Thursday, 1 August 2013

NGƯỜI BIỂU TÌNH VIỆT NAM & PHILIPPINES SÁT CÁNH CHỐNG TRUNG QUỐC (Nguyễn Trung - VOA)




Nguyễn Trung   -   VOA
01.08.2013

Người Philippines mới đây đã xuống đường ở nhiều nơi trên thế giới để phản đối chính sách gây hấn của Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế của nước này ở biển Đông mà chính quyền Manila gọi là Biển Tây Philippines.

Ông Roilo Golez, cựu dân biểu đồng cố vấn an ninh quốc gia Philippines, cho VOA Việt Ngữ biết rằng cuộc biểu tình nhằm mục đích cho thế giới biết về ‘những vi phạm của Bắc Kinh bên trong lãnh thổ của chúng tôi’.

Thành viên ban tổ chức thuộc Liên minh Biển Tây Philippines này còn cho hay, thông qua cuộc tuần hành, người dân muốn bày tỏ ủng hộ đối với chính sách của nhà nước trước sự xâm phạm của Trung Quốc.

Lẫn trong số hàng trăm người biểu tình vẫy cờ và hô vang khẩu hiệu phản đối trước các cơ sở ngoại giao Trung Quốc ở thủ đô Manila hôm 24/7, có một số người Việt Nam, trong đó có blogger Nguyễn Lân Thắng.

Blogger này nói với VOA Việt Ngữ rằng ông cảm thấy ‘vô cùng sung sướng khi đứng cùng người dân người dân Philippines để phản đối Trung Quốc xâm lược’.

Ông nói: “Một điều rất trớ trêu là, tôi đã tham gia rất nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội, nhưng hầu hết các cuộc biểu tình đó bị nhà nước trấn áp. Tôi đã chứng kiến những hành động rất là bạo lực đối với người biểu tình. Còn ở Philippines, nhà nước đã đứng đúng cái vị trí của họ, đó là người giữ trật tự, không để xảy ra bạo lực. Họ hoàn toàn không can thiệp vào quyền biểu tình, quyền bày tỏ chính kiến của người dân”.

Ông Thắng cho hay đã nhận được một lá thư kêu gọi người Việt Nam sát cánh với nhân dân Philippines để phản đối các hành động của Bắc Kinh.

“Chúng tôi kêu gọi các bạn hữu Việt Nam, với truyền thống bảo vệ chủ quyền đất nước, hãy cùng với người Philippines nỗ lực bảo vệ quyền lợi của hai nước trước sự hung hãn của Trung Quốc”, lá thư có đoạn.

“Chúng ta không chống lại nhân dân Trung Quốc mà chống lại chính sách phi pháp của chính phủ Trung Quốc tại vùng biển ở Đông Nam Á”.


Ông Golez nói rằng sự hợp lực của người Việt Nam cho thấy ‘Philippines không đơn độc’.

Ông nói: “Việt Nam hiện phải đối mặt với các vấn đề tương tự như chúng tôi trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Những gì Việt Nam vấp phải có khi còn khó khăn hơn chúng tôi vì trong lịch sử của mình, Việt Nam phải nhiều lần chống chọi với sự hiếu chiến của Trung Quốc. Cuộc hải chiến giữa hai bên ở Hoàng Sa năm 1974 làm hơn 70 binh sĩ hải quân Việt Nam thiệt mạng là một ví dụ. Sẽ là điều tốt nhất nếu các quốc gia có tranh chấp với Trung Quốc cùng hành động”. 

Cựu giới chức còn cho VOA Việt Ngữ biết rằng tinh thần dân tộc đang ngày càng mạnh lên ở Philippines, và tổ chức của ông không chỉ hoạch định các cuộc biểu tình rầm rộ mà còn tuyên truyền ở các trường học cũng như cộng đồng  về những gì đang xảy ra tại Biển Tây Philippines.

Đại diện phía Việt Nam nhận thư cho rằng lời mời của Liên minh Biển Tây Philippines đối với nhân dân Việt Nam là ‘một việc hết sức có ý nghĩa’.

Ông Thắng nói: “Không phải chỉ riêng Philippines và Việt Nam mà còn rất nhiều nước nhỏ khác đang có quyền lợi trên biển Đông. Nếu như người biểu tình Việt Nam và Philippines có thể kết hợp với nhau thì rất có thể đó là một hình mẫu để những nước nhỏ khác trong khu vực có thể đồng lòng bắt tay với nhau thực hiện các cuộc phản kháng lớn trước các đại sứ quán ở Trung Quốc trên khắp phạm vi khu vực mà thậm chí là lan cả tới các khu vực khác trên thế giới. Tôi nghĩ đó sẽ là tiếng vang rất lớn”.

Theo ông Golez, Liên minh Biển Tây Philippines đang lập kế hoạch tổ chức các cuộc biểu tình chống Trung Quốc trong tương lai gần.

Tại Việt Nam, từng xuất hiện các cuộc phản đối chính quyền Bắc Kinh ở các thành phố lớn nhưng đều nhanh chóng bị giải tán.

Ông Thắng cho rằng hiện chưa có một tổ chức dân sự nào ở Việt Nam có khả năng như ở Philippines.

“Về việc đáp ứng lời kêu gọi đó, phải nói là ở Việt Nam, bây giờ chưa có tổ chức dân sự nào  thực sự  có tổ chức bài bản giống như ở Philippines bởi vì xã hội dân sự ở Việt Nam đang còn bị hạn chế, bị ngăn trở rất nhiều", ông Thắng nói.

"Ngay như đội bóng No-U FC là nơi tập trung những người biểu tình chống Trung Quốc xâm lược, tham gia sinh hoạt thể thao, mà chúng tôi cũng bị công an ngăn cản. Rất nhiều lần chúng tôi phải di chuyển nơi sinh hoạt của mình vì công an tới can thiệp với các chủ sân. Thế nên, để có một tổ chức tương đương đứng ra đáp lời kêu gọi của Liên minh biển Tây Philippines là một điều rất khó. Hiện tại tôi chưa thấy tổ chức dân sự nào đủ khả năng, đủ tầm vóc để đáp lại lời kêu gọi này”.

Hồi đầu năm nay, Philippines đã đưa vụ tranh chấp ở biển Đông với Trung Quốc ra tòa trọng tài quốc tế.

Trong cuộc phỏng vấn dành riêng cho VOA Việt Ngữ sau đó, ông Paul Reichler, luật sư đại diện của chính quyền Manila, cho rằng quyền lợi của Việt Nam ‘hoàn toàn giống với hai điểm chính mà Philippines mang ra tòa’.

Ông Reichler nói thêm: “Bản thân Việt Nam phải tự quyết định sẽ phải làm gì để ứng phó với âm mưu của Trung Quốc nhằm thâu tóm toàn bộ biển Đông. Giải pháp nhờ tòa trọng tài phân xử của Philippines dĩ nhiên là một giải pháp mà Việt Nam có thể cân nhắc”.

Mới đây, trả lời các học giả tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở thủ đô Washington nhân chuyến thăm Hoa Kỳ, Chủ tịch Trương Tấn Sang tuyên bố rằng Việt Nam ‘nói trắng ra là phản đối đường lưỡi bò’.

Về việc Manila đưa Trung Quốc ra tòa, ông Sang nói: “Đó là thẩm quyền của Philippines. Chúng tôi hoàn toàn tôn trọng Philippines. Với tư cách là thành viên ASEAN và với tư cách là thành viên đầy đủ của Liên Hiệp Quốc, các bạn Philippines có toàn quyền. Chúng tôi không bình luận thêm nữa”.

Trong khi đó, blogger Thắng nói rằng việc Việt Nam đi theo Philippines là ‘mong ước của nhân dân’.

“Nhưng việc đưa ra tòa án quốc tế lại là việc của nhà nước. Hiện nay chính phủ Việt Nam không có ý định đó. Nhân dân Việt Nam muốn nhưng chính phủ Việt Nam không muốn thì làm thế nào? Đấy là một câu hỏi rất lớn”, ông Thắng nói.

Trong một diễn biến mới nhất, hôm 1/8, Việt Nam và Philippines đồng ý hợp tác giải quyết tranh chấp với Trung Quốc sau cuộc gặp tại Manila giữa các giới chức ngoại giao hàng đầu của hai bên.





No comments:

Post a Comment

View My Stats