August 18, 2013 at 10:15am
Một số bạn trẻ hỏi tôi về “dân chủ xã hội”, là các
bạn hỏi về hai chuyện riêng biệt: “dân chủ xã hội” như một trào lưu của tư duy
chính trị; và đảng chính trị theo trào lưu đó.
Thời đại của đảng chính trị dựa trên một học thuyết
nhất định nào đó đã vĩnh viễn đi qua. Đảng chính trị hậu hiện đại, cũng như
nguyên tổ của chúng hồi đầu thế kỷ 19, chỉ là tập hợp của một lực lượng chính
trị nhằm giải quyết một số những vấn đề cụ thể nào đó của quyền lực mà thôi.
Cương lĩnh, từ đó, chỉ là một công cụ hiệu triệu chứ tự nó không làm nên đảng.
Chính nhân sự lãnh đạo, tư duy, tập quán và văn hóa chính trị của họ làm nên
đảng.
Các đảng chính trị, trừ những đảng đang nắm quyền
lực toàn trị mà bất cứ một gợi ý thỏa hiệp nào về quyền lực toàn trị này đều có
thể trở thành nguy cơ chôn vùi chúng - như Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay, đều
phải tuân thủ những nguyên tắc căn bản của một trật tự chuyển giao và tiếp nhận
quyền lực - trật tự dân chủ. Các đảng chính trị đều phải tuân thủ một số quy
ước về việc bảo đảm quyền tự do và quyền con người. Các đảng chính trị đều phải
đưa ra hướng tiếp cận để giải quyết các vấn đề của công lý. Đây là những vấn đề
thuộc hệ thống các giá trị phổ quát mà đảng chính trị phải thừa nhận. Trừ khi
bạn gia nhập đảng chính trị để tranh chấp quyền lực, những vấn đề có tính giải
pháp khác không phải là quan tâm đầu tiên; trong một cuộc bầu cứ tự do bạn có
thể bỏ phiếu cho bất cứ giải pháp nào bạn muốn.
Về “dân chủ xã hội” như một trào lưu của tư duy
chính trị, tôi chỉ muốn cảnh báo các bạn về những lời tuyên bố cho rằng nó là
một thứ “đỉnh cao trí tuệ” nào đó của tư duy nhân loại. Không có một hệ thống
lý thuyết duy nhất nào có khả năng giải quyết tất cả những vấn đề của cuộc
sống. Trong một không gian đa nguyên, không tồn tại một hệ thống lý thuyết nào
duy nhất đúng. Hơn thế, "dân chủ xã hội” trên thực tế chỉ còn là một thứ
nhãn hiệu, như bài viết sau đây đã chỉ ra. Nhân loại đi tìm những giá trị mới,
những phương thức mới để giải quyết những vấn đề của cuộc sống và những kẻ đầu
nậu quyền lực có khuynh hướng dán nhãn lên những giá trị mới này.
Bài viết này (đăng trên Đàn Chim Việt, 2004) tóm
lược một số luận điểm trong một tiểu luận của Seymour Martin Lipset, giáo sư
Đại học George Mason, có tựa đề "The Americanization of the European
Left" (Sự Mỹ hóa của chính trị cánh Tả Âu Châu) trong cuốn "Political
Parties and Democracy" (Chính đảng và Dân chủ) do Larry Diamond và Richard
Gunther biên soạn, Đại học John Hopkins xuất bản, 2001.
***
Một trăm năm trước sự sụp đổ toàn diện của chủ nghĩa
cộng sản trên toàn thế giới, một vấn đề khác đã làm điên đầu các lý thuyết gia
Mác-xít : "Tại sao không xuất hiện một đảng lao động hay một phong trào
xã hội chủ nghĩa đáng kể nào ở Mỹ, quốc gia tư bản phát triển nhất thế giới?".
Friedrich Engels đã cố gắng một cách tuyệt vọng để
trả lời câu hỏi này trong những năm cuối cùng của cuộc đời mình. Lenin và
Trotsky cũng quan tâm sâu sắc về vấn đề này vì nó đặt ra những thách thức nền
tảng cho luận cứ của chủ nghĩa duy vật lịch sử được chính Mác mô tả trong Tư
Bản Luận: "quốc gia phát triển cho những quốc gia kém phát triển thấy
hình ảnh tương lai của họ".
Cho đến trước chiến tranh thế giới lần thứ nhất, các
nhà lý luận cộng sản hàng đầu đều tin tưởng rằng những quốc gia tư bản công
nghiệp sẽ dẫn dắt thế giới tới chủ nghĩa xã hội. August Bebel, lãnh tụ của Đảng
Dân chủ Xã hội Đức đã khẳng định : "Mỹ sẽ là quốc gia đầu tiên mở ra kỷ
nguyên cộng hòa xã hội chủ nghĩa". Lúc đó là năm 1907. Đảng này đã là
một đảng chính trị lớn mạnh trên chính trường Đức và cũng là đảng Mác-xít mạnh
nhất thế giới. Trong khi đó, Đảng Xã hội Mỹ vẫn chưa có quá 2% cử tri nhưng
thuộc một quốc gia có nền kinh tế tư bản phát triển.
Sự bất lực trong cố gắng phát triển phong trào xã
hội chủ nghĩa ở Mỹ là một xấu hổ cho những lý thuyết gia Mác-xít, những người
vẫn lập luận rằng kiến trúc thượng tầng, trong đó có cơ cấu chính trị, chỉ là
biểu lộ của những cơ sở hạ tầng kinh tế và kỹ thuật. Họ hiểu rằng hiện tượng
này là một bằng chứng sống về những mâu thuẫn của chủ nghĩa Mác. Nó chất vấn
giá trị của hệ thống lý luận này.
Tuy nhiên Mác đã không hoàn sai khi cho rằng những
quốc gia kém phát triển có thể tìm thấy hình ảnh tương lai của mình ở những
quốc gia phát triển. Từ những thập niên cuối của thế kỷ 19, Mỹ là quốc gia phát
triển đó. Văn hóa chính trị Mỹ - như nó đã lớn mạnh và không như những nhà lý
luận Mác-xít đã hy vọng - phản ảnh luận lý của một xã hội phát triển cao về
kinh tế và kỹ thuật. Xã hội Mỹ là một xã hội tư bản đặc thù. Lý do khiến kinh
tế Mỹ có hiệu suất cao nhất thế giới, theo Max Weber, là vì văn hóa Tin Lành
của nước Mỹ chứa đựng sẵn những giá trị của chủ nghĩa tư bản. Văn hóa chi phối
kinh tế. "Tinh thần tư bản" từ đó trở nên một động lực và là
khuôn mẫu cho truyền thống chính trị cánh tả châu Âu.
Ở một mức độ nào đó, các đảng chính trị cánh tả ngày
nay đều đã bác bỏ nền kinh tế tập trung và chấp nhận kinh tế thị trường tự do.
Các đảng lao động và dân chủ xã hội trở nên đa nguyên cả về xã hội lẫn ý thức
hệ. Quốc tế xã hội chủ nghĩa, một tổ chức toàn cầu của các đảng lao động và dân
chủ xã hội, ngày nay trở thành nơi hội tụ của những đảng cấp tiến mà cương lĩnh
của họ xác định "con đường thứ ba" giữa chủ nghĩa bảo thủ cực hữu và
chủ nghĩa xã hội của Mác. Trên thực tế, đây là sự Mỹ hóa các đảng phái chính
trị cánh tả châu Âu bị thống trị bởi các trường phái xã hội chủ nghĩa suốt
trong hơn một thế kỷ qua. Sự "lột xác" của các đảng chính trị
châu Âu phản ảnh sự chuyển tiếp về các cơ cấu kinh tế và giai cấp tương tự như
đã xảy ra ở Mỹ. Cùng với sự phát triển kinh tế, khoảng cách và sự mâu thuẫn
giữa các giai cấp trong xã hội từ những di sản của chế độ quân chủ và phong
kiến không còn là vấn đề của thực tiễn chính trị nữa. Công đoàn, cơ sở nền tảng
của các đảng cánh tả, ngày càng suy yếu. Các đảng này ngày nay chú trọng nhiều
hơn đến tầng lớp trung lưu hơn là giai cấp vô sản lao động ngày càng giảm về số
lượng.
Những thay đổi trong mối quan hệ chính trị và giai
cấp của xã hội công nghiệp phát triển có thể được phân tích trong khuôn khổ của
một chủ nghĩa Mác-phi-chính-trị: chấp nhận luận điểm cho rằng hạ
tầng cơ sở kinh tế và kỹ thuật chi phối thượng tầng kiến trúc văn hóa và chính
trị, nhưng bác bỏ luận điểm cho rằng chủ nghĩa xã hội sẽ thay thế chủ nghĩa tư
bản. Alain Touraine, nhà xã hội học hàng đầu của Pháp và là một trí thức thiên
tả, nhận xét : "Nếu tài sản là tiêu chuẩn để xác định thành phần giai
cấp thống trị cũ thì kiến thức và trình độ giáo dục là tiêu chuẩn cho giai cấp
thống trị mới".
Dân
chủ Xã hội Mới
Học thuyết "Con đường thứ ba" được
thủ tướng Anh Tony Blair tóm lược như sau trong cuộc gặp gỡ giữa các nhà dân
chủ xã hội châu Âu với Bill Clinton tại New York tháng 9-1998:
"Về kinh tế, chúng tôi không chủ trương
chính sách buông thả (laissez-faire) cũng không chủ trương kinh tế tập trung.
Vai trò của chính quyền là bảo đảm sự ổn vững của kinh tế vĩ mô, xây dựng một
chính sách thuế và an sinh xã hội nhằm khuyến khích sự độc lập kinh tế cho
người dân và các cơ sở doanh nghiệp tư nhân… Chúng tôi tự hào đã có được sự ủng
hộ của giới lãnh đạo doanh nghiệp cũng như của công đoàn… Trong chính sách phúc
lợi xã hội và nghề nghiệp, "Con đường thứ ba" có nghĩa là đổi mới
chính sách trợ cấp thành phương tiện tái hội nhập lực lượng lao động nơi có thể
được…". (Nói cách khác trợ cấp chỉ có mục đích giúp người thất nghiệp
tìm lại công ăn việc làm).
Tony Blair và Đảng Lao động của ông đã thắng một
cách ngoạn mục trong cuộc bầu cử năm 1997 sau khi đã thẳng thắn đoạn tuyệt với
những giá trị lịch sử của tư tưởng quyền sở hữu công cộng của nó. Tony Blair đã
nhiều lần khẳng định sự đồng thuận của ông với Bill Clinton về thị trường tự do
và về một chính quyền nhẹ. Theo ông, kỷ nguyên của những chính quyền nặng nề đã
qua. Đảng Lao động được tái cấu trúc theo một khuôn mẫu mới của một đảng phi xã
hội chủ nghĩa, không còn cam kết liên hệ với công đoàn, một đảng "Lao
Động Mới". Ông kêu gọi lãnh đạo công đoàn hợp tác với giới doanh
nghiệp để đẩy mạnh khả năng cạnh tranh của kinh tế Anh Quốc. Đáng chú ý hơn nữa
là lời khuyên của Tony Blair với các tổ chức lao động trong một bài báo trên tờ
Người Lãnh Đạo Mới năm 1994, trong đó ông nhấn mạnh rằng vì quyền lợi của nó,
công đoàn không nên chỉ ủng hộ cho một đảng chính trị nào. Peter Mendelson, lý
thuyết gia của Blair, khẳng định rằng Đảng Lao động của ông ngày nay là đảng
của tư bản thị trường. Tưởng cũng nên nhớ lại rằng đây là một đảng được sinh ra
và nuôi dưỡng bởi công đoàn trong suốt lịch sử của nó.
Sự chuyển tiếp theo khuôn mẫu "con đường thứ
ba" lặp đi lặp lại ở nhiều đảng chính trị cánh tả châu Âu khác. Đảng
Dân chủ Xã hội Đức, đảng Mác-xít già nua nhất thế giới, đã từ bỏ chủ nghĩa Mác
từ năm 1959 tại đại hội Bad Godesberg. Và trong suốt mấy thập niên qua, những
nhà lãnh đạo dân chủ xã hội Đức - từ Helmut Schmidt đến Rudolph Scharping,
Gerhard Schroder - theo đuổi một chính sách chú trọng đến thị trường tự do,
giới hạn ảnh hưởng của chính quyền trong sinh hoạt kinh tế, giảm thuế, cải cách
an sinh xã hội để khuyến khích trách nhiệm cá nhân. Trong thập niên 1980, chính
quyền của đảng lao động Úc và Tân Tây Lan cũng bắt đầu chính sách giảm thuế,
cởi trói những ràng buộc trong quản lý kinh tế, và tư hữu hóa, hoặc giải thể,
nhiều lãnh vực của công ty quốc doanh. Thủ tướng Tân Tây Lan, ông David Lange,
đã có lần phát biểu : "Những người dân chủ xã hội phải chấp nhận thức
tiễn không công bằng về kinh tế vì nó là động lực để thúc đẩy sự phát triển…".
Đảng Dân chủ Xã hội Thụy Điển cũng đã lật ngược định hướng gia tăng tiền lương,
tăng thuế thu nhập, hệ thống phúc lợi do nhà nước bảo trợ để bắt đầu thực hiện
những chính sách tư hữu hóa. Ở Tây Ban Nha, Thủ tướng Felipe González đã lột
xác Đảng Xã hội của ông ta - một đảng Mác-xít từ sau thời Franco - trở thành
một ủng hộ viên của chính sách tư hữu hóa, kinh tế thị trường, và NATO.
Có lẽ Pháp là một ngoại lệ. Nếu tinh thần chống lại
nhà nước độc tôn là tinh thần phổ quát của văn hóa chính trị Mỹ thì việc tôn
vinh quyền lực của nhà nước là điểm then chốt trong văn hóa chính trị Pháp,
cánh tả lẫn cánh hữu. Truyền thống này bắt nguồn từ thời quân chủ, cách mạng,
và đế quốc. Người ta không ngạc nhiên khi Đảng Xã hội Pháp đã thắng trong cuộc
bầu cử 1997 với những hứa hẹn bảo vệ hệ thống phúc lợi xã hội đang khánh tận và
một chính sách tạo công ăn việc làm do nhà nước bảo trợ. Tuy nhiên, trong một
cuộc phỏng vấn trên báo Le Nouvel Observateur, Lionel Jospin, lãnh tụ Đảng Xã
hội, cho biết ông ủng hộ chính sách kinh tế tản quyền và khuyến khích sáng kiến
cá nhân. Ông nhấn mạnh đến việc Pháp cần phải mô phỏng nền kinh tế Mỹ. Theo tờ
Kinh Tế, Jospin cho rằng Pháp "có thể học được nhiều điều từ sự năng
động của nền kinh tế Mỹ, từ sức sống của sáng tạo và nghiên cứu, từ tinh thần
cạnh tranh và khả năng thay đổi…".
Cùng lúc, các quốc gia châu Âu đạt đến một mức độ
thịnh vượng mới, nhận ra rằng họ càng giống Mỹ hơn với một xã hội mà lằn ranh
giai cấp mờ nhạt. Và theo ngôn ngữ của Mác, Mỹ đã cho họ thấy hình ảnh tương
lai của họ. Ngày nay, các đảng cấp tiến phi xã hội chủ nghĩa châu Âu đang cố
gắng để biến chủ nghĩa tư bản trở nên nhân bản hơn, hữu hiệu hơn.
Bình
cũ, rượu mới
Tất cả những biến chuyển trên không nhằm để gợi ý
rằng lằn ranh chính trị của các nền dân chủ hiện đại, bắt nguồn từ Cách Mạng
Pháp trên băng tần chính trị tả và hữu, đã biến mất. Dân chủ hay cộng hòa, dân
chủ xã hội hay bảo thủ vẫn còn là những lựa chọn của thùng phiếu, mặc dù những
nền tảng ý thức hệ chính thống của chúng đã thay đổi. Sự phân chia theo tầng
lớp xã hội không còn là tương quan chính đối với vị trí tả hay hữu của các đảng
phái trên băng tần chính trị quốc gia. Những vấn đề như đạo đức, phá thai, giá
trị gia đình, dân quyền, bình đẳng giới tính, đa văn hóa, di dân, chính sách
ngoại giao, v.v. đã đẩy những cá nhân và tổ chức chính trị vào những lộ trình
khác nhau, độc lập với vị trí kinh tế xã hội của họ. Phần lớn những vấn đề này
thuộc phạm trù xã hội, tôn giáo và giáo dục chứ không phải chính trị.
Ý nghĩa của tả và hữu đang thay đổi. Các đảng cánh
tả, như đã thấy, mặc dù vẫn tự nhận là dân chủ xã hội hay xã hội chủ nghĩa
nhưng càng lúc càng giống khuynh hướng chính trị cấp tiến Mỹ: cổ xúy những vấn
đề như môi trường, quyền phụ nữ và người đồng tính luyến ái, quyền của thiểu
số, tự do văn hóa, cũng như giới hạn quyền của nhà nước. Các đảng cánh hữu cũng
di chuyển sang trung tâm của băng tần chính trị, nhấn mạnh đến tự do và trách
nhiệm cá nhân. Với một sự phân chia đa chiều như thế, ngày nay rất khó để có
thể vẽ một lằn ranh chính trị giữa các trường phái tả và hữu. Và chắc chắn,
tả-hữu không còn được định nghĩa trong không gian của "chủ nghĩa xã hội -
chủ nghĩa tư bản" như trước nữa.
No comments:
Post a Comment