toàn cầu hóa và trào lưu này là không thể đảo ngược. Ngành công nghiệp quang điện của Trung Quốc dựa trên nền tảng chế tạo giá rẻ với số lượng rất lớn, mang lại rất ít lãi cho các nhà sản xuất và với một chiến lược thương mại rất năng nổ. Mức cung đó hiện nay đáp ứng được nhu cầu của châu Âu vì các tấm pin mặt trời không đắt nhưng chất lượng tốt thích hợp với thị trường này.

Như vậy, các biện pháp trả đũa có nguy cơ gây ra hệ quả trái ngược với kết quả mong đợi. Tại một diễn đàn, cựu Bộ trưởng Xã hội Paul Quilès và Chủ tịch Liên hiệp Planète Eolienne (Pháp), Benoit Praderie, giải thích: “Khoảng 200-300 triệu euro mặt hàng tấm pin mặt trời Trung Quốc nhập khẩu so với 69 tỷ euro thâm hụt năng lượng của nước này liệu có ý nghĩa gì? Tuyệt đại đa số việc làm trong lĩnh vực này trước hết là ở khâu thiết kế dự án, chế tạo linh kiện, xây dựng, phần mềm, duy tu bảo dưỡng, tất cả đều không thể đưa ra sản xuất ở nước ngoài được và lại có giá trị gia tăng cao. Có ai nghĩ rằng một ngày nào đó Pháp có thể cạnh tranh được với Trung Quốc trong lĩnh vực chế tạo máy tính hay smartphone, không? Điều không may là không. Trái lại, Pháp có thể cạnh tranh được với Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực có sử dụng các sản phẩm đó (nghiên cứu và phát triển, công ty dịch vụ tin học, điều hành, phát triển ứng dụng..

Ông Benoit Praderie so sánh việc áp thuế chống phá giá với vụ cấm vận đối với máy ghi âm Nhật Bản được ông Laurent Fabius, lúc đó là Bộ trưởng Ngân sách Pháp, áp đặt vào năm 1982. “Cuộc chiến mới” vào thời đó là biểu tượng của “chính sách bảo hộ mậu dịch mới” của phái tả cầm quyền. Cụ thể là tiền của các nhà sản xuất điện mặt trời thu về ngày càng ít đi với hoạt động này.

Dường như tấm pin mặt trời của Trung Quốc không những không gây thiệt hại mà còn giúp châu Âu kiếm được nhiều lợi nhuận. Theo NRC Handelsblad, tại Hà Lan, lĩnh vực năng lượng mặt trời phát triển rất nhanh bất chấp cuộc khủng hoảng kinh tế. Cáp nhà thầu khoán và doanh nghiệp lắp đặt điện, vốn chịu nhiều thiệt hại do khủng hoảng trong ngành xây dựng ồ ạt tràn ngay sang lĩnh vực lắp ráp tấm pin mặt trời. Nhờ hàng hóa của Trung Quốc, đến lúc này, họ vẫn còn thở được, thực sự không cần đến thuê chống bán phá giá của châu Âu vì như vậy giá bán tấm pin mặt trời sẽ đắt lên. Liên minh vì năng lượng mặt trời (AFASE) sợ rằng thuế sẽ khiến các nước châu Âu mất khoảng 242.000 việc làm.

Mỹ đã đi trước châu Âu rất lâu khi áp dụng mức thuế 31-250% đối với tấm pin mặt trời của Trung Quốc. Nước này cũng chơi con bài pháp lý bằng cách đệ đơn kiện lên WTO. Khi đầu tư ồ ạt vào lĩnh vực tương lai này, Trung Quốc đã kéo chi phí sản xuất xuống rất nhiều và nhanh chóng trở thành nhà sản xuất số một thế giới. Đến nay, trước khi ủy ban châu Âu ra quyết định, Trung Quốc bán tới 21 tỷ euro tấm pin mặt trời cho EU, tức 60% xuất khẩu của mình trong lĩnh vực này.

Tình trạng lộn xộn xảy ra trong các nước EU về chiến lược kinh tế mặc dù ủy ban châu Âu tỏ thái độ cứng rắn. Không chắc châu Âu sẽ giữ được sự gắn kết nếu cuộc đấu với Trung Quốc tiếp diễn nên khó có thể có được chính sách bảo hộ mậu dịch cho dù ủy ban châu Âu bằng mọi giá không còn là người theo chính sách trao đổi mậu dịch tự do nữa. Lợi ích của các nước châu Âu là rất khác nhau về vấn đề này. Một số nước, đặc biệt là Đức, không muốn áp dụng các biện pháp như vậy vì, theo họ, sẽ có thể dẫn đến các biện pháp trả đũa của Trung Quốc đối với hàng xuất khẩu của mình. Bởi lẽ Đức xuất khẩu nhiều trang thiết bị sang Trung Quốc. Đức cũng sẽ mặc kệ nếu phần lớn các nước châu Âu và thành viên EU bị thâm hụt nặng nề so với Trung Quốc (122 tỷ euro trong năm 2012, trong đó 26 tỷ của Pháp). Trao đổi thương mại giữa Đức và Trung Quốc là rất lớn. Mặc dù thâm hụt 11,7 tỷ euro trong năm 2012 với Trung Quốc, song Đức vẫn thu về 66,7 tỷ euro xuất khẩu đến nước được coi là đối tác thương mại lớn thứ ba của mình. Và Đức cũng mơ rằng trong một tương lai không xa sẽ tiếp tục tăng xuất khẩu sang Trung Quốc. Điều đó rõ ràng cho thấy sẽ không có một chính sách thương mại duy nhất của châu Âu, lại càng không có được chính sách bảo hộ mậu dịch.

Thành công của Trung Quốc không phải tự nhiên mà có. Hàng hóa của nước này, mặc dù bị chê bai, song nhìn chung vẫn không tồi hơn so với hàng của châu Âu hay của Mỹ. Về tế bào quang điện, Trung Quốc đặt mục tiêu trở thành nước hàng đầu thế giới. Chỉ trong vòng 5 năm, phần thị phần thế giới nằm trong tay Trung Quốc tăng từ 0% lên 80%. Hiện nay, sản phẩm này có giá rẻ hơn rất nhiều so với của châu Âu, Đồng thời, chi phí nhân công chỉ chiếm 10% giá thành phẩm. Sự thống trị ngày càng tăng của Trung Quốc, hình thành chỉ trong 5 năm, không phải là do phá giá về tiền lương. Bộ máy sản xuất của nước này hoàn toàn quá lớn so với nhu cầu hiện tại: Trung Quốc có khả năng mỗi năm sản xuất 45 gigawatt (GW) tế bào quang điện trong khi nhu cầu của thế giới là chưa đến 28 GW. Kết quả là với các nhà máy khổng lồ mỗi năm có khả năng làm ra nhiều GW, Trung Quốc chơi con bài khối lượng để tiết kiệm trên quy mô lớn và có thể đổ hàng tràn ngập thị trường thế giới với giá không ai có thể địch nổi và cạnh tranh nổi.

Sự việc được hiểu ra ngay và phản ứng được tung ra tức thì. Trung Quốc là nước đầu tiên đưa ra biện pháp trả đũa. Trong một bài viết trên tờ “China Daily”, Bắc Kinh thông báo tiến hành điều tra đối với rượu vang nhập khẩu từ châu Âu. Tờ báo cảnh báo nếu EU không hiểu được bức thông điệp đó, một số biện pháp trả đũa khác sẽ được thực hiện. Quyết định của Trung Quốc trong việc tiến hành điều tra vấn đề trợ giá và bán phá giá tạo điều kiện cho nhập khẩu rượu vang từ EU cho thấy quyết tâm bảo vệ lợi ích kinh tế của nước này. Và Bắc Kinh không thiếu phương tiện đế làm việc đó.

Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố biện pháp này được thực hiện theo yêu cầu của các nhà sản xuất trong nước. Với cuộc chinh phạt rượu vang này, Trung Quốc muốn nhắc nhở rằng ngành công, nghiệp năng lượng mặt trời châu Âu sẽ không phải là nạn nhân duy nhất nếu EU vẫn giữ chính sách bảo hộ mậu dịch. Bắc Kinh không bỏ qua nỗ lực nào để làm dịu căng thẳng bằng cách bắt đầu tiến hành thương lượng với EU và rõ ràng cho thấy ý muốn giải quyết tranh chấp thông qua tham khảo ý kiến và thương lượng chứ không phải bằng chiến tranh thương mại. Nhưng khi áp đặt thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, EU đã không đưa ra cam kết giống Trung Quốc. Hành vi đó sẽ khiến nhiều doanh nghiệp ở Trung Quốc phải đóng cửa và nước này không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc phản công. Xuất khẩu rượu vang đối với châu Âu không quan trọng bằng sản phẩm năng lượng mặt trời đối với Trung Quốc. Năm 2012, hơn 2/3 trong tổng số 430 triệu lít rượu vang được Trung Quốc nhập từ EU, trị giá hơn một tỷ USD. Trong khi đó, Trung Quốc xuất 27 tỷ USD thiết bị năng lượng mặt trời sang EU. Sau cuộc điều tra về rượu vang có thể sẽ còn có nhiều hành động khác nếu EU vẫn phớt lờ lợi ích của Trung Quốc. Hàng nhập khẩu từ EU vào Trung Quốc, tính tất cả các loại, trị giá tới 212 tỷ USD vào năm 2012, từ đó giúp Bắc Kinh có được khả năng xoay xở không nhỏ. Hậu quả của việc Trung Quốc đánh thuế rượu vang của châu Âu sẽ là một “thảm họa” thực sự đối với các nhà sản xuất rượu ở Bordeaux (Pháp).

Làm thể nào đế giải quyết cuộc khủng hoảng này trong khi ngành công nghiệp năng lượng mặt trời đang là trọng tâm của mọi chính sách an ninh năng lượng và giảm lượng khí thải hiệu ứng nhà kính?

Chiến lược theo đó có thể “lợi dụng” việc Trung Quốc bán phá giá và xóa bỏ sản xuất tấm pin mặt trời ở châu Âu để, bằng cái giá phải trả thấp nhất, đạt mục tiêu của EU về năng lượng tái tạo là không thể đứng vững được về phương diện chính trị. Trong một châu Âu đang trong quá trình phi công nghiệp hóa và chuyển đổi khó khăn ở một số vùng, các nhà lãnh đạo chính trị chờ đợi có việc làm trong ngành công nghiệp để đổi lấy trợ giá. Đức tạo việc làm nhờ các loại máy công cụ được bán cho các nhà sản xuất tấm pin mặt trời Trung Quốc. Đối với Pháp và một số nước châu Âu khác thì lại không phải như vậy, vì công ăn việc làm trong công nghiệp lại nằm ngay trong sản xuất tấm pin mặt trời.

Tuy nhiên, muốn sản xuất toàn bộ tấm pin mặt trời được lắp đặt sẽ là một ý tưởng sai lầm. Chi phí bị đội lên đối với người tiêu thụ sẽ quá cao và làm giảm mạnh tham vọng của châu Âu về năng lượng mặt trời. Điều đó là không có lợi cho cả môi trường lẫn việc làm ở các khâu khác trong lĩnh vực này, chẳng hạn ở khâu đầu vào.

Làm thế nào để thoát khỏi ngõ cụt đó? Chỉ bằng cách là chấp nhận sử dụng ở châu Âu tấm pin mặt trời cả của Trung Quốc lẫn của châu Âu. Muốn vậy phải làm sao để Trung Quốc chấm dứt việc bán phá giá nếu xác định được các khoản trợ giá của nước này vi phạm quy định của WTO. Nếu Trung Quốc không nhanh chóng ngừng bán phá giá, lúc đó áp thuế sẽ là cần thiết. Nhưng biện pháp này cũng có cái giá của nó: dây chuyền sản xuất tấm pin mặt trời rất khép kín và Trung Quốc đã thông báo sẽ áp dụng biện pháp trả đũa.

Thuế chống bán phá giá có thể là tối cần thiết, nhưng không thể giúp tái cân bằng thương mại. Thâm hụt hiện nay không chỉ do Trung Quốc bán phá giá mà còn vì các nhà sản xuất của nước này quá thừa năng lực, hơn nữa có chi phí lao động thấp và được cấp tín dụng dễ dàng. Từ đó, EU phải tái tạo lại chính sách công nghiệp của mình: chính sách sáng chế để giảm chi phí sản xuất tấm pin mặt trời của châu Âu và tạo ra lợi thế về công nghệ tiên tiến, mở rộng quy mô sản xuất để giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận, về phần mình, Trung Quốc phải tăng cầu ở trong nước về năng lượng mặt trời để tiêu thụ năng lực dư thừa của mình. Đó không phải là điều ảo tưởng: chỉ trong vòng hai năm, mục tiêu lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời cho đến năm 2015 tăng từ 5 GW lên 21 GW rồi 35 GW.

Trong cuộc chiến giữa những người khổng lồ đó, các nước Nam Âu, ở mức độ khác nhau, tính điểm theo thuyết định mệnh và chờ kết quả. Đó là một cuộc chiến vô hình diễn ra trước mắt các nước này. Đó là một cuộc cạnh tranh thực sự đang diễn ra. Nhưng đó không phải là cạnh tranh thô thiển mà hoàn toàn tinh tế, cuộc cạnh tranh của kiến thức công nghệ dựa vào một nhà nước biết tính toán chiến lược chống lại một tri thức công nghệ khác cũng dựa vào một nhà nước biết tính toán chiến lược khác.

Châu Âu và Trung Quốc có lợi ích chung là giảm sự lệ thuộc vào năng lượng hóa thạch và giảm giá tấm pin mặt trời. Cả hai đều có thể đàng hoàng thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay… hay tiếp tục một cuộc chiến tranh năng lượng mặt trời mà trong đó tất cả cuối cùng đều là người thua cuộc.


Mối đe dọa thường trực

Ngày 5/6, ủy ban châu Âu thông báo sẽ đưa ra một loạt thuế nhập khẩu có thể lên tới 47% đối với tấm pin mặt trời và tế bào quang điện của Trung Quốc xuất sang châu Âu với lời cáo buộc bán phá giá. Biện pháp này có thể được xem xét lại vào tháng 12/2013, tùy theo thực trạng thương lượng giữa hai bên. Chưa đầy 48 tiếng đồng hồ sau, Bắc Kinh đáp trả bằng cách tiến hành một cuộc điều tra cho thấy Trung Quốc có thể sẽ tăng mạnh hơn nữa mức thuế – hiện đã lên tới 48% – đối với rượu vang của châu Âu được bán ở Trung Quốc, trong đó phần lớn là của Pháp.

Theo tạp chí “Statafrik”, mục tiêu rượu vang không phải là vô hại vì đụng chạm trước hết đến Pháp, nước xuất khẩu rượu vang hàng đầu ở Trung Quốc và là một trong những nước lên tiếng mạnh mẽ nhất tại ủy ban châu Âu đòi áp dụng chính sách bảo hộ mậu dịch để chống bán phá giá hàng Trung Quốc. Hai vụ việc này không phải là ngẫu nhiên vì ông Karel De Gucht, ủy viên phụ trách thương mại của EU, cho biết năm 2011, tổng giá trị tấm pin mặt trời mà các nước EU mua của Trung Quốc lên tới 21 tỷ euro, chiếm 80% sản lượng của nước này, trong khi xuất khẩu rượu vang của châu Âu – chủ yếu là từ Pháp, Italia và Tây Ban Nha – tăng 60%/năm trong thời kỳ 2009-2012, với tổng giá trị 763 triệu euro, chiếm 8,6% xuất khẩu rượu vang của châu Âu, trong đó hơn 70% từ Pháp.

