Thứ ba 27 Tháng Tám 2013
Chỉ 5 năm sau vụ khủng hoảng rồi Tổng suy trầm xuất phát
từ Hoa Kỳ và Âu Châu, hình như người ta đang chứng kiến một sự đảo lộn và nhiều
biến động tài chánh trên thế giới. Tư bản trước đây dồn về các thị trường
"đang lên", đặc biệt là về các nước khối BRICS, hiện lại đang chảy
ngược về Mỹ và Châu Âu, nơi mà các nền kinh tế đang hồi phục.
Năm năm trước, hai khối công
nghiệp hàng đầu là Âu Châu và Mỹ bị khủng hoảng tài chánh và trôi vào suy trầm
kinh tế tương tự như Nhật trước đó. Khi ấy, hàng loạt biện pháp kích thích của
Âu-Mỹ như hạ lãi suất, tăng chi và bơm tiền khiến đồng bạc mất giá, đi cùng hy
vọng khả quan hơn tại các thị trường gọi là "đang lên" khiến dòng tư
bản tài chánh "chảy về Đông", là từ khối Tây phương tiền chảy qua các
nước đang phát triển. Trong số này có bốn nước gọi tắt là B.R.I.C - Brazil ở
Nam Mỹ, Liên bang Nga, cùng Ấn Độ và Trung Quốc.
Thế rồi từ đầu năm nay, đà tăng
trưởng của Brazil chỉ còn 2% một năm sau khi sụt tới 1% vào năm ngoái. Kinh tế
Nga chỉ tăng 2% một năm dù có lợi thế là giá dầu thô đã vượt 100 đô la một
thùng. Ấn Độ thì có tốc độ tăng trưởng cao là hơn 11% năm 2010 và gần 8% vào
2011 mà năm ngoái chỉ còn 4%, trong khi lại sợ lạm phát và tham nhũng. Còn
Trung Quốc thì đã hết đà 10% của mấy chục năm và đang ngại một vụ hạ cánh nặng
nề trước khi bước vào thập niên suy sụp. Mà không chỉ có mấy xứ đó, nói chung
các nền kinh tế đang lên đã từng có mức tăng trưởng cao trong mấy năm qua đều
bị suy giảm nặng, kể cả Mexico, Indonésia, Mã Lai hay Việt Nam, v.v....
Trong khi ấy, khối công nghiệp
hóa Âu-Mỹ đã đụng đáy và bật dậy, dù chưa mạnh thì cũng hết bị khó khăn triền
miên và riêng Nhật Bản thì từ đầu năm nay đã thi hành một kế hoạch cải cách khá
táo bạo với nhiều dấu hiệu khả quan.
Khả quan nhất trong số này là
Hoa Kỳ nên từ Tháng Năm Chủ tịch hệ thống ngân hàng trung ương thông báo là tới
lúc điều chỉnh lại chính sách bơm tiền ào ạt với lưu lượng là mỗi tháng 85 tỷ
đô la. Dự tính ấy khiến phân lời trái phiếu tại Mỹ bắt đầu tăng và dẫn tới hậu
quả bất ngờ là dòng tư bản lại từ các nước đang phát triển chảy ngược về Mỹ và
Âu Châu, là nơi có lời hơn, khiến hối suất đồng bạc các nước đang phát triển
đều sụt.
Trung Quốc không mấy hài lòng
Chủ trương của Mỹ đã làm cho
Bắc Kinh phiền lòng. Vào hôm nay, 27/08, hai lãnh đạo cao cấp ngành tài chánh
Trung Quốc đã lên tiếng lưu ý Cục Dự trữ Liên bang Mỹ là nên xem xét kỹ lưỡng
thời điểm và mức độ giảm mua lại tài sản của mình sao cho các nền kinh tế mới
nổi khỏi bị thiệt hại.
Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc
Chu Quang Diệu (Zhu Guangyao) và Phó Thống đốc Ngân hàng trung ương Trung Quốc
Dịch Cương (Yi Gang) đã cảnh báo như trên vào lúc nhiều nền kinh tế mới nổi đang
phải đối mặt với tình trạng vốn nước ngoài đang tháo chạy ồ ạt do ảnh hưởng của
chính sách tiền tệ Mỹ.
Phát biểu về hội nghị thượng
đỉnh G20 vào hai ngày 04 và 05/09 sắp tới tại Nga, ông Chu Quang Diệu hoan
nghênh các dấu hiệu cho thấy là nền kinh tế Mỹ đang hồi phục dần dần, nhưng cho
rằng : « Hoa Kỳ - nước phát hành đồng tiền chính của thế giới - phải chú ý đến
các tác động phụ của chính sách tiền tệ của mình… ».
