Thứ hai, ngày 19 tháng tám năm 2013
Bài viết này tôi vừa viết một mạch và đăng trên
facebook sau khi đọc bài trên báo Quân đội Nhân dân, nhưng thấy nội dung khá
nghiêm túc và muốn chia sẻ rộng rãi hơn như một lời đóng góp thực sự nên đưa
lên đây để rộng đường dư luận. Mong được những người có liên quan và có trách
nhiệm đọc và trao đổi.
------------------
Thưa ông/bà Trọng Đức,
Tình cờ tôi đọc được bài của ông/bà Trọng Đức viết
"đôi điều với tác giả 'viết trên giường bệnh'". Ai chưa đọc, xin đọc
ở đây: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/5/5/5/257875/Default.aspx.
Đọc xong bài của ông/bà, tôi thấy mình cũng cần phải
có đôi điều với ông/bà, và phải viết ngay trước khi bài của ông/bà được phổ
biến rộng rãi đến nhiều người. Vì theo tôi hiểu, ông/bà viết đôi điều với ông
Lê Hiếu Đằng, tác giả của 'viết trên giường bệnh' là để tranh luận với ông LHĐ
nhằm "làm thất bại diễn biến hòa bình" như tên gọi của cột báo nơi
đăng bài của ông/bà. Nhưng với cách viết của ông/bà thì tôi e rằng nó sẽ có tác
dụng ngược, vì những điểm ông/bà nêu ra để phản biện không những không
"đập tan được luận điệu ..." như báo chí, truyền thông của Đảng và
Nhà nước ta thường nói, mà e rằng nó lại càng củng cố thêm "luận
điệu" của họ.
Tôi
xin đưa một vài ví dụ.
1. Ý đầu tiên trong bài viết của ông liên quan đến
việc đối xử với tù nhân ở chế độ ta và các chế độ (phản động, thù địch?) khác.
Ông LHĐ kể lại một kinh nghiệm cá nhân của ông ấy, rằng ở chế độ cũ, ông ta
đang bị tù mà vẫn được chính quyền thời đó tạm trả tự do để đi thi, và đặt câu
hỏi là chế độ ta, là chế độ tự do, dân chủ gấp vạn lần các nước tư bản, có cho
phép điều ấy không?
Câu trả lời của ông/bà, xin được phép trích nguyên
văn, là như sau:
Thực tế, với tuổi đời như ông Đằng, chắc ông cũng
thừa hiểu, trong thế giới hiện nay, hầu như chẳng có nước nào, kể cả những nước
đang tự vỗ ngực là dân chủ và muốn áp đặt kiểu dân chủ của mình làm “khuôn
vàng, thước ngọc” cho toàn thế giới, cho phép tù nhân đang thụ án ra tù để đi
thi đại học. Ở Việt Nam cũng vậy.
Thực sự tôi chưa hiểu rõ ý ông/bà ở đây. Ông LĐH đã
đưa ra một ví dụ cụ thể về trường hợp của chính ông ấy được tạm trả tự do trong
thời gian ở tù để đi thi (tất nhiên phải có người bảo lãnh). Như thế tức là
việc ấy có tồn tại, ít ra là ở một nước (VN trong chế độ cũ). Vậy tại sao ông
lại khẳng định khơi khơi rằng "hầu như chẳng có nước nào [...] cho phép tù
nhân đang thụ án ra tù để đi thi đại học"? Ông đọc không kỹ, hay đọc mà
không hiểu?
Hay ông cho rằng LHĐ nói dối? Nếu vậy, xin ông tập
trung vào chất vấn ông LHĐ, đòi ông ấy đưa ra chứng cứ nhiều hơn để ông tin,
chứ sao lại đưa ra những nhận định khái quát khơi khơi vậy? Ngoài ra, tôi e
rằng để chứng minh rằng ông đã nói sai thì không khó lắm đâu. Tôi nhớ từ đầu
thập niên 1990 khi sang Thái Lan, tôi có được đến thăm Viện Đại học Mở của nước
này, và họ khoe là trường của họ hãnh diện là đã giúp nhiều tù nhân lấy được
tấm bằng đại học trong thời gian ở trong tù. Thời ấy, mạng Internet chưa tồn
tại (lúc ấy là năm 1993), tù nhân còn phải học hàm thụ, và đến kỳ thi học kỳ
hoặc tốt nghiệp thì họ phải có mặt để thi. Như vậy, hẳn là những tù nhân ấy
phải được phép tạm trả tự do để đi thi thì họ mới có thể lấy được tấm bằng đại
học trong thời gian ở trong tù chứ ạ? Nếu ông/bà cũng không tin điều này, xin
ông/bà thử tìm trên mạng Internet, tôi tin là những thông tin này ngày nay đầy
rẫy ở trên mạng đấy ông/bà ạ.