Nhưng bằng chứng cho thấy việc Trung Quốc vẫn nghi ngờ tính hiệu quả của các biện pháp trả đũa trước khi tiến hành thương lượng vào cuối năm 2013 là Bắc Kinh hiện vẫn để ngỏ mối đe dọa áp thuế đối với xe hơi phân khối lớn có thể sẽ đánh chủ yếu vào một số loại xe của Đức như Mercedes hay BMW. Khi đánh vào người đồng minh chính của mình ở châu Âu, Bộ chính trị Đảng cộng sản Trung Quốc rất hy vọng sẽ buộc Béclin phải có lập trường ủng hộ Trung Quốc từ nay đến tháng 12/2013.

Sau một thời kỳ chính trị tốt đẹp từ năm 2003 đến năm 2005, mối quan hệ giữa Brúcxen và Bắc Kinh, trước đó đã bị suy yếu do không ký được hiệp ước thể chế cho thấy EU đã bỏ lỡ một cơ hội lớn về phương diện chính trị, nay lại xấu thêm trong bối cảnh bão tố khủng hoảng thế giới. Tuy nhiên, có tương đối ít khả năng là hai đối tác sẽ đi quá xa trong cuộc tranh cãi này vì lợi ích thương mại giữa hai bên là quá lớn, trong bối cảnh tranh chấp vẫn không chấm dứt. Hơn nữa, cơn chấn động này cũng cho thấy rạn nứt lớn trong nội bộ EU vì các nước Bắc Âu – vốn rất muốn áp dụng chính sách kinh tế tự do – đối nghịch với các nước Nam Âu – vốn muốn thực hiện chính sách bảo hộ mậu dịch. Hơn nữa, Đức đang đóng một vai trò khiến các nước khác phải ngạc nhiên khi một mình ủng hộ Bắc Kinh mà không hề quan tâm đến việc nương tay với tính gắn kết của châu Âu.

Tình hình lộn xộn đó cho thấy EU thiếu gắn kết chính trị khi phải đối phó với Trung Quốc. Thái độ đó còn đáng tiếc hơn khi EU ít phụ thuộc vào Trung Quốc hơn người ta tưởng. Thương mại song phương EU-Trung Quốc quả thực có tăng nhanh, vì thị trường Trung Quốc vẫn rất hấp dẫn trong nhiều lĩnh vực, song sự phụ thuộc thực sự của EU vào đầu tư của Trung Quốc ở châu Âu vẫn là tương đối thấp, mặc dù có ý kiến theo hướng này hay hướng khác.

Trên thực tế, không một ai trong số hai đối tác này có được vị thế thuận lợi trong cuộc đấu, nếu trở nên nghiêm trọng hơn thì còn có thể có nguy cơ gây ra một số thiệt hại cho cả EU lẫn Trung Quốc. Cuộc đấu đó diễn ra trong bối cảnh khó khăn chung khi Trung Quốc và EU đều bị tác động bởi cuộc khủng hoảng. Hiện nay, EU ở trong tình hình ảm đạm về kinh tế, suy yếu về chính trị và bị chia rẽ giữa các nước Bắc Âu và các nước Nam Âu, trong khi Trung Quốc buộc phải hiện đại hóa mô hình tăng trưởng để chuyển sang hướng chất lượng hơn nên xác định được tăng trưởng của mình phụ thuộc một cách nguy hiểm vào xuất khẩu đến mức nào, vì hiện nay lĩnh vực này bị đe dọa phần nào bởi tình hình ảm đạm ở châu Âu.

Trong bối cảnh phụ thuộc lẫn nhau quá nhiều đó, tranh cãi đến kỳ lại nổ ra là điều có thể. Các nước EU sẽ tiếp tục cáo buộc Trung Quốc bán phá giá và bảo hộ mậu dịch có lợi cho doanh nghiệp của mình, còn Bắc Kinh sẽ không ngớt phàn nàn với Brúcxen và Oasinhtơn về những trở ngại (liên quan đến thuế hay không) đối với hàng xuất khẩu của mình. Đồng thời, những nỗ lực của Trung Quốc nhằm tăng chất lượng hàng hóa bằng công nghệ sẽ gây ra những lời cáo buộc theo đó Trung Quốc thu hút công nghệ và không tôn trọngquyền sở hữu trí tuệ.

Nhưng EU và Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại hàng đầu của nhau, với tổng giá trị trao đổi hàng năm lên tới hơn 500 tỷ euro. EU là đối tác số một của Trung Quốc, còn nước này là khách hàng thứ hai của EU. Trong bối cảnh các mặt hàng trao đối mậu dịch còn nhiều hơn vấn đề tấm pin mặt trời và rượu vang, trong khi Bắc Kinh có lợi ích chiến lược và công nghệ lớn trong trao đôi liên quan đến ngành hàng không và hạt nhân dân sự, những lĩnh vực mà Pháp nắm giữ vị trí quan trọng, trong khi hai hãng xe hơi Renault và PSA tham gia một số dự án lớn ở Vũ Hán, có thể hy vọng từ nay đến tháng 12/2013, hai bên sẽ tìm kiếm được thỏa hiệp và lưỡi hái của tử thần ít nhất cũng được chôn vùi tạm thời.

Vì mỗi bên đều có lợi ích nếu không đẩy cuộc đấu này đi quá xa, chưa nói đến yếu tố rất không thống nhất, nên hiện nay EU không có phương tiện chính trị để đối đầu thương mại lâu dài với Trung Quốc. Cuộc tranh cãi quả thực bộc lộ rõ những rạn nứt nghiêm trọng trong EU về các vấn đề thương mại đến mức cho thấy khó khăn chính trị của tổ chức khu vực này. Nhìn chung, các nước Nam Âu tỏ ra ủng hộ các biện pháp bảo hộ mậu dịch, trong khi các nước Bắc Âu, trái lại, phản đối biện pháp này, trong đó Anh và Đức hiện đang đứng trên tuyến đầu để phản đối các biện pháp trừng phạt.

Những lời phê phán cho thấy chính sách của EU là thiếu nhất quán khi phê phán các khoản trợ giá của Trung Quốc trong khi chính EU cũng làm như vậy dưới chiêu bài tạo thuận lợi cho các dự án sinh thái. Dầu sao, bằng chứng về tình trạng đan xen phức tạp chung do toàn cầu hóa, là việc các biện pháp trả đũa kinh tế đối với thiết bị năng lượng mặt trời của Trung Quốc, được bán với giá rẻ hơn từ 20% đến 30%, sẽ dẫn đến nghịch lý là làm tăng đáng kể chi phí sản xuất trong một lĩnh vực mà EU muốn phát triển. Một yếu tố không nhỏ minh chứng cho tính thiếu nhất quán của EU là những lời phản đối và cáo buộc Trung Quốc bán phá giá một phần lại do Solarworld AG, công ty hàng đầu của Đức về tấm pin mặt trời, tung ra trong khi Thủ tướng nước này, Angela Merkel, nhiều lần kiên quyết phản đối biện pháp trừng phạt.

Béclin và Luân Đôn cũng sợ rằng cuộc tranh cãi sẽ tàm suy yếu vị thế của mình ở thị trường Trung Quốc và cản trở các dự án đầu tư của Trung Quốc ở châu Âu, đôi khi trở thành một trong những yếu tố cứu giúp các doanh nghiệp công nghiệp bị suy yếu bởi cuộc khủng hoảng khi các nhà đầu tư truyền thống đã mất lòng tin.