Tuần này, Tạp chí Kinh tế RFI
tìm hiểu hiện tượng đảo chiều phức tạp đó qua cuộc phỏng vấn chuyên gia kinh tế
Nguyễn-Xuân Nghĩa tại Hoa Kỳ.
RFI : Xin chào anh Nghĩa. Thưa anh, hơn
một năm trước, vào đầu Tháng Tư 2012, cũng trên diễn đàn này khi được phỏng vấn
về dự án thành lập một Ngân hàng Phát triển Quốc tế của nhóm BRICS gồm có
Brazil, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Nam Phi, anh có nêu ra sáu bảy lý do bất khả
về cả kinh tế lẫn chính trị của dự án này. Nhân đó, anh còn nói nhóm kinh tế
này lẫn các nền kinh tế gọi là "đang lên" thật ra không mạnh như cứ
được ca tụng và sẽ có triệu chứng suy trầm.
Quả nhiên là tình hình năm nay thiếu khả quan,
với hậu quả đang làm chấn động các thị trường tài chính vì dòng tiền nóng đang
triệt thoái khỏi các nền kinh tế đó và trở về khối kinh tế Âu-Mỹ. Tuần này,
chúng ta sẽ tìm hiểu thêm về các nguyên nhân lẫn hậu quả, cụ thể là liệu sẽ có
một vụ tư bản thiệt thoái và khủng hoảng như tại Châu Á vào năm 1997-1998 hay
chăng?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : - Thật ra tình hình còn quá sớm mà cũng lại khác
thời trước để chúng ta đoán là các nền kinh tế đang lên có bị một vụ khủng
hoảng như 16 năm trước hay không. Tôi xin bắt đầu bằng một cách nhìn đơn giản
để hiểu ra sự vận hành phức tạp của quy luật kinh tế giữa các nước, trong đó có
luồng vận chuyển của tư bản mà chúng ta đang quan tâm.
- Thứ nhất, khi đa số quốc gia
đều áp dụng quy luật thị trường và quyền tự do giao dịch để tạo ra của cải, thì
luồng tư bản của các nước cố tìm ra nơi đầu tư có lợi nhất và tránh nơi ít lời
hoặc lắm rủi ro. Luồng tư bản đó là tiền đầu tư của doanh nghiệp, của giới đầu
tư tài chính nhận tiền tiết kiệm từ công chúng để đặt vào nơi sinh lời và an
toàn. Khi đó, các nhà đầu tư này có thể trở thành chủ nợ nếu cho xứ khác vay
tiền. Một con số đáng lưu ý là từ khi các nước đang phát triển bắt đầu chuyển
hướng hơn 30 năm trước, họ tiếp nhận được một lượng tư bản rất lớn của các nước
giàu, cụ thể là từ khoảng 25 tỷ đô la vào năm 1980 lên tới 1.200 tỷ vào năm
ngoái.
- Thứ hai, trong đầu tư, ta có
loại trực tiếp là đem tiền vào xứ khác lập doanh nghiệp để sản xuất các mặt
hàng có lời nhất. Loại đầu tư trực tiếp này phải mất nhiều năm thực hiện mới có
kết quả nên không dễ tháo gỡ để triệt thoái. Một thí dụ ta cần sớm nhìn ra là
khi Trung Quốc hết tăng trưởng như xưa và lại mất dần lợi thế nhân công rẻ thì
xứ này hết là "công xưởng toàn cầu" như trong mấy chục năm qua. Khi
đó, giới đầu tư trực tiếp cần tìm nơi khác, nhưng sự xoay chuyển ấy sẽ chậm rãi
chứ không đột ngột như loại đầu tư gián tiếp, là loại đang làm chúng ta quan
tâm.
RFI : Anh dẫn từng bước là để nói đến
loại đầu tư đang gây quan ngại trên các thị trường. Thưa anh loại hình đầu tư
gián tiếp đó gồm có những gì ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : - Loại gián tiếp có thể gọi là đầu tư tài chính
và chủ yếu nhắm vào ba thứ khí cụ tài chánh, là cổ phiếu, trái phiếu và ngoại
tệ.
- Đầu tư vào cổ phiếu có thể
đem lại mức lời cao nhờ cổ tức hay tiền lời kinh doanh và nhờ sai biệt giữa giá
bán ra cao hơn giá mua vào, mà lại bị rủi ro cao. Đầu tư vào trái phiếu là đem
tiền cho vay từ ngắn đến dài hạn, với lợi tức gọi là cố định vì là phân lời,
"rendement" hoặc "yield", được trả cho trái chủ, là chủ nợ.