Và để giúp ông/bà, tôi cũng thử tìm. Tôi dùng cụm từ
"prisoners allowed to study for degrees" (tù nhân được phép học để
lấy bằng đại học), và ngay lập tức tìm ra mẩu tin này (đăng trên tờ The
Guardian của Anh vào năm 2011, ở đây: http://www.theguardian.com/education/2011/apr/25/prisoners-law-degrees):
Tù nhân đăng ký học ngành Luật! Nếu ông/bà đọc được tiếng Anh (tôi hy vọng thế)
thì ông/bà sẽ thấy, các tù nhân của Anh rất thích học Luật, vì họ không hài
lòng với hệ thống pháp luật hiện hành của nước họ. Ví dụ người trong mẩu tin
này cảm thấy mình đã bị xử không đúng, lẽ ra phải xử tội ngộ sát chứ không phải
là tội cố sát như mức án mà anh ta đang phải chịu. Việc này phổ biến đến nỗi
bài báo còn đang đặt câu hỏi là "những người này [sau khi có bằng đại học
Luật] liệu có được cho phép làm luật sư không?" - tất nhiên là sau khi họ
đã thụ án xong và dược trả tự do.
Ngoài mẩu tin đó ra, còn có rất nhiều mẩu tin tương
tự khác, có tên tuổi cụ thể, nhưng ta hãy tạm quên những tên tuổi ấy. Tôi chú ý
đến một khía cạnh khác rất đáng quan tâm, đó là: Tài liệu hướng dẫn học tập
dành cho đối tượng tù nhân của Viện Đại học Mở (The Open University) của Anh.
Xin lưu ý rằng The Open University của Anh được thế giới đánh giá rất cao về
chất lượng. Xem ở đây http://labspace.open.ac.uk/file.php/3427/Studying_with_the_OU_-_a_guide_for_learners_in_prison.pdf.
Có tài liệu hướng dẫn riêng cho đối tượng tù nhân
thì điều ấy có nghĩa là đối tượng này phải khá nhiều. Phải chăng đây là một
cách làm thực sự khôn ngoan và nhân văn, giúp cho những tù nhân dễ dàng hội
nhập với xã hội sau khi ra tù? Tôi nghĩ, có lẽ ông/bà Trọng Đức nên đọc kỹ và
tham mưu cho Đảng và Nhà nước ta, như thế có lẽ sẽ chống diễn biến hòa bình một
cách hiệu quả hơn là những bài viết khơi khơi thiếu lý lẽ và dẫn chứng
cụ thể [chỗ in đậm là góp ý của anh Phùng Hoài Ngọc] trên
cột báo có đăng bài của ông/bà đấy ạ.
Đấy, thực tế của các nước mà ông/bà mỉa mai gọi là
"đang tự vỗ ngực là dân chủ và muốn áp đặt kiểu dân chủ của mình làm
'khuôn vàng, thước ngọc' cho toàn thế giới" là như thế đấy ạ. Tất nhiên họ
có thể nói dối, nói quá, thổi phồng vv, nhưng nếu vậy xin ông/bà hãy chứng minh
là họ nói dối. Hoặc ngược lại, ông/bà hãy tìm ra một vài ví dụ tương tự trong
chế độ ta, và trưng ra (cứ thổi phồng lên, tô hồng lên vv nhiều nữa cũng được)
cho ông LHĐ và thế giới thấy, thì mới hy vọng "đập tan luận điệu dối trá,
xuyên tạc" vv của những kẻ đang âm mưu diễn biến hòa bình được chứ, phải
không ông/bà Trọng Đức? Mong ông/bà xem xét và trả lời giúp.
Bài của ông/bà khá dài, nên tôi xin phép viết dần
làm 3, 4 Notes khác nhau để trả lời từng điểm của ông/bà nhé. Xin hẹn ông/bà
Trọng Đức trong Note sau của tôi.
Được
đăng bởi Vũ Thị Phương Anh vào lúc Thứ hai, tháng tám 19, 2013
No comments:
Post a Comment