Đến cuối năm 2011, tổng số vốn của Trung Quốc tại Anh lên tới con số 1,76 tỷ USD. Tuy nhiên, cần phải xem xét con số này trong bối cảnh nó không hề có liên quan đến các khoản đầu tư giữa các nước châu Âu với nhau hay từ Mỹ đến. Tác động của đồng vốn Trung Quốc ở châu Âu vẫn còn yếu, chỉ với 359 dự án đầu tư có bản chất tư nhân hay bán tư nhân trong tổng số 573 dự án được ký từ năm 2000. Về giá trị, chính đầu tư của Trung Quốc lại cao, với 72% tổng số tiền đầu tư (tức 16 tỷ euro trong thời kỳ 2000-2012, so với khoảng 40-50 tỷ euro được Pháp đầu tư hàng năm). Nhưng điều đáng nói là Luân Đôn lại thở phào nhẹ nhõm khi tiếp nhận các dự án đầu tư của hãng trang thiết bị viễn thông Hoa Vĩ với tổng số vốn 1,3 tỷ euro vào một nhà máy mới và số dự án của công ty tài chính Trung Quốc ABP để cải tạo tổ hợp nhà xưởng và kho của Albert Docks tại Liverpool, Thủ tướng Anh David Dameron – có thể là ông đã nói quá nếu xem sức nặng của các khoản đầu tư của Trung Quốc chỉ là tương đối – biến việc xích lại gần với nước này là “ưu tiên cá nhân” trong chiến lược phục hồi kinh tế của ông.

Trong khi đó, Béclin từ nhiều năm nay thiên về mối quan hệ ưu đãi với Bắc Kinh đến mức, trái ngược với Pháp, cán cân thương mại giữa Đức với Trung Quốc trở nên cân bằng và mối quan hệ song phương rất tốt đẹp. Khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường qua thăm Đức vào tháng 5/2013, Thủ tướng Đức Angela Merkel hứa sẽ can thiệp với Brúcxen để tháo ngòi nổ cuộc tranh cãi. Mọi thứ cho thấy từ nay đến tháng 12/2013, Béclin sẽ sử dụng mọi ảnh hưởng của mình để khiến Brúcxen hủy bỏ hay giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt. Đặc biệt, vốn là nước đang trong giai đoạn phục hồi kinh tế và tìm kiếm thị trường ở Trung Quốc cho các ngành công nghiệp của mình, Đức dường như đặt lợi ích của riêng mình lên trên các ưu tiên chiến lược của EU. Mối quan hệ ưu đãi giữa Bắc Kinh và Béclin làm rối tung mọi nỗ lực gắn kết của châu Âu và càng khiến EU gặp nhiều khó khăn hơn trong vấn đề hội nhập chính trị. Có thể đến tháng 12/2013, Béclin sẽ không chấp nhận tuân thủ giải pháp trừng phạt chống Trung Quốc.

Cũng không thể nói trước được gì về việc 27 nước EU sẽ có khả năng xác định được chính sách chung về vụ tấm pin mặt trời. Cách hành xử “mỗi người một kiểu” của các nước EU có thể giúp Bắc Kinh có được vị thế mạnh vì mỗi thành viên của tổ chức này buộc phải tự mình mở rộng lợi ích của riêng mình. Chính nỗi lo sợ đó đã khiến Pháp trong ngày 5/6/2013 phải đưa ra sáng kiến đề nghị họp 27 nước để “thống nhất quan điểm” về cuộc thương lượng thương mại với Trung Quốc. Nhưng không điều gì cho thấy nguyện vọng của Pháp có thể được đáp ứng.

Phân tích phản ứng của các cơ quan báo chí châu Âu và Trung Quốc, cộng với các tuyên bố chính thức, cho thấy một hình ảnh bất đồng trong EU cũng như tâm trạng của Trung Quốc đang dao động giữa lo ngại, giận dữ và quyết tâm trả đũa.

Trong bài xã luận đăng trên mạng ngày 28/5, tờ “Le Monde” đưa ra lập luận về nguy cơ xã hội đối với việc Trung Quốc bán phá giá – 25.000 việc làm ở Pháp bị đe dọa, về các cú đòn của Trung Quốc đối với một “ngành công nghiệp tương lai”, và các thách thức mà Trurig Quốc đặt ra đối với sự gắn kết của châu Âu. Tác giả bài báo nói thẳng thừng: “Tấm gương của bà Angela Merkel đúng là thảm họa”, đồng thời nhắc lại rằng quyết định của ủy viên châu Âu Karel de Gucht chỉ là làm theo Mỹ, nước vào mùa Xuân năm 2012 đã áp mức thuế 31-250% đối với tấm pin mặt trời nhập khẩu từ Trung Quốc. Bài báo kết luận bằng lời kêu gọi EU cần cứng rắn hơn đối với Trung Quốc và bày tỏ mong muốn, một nguyện vọng lúc này dường như vẫn còn xa vời: “Đối với toàn bộ các nước châu Âu, chiến lược tốt là phải cùng nhau hỗ trợ sáng kiến của ông De Gucht để có được lập trường mạnh mẽ trong thương lượng với Trung Quốc. Tóm lại, phải làm như Mỹ chứ không nên một lần nữa mạnh ai nấy làm.”

Đồng thời, và cũng để cho thấy mối quan hệ thương mại hiện nay đan xen và bó buộc nhau như thế nào, một bài viết đăng trên tờ “Les Echos” nói rõ thêm tại sao các nhà làm rượu vang ở vùng Bordeaux (Pháp) dễ trở thành nạn nhân của biện pháp trả đũa của Trung Quốc. Nước này cùng với Hồng Công tiếp nhận 27% lượng rượu vang Bordeaux xuất khẩu, và hiện là thị trường xuất khẩu hàng đầu của các nhà làm rượu vang Bordeaux, hơn cả thị trường Anh và lớn hơn thị trường Đức 2,5 lần. Đối với tờ “La Croix”, các biện pháp trừng phạt của Trung Quốc đánh vào rượu vang Bordeaux sẽ là “thảm họa” và có thể đe dọa hàng chục nghìn việc làm ở vùng Tây-Nam của Pháp.

Nhưng Luân Đôn và Béclin lại không nghĩ như vậy. Ngày 8/6, tờ “Guardian” đăng một bài báo nói về việc Thủ tướng Angela Merkel quyết tâm tránh một cuộc chiến tranh thương mại nguy hiểm và kêu gọi “thương lượng thật tích cực” với Trung Quốc hơn nữa vì ủy ban châu Âu trước đó đã vạch ra hướng đe dọa đối với các hãng viễn thông của Trung Quốc, vẫn theo tờ báo này của Anh, cuộc chơi tấn công và đánh trả đang diễn ra có nguy cơ đây châu Âu và Trung Quốc vào một cuộc chiến thương mại giữa lúc các nước châu Âu vẫn kình địch nhau và trong lúc – vốn là yếu tố làm trầm trọng thêm – Pháp “phật ý” do bị Bắc Kinh trả đũa đối với rượu vang mà không có lý do chính đáng. Đồng thời, Bộ trưởng Kinh tế Đức, Philipp Rosier, gọi quyết định của ủy ban châu Âu về việc tạm thời đánh thuế tấm pin mặt trời nhập khẩu từ Trung Quốc là “sai lầm nghiêm trọng” và kêu gọi đối thoại.

Còn báo chí Trung Quốc, sau chuyến thăm của Thủ tướng Lý Khắc Cường đến Đức hồi tháng 5/2013, tỏ ra vừa lo ngại vừa dọa trả đũa. Nhưng Bắc Kinh, vốn vẫn chơi con bài mập mờ, ngoài việc dọa trả đũa đối với rượu vang, vẫn chưa nói ra hết. Một tin vắn trên tờ “Global Times” ngày 6/6 nhấn mạnh rằng các biện pháp của châu Âu có thể khiến Trung Quốc mất ít nhất 500.000 việc làm. Đồng thời, tờ “China Daily” đăng một bài viết dài của He Weiwen, đồng Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc-Mỹ-châu Âu thuộc Hiệp hội thương mại quốc tế Trung Quốc. Nói về tương lai, ông lấy làm tiếc vì EU đã bỏ qua tầm quan trọng của năng lượng mặt trời mà đến năm 2060 đáng lẽ phải cung cấp hơn 30% tổng lượng năng lượng, một thực tế khiến Trung Quốc và EU phải hợp tác với nhau về mặt tài chính và công nghệ trong lĩnh vực này. Sau khi đề nghị hợp tác trong bối cảnh nhu cầu tổng thể – dự kiến đổi công nghệ châu Âu lấy sự hỗ trợ tài chính của Trung Quốc, nhân vật này bóng gió gây áp lực khi nhấn mạnh rằng một cuộc chiến tranh thương mại công khai có thể sẽ khiến EU mất đi vận hội đáng kể với một nước Trung Quốc đang giữa thời kỳ phát triển đô thị, với lượng nhập khẩu các loại trong 5 năm tới có thể lên tới 10.000 tỷ euro.

Ngày 8/6, một bài viết đăng trên tờ “Nhân dân Nhật báo” có nhan đề “Trung Quốc hy vọng điều tốt hơn, nhưng cũng chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất”, đưa ra lý lẽ về mặt đạo đức và chính trị giải thích rằng sẽ có nhiều thông điệp tiêu cực trong quyết định áp thuế đối với tấm pin mặt trời nhập khẩu từ Trung Quốc. Theo tác giả bài viết, thông điệp thứ nhất cho thấy “EU thiếu lòng dũng cảm trước thực tế” và “thiếu lòng tin vào khả năng của các địch thủ trong việc giải quyết tranh chấp bằng thương lượng”, qua đó phê phán tiến trình ra quyết định của EU cho phép ủy viên thương mại Karel de Gucht “được một mình hành động đối với một vấn đề nhạy cảm”. Tờ báo nói thêm rằng từ khi EU tiến hành điều tra, giá tấm pin mặt trời của Trung Quốc tăng 20% trong khi thuế của châu Âu sẽ làm giảm mức cầu của châu lục 80%, từ đó gây phương hại tới lợi ích “chính đáng của Trung Quốc”. Tờ báo cũng cho rằng việc áp thuế cho thấy thiên hướng bảo hộ mậu dịch của EU mà Bắc Kinh luôn phản đối và “ý định xấu từ chối cạnh tranh thương mại”. Dưới ánh sáng của các mối quan hệ thương mại mới đây, có thể sẽ không có trở ngại nào mà các đối tác không thể vượt qua. Nhưng nếu các đối tác không tính tới lợi ích của mình hay thiếu “chân thành” trong việc tìm kiếm giải pháp thương lượng, Trung-Quốc và EU khó có thể mở rộng hợp tác kinh tế lành mạnh và thực tế. Kết luận của bài viết là một lời đe dọạ ngầm: “Về mặt tâm lý, Trung Quốc đã sẵn sàng chấp nhận khó khăn nảy sinh và không hề ảo tưởng về thương lượng với EU. Trung Quốc sẽ làm tất cả những gì trong quyền hạn của mình để tình hình được cải thiện, đồng thời vẫn chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Trong trường hợp đó, Trung Quốc sẽ chơi nhiều con bài có trong tay”.

Khi tổng kết các phản ứng rất khác nhau trong châu Âu, cộng với những cảnh báo và yêu cầu của Trung Quốc, người ta không thể không nghĩ đến cuộc chơi ảnh hưởng trước khi diễn ra cuộc thương lượng vào cuối năm 2013. Sự thật là cả Bắc Kinh lẫn Brúcxen đều không có phương tiện để tranh cãi với nhau lâu dài và quá dữ dội.

Trung Quốc, nước vốn đã bị đánh ở Mỹ, sẽ phải tính toán. Bắc Kinh quả thực vẫn rất phụ thuộc vào thị trường các nước phương Tây, trong khi tiến trình hiện đại hóa và thành công trong quá trình đô thị hóa đang diễn ra một phần liên quan đến chuyển giao công nghệ của châu Âu và Mỹ, cụ thể là về năng lượng, vận chuyển hàng không, bảo vệ môi trường, ba lĩnh vực chiến lược có tầm quan trọng hàng đầu. Còn ủy ban châu Âu tham gia thị trường đầy hứa hẹn hiện đại hóa ở Trung Quốc và quá trình đô thị hóa ở đây trong tình trạng không đồng nhất hơn bao giờ hết. Vì vậy, châu Âu không còn sự lựa chọn nào khác là phải có được sự nhất trí không những với Bắc Kinh mà cả với các nước thành viên vì có thể một số nước sẽ không chấp nhận các biện pháp áp thuế mà Brúcxen áp đặt.

Liệu Đức có phản bội châu Âu không?

Theo tạp chí “Tin Trung Hoa”, khi một nước khiến các nước khác phải sửng sốt vì những sáng kiến liên tiếp của mình thì việc đặt câu hỏi về chiến lược của nước đó cũng là chính đáng. Đó là trường họp Đức và mối quan hệ ngày càng đặc biệt giữa nước này với Trung Quốc.

Phân tích tiển triển mối quan hệ giữa Trung Quốc và Đức như thế nào? Trong cuộc đấu giữa Bắc Kinh và Brúcxen liên quan đen ý định của Brúcxen về việc áp thuế chống bán phá giá đối với tấm pin mặt trời của Trung Quốc và kế hoạch của Bắc Kinh áp thuế trả đũa đối với rượu vang của châu Âu nói riêng, một cuộc chiến tranh thương mại có thể nổ ra nói chung, nhà kinh tế học Antoine Brunet không ngần ngại cho ràng Béclin và Bắc Kinh cùng chung cuộc chiến. Liệu Đức có phản bội châu Âu vì Trung Quốc không? Để trả lời câu hỏi này, chuyên gia Antoine Brunet, đồng thời là chủ tịch AB Marches, nhấn mạnh đến sự cần thiết trước hết phải liệt kê các sáng kiến chính được Đức thực hiện một cách khó hiếu đối với Trung Quốc từ năm 2010.

Thứ nhất, tại hội nghị thượng đỉnh G20 tháng 10/2010 tại Xơun (Hàn Quốc), Chính quyền Obama tung ra một cuộc tấn công ngoại giao chỉ ra số thặng dư thương mại đồ sộ và liên tiếp của Trung Quốc là nguyên nhân gây ra khủng hoảng đối với Mỹ nói riêng và đối với các nước khác trên thế giới nói chung. Cuộc tấn công đó của Mỹ là chính đáng. Trái ngược với mọi sự chờ đợi, Đức vào hùa với Trung Quốc để bác bỏ lập trường của Mỹ. Kết quả là Mỹ hoàn toàn thất bại. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc tỏ ra không khoan nhượng và giữ nguyên các chính sách hối đoái và chính sách thương mại, chính trị rõ ràng làm mất ổn định các nước khác trên thế giới, một cách kín đáo từ năm 2001 và công khai từ năm 2007.

Thứ hai, vào mùa Xuân năm 2011, khi Mỹ, Pháp, Anh và Italia liên kết với nhau để hỗ trợ lực lượng nổi dậy về phương diện quân sự ở Libi chống lại chế độ độc tài Gaddafi được Trung Quốc và Nga ủng hộ, Đức thẳng thừng từ chối tham gia liên quân. Chắc chắn Đức đã không làm mất lòng cả Trung Quốc lẫn Nga.

Thứ ba, trong thời kỳ từ tháng 9/2011 đến tháng 2/2012, chính Đức là nước nhân danh Khu vực đồng euro áp đặt việc tiến hành thương lượng với Trung Quốc để có thể nhận được sự giúp đỡ tài chính của nước này trong thời gian sau đó để cứu vớt khối này. Đức khiến các nước khác phải ngạc nhiên khi tạo cho Trung Quốc có được hai điều kiện hoàn toàn chiếm ưu thế mà nước này đòi hỏi: một mặt, Béclin cam kết duy trì một đồng euro mạnh so với đồng USD (và gián tiếp là với đồng nhân dân tệ), mặt khác Béclin cam kết làm sao để các đối tác châu Âu xóa bỏ, ngay lập tức và đồng thời, toàn bộ các hệ thống bảo trợ xã hội của mình. Nước Đức còn khiến các nước khác sửng sốt hơn nữa khi tặng một món quà lớn cho Trung Quốc: đó là đột nhiên dỡ bỏ toàn bộ các trở ngại mà nước này vẫn duy trì cho đến lúc đó đối với đầu tư của Trung Quốc ở nước mình. Theo tinh thần quyết định đó, 6 trong số các doanh nghiệp công nghiệp hùng mạnh nhất của Đức đã rơi vào vòng tay của Nhà nước Trung Quốc trong 6 tháng cuối năm 2012.

Thứ tư, sau nhiều năm thảo luận không đi đến hồi kết giữa các nước thành viên EU, ủy ban châu Âu cuối cùng quyết định đề xuất với 27 nước thành viên một sáng kiến ngoại giao chung nhằm buộc Bắc Kinh phải có biện pháp có đi có lại về tiếp cận thị trường công của nhau. Nước duy nhất nào trong số 27 nước thành viên EU phủ quyết sáng kiến này? Đó chính là Đức.

Thứ năm, vào tháng 7/2012, Ngoại trưởng Pháp, Laurent Fabius, sau chuyến thăm chính thức Trung Quốc, công khai tỏ thái độ ngạc nhiên. Ông được Chính phủ Trung Quốc cho biết họ “dự tính” xuất khẩu máy bay Airbus được chế tạo tại Trung Quốc sang các thị trường thứ ba. Dĩ nhiên, Bắc Kinh không cần biết đến số máy bay Airbus được sản xuất tại châu Âu ra sao, mặc dù đã có thỏa thuận trước đó rất kín kẽ quy định số máy bay Airbus được chế tạo tại Trung Quốc chỉ được tiêu thụ tại thị trường nước này. Như vậy, ai là người có thể ngầm đồng ý như vậy cho Trung Quốc nếu không phải là ban lãnh đạo hai tổ hợp Airbus Industrie và EADS vốn nằm dưới sự chi phối của Đức?

Theo ông Antoine Brunet, đồng tác giả cuốn “Mưu đồ bá quyền của Trung Quốc” (đồng tác giả với Jean-Paul Guichard, Nhà xuất bản L’Harmattan, năm 2011), những hành động gây sửng sốt lặp đi lặp lại đó của Đức diễn ra chỉ trong vòng bốn năm trở lại đây và là những việc không những rất lớn mà còn rất đặc biệt mà Đức đã làm cho Trung Quốc.

Khi mặt trận chống Gaddafi bị suy yếu do Đức không tham gia, khi ý định của Mỹ thiết lập một mặt trận chung để chống lại chính sách thương mại của Trung Quốc bị Đức làm đổ bể, các chế độ dân chủ phương Tây suy yếu và giúp Trung Quốc được tự do tiến tới bá quyền thế giới… Khi Thủ tướng Đức, Angela Merkel, cam kết với Trung Quốc sẽ duy trì đồng euro ở mức quá cao vì sức cạnh tranh của các nước Nam Âu và Pháp, khi bà Merkel làm cho doanh nghiệp châu Âu thất bại trong việc tiếp cận thị trường công ở Trung Quốc, và khi ban lãnh đạo Đức trong tổ hợp EADS gây phương hại lớn tới năng lực xuất khẩu của tổ hợp này, cả một nền công nghiệp châu Âu, cả một nền kinh tế châu Âu và một phần không nhỏ việc làm của châu Âu gặp nguy khốn vào thời điểm rất cốt tử.

Khi nói đến chuyện “phản bội châu Âu” để xác định mối quan hệ giữa Đức và Pháp như chuyên gia Antoine Brunet nói ở trên, cũng có ý kiến phân vân. Liệu đó là buộc tội Đức có ý đồ hay là sự thật?

Nhà chính trị học Henrik Uterwedde khẳng định đó không chỉ là “buộc tội ý đồ” mà những gì ông Antoine Brunet ỉiệt kê ở trên cho thấy đây là luận thuyết mưu đồ hẳn hoi. Ông nói không hiểu được những gì mà chuyên gia Antoine Brunet cho là “sự thật” với nhiều luận điệu như “Đức cam kết làm sao để các đối tác châu Âu xóa bỏ hệ thống bảo trợ xã hội ở nước mình”, hay điều khẳng định ban lãnh đạo các tổ hợp Airbus và EADS có thể đã nằm dưới sự kiểm soát của Đức hay Đức có thể gây phương hại tới các liên minh và hiệp ước Maastricht cho ra đời Liên minh tiền tệ. Ngày 27/7/2012, khi tuyên bố cùng với Tổng thống Pháp, Praneois Hollande, “hoàn toàn ủng hộ tính toàn vẹn của Khu vực đồng euro” và quyết tâm “làm tất cả những gì có thể được để bảo vệ liên minh đó”, liệu có phải Thủ tướng Angela Merkel nói dối hay không?

Là Phó Giám đốc Viện Pháp-Đức tại Ludwigsburg, chuyên gia Henrik Uterwedde đưa ra lý lẽ riêng của mình. Ông thừa nhận nền công nghiệp Đức, vốn hùng mạnh và có năng lực cao, phụ thuộc vào xuất khẩu hơn bất kỳ nền công nghiệp nào khác và điều đó gây ra một số vấn đề ở trong nước cũng như ở châu Âu. Ông không phủ nhận việc các nhà xuất khẩu Đức ngày càng tìm kiếm các thị trường năng động ở ngoài nước, nhưng lại đặt câu hỏi: làm được những gì mà người khác không làm liệu có phải là tội không? Ông khẳng định các chính phủ nối tiếp nhau ở Đức thường ngần ngại khi sử dụng “vũ khí” thương mại của châu Âu như một số đối tác mong muốn, vì sợ gây ra chiến tranh thương mại. Chính phủ Đức (nhưng không phải chỉ có Chính phủ Đức) tìm cách để có được mối quan hệ kinh tế tốt đẹp với Trung Quốc và điều đó đặt ra một số câu hỏi về chính sách mà châu Âu cần thực hiện đối với nước này. Ông cũng cho rằng chính sách của Đức đúng là đôi khi có ích kỷ, có mâu thuẫn, thậm chí đáng bị phản đối (nhưng ai muốn ném hòn đá đầu tiên đây?) và sự phản đối đó thể hiện hàng ngày ở Đức cũng như trên toàn châu Âu.

Tất cả điều đó, theo chuyên gia Henrik Uterwedde, cần phải được thảo luận, nhưng đó phải là một cuộc tranh luận cân bằng không moi móc lỗi lầm của người khác một cách có hệ thống, một cuộc tranh luận trái ngược vì đó là vấn đề có tính sống còn: tương lai nào cho Liên minh tiền tệ, chính sách kinh tế và ngân sách nào cần được áp dụng, không gian đoàn kết nào cần được thiết lập, với điều kiện tiên quyết nào về liên minh tiền tệ? Chính sách thương mại nào của châu Âu? Mối quan hệ đối ngoại nào của châu Âu?


Cuộc đọ sức giữa hai người khổng lồ
Hợp tác chiến lược giữa EU và Trung Quốc đang trở nên cực kỳ rối rắm. Châu Âu đang mất đi lợi thế cạnh tranh so với Trung Quốc và dường như không có khả năng đáp trả. Đó là lời cảnh báo được tiến sĩ Jonathan Holslag, Giám đốc nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu Trung Quốc đương đại Brúcxen đưa ra trên tạp chí “Tin Trung Hoa”.

Với nguồn dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới và một thị trường tiêu thụ hàng đầu, Trung Quốc đang thương lượng với EU một chiến lược kinh tế theo hướng cả hai bên cùng có lợi. Khi EU, nền kinh tế hàng đầu thế giới, gặp gỡ nền kinh tế thứ hai thế giới là Trung Quốc, không thể có vấn đề nào khác ngoài thương mại và kinh doanh, vấn đề chính trị và nhân quyền giữa hai đối tác này không hề được đề cập đến trong hai ngày thăm Brúcxen của Thủ tướng Lý Khắc Cường. Hợp tác giữa hai bên tiến triển với tốc độ rất nhanh cả về khối lượng lẫn chất lượng, mặc dù có những thăng trầm nảy sinh từ các vấn đề quyền tự do và nhân quyền, vốn được châu Âu rất quan tâm. Trong khi đó, trong những năm 1980, hợp tác Trung Quốc-châu Âu là bằng không và chỉ bùng nổ kể từ khi Trung Quốc trở thành thành viên WTO vào tháng 12/2011.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Jonathan Holslag, hợp tác chiến lược giữa hai thực thể này có đặc điểm là mục tiêu của hai tác nhân đối nghịch nhau. Việc phân chia nhiệm vụ, vốn là cơ sở cho hợp tác đó, đã thay đổi nhiều, đặc biệt là trong khoảng mười năm trở lại đây. Trong khi Trung Quốc mở rộng được thể cạnh tranh ở các thị trường châu Âu, thì EU vẫn không chịu sử dụng đầy đủ thế mạnh cạnh tranh của mình. Điều đó phần nào giải thích tại sao sức cạnh tranh của Trung Quốc tăng lên, còn của EU thì lại thu hẹp như miếng da lừa.

Trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và EU tăng 400%, từ 101 tỷ euro (năm 2000) lên 395 tỷ euro (năm 2010). Tuy nhiên, Trung Quốc là bên có được số dư : 112 tỷ euro hàng hóa của châu Âu xuất sang Trung Quốc (năm 2010) so với 282 tỷ euro hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Thâm hụt thương mại của châu Âu chủ yếu là lĩnh vực hàng công nghiệp, chiếm tới 94,6% lượng hàng nhập khẩu của EU, với 193 tỷ euro, có lợi cho Trung Quốc.

Nhưng ngoài các con số gây choáng ngợp đó, các nhà lãnh đạo châu Âu muốn đưa ra một số trở ngại có tính pháp lý và chính trị gây phương hại tới cuộc chơi cạnh tranh giữa hai đối tác, bất lợi cho doanh nghiệp châu Âu. Các nước châu Âu phê phán Chính phủ Trung Quốc sử dụng biện pháp bán phá giá kinh tế bằng cách trợ giá cho doanh nghiệp nước mình, cụ thể là trong lĩnh vực chế tạo xe hơi và công nghiệp nặng. Cũng như vậy, việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ yếu kém khiến doanh nghiệp châu Âu khó mở rộng được hoạt động ở Trung Quốc. Tóm lại, các nước châu Âu phê phán Trung Quốc không tôn trọng luật chơi mặc dù đã gia nhập WTO. Họ cũng cho rằng nạn quan liêu ở Trung Quốc (và nạn tham nhũng) là một trở ngại thực sự đối với phát triển hợp tác song phương lành mạnh và cân bằng.

Để bảo vệ mình, Trung Quốc cho rằng việc mở cửa hoàn toàn thị trường của mình, hoặc tự do hóa thị trường, cần phải có thời gian và đi từng bước. Vì vậy, Trung Quốc muốn doanh nghiệp của mình, trong lĩnh vực chế tạo xe hơi hay viễn thông, nắm đa số (51%) trong hợp tác và hệ thống liên doanh. Trung Quốc còn đưa một lý lẽ khác, được Bắc Kinh cho là quan trọng, để bảo vệ chính sách thương mại của mình: một phần số dư thương mại của Trung Quốc đối với châu Âu có được là nhờ xuất khẩu của doanh nghiệp châu Âu đặt (hay được chuyển sang) tại Trung Quốc. Điều đó dẫn đến kết luận lạ lùng sau : doanh nghiệp châu Âu hoạt động ở Trung Quốc xuất khẩu nhiều sang châu Âu và đẩy con số xuất khẩu của Trung Quốc lên, trong khi họ mang phần lớn vốn của mình về châu Âu. Nhưng ủy ban châu Âu không chấp nhận lý lẽ đó.

Ngày 6/6, mức thuế 11,8% đối với tấm pin mặt trời Trung Quốc nhập khẩu vào EU bắt đầu có hiệu lực. Mục tiêu của ủy ban châu Âu là gì? Liệu thể chế này có tuân thủ lôgích bảo hộ mậu dịch không? Theo bà Sylvie Matelly, Giám đốc nghiên cứu Viện quan hệ quốc tế và chiến lược Pháp (IRIS), mục tiêu của ủy ban châu Âu rõ ràng là bảo vệ doanh nghiệp của châu Âu vì lĩnh vực này đang trong cơn khủng hoảng và bị đe dọa nghiêm trọng bởi tình trạng bán phá giá – nếu bán phá giá là có thật – và trong mọi trường hợp, bởi giá bán quá rẻ của hàng Trung Quốc. Như vậy, vấn đề là bảo vệ một lĩnh vực kinh tế được coi là một lực đẩy đối với tăng trưởng tiềm tàng và tạo việc làm. Trong chính sách năng lượng và chuyển giao năng lượng ở EU, ván cá cược là tạo sức năng động cho lĩnh vực năng lượng tái tạo để tạo việc làm, tăng trưởng kinh tế… Trên quan điểm đó, châu Âu đang áp dụng chính sách bảo hộ mậu dịch. Mặt khác, lập luận được Brúcxen và các nước ủng hộ biện pháp này đưa ra là có bán phá giá, nghĩa là Trung Quốc bán lỗ để giành giật thị trường. Điều đó hoàn toàn bị cấm theo các quy định lớn về thương mại quốc tế, vì đó là cạnh tranh không lành mạnh.

Vấn đề nảy sinh là các nước thành viên EU đặc biệt bị chia rẽ về biện pháp chống bán phá giá. Giải thích tình hình đó, chuyên gia Sylvie Matelly cho biết lúc đầu, biện pháp này đúng ra nhận được sự đồng thuận của các nước EU. Ý tưởng ban đầu là hỗ trợ các doanh nghiệp chế tạo tấm pin mặt trời để châu Âu không bị tràn ngập bởi sản phẩm cùng loại của Trung Quốc được bán với giá không ai địch nổi. Nhưng rồi cuộc khủng hoảng nổ ra cũng như các quyết định chiến lược đặc trưng khác – như việc Đức từ bỏ hạt nhân – dẫn đến tình trạng các nước châu Âu không thể thống nhất được với nhau.

Hiện nay, lợi ích khác nhau giữa các nước châu Âu về vấn đề này đã xuất hiện. Thứ nhất là lợi ích của các nhà sản xuất tấm pin mặt trời, đang trong cơn khủng hoảng vì số thu của châu Âu đang chững lại trong khi cầu giảm, và sẽ được lợi nếu giá tấm pin mặt trời giảm. Đối với các nhà sản xuất này, bán tấm pin mặt trời do Trung Quốc chế tạo là món lợi Trời cho thực sự.

Trong trường hợp của Đức, một yếu tố thứ hai được tính tới. Nước này bù đắp một phần lớn mức cầu quá yếu của châu Âu bằng cách xuất khẩu sang châu Á nói chung, Trung Quốc nói riêng, trong những năm gần đây. Xuất khẩu của Đức sang Trung Quốc trị giá gần 70 tỷ euro vào năm 2012, tức gần bằng 6% ngoại thương của mình. Như vậy, tránh cuộc chiến thương mại bằng mọi giá là một cái gì đó rất cơ bản đối với Đức. Những chọn lựa về năng lượng của nước này cũng tác động mạnh đến lập trường của Đức. Việc từ bỏ hạt nhân, theo ý kiến chung, là hơi nhanh và không dự tính trước. Sự phụ thuộc về năng lượng của Đức vào nhập khẩu than, dầu mỏ và khí đốt đang gia tăng, thậm chí đến mức gây lo ngại. An toàn của việc cung ứng, không những đối với năng lượng mà cả nguyên liệu để sản xuất nguồn năng lượng tái tạo không hề được bảo đảm về trung hạn… Như vậy, việc nhập khẩu hàng Trung Quốc với giá thấp hơn sớm muộn cũng có thể trở thành món lợi Trời cho đối với Đức.

Cuối cùng, hiện nay rõ ràng là có khuynh hướng vạch lá tìm sâu ở khắp nơi trong tình hình khủng hoảng kéo dài và không có lối thoát. Cũng như Mỹ từng bêu xấu Trung Quốc và sự cạnh tranh của nước này trong thời gian gần đây, các nước châu Âu cũng đi theo con đường này. Đó là dấu hiệu không tốt cho tương lai của nền kinh tế thế giới trong bối cảnh hai bên đều có tham vọng toàn cầu dẫn đến căng thẳng song phương.

Hợp tác giữa EU và Trung Quốc, về bản chất, mang tính kinh tế, bao gồm các đối tác có lợi ích, triển vọng và lịch trình không giống nhau. Trong khuôn khổ hợp tác đó, EU được cho là cho phép Trung Quốc đạt được trình độ ngang mình và, trong bối cảnh toàn cầu hơn, thu hút Trung Quốc vào hệ thống của phương Tây. Về phần mình, Bắc Kinh trái lại tìm cách chia rẽ hệ thống phương Tây và đuổi kịp Mỹ.

Về nhiều điểm, cụ thể là tình hình nhân quyền và môi trường, hai đối tác còn cách nhau nhiều năm ánh sáng. Động lực truyền thống và lịch sử của mối quan hệ song phương, đặc biệt là quan hệ thương mại, trở nên ngày càng khó kiểm soát. Mục tiêu của châu Âu là tăng cường trao đổi thương mại và đẩy mạnh khái niệm thị trường tự do, trong khi Trung Quốc nhằm mục đích tự mình sản xuất các loại hàng hóa trước đây phải nhập khẩu. Mối quan hệ kinh tế giữa hai bên dựa trên khái niệm phân chia lao động và châu Âu dường như dần dần bị mất lợi thế trong lĩnh vực này.

Trong mối quan hệ hợp tác tay đôi Trung Quốc-EU, chuyên gia Jonathan Holslag tin rằng phân chia lao động giữa hai đối tác đã bị biến dạng. Trung Quốc qua thời gian có được sức cạnh tranh cao hơn, còn châu Âu đang mất dần lợi thế so sánh. Lợi thế so sánh là một khái niệm theo đó một nước có thể sản xuất và xuất khẩu có lợi cho mình một loại hàng hóa và dịch vụ nào đó và nhập khẩu hàng hóa khác từ nơi khác về. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là xem xét lại việc phân chia lao động đó. Trung Quốc tiến những bước rất dài và nhanh chóng nắm giữ tri thức công nghệ. Nước này ngày càng trở thành đối thủ lấn át ở tất cả các thị trường châu Âu. Hơn nữa, tình trạng mất cân đối trong mối quan hệ kinh tế Trung Quốc-EU là vì Trung Quốc sản xuất quá nhiều hàng hóa, một phần khác là do đồng tiền có giá trị thấp giúp sản phẩm của Trung Quốc bán được rẻ hơn hàng hóa của các nước khác và, cùng lúc đó, châu Âu đang trong giai đoạn tiêu thụ quá nhiều.

Dĩ nhiên EU tiêu thụ nhiều hơn nhu cầu. Đồng thời, Trung Quốc đầu tư quá mức vào các ngành công nghiệp của mình. Tình hình đó không thể kéo dài được lâu. Với cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Âu và việc các ngân hàng Trung Quốc mua ồ ạt các món nợ độc hại, rõ ràng là hợp tác song phương khó có thể bền lâu. Nhận xét của chuyên gia Jonathan Holslag làm nảy sinh một câu hỏi: EU và Trung Quốc làm thế nào để giải quyết tình hình đó?

Sau quyết định của ủy ban châu Âu, Trung Quốc dọa sẽ áp thuế phụ thu đối với rượu vang châu Âu. Đối với chuyên gia Sylvie Matelly, có thể nói đó là bước khởi đầu của cuộc chiến thương mại vì tình hình hiện nay giống cuộc chiến thương mại một cách lạ lùng. Điều này đã từng xảy ra giữa châu Âu và Mỹ từ những năm 1960, nhưng ít hơn với châu Á – tuy đã xảy ra với Nhật Bản trong những năm 1990. Các vụ việc đó vẫn luôn nổ ra giữa các đối tác có vai trò chủ chốt với nhau, với mức độ phụ thuộc lẫn nhau rất cao. Năm 2012, châu Âu là đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc và ngược lại, trước cả Mỹ.

Cả Bắc Kinh và Brúcxen đều cho rằng không nên để khó khăn và bất đồng chính trị hiện nay gây phương hại tới tương lai của cả hai bên. Các công trình nghiên cứu chiến lược cho thấy từ nay đến năm 2025, Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế hàng đầu thế giới về lượng tiêu thụ hàng hóa, hơn nữa vì nước này có một tầng lớp trung lưu lớn hơn về số lượng so với của EU. Từ đó mới có ý tưởng về một “Hiệp ước đầu tư” để làm khuôn khổ cho mối quan hệ kinh tế và thương mại. Hiện nay, Trung Quốc nói sẵn sàng giúp EU nhiều hơn nữa trong việc giải quyết hậu quả cuộc khủng hoảng nợ công. Trung Quốc đã tham gia mua lại một số món nợ của châu Âu và góp 43 tỷ USD vào Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và, theo đề nghị của EU, hỗ trợ – Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM). Tại Brúcxen, hai bên đã ký 4 thỏa thuận về phát minh, cạnh tranh, công nghiệp vũ trụ và môi trường.

Ván cá cược là rất lớn. Chính vì vậy, mối đe dọa và các vụ tấn công cũng nổ ra, nhưng có thể cũng vì thế mà cuộc chiến thương mại trên thực tế sẽ không xảy ra. Cả hai bên đều muốn gia tăng áp lực để đến bàn thương lượng với một vị thế vững chắc hơn và không tỏ ra yếu thế. Cũng chính vì vậy, một khi đã ngôi vào bàn thương lượng, hai bên sẽ thảo luận và đạt được thỏa thuận vì cả EU lẫn Trung Quốc đều không được lợi nếu cuộc chiến thương mại xảy ra. Đó sẽ là thảm họa đối với cả tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc và châu Âu./.



1 comment:

View My Stats