Saturday, 3 August 2013

“TỰ TRÓI” GIỮA BIỂN ĐÔNG? (Bùi Văn Bồng)




Bùi Văn Bồng
Thứ sáu, ngày 02 tháng tám năm 2013

Việc Trung Quốc chuẩn bị xua hàng chục nghìn tàu cá ‘vơ vét’ hải sản  trên Biển Đông đang gây dư luận ở khu vực và trên thế giới. Theo tin từ Nam Phương Nhật báo, khoảng 9.007 tàu đánh cá của tỉnh Hải Nam đã kết thúc giai đoạn sửa chữa và  sẽ  tiến vào Biển Đông trong vài ngày tới.

Tờ báo còn loan tin các tàu thuyền trên vùng biển duyên hải Quảng Đông (Trung Quốc) rất dày đặc nên sẽ có nhiều tàu cá ra biển đánh bắt ngay khi lệnh cấm kết thúc. Kế hoạch xâm lấn Biển Đông này một lần nữa cho thấy những tuyên bố “thực hiện đúng DOC” và “đang thúc đẩy ký kết COC” từ các quan chức của chính quyền Bắc Kinh không đi đôi với hành động của họ, nhất là khi chỉ còn một tháng nữa, Trung Quốc và ASEAN sẽ tiếp tục có cuộc họp cấp cao để đàm phán về việc ký kết Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông.

           Trước đó, bắt đầu từ tháng 7/2013 Trung Quốc chính thức thống nhất 4 lực lượng công vụ bán vũ trang trên biển thành Cảnh sát biển Trung Quốc với số lượng hùng hậu nhất từ trước đến nay và được trang bị vũ khí, phương tiện mạnh hơn để thực hiện cái gọi là tuần tra, chấp pháp ở các vùng biển tranh chấp trên Biển Đông và Biển Hoa Đông. Trong mấy tháng qua hàng trăm chiếc tàu tuần tra của các lực lượng này đã được sơn lại, một số tàu được trang bị vũ khí hạng nặng và tất cả nhân viên thay đồng phục Cảnh sát biển - một lực lượng bán quân sự. Trung Quốc đã sơn lại toàn bộ các tàu Hải giám, Ngư chính, Hải quan và Cảnh sát biển thành một loại thống nhất, Cảnh sát biển Trung Quốc, sơn trắng, 1 sọc đỏ đậm 4 sọc xanh lam nghiêng trên thân tàu cho "hợp tiêu chuẩn quốc tế. Một phần của chiến lược nguy hiểm này, trong năm nay Trung Quốc bắt đầu thực thi các quy định mới (vô lý, phi pháp và do Bắc Kinh tự đặt ra) cho phép tàu Cảnh sát biển Trung Quốc hộ tống, hoặc trục xuất tàu nước ngoài trên hầu hết các khu vực thuộc Biển Đông.

Một động thái khác, theo Reuters, hai tập đoàn dầu khí của Trung Quốc này sẽ khai thác lô 35/10 tại Bể Sông Hồng trên Biển Đông với tổng diện tích 3.427km 2 và nằm ở độ sâu từ 80-110m dưới mực nước biển. Trong đó, Shell sẽ tiến hành khảo sát địa chất và chịu mọi chi phí trong giai đoạn thăm dò. Tỷ lệ ăn chia của lô hợp đồng này là 51% dành cho CNOOC và 49% dành cho Shell. Đây là khu vực nằm ở phía bắc Biển Đông, thuộc Vịnh Bắc Bộ, có dạng hình thoi kéo dài từ miền võng Hà Nội ra Vịnh Bắc Bộ và vùng biển miền Trung nước ta.

            Mới hôm qua (1-8), Chi cục Hải quan sân bay Quốc tế Đà Nẵng phát hiện và ngăn chặn kịp thời nhiều vụ người Trung Quốc mang váo Việt Nam bản đồ thể hiện “đường lưỡi bò” phi pháp, các ân phẩm in ‘thành phố Tam Sa’, ấn phẩm in hình bản đồ Việt Nam không có Hoàng Sa, Trường Sa. Theo Chi cục Hải quan Sân bay quốc tế Đà Nẵng, các ấn phẩm và bản đồ nêu trên thể hiện sai chủ quyền quốc gia Việt Nam, vi phạm quy định hoạt động báo chí, xuất bản và xuất nhập khẩu văn hóa phẩm. Hiện cơ quan chức năng lập biên bản tạm giữ toàn bộ ấn phẩm, bản đồ trên và tiếp tục xử lý vi phạm hành chính theo quy định pháp luật.

            Thời gian gần đây, Trung Quốc triển khai nhiều kế hoạch “cùng khai thác”, không chỉ với Việt Nam mà còn với một số nước khác có lãnh hải trên Biển Đông. Ai cùng biết, khai thác chung, hoặc “gác tranh chấp cùng khai thác” là một trong chiến lược “Ba bước lấn tới” (chiến lược 'Sói gửi chân') của Trung Quốc, khai thác chung rồi chiếm luôn, nằm trong sách lược “xâm lược mềm”, âm mưu “bất chiến tự nhiên thành”...

