Monday 12 August 2013

CUBA HẬU CỘNG SẢN (Julia E. Sweig & Michael J. Bustamante - Foreign Affairs)




Julia E. Sweig và Michael J. Bustamante
Foreign Affairs

26/07/2013

Cuba đã bước vào một thời kỳ mới với nhiều cải cách kinh tế không dễ so sánh với các quá trình chuyển tiếp hậu cộng sản ở các nước khác. Washington nên chủ động vạch ra phương hướng mới về ngoại giao và hợp tác kinh tế với Havana.

Julia E. Sweig là Nghiên cứu viên Cao cấp danh hiệu Nelson & David Rockefeller về Nghiên cứu Mỹ Latinh ở tổ chức nghiên cứu độc lập Council on Foreign Relations (Hội đồng Đối ngoại) và là tác giả của cuốn sách Cuba: What Everyone Needs to Know (Những điều ai cũng cần biết về Cuba). Michael J. Bustamante là nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành lịch sử Mỹ Latinh tại Viện Đại học Yale University.

*
*

Cuba hậu cộng sản
Những cải cách kinh tế đang biến đổi đảo quốc này

Thoạt nhìn, cơ cấu chính trị và cơ cấu kinh tế cơ bản của Cuba có vẻ bền chắc như những chiếc xe Mỹ cũ đến nửa thế kỷ nhưng vẫn rong ruổi trên đường phố xứ này. Đảng Cộng sản còn cầm quyền, nhà nước thống lĩnh nền kinh tế, và gương mặt của nhà cách mạng Che Guevara khuất bóng từ lâu vẫn xuất hiện trên các bức bích họa thành phố. Những tiên đoán cho rằng đảo quốc này sẽ trải qua quá trình biến đổi nhanh chóng như kiểu Trung Quốc hay Việt Nam, chứ đừng kể đến khối Liên Xô cũ, xưa nay thường hóa ra sai lầm. Nhưng hiện nay đúng là Cuba trông khác hẳn cách đây mười hay hai chục năm, hay thậm chí chỉ mới năm 2006, khi Fidel Castro, chủ tịch lâu năm của Cuba, buộc phải rút lui vì bệnh nặng. Thay vì giẫm chân tại chỗ, Cuba đã bước vào một kỷ nguyên mới, một kỷ nguyên với những đặc điểm khiến ta không dễ phân loại hay so sánh với những quá trình chuyển tiếp ở các nước khác.

Cách đây ba năm, Castro gây chấn động trong giới truyền thông khi nói đùa với một ký giả Mỹ rằng “mô hình Cuba thậm chí không còn tác dụng với chúng tôi nữa”. Ngầm chấp nhận cách đánh giá này, Raúl Castro, em trai của Fidel và là chủ tịch hiện nay, đang chỉ đạo quá trình cải tổ từng bước, nhưng đối với Cuba là hết sức triệt để, về mối quan hệ giữa nhà nước, cá nhân, và xã hội, mà không cắt bỏ dây rốn xã hội chủ nghĩa. Cho đến nay, tình trạng mơ hồ này chưa có một định nghĩa hoàn chỉnh hay một nhãn mác có tính thuyết phục. “Thực hiện mô hình kinh tế và xã hội Cuba”, mỹ từ được Đảng Cộng sản thích dùng, quá đề cao mức độ gắn kết ý thức hệ nhưng lại xuê xoa những tác động đối với xã hội và chính trị. Cách mô tả tốt nhất hiện thời về nước Cuba đang trỗi dậy có thể là một hệ thống lai tạp công-tư trong đó nhiều hình thức sản xuất, sở hữu tài sản, và đầu tư, cộng với một nhà nước phúc lợi tinh gọn hơn và tự do cá nhân nhiều hơn, sẽ cùng tồn tại với các công ty quốc doanh do quân đội quản lý trong các ngành chiến lược của nền kinh tế và chế độ cai trị độc đảng vẫn tiếp tục.

