Monday 19 August 2013

TUYÊN BỐ NGHỊ ĐỊNH SỐ 72/2013/NĐ-CP VI PHẠM HIẾN PHÁP VIỆT NAM VÀ CÁC CÔNG ƯỚC QUỐC TẾ MÀ VIỆT NAM THAM GIA (Nguyễn Huệ Chi)




 Nguyễn Huệ Chi
Thứ hai, ngày 19 tháng tám năm 2013

Quý Anh Chị,  

Nghị định 72 của Chính phủ sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-9-2013, một nghị định bóp nghẹt mạng truyền thông internet ở Việt Nam, đẩy lùi thêm một bước quyền tự do của công dân về phương diện trao đổi tin tức.

Theo đề nghị của nhiều người, chúng tôi đã thảo bản Tuyên bố phản đối Nghị định này, có tham khảo ý kiến của LS về câu chữ. Xin gửi văn bản hoàn chỉnh cuối cùng đến các Anh Chị đọc. Nếu đồng ý mong quý Anh Chị phản hồi thật sớm cho chúng tôi qua địa chỉ bauxitevn@gmail.com để kịp đăng trên trang BVN cùng với danh sách đầu tiên, chậm nhất trong ngày 21/8/2013.

Hiện chúng tôi đã nhận được e-mail của khoảng 50 người gửi về nhiệt liệt tán thành, ngay cả trước khi bản Tuyên bố kịp thảo xong, trong đó có một số vị có tên trong lá thư này. Vì không thể lọc ra để bớt đi, mong quý Anh Chị thứ lỗi. 

        Trân trọng
    Nguyễn Huệ Chi

*
*

TUYÊN BỐ NGHỊ ĐỊNH SỐ 72/2013/NĐ-CP VI PHẠM HIẾN PHÁP VIỆT NAM VÀ CÁC CÔNG ƯỚC QUỐC TẾ  MÀ VIỆT NAM THAM GIA

Chúng tôi:

-         Những công dân nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đặc biệt là những người đang sử dụng Internet như một phương tiện trau giồi tri thức, cập nhật thông tin trong nước và quốc tế để có điều kiện sống, học tập và làm việc xứng đáng với tư cách con người văn minh của xã hội hiện đại,

-         Những người Việt định cư ở nước ngoài tha thiết với vận mệnh đất nước Việt Nam, với quyền tự do dân chủ của đồng bào trong nước

Nhận thấy Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ “Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng” có hiệu lực ngày 01/09/2013 (gọi tắt là Nghị định 72) trái với Hiến pháp, Công ước quốc tế và Tuyên ngôn Nhân quyền LHQ: 

Tại Khoản 3, 4, 5 điều 20 “Phân loại trang thông tin điện tử”, quy định:

“3. Trang thông tin điện tử nội bộ là trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp thông tin về chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, dịch vụ, sản phẩm, ngành nghề và thông tin khác phục vụ cho hoạt động của chính cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó và không cung cấp thông tin tổng hp.
4. Trang thông tin điện tử cá nhân là trang thông tin điện tử do cá nhân thiết lập hoặc thiết lập thông qua việc sử dụng dịch vụ mạng xã hội để cung cấp, trao đổi thông tin của chính cá nhân đó, không đại diện cho tổ chức hoặc cá nhân khác và không cung cấp thông tin tổng hp.
5. Trang thông tin điện tử ứng dụng chuyên ngành là trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ứng dụng trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin, phát thanh, truyền hình, thương mại, tài chính, ngân hàng, văn hóa, y tế, giáo dục và các lĩnh vực chuyên ngành khác và không cung cấp thông tin tổng hợp.

Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiu như sau:
19. Thông tin tổng hợp là thông tin được tổng hợp từ nhiều nguồn thông tin, nhiều loại hình thông tin vmột hoặc nhiu lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Các nội dung vi phạm:

 1- Điều 69 Hiến pháp 1992, sửa đổi, bổ sung 20012
Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.

2- Công ước Quốc tế về dân sự và Chính trị 1966 mà Việt Nam tham gia 1982:
Điều 19:
(2)       Mọi người đều có quyền tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền tự do tìm kiếm, tiếp nhận, và phổ biến mọi tin tức và ý kiến bằng truyền khẩu, bút tự hay ấn phẩm, dưới hình thức nghệ thuật, hay bằng mọi phương tiện truyền thông khác, không kể biên giới quốc gia.
(3)       Việc hành xử quyền tự do phát biểu quan điểm (ghi ở khoản 2 nói trên) đòi hỏi đương sự phải có những bổn phận và trách nhiệm đặc biệt. Quyền này chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật vì nhu cầu:
a.       Tôn trọng những quyền tự do và thanh danh của người khác.
b.       Bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe công cộng hay đạo lý.

3- Tuyên ngôn Nhân quyền LHQ 1948:
Điều 19: Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia.

Nghị định 72 là một thực tế chống lại những tuyên bố cải thiện về dân chủ, nhân quyền của Đảng CS và Nhà nước Việt Nam trong thời gian gần đây, nhất là trong các thảo luận về Sửa đổi Hiến pháp 1992, đi ngược lại lợi ích của nhân dân và đất nước, chỉ có tác dụng phá hoại lòng tin của người dân đối với sự trung thực và sáng suốt của chính quyền.

Việc ban hành Nghị định 72 trong hoàn cảnh Việt Nam vừa tuyên bố là đối tác toàn diện với Hoa Kỳ trong chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, trong lúc vụ xét xử phúc thẩm hai sinh viên Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên được ghi nhận là một tiến bộ về tự do ngôn luận, trong lúc Việt Nam đang mong muốn ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, là việc làm đi ngược xu thế hội nhập của Việt Nam với thế giới, chỉ có tác dụng phá hoại uy tín của Nhà nước Việt Nam trên trường quốc tế, hết sức bất lợi cho việc tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trước bè lũ bành trưóng Bắc Kinh.

Vì thế, chúng tôi tuyên bố:

1/ Cực lực phản đối Nghị định 72;

2/ Yêu cầu Chính phủ hoãn áp dụng Nghị định này để chỉnh sửa những nội dung vi phạm Hiến pháp Việt Nam và các Công ước Quốc tế mà Việt Nam đã ký kết như nêu trên;

3/ Yêu cầu Quốc hội khẩn cấp thẩm tra các nội dung vi phạm Hiến pháp Việt Nam và  các Công ước Quốc tế mà Việt Nam đã ký kết trong Nghị định 72 để can thiệp với Chính phủ trong quyền hạn của mình.

Khoản 9 Điều 84 của Hiến pháp 1992:
“Quốc hội có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
9- Bãi bỏ các văn bản của Chủ tịch nước, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao trái với Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội”;

Quyền tự do ngôn luận, tự do tiếp nhận và chia sẻ thông tin là điều kiện tiên quyết để xây dựng nền dân chủ cho đất nước. Chúng tôi yêu cầu mọi chủ trương chính sách tương lai của Nhà nước Việt Nam phải tuyệt đối tôn trọng các quyền thiêng liêng, cơ bản ấy.
  
 (mail từ GS Nguyễn Huệ Chi)

Được đăng bởi nguoilotgach vào lúc 04:24



No comments:

Post a Comment

View My Stats