Hôm thứ Tư 31/7, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói Trung Quốc muốn gác tranh chấp, cùng khai thác, nhưng tái khẳng định chủ quyền đối với phần lớn Biển Đông. Kênh truyền hình trung ương của Trung Quốc dẫn lời ông Tập nói: "Chúng ta cần nhắc lại rằng chủ quyền thuộc về chúng ta, nhưng chúng ta có thể gác tranh chấp, cùng khai thác, thúc đẩy hợp tác hữu nghị và cùng có lợi, tìm kiếm và mở rộng các lợi ích chung".

Việt Nam và Philippines là hai nước đang trực tiếp liên quan tới các tranh chấp gay gắt ở Biển Đông với Trung Quốc. Philippines đang phải giải quyết tranh chấp với Trung Quốc tại Biển Đông. Ông del Rosario cho hay Philippines và Việt Nam có chung quan điểm không chấp thuận dự án chung như thăm dò khai thác dầu khí với Trung Quốc nếu như Bắc Kinh tiếp tục khẳng định chủ quyền đối với các vùng biển này.

            Phân tích về Tuyên bố chung Việt-Trung ký ngày 21-6, tướng Nguyễn Trọng Vĩnh viết: “Về vấn đề trên biển, … hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của chúng ta, lãnh hải, thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta được xác nhận theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982. Phía Trung Quốc hoàn toàn không có gì, cái “lưỡi bò” do chính phủ Quốc Dân Đảng Trung Quốc tự vẽ không có giá trị, không được quốc tế thừa nhận, Trung Quốc chỉ to mồm tuyên bố khống chủ quyền gần hết biển Đông (trước đây gọi là biển Nam Trung Hoa). Họ không có gì lại đòi “hai bên đều có thể chấp nhận được”. Thật vô lý!

“…Nay trong bản tuyên bố chung, Trung Quốc ghi được: “thỏa thuận giữa Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Trung Quốc thiết lập đường dây nóng về các việc phát sinh đột xuất của nghề các trên biển… xử lý thỏa đáng các vụ việc phát sinh đột xuất… phù hợp với quan hệ hai nước”; “sử dụng tốt đường dây nóng quản lý, kiểm soát khủng hoảng trên biển giữa Bộ Ngoại giao hai nước, xử lý thỏa đáng các vấn đề nảy sinh với thái độ xây dựng…”.

 “Phối hợp” có nghĩa là đồng ý với những chủ trương của Trung Quốc. Trong các diễn đàn nói trên, các nước như Philippines, Malaysia, Singapore, Brunei thường nêu việc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của họ, họ đặt vấn đề không dùng vũ lực, sớm hoàn thiện và ký COC. Trong khi đó, vì “phối hợp” nên Trung Quốc cản được Việt Nam không nói gì đến thái độ và hành động của họ ở biển Đông, lĩnh vực mà trung Quốc ở thế yếu về chính trị và pháp lý trước dư luận…Việt Nam là nạn nhân chính trong vấn đề biển Đông mà không nêu ý kiến gì khiến các nước ASEAN có liên quan nghi ngờ thái độ của Việt Nam, ảnh hưởng đến sự đoàn kết thành một khối vững chắc giữa các nước bị xâm phạm chủ quyền để đối phó với chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc. Rõ ràng là bản “Tuyên bố chung” hoàn toàn lợi cho Trung Quốc còn phía ta lại bị ràng buộc bởi nhiều điểm trong các mục...

            Phân tích của tướng Nguyễn Trong Vĩnh trên đây rất đúng. Rõ ràng những câu chữ như thế này trong Tuyên bố chung có lợi cho ai? Và Việt Nam ký tức thì khác nào tự lấy dây trói mình: “Hai bên hoan nghênh Thỏa thuận sửa đổi liên quan tới Thỏa thuận thăm dò chung trong khu vực thỏa thuận ngoài khơi trong Vịnh Bắc Bộ được ký kết giữa doanh nghiệp hữu quan hai nước, nhất trí mở rộng diện tích khu vực thỏa thuận, kéo dài thời hạn thỏa thuận, cùng nhau thúc đẩy hoạt động thăm dò chung đối với cấu tạo dầu khí vắt ngang đường phân định trong Vịnh Bắc Bộ sớm đạt được tiến triển tích cực…Trước khi tranh chấp trên biển được giải quyết dứt điểm, hai bên nhất trí giữ bình tĩnh và kiềm chế, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp đồng thời sử dụng tốt đường dây nóng quản lý, kiểm soát khủng hoảng trên biển giữa Bộ Ngoại giao hai nước, xử lý thỏa đáng các vấn đề nảy sinh với thái độ xây dựng, không để các vấn đề này ảnh hưởng đến đại cục quan hệ Việt-Trung”…

           Sau Tuyên bố chung, Trung Quốc triển khai nhanh và đồng loạt nhiêu hoạt động âm lấn Biển Đông. Phải chăng, cần nhận diện: Với tuyên bố chung, Việt Nam dang “tự trói mình” một cách rất “hào phóng”, vô tư và mất cảnh giác trên Biển Đông?

BVB

------------------
Được đăng bởi Bùi Văn Bồng vào lúc 21:02



No comments:

Post a Comment

View My Stats