Một luật di trú mới, có hiệu lực năm nay, là ví dụ rõ nét về những cải cách đang diễn ra ở Cuba. Cho đến gần đây, chính phủ Cuba buộc công dân phải xin phép chính thức trước khi đi nước ngoài, và bác sĩ, khoa học gia, vận động viên thể thao, và các giới chuyên môn khác phải vượt qua nhiều rào cản khác. Nhà nước vẫn quản lý việc xuất nhập cảnh của các vận động viên chuyên nghiệp và các viên chức an ninh, và có quyền từ chối cấp hộ chiếu cho bất cứ ai vì lý do an ninh quốc gia. Nhưng luật di trú mới bỏ nhu cầu xin “thẻ trắng” (tên gọi của loại giấy phép xuất cảnh đắt tiền và bị dân chúng ghét); cho phép những những người đã rời bỏ đất nước trái phép, ví dụ như những người đào tẩu hoặc người trốn đi bằng bè, được về thăm hoặc có thể là hồi hương, và tăng thời gian người dân Cuba được sống hợp pháp ở nước ngoài từ 11 tháng lên 2 năm mà không bị mất tài khoản ngân hàng, nhà cửa và doanh nghiệp trên đảo quốc này.

Thời khắc mới mẻ này ở Cuba không thình lình xuất hiện, mà sau một loạt các biện pháp tích lũy dần dần – trong số đó nổi bật nhất là cải cách nông nghiệp, ban hành một bộ luật thuế tiến bộ, và các nỗ lực được quảng bá rầm rộ của nhà nước để bắt đầu cắt giảm biên chế nhà nước bằng cách cho phép thêm nhiều doanh nghiệp nhỏ ra đời. Những bước khởi đầu của các thị trường tín dụng, bất động sản, và bán sỉ tư nhân hứa hẹn sẽ đưa quá trình chuyển biến của Cuba đi xa hơn nữa. Tuy nhiên, trong tương lai gần Cuba dường như không sẵn sàng áp dụng mô hình tự do hóa thị trường kiểu Trung Quốc hay Việt Nam. Các thực tế dân số, địa lý, và kinh tế đặc thù của Cuba – đặc biệt là dân số 11 triệu người đang lão hóa, vị trí cận kề với Mỹ, và sự kết hợp giữa nguồn nhân lực cao cấp với cơ sở hạ tầng rệu rã của đảo quốc này – khiến Cuba khác hẳn với những nước khác đã rời xa chủ nghĩa cộng sản. Bởi vậy có lẽ cũng chẳng đáng ngạc nhiên là những thay đổi đang diễn ra của Cuba không giống kịch bản chuyển tiếp nhanh chóng theo như hình dung của đạo luật Helms-Burton năm 1996; đạo luật đó quy định bãi bỏ cấm vận của Mỹ với điều kiện Cuba tổ chức bầu cử đa đảng và trả lại tài sản tư nhân bị quốc hữu hóa trong thập niên 1960. Về phương diện này, Washington vẫn còn đi sau thời đại hơn Havana.

Cải cách của Cuba có thể dường như chậm đến mức đáng ngán ngẩm, thiếu nhất quán, và không đủ để giải quyết những khó khăn kinh tế và ước vọng tham gia nhiều hơn vào chính trị của người dân trong nước. Tuy nhiên, không nên xem sự thiếu nhanh chóng này là dấu hiệu cho thấy chính phủ cương quyết không chịu thay đổi hoặc không đếm xỉa đến rủi ro chính trị của mình. Cách phản ứng của giới lãnh đạo Cuba đối với những thách thức dài hạn đáng quan ngại của đất nước lâu nay đã bao gồm tư duy chiến lược và tranh luận quyết liệt. Vài năm sắp đến quả thực sẽ rất quan trọng. Như Miguel Díaz-Canel, đương kim phó chủ tịch 53 tuổi và là người mới được chỉ định kế vị Castro, nhận xét gần đây, Cuba đã đạt được “tiến bộ về những vấn đề dễ giải quyết nhất”, nhưng “những gì còn lại là các lựa chọn quan trọng hơn, và sẽ có ý nghĩa quyết định trong sự phát triển của đất nước”.