Quy tắc nên nhớ là trị giá trái phiếu hay giấy nợ xoay ngược với phân lời: khi
nghe nói giá trái phiếu tăng thì cũng có nghĩa là phân lời giảm, và trái
lại.
- Khí cụ thứ ba là ngoại tệ, sở
trưởng khai thác của các ngân hàng lớn, với trị giá tương đương hơn ngàn tỷ đô
la được trao đổi một ngày 24 tiếng trên toàn cầu. Loại hình đầu tư này là mua
vào một ngoại tệ và thanh toán bằng một ngoại tệ khác nên nó liên hệ đến đồng
bạc của hai nước. Loại đầu tư này có độ thanh khoản cao, tức là có thể đổi ra
tiền mặt rất nhanh, nên gây biến động lớn, là trường hợp xảy ra hiện nay với
một số quốc gia.
- Yếu tố đáng chú ý kia của
việc đầu tư vào ngoại tệ là người ta có thể vay tiền ở xứ có lãi suất rẻ để mua
ngoại tệ cho vay ở xứ có lãi suất cao hơn và kiếm lời nhờ sự sai biệt này.
Thuật ngữ kinh tế gọi đó là "carry trade", mà ta có thể tạm dịch là
"giao dịch lợi sai". Bây giờ, mình trở lại nội dung đích thực của vấn
đề, là khác biệt về triển vọng sinh lời ở từng nơi.
RFI : Sau khi anh trình bày quy tắc căn
bản như vậy, chúng ta trở lại thực tế của các thị trường. Đó là Hoa Kỳ đã tạm
hồi phục và sẽ đảo ngược hoặc ít ra tiết giảm dần biện pháp bơm tiền nên phân
lời trái phiếu trên thị trường Mỹ đã tăng vọt khi ngân hàng trung ương Mỹ thông
báo việc sẽ chuyển hướng, nhất là qua biên bản của kỳ họp lần trước của họ vừa
được công bố hôm 21. Trong khi ấy, tình hình kinh tế của nhiều quốc gia đang
phát triển lại có triệu chứng suy giảm và triển vọng sinh lời của giới đầu tư
hết còn sáng sủa như trước nên họ mới rời bỏ các thị trường này và đưa tiền qua
Mỹ, hoặc về Mỹ. Đấy có phải là một lý do chính hay chăng?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa đúng như vậy, nhưng chúng ta đi dần vào
chuyện rắc rối hơn.
- Cả ba loại khí cụ đầu tư nói
trên, là cổ phiếu, trái phiếu và ngoại tệ, thật ra đều có liên hệ với nhau vì
tùy vào tình hình kinh tế, kỳ vọng kiếm lời và kết tinh vào mức lãi suất. Bây
giờ, mỗi xứ lại bị chấn động nặng nhẹ khác nhau vì hoàn cảnh kinh tế tài chánh
của từng nước. Thí dụ như năm năm trước, các nước Á Châu đều đầy ứ tư bản tài
chánh khi Mỹ-Âu ào ạt bơm tiền và hạ lãi suất, nhờ vậy cổ phiếu và các ngoại tệ
Châu Á đều lên giá. Bây giờ thì như thủy triều rút ngược vì cổ phiếu nói chung
mất giá kể từ Tháng Năm. Một số nước còn bị trầm trọng hơn về ngoại hối nếu đã
bị nhập siêu và khiếm hụt cán cân vãng lai, như Ấn Độ, Indonésie, và Thổ Nhĩ
Kỳ.
- Khi đồng bạc mất giá so với
ngoại tệ khác mà mình lại thiếu ngoại tệ vì bị nhập siêu và hụt cân chi phó thì
càng khó bán ngoại tệ để vực giá đồng bạc. Khi kinh tế sa sút, như trường hợp
Brazil hay Ấn Độ, thì chẳng xứ nào dám nâng lãi suất để giữ khách vì lãi suất
cao lại cản trở sản xuất. Hoặc nếu bị lạm phát cao, cũng là trường hợp của
Brazil và Ấn Độ, thì chẳng ai dám phá giá đồng bạc để kích thích kinh tế hay
đẩy mạnh xuất cảng. Nghĩa là xứ nào mà có nhược điểm riêng như con bệnh đang
yếu sẵn thì cơn chấn động này có thể là dịch bệnh nguy ngập.
- Mà hoàn cảnh Á Châu nay cũng
khác, do sự thoái trào của Trung Quốc và suy trầm của nhiều xứ Châu Á khiến
nguyên nhiên vật liệu mất giá và các nước bán nguyên liệu bị tai họa hối đoái,
như Mã Lai Á, Thái Lan và Việt Nam. Vì thế, cơn chấn động lần này có khi lây
qua xứ khác chứ không chỉ là vấn đề của các nước đã nhận quá nhiều tư bản nóng
để đắp vào thiếu hụt kinh niên của họ nay bị suy sụp nặng khi luồng tư bản đó
lại từ Đông mà chảy về Tây.
RFI : Khi anh trình bày qua từng bước từ đơn giản đến
phức tạp mà lại nói rằng cơn chấn động hiện nay có thể lây lan qua xứ khác thì
liệu chúng ta có thấy tái diễn một vụ khủng hoảng Châu Á năm 1997 và dội qua
nước Nga rồi chuyển ngược vào Hoa Kỳ năm 1998 hay không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : - Vì mỗi thời mỗi khác nên tôi xin đơn cử vài thí
dụ để ta suy đoán thêm.
- Như năm 1991, Nhật bị suy
trầm và hạ lãi suất tới sàn khiến tư bản chạy ra ngoài kiếm lời theo kiểu
"carry trade". Rồi cơn động đất Kobe năm 1995 khiến tư bản Nhật giải
kết ở ngoài để rút tiền về tái thiết, nhưng lần đó, cơn chấn động không kéo
dài. Năm 1997 thì tình hình nguy kịch hơn cho Đông Á vì sự lạc quan hồ hởi của
các nước tân hưng, rồi sau cơn khủng hoảng, các nước bị nạn đều rút kinh nghiệm
và cải cách, nhất là Nam Hàn, nên có nền móng tương đối khá hơn. Chi tiết đáng
lo cho thời nay là dầu thô hiện đã quá trăm đồng một thùng chứ không chỉ ở
quãng vài chục đô la như trong vụ khủng hoảng 97-98 nên hậu quả nhập siêu quả
là rất đáng ngại.
- Thí dụ thứ ba là năm 2007,
khi vụ khủng hoảng tín dụng gia cư loại thứ cấp tại Mỹ bắt đầu, lãi suất Mỹ
giảm mạnh làm Nhật bị chấn động vì dồn tiền từ nơi chỉ có lãi suất là 0,50% vào
Hoa Kỳ để hưởng lãi suất hơn 5%. Khi Mỹ đảo ngược chính sách tiền tệ và hạ lãi
suất, nghiệp vụ carry trade của Nhật bị thiệt hại lớn và đồng Yen lên giá sau
đó càng gây thêm khó khăn cho kinh tế Nhật cho tới năm ngoái. Sau cùng, cũng
mới năm ngoái thôi, người ta cứ than là khối Âu-Mỹ cố hạ giá đồng bạc và gây ra
cuộc chiến về ngoại tệ để chiếm lợi thế xuất cảng, bây giờ thì thiên hạ lại sợ
tiền Mỹ lên giá làm các nền kinh tế đang lên sẽ lại sụp vì những khó khăn của
họ!
RFI : Hình như là các thí dụ vừa rồi của anh cho thấy
hai ba điều. Thứ nhất là luồng tư bản có thể chảy ngược, thứ hai, khi điều ấy
xảy ra, nền kinh tế nào mà có vấn đề ở bên trong thì sẽ bị hiệu ứng nặng nhất,
và nếu nhiều nền kinh tế lại bị cùng một lúc thì chúng ta dễ bị một vụ khủng
hoảng lan rộng. Mấy kinh nghiệm đó có giúp ích gì cho các nước bị nạn lần này
không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : - Tôi nghĩ chuyện đảo điên hay tái lập lại thất
quân bình là hiện tượng thường trực và tất nhiên của kinh tế. Khi tư bản chảy
khỏi các nền kinh tế có đà tăng trưởng thấp tại Hoa Kỳ và Âu Châu thì cũng tạo
cơ hội cho các nền kinh tế đang lên trong mấy năm liền. Nếu họ không nhân cơ
hội để vừa phát triển vừa cải tiến cơ chế mà cứ tưởng sẽ mãi mãi có tiền từ xứ
khác vào thì dễ bị khủng hoảng. Bây giờ, với nạn suy trầm, lương bổng và hối
suất sút giảm, nước nào có thể nhân chuyện này mà chấn chỉnh lại cơ cấu và nâng
sức cạnh tranh thì dễ ra khỏi khó khăn với nền móng lành mạnh hơn. Ăn thua là
lãnh đạo đừng gây thêm hốt hoảng và tránh nổi động loạn bên trong. Có lẽ các
nước đang phát triển mà có dân chủ thì dễ thoát hiểm nhất.
RFI : Xin cám ơn chuyên gia Nguyễn-Xuân Nghĩa đã trả lời từ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment