Thursday 1 August 2013

HOA KỲ "CỰC KỲ THẤT VỌNG" KHI NGA CUNG CẤP QUY CHẾ TỊ NẠN CHO SNOWDEN (VOA / RFI)





Thanh Hà  -  RFI
Thứ năm 01 Tháng Tám 2013

Trước áp lực của Quốc hội, Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ (ODNI) ngày 31/07/2013 đã phải công bố một số hồ sơ được coi là « tối mật » của ngành tình báo Hoa Kỳ. Đấy là những hồ sơ đã từng được cựu nhân viên tình báo Edward Snowden tiết lộ. Theo đó Cơ quan Anh ninh Quốc gia Hoa Kỳ đã thu thập được thông tin cá nhân qua các trang mạng xã hội, hộp thư điện tử để theo dõi hoạt động của một số công dân Mỹ.

Nhưng nỗ lực « minh bạch hóa » các hoạt động tình báo của NSA hơn hai tháng sau những tiết lộ của Snowden đã bị hủy hoại. Cũng ngày hôm qua, tờ báo Anh, The Guardian lại đăng thêm thông tin đã được Snowden cung cấp liên quan đến một chương trình theo dõi còn quy mô hơn. Chương trình đó mang tên Xkeyscore. Gần như không một người sử dụng internet nào thoát khỏi « tai mắt của NSA » với chương trình Xkeyscore nói trên.

Thông tín viên đài RFI Karim Lebhour từ New York :
« Edward Snowden lại tiết lộ thêm những thông tin mới. Nhật báo Anh, The Guardian trích dẫn một chương trình bí mật của Mỹ mang tên Xkeyscore. Chương trình này cho phép Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, NSA, theo dõi một cá nhân qua 500 máy chủ trên khắp thế giới để biết tất cả những hành vi của người đó khi họ truy cập internet hay chỉ đơn giản là viết thư điện tử.
Chương trình Xkeyscore được tiết lộ vào lúc tại Thượng viện Mỹ vào ngày 31/07/2013, lãnh đạo cơ quan NSA công bố ba hồ sơ « tối mật » liên quan đến cách thức chính quyền thu thập các thông tin cá nhân qua điện thoại. Ba hồ sơ đó không cung cấp thêm thông tin so với những gì đã được Edward Snowden tiết lộ. Tuy nhiên chúng cho thấy rõ tầm mức quan trọng và quy mô của các chương trình theo dõi, thâm nhập đời tư của các cá nhân ở Mỹ. Một số các dân biểu Hoa Kỳ chỉ trích chính quyền Obama đã coi trọng quá đáng nhu cầu theo dõi dân chúng Mỹ như các tiết lộ của Snowden đã cho thăy.
Bầu không khi ở Washington rất căng thẳng. Tuần trước, trong một cuộc biểu quyết với kết quả sát sao, Hạ viện đã bác bỏ một dự luật nhằm thu hẹp quyền hạn của Cơ quan An ninh Quốc gia ».

Quy chế tỵ nạn
Edward Snowden được Nga cấp quy chế tỵ nạn và đã rời khỏi sân bay Matxcơva
Luật sư của Snowden vào trưa ngày 01/08/2013 cho biết như tên. Sau hơn một tháng khi đến Matxcơva, cựu nhân viên tình báo Mỹ đã rời khỏi sân bay Cheremetievo và tạm thời được hưởng quy chế tỵ nạn của Nga. Chỗ ở của Snowden không được thông báo. Washington tới nay luôn đòi Matxcơva cho dẫn độ Snowden về Mỹ. Nhưng trước mắt phủ tổng thống Nga cho biết lịch trình công du nước Nga của tổng thống Barack Obama vẫn không thay đổi. Trên nguyên tắc tổng thống Mỹ sẽ đến dự thượng đỉnh G20 vào đầu tháng 9 tới đây tại Saint Petersbourg.

-----------------------------------------


01.08.2013

Các giới chức Tòa Bạch Ốc Hoa Kỳ nói rằng họ “cực kỳ thất vọng” trước quyết định của Nga cấp quy chế tỵ nạn cho Edward Snowden, cựu nhân viên tình báo làm theo hợp đồng cho chính phủ Hoa Kỳ đã tiết lộ những bí mật quốc gia.

Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Jay Carney hôm thứ Năm nói rằng hành động của Nga làm giảm bớt thành tích của Nga đã từng hợp tác với ngành công lực Hoa Kỳ từ trước tới nay:

“Chúng tôi cực kỳ thất vọng chính phủ Nga đã ra quyết định này, mặc dù chúng tôi đã thỉnh cầu rõ ràng và hợp pháp, công khai cũng như riêng tư, để dẫn độ ông Snowden về Mỹ đối mặt với các cáo trạng về ông.”

Phát ngôn viên Carney gọi Snowden là một mối nguy về an ninh, đang nắm nhiều tài liệu mật tại Trung Quốc và Nga. Ông nói tiếp:

“Ông Snowden không phải là người tố giác những chuyện sai trái. Ông ta đã tiết lộ các thông tin bí mật, đã bị khởi tố, do đó cần phải được dẫn độ về Mỹ càng sớm càng tốt, tại đây ông ta sẽ được hưởng đầy đủ quyền được xét xử theo đúng pháp luật quy định.”

Ông Carney cho hay các cố vấn của Tổng thống Obama đang thảo luận xem tổng thống có nên tiếp tục lịch gặp Tổng thống Vladimir Putin tại Nga, khi đến dự hội nghị thượng đỉnh G20 tại St. Petersburg tháng 9 hay không.

Ông trách Nga không thông báo trước cho Mỹ quyết định cấp quy chế tỵ nạn cho Snowden, bởi vì đây không chỉ thuần túy là một vấn đề luật pháp mà còn là quan hệ hai nước.

Vụ này càng làm quan hệ hai nước vốn căng thẳng về nhiều đề tài, trong đó có Syria.

Một số nhà làm luật Hoa Kỳ yêu cầu Tổng thống Obama nên có một lập trường cứng rắn sau vụ này, ví dụ như tẩy chay Olympic Mùa Đông 2014 tại thành phố du lịch Sochi của Nga.


No comments:

Post a Comment

View My Stats