Những khó khăn căn bản đó gồm các vấn đề sau: Bằng cách nào Cuba có thể thu hút và quản lý vốn đầu tư nước ngoài mà đất nước rất cần trong khi giữ được chủ quyền đã giành được bằng đấu tranh gian nan? Người dân trên đảo quốc này sẽ chấp nhận tình trạng bất bình đẳng ở mức độ bao nhiêu để đổi lấy năng suất cao hơn và nhiều cơ hội hơn? Và cho dù Đảng Cộng sản cố gắng bớt nhúng tay vào việc quản lý thường nhật, như Castro khẳng định đảng cần phải làm như vậy, giới lãnh đạo Cuba sẽ xử lý ra sao những áp lực âm ỉ từ lâu đòi hỏi tính minh bạch cao hơn, trách nhiệm giải trình của công chức, và sự tham gia dân chủ? Nếu căn cứ vào những gì diễn ra gần đây, Cuba có thể sẽ tiếp tục đi tiếp con đường thay đổi dần dần tiến đến một xã hội mở hơn, đa nguyên trong khi vẫn duy trì tính độc lập về chính sách đối ngoại.

Cải cách với đặc thù Cuba

Raúl Castro (Reuters)

Ngay từ lúc nắm tạm quyền vào năm 2006, Raúl Castro đã phát biểu thẳng thừng về tình cảnh của Cuba. “Chúng ta cải cách, hoặc chúng ta chết chìm”, ông tuyên bố trong một bài phát biểu ngắn gọn và thẳng thắn đúng đặc trưng của ông trước toàn quốc vào năm 2010. Cho dù Havana kiên định với niềm tin chính trị chủ đạo của mình – tức là Đảng Cộng sản vẫn là lực lượng tốt nhất giúp đất nước phòng vệ trước sự can thiệp của Mỹ trong hơn một thế kỷ – những thuật ngữ như “phi tập trung hóa”, “trách nhiệm giải trình”, và “thể chế hóa” đã trở nên phổ biến, chứ không còn là từ cấm kỵ. Trong khi vào thập niên 1990, Havana sẵn sàng cho phép tư nhân kinh doanh ở mức độ hạn chế như một biện pháp tình thế, hiện nay chính phủ công khai bàn đến việc bảo đảm rằng 50% GDP của Cuba nằm trong tay tư nhân trong vòng năm năm. Bất luận có thực tế hay không, những mục tiêu đầy tham vọng như vậy có lẽ đã bị xem là báng bổ cách đây chưa đầy 10 năm. Hiện nay tỉ lệ đại diện của các chủ doanh nghiệp nhỏ Cuba trong Quốc hội và sự tham gia của họ trong cuộc diễu hành kỷ niệm Lễ Lao động 1/5 đã là bằng chứng cho thấy các thay đổi đang diễn ra.

Những cải cách này đến nay đã đạt một số thành công khiêm tốn. Sau khi gặp khủng hoảng nghiêm trọng về thanh khoản và cán cân thanh toán sau khi toàn cầu bị khủng hoảng tài chính năm 2008, Cuba đã phục hồi được đôi chút ổn định tài chính, trả nợ trở lại, cắt giảm mạnh nhập khẩu, và bắt đầu công việc khó khăn là giảm chi tiêu công cộng. Nhiều khoản đầu tư chiến lược từ các đối tác quốc tế – đáng kể nhất là dự án cải tạo Cảng Mariel, với nguồn vốn hỗ trợ của Brazil, để nâng cấp thành một cảng vận tải container lớn – đang tiến hành đúng lịch trình. Trong khi đó, một cơ quan về trách nhiệm giải trình tài chính nhà nước mới thành lập đã bắt đầu nhiệm vụ gian nan loại trừ nạn tham nhũng tràn lan.

Tuy nhiên, Cuba gặp nhiều rào cản nghiêm trọng trong cuộc mưu cầu tăng trưởng kinh tế vững mạnh hơn. Khác với Trung Quốc và Việt Nam ở giai đoạn đầu họ thực hiện cải cách, Cuba là một nước kém phát triển với những vấn đề của nước đã phát triển. Không chỉ dân số đang lão hóa (18% dân số trên 60 tuổi), mà kinh tế Cuba còn thiên hẳn về ngành dịch vụ. Khi Việt Nam bắt đầu chương trình cải cách Đổi Mới năm 1986, dịch vụ chiếm khoảng 33% GDP, trong khi ngành sản xuất chiếm gần 67%. Ngược lại, dịch vụ ở Cuba chiếm gần 75% GDP – kết quả của hơn 20 năm công nghiệp suy tàn nghiêm trọng và tỉ lệ tiết kiệm và đầu tư thấp. Xuất khẩu dịch vụ (chủ yếu là các chuyên gia y tế), cộng với du lịch và kiều hối, là cách phòng thủ chủ yếu để Cuba chống chọi với tình trạng thâm hụt cán cân thanh toán kéo dài.

Giới chức trách và giới kinh tế học ở Cuba nhận ra nhược điểm cơ cấu này và đã nhấn mạnh nhu cầu cần tăng xuất khẩu và phát triển một thị trường nội địa năng động hơn. Nhưng đến nay nhà nước vẫn chưa thể giải quyết tình trạng mất cân đối này. Trong ngành đường, từng là ngành chủ lực, hoạt động sản xuất tiếp tục cầm chừng dù giá thế giới gần đây tăng lên và có vốn đầu tư mới của Brazil. Trong khi đó, một vụ tham nhũng tai tiếng và giá thế giới giảm xuất đã làm suy yếu ngành nickel, khiến phải đóng cửa một trong ba cơ sở chế biến của Cuba. Nhìn tổng quát hơn, năng suất của Cuba còn rất thấp, và đất nước này từ trước đến nay đã không tận dụng được lực lượng lao động có trình độ học vấn cao.

Dù quan trọng, việc mở rộng khu vực doanh nghiệp nhỏ không thể giải quyết những vấn đề cốt lõi này. Hiện nay có 181 loại hình hoạt động tự doanh hợp pháp, nhưng gần như chỉ tập trung trong ngành dịch vụ, trong đó có làm chủ các tiệm ăn độc lập, quầy thực phẩm, và nhà trọ. Nguồn vốn khởi nghiệp thì khan hiếm, lệ phí xin các giấy phép theo quy định thì cao, và một số loại hình hợp pháp lại quá cụ thể đến mức vô nghĩa. Ngoài ra, vẫn chưa rõ liệu cơ hội kiếm tiền chính đáng có khuyến khích được các doanh nghiệp chợ đen ra hoạt động công khai hay không.

Vì vậy, cũng chẳng đáng ngạc nhiên khi sự mở rộng hoạt động tự doanh chưa giúp nhà nước đạt chỉ tiêu cắt giảm biên chế cồng kềnh của mình. Năm 2010, Castro hứa loại bỏ 500.000 việc làm nhà nước trong sáu tháng đầu năm 2011, với mục tiêu hợp nhất hơn 1,8 triệu người lao động (trong lực lượng lao động ước tính tổng cộng 5,3 triệu người) vào khu vực tư nhân trước năm 2015. Nhưng chính phủ chỉ có thể loại bỏ được 137.000 việc làm trong năm đầu tiên đó. Thế nhưng, cải cách đang có tác động rõ rệt. Các doanh nghiệp nhỏ hiện sử dụng khoảng 400.000 nhân công, tăng 154% kể từ khi quá trình tự do hóa hoạt động tự doanh bắt đầu vào tháng 10/2010. Ngoài ra, để thúc đẩy tăng trưởng hơn nữa, chính quyền gần đây đã khai trương một công ty bán sỉ sẽ cho phép các doanh nghiệp mới thành lập mua vật tư với điều khoản giống như các công ty quốc doanh, nhờ đó giải quyết một nỗi lo lớn của giới chủ doanh nghiệp.

Để bổ sung những thành quả này, Cuba cần tiếp tục tái thiết các năng lực sản xuất của mình trong các lĩnh vực cốt lõi như nông nghiệp. Trước khi Raúl Castro lên nắm quyền, khoảng 20% đất có thể canh tác ở nước này bị bỏ hoang và Cuba nhập khẩu một nửa nguồn cung thực phẩm trong nước của mình – một phần lớn trong đó nhập từ Mỹ, theo một ngoại lệ năm 2000 đối với lệnh cấm vận thương mại. Để tăng sản lượng nội địa, nhà nước đã giao đất với diện tích hơn 3,7 triệu mẫu Anh cho các nhà nông tư nhân, và sản lượng thu hoạch của họ hiện nay chiếm 57% trong tổng sản lượng thực phẩm ở Cuba dù họ chỉ chiếm gần 25% đất có thể trồng trọt được. Tuy nhiên các mức tổng sản lượng thực phẩm ở các loại cơ bản nhất vẫn quanh quẩn ở mức hoặc hơi thấp hơn mức năm 2002.

Khả quan hơn là dự án đầu tư cải tạo Cảng Mariel, do tập đoàn Odebrecht của Brazil đứng đầu, với sự hậu thuẫn của Ngân hàng Phát triển Quốc gia Brazil. Cuba đang hy vọng tự định vị là trung tâm vận tải quan trọng trong vùng Caribe. Nằm giữa Kênh đào Panama và các điểm ở Mỹ và Châu Âu, cảng nước sâu khổng lồ ở Mariel có vị trí lý tưởng để giao thương với Mỹ và các nước khác trong một thế giới hậu cấm vận. Ngoài ra, bốn công ty dược phẩm Brazil đã thỏa thuận sản xuất thuốc ở địa điểm gần cảng này để xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Brazil và các thị trường khác. Song, nếu Mỹ vẫn còn cấm vận, các lợi ích dài hạn của dự án đầu tư Mariel sẽ bị hạn chế.

Dự án cảng này làm nổi bật một số khó khăn tổng quát hơn đang hạn chế đầu tư nước ngoài ở Cuba và triển vọng tăng trưởng chung của nước này. Havana chỉ định Mariel là khu phát triển kinh tế đặc biệt – trong đó các công ty nước ngoài được hưởng các động cơ khuyến khích đặc biệt và đặc quyền – nhằm thu hút vốn đầu tư vô cùng cần thiết. Nhà chức trách Cuba cũng nhắm đến việc tận dụng trình độ học vấn cao của người dân và lập các khu đầu tư chuyên về đổi mới sáng tạo công nghệ cao và các hoạt động giá trị gia tăng khác, chẳng hạn như công nghệ sinh học. Song, nếu không có các mối liên kết với những ngành công nghiệp địa phương, những khu đầu tư như vậy có thể biến thành các ốc đảo kinh tế, tạo việc làm cho người địa phương và nguồn thu thuế cho chính phủ Cuba nhưng ít hiệu ứng nhân bội.

Hệ thống hai loại tiền tệ của đảo quốc này khiến thách thức đó lại cam go bội phần. Là một sản phẩm phụ của việc lưu hành Mỹ kim trong thập niên 1990 – thoạt tiên ở chợ đen, sau thành hợp pháp – đồng peso có thể chuyển đổi của Cuba (CUC) hiện nay là đồng tiền của ngành du lịch và được quy định dùng để mua nhiều hàng tiêu dùng. Đối với thường dân Cuba, giá trị của CUC được gắn với Mỹ kim, với một CUC ăn 25 peso Cuba (CUP), loại tiền tệ để trả lương cho phần lớn công nhân viên nhà nước. Bởi vậy, những công dân nhận được ngoại tệ từ nước ngoài hoặc kiếm tiền bằng CUC, ví như những người được du khách nước ngoài thưởng tiền tip, có lợi tức cao hơn những người chỉ dựa vào lương trả bằng CUP.

Tai hại hơn nữa là hai loại tiền tệ CUC và CUP được xem như có giá trị bằng nhau bên trong và giữa các doanh nghiệp nhà nước. Tập quán hạch toán kỳ lạ này giúp cách ly giá CUP tránh bị tác động của lạm phát trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế trầm trọng nhất sau khi Liên Xô sụp đổ, nhưng hiện nay tập quán này khiến giới phân tích và giới đầu tư khó ước tính chi phí thực sự của hoạt động kinh doanh trên đảo quốc hoặc giá trị của các công ty nhà nước. Giới kinh tế học đồng ý rằng cách ít gây xáo trộn nhất để tiến đến một đồng tiền duy nhất sẽ là dần dần hợp nhất hai tỉ giá hối đoái đồng thời với sự gia tăng đều đặn của GDP và mức lương nói chung. Nhưng trong khi đó, tỉ lệ 1:1 giả tạo sử dụng trong khu vực quốc doanh đã có tác động làm đội giá tỉ giá hối đoái quốc tế của CUP và do vậy giảm khả năng cạnh tranh của hàng nội địa. Nghịch lý là chế độ hai tiền tệ bảo hộ hàng nhập khẩu khiến sản xuất nội địa bị thiệt hại.

(Còn tiếp; Phần cuối)

*
*

Julia E. Sweig và Michael J. Bustamante
Foreign Affairs

12/08/2013


Xuất nhập cảnh dễ dàng hơn

Cải cách luật di trú mới đây của Cuba tóm tắt rất cô đọng một số khả năng, hạn chế, và tác động của chương trình nghị sự tổng quát của Castro. Tuy là dấu hiệu cho thấy nhà nước sẵn sàng ra các quyết định chiến lược và cải cách có thể nói quan trọng nhất cho đến nay, luật di trú mới cũng thể hiện rõ các rào cản cam go vẫn tồn tại và minh họa khó khăn trong việc xử lý các góc nhìn và kỳ vọng. Cũng như với hầu hết các vấn đề trong xã hội Cuba, ranh giới giữa chính trị và kinh tế học hết sức mập mờ.
Đối mặt với nguy cơ các chuyên gia có học vấn và nguồn vốn rời bỏ đất nước sau cách mạng, chính phủ Cuba đã bắt đầu quản lý chặt chẽ việc di chuyển của công dân ở nước ngoài vào đầu thập niên 1960. Vì kiều dân có liên can trực tiếp trong những nỗ lực lật đổ chế độ Castro, thường do chính phủ Mỹ tài trợ, Havana xem di trú là vấn đề an ninh quốc gia. Trong nhiều năm, những ai bỏ nước ra đi trót lọt, bất kể hợp pháp hay phi pháp, đều bị nhà nước tước đoạt tài sản và không thể về nước, ngoại trừ các ngoại lệ khác thường. Những biện pháp giới hạn như vậy đã để lại nhiều vết thương hằn sâu.
Nhưng đã lâu lắm người Cuba trong và ngoài nước không còn phân biệt được rạch ròi giữa phe chống cộng và phe cách mạng ủng hộ Castro. Hiện nay chỉ gần ghé qua sân bay Miami là đủ chứng kiến sức mạnh của các mối quan hệ xuyên quốc gia; vào mùa cao điểm, hơn một trăm chuyến bay thuê riêng hàng tuần đưa người Cuba và người Mỹ gốc Cuba quan lại giữa hai nước. Việc đi lại này đã được phép trong một số hoàn cảnh kể từ cuối thập niên, đã tăng đáng kể từ năm 2009, khi tổng thống Mỹ Barack Obama bỏ các hạn chế về chuyến thăm thân nhân. Năm 2012, có đến 400.000 người Cuba ở Mỹ về thăm quê. Và đó là chưa kể đến hàng trăm di dân Cuba sinh sống trên khắp Châu Mỹ Latinh, Canada, Châu Âu và các nước khác cũng về quê thăm và hỗ trợ gia đình.

Quả thực, bằng cách tạo điều kiện dễ dàng hơn để người Cuba đi lại, làm việc ở nước ngoài, rồi về nước, luật di trú mới của Cuba cũng nhằm mục đích kích thích nền kinh tế. Ở mức ước tính 1 tỉ Mỹ kim mỗi năm, kiều hối đã là hoạt động lớn kể từ cuối thập niên 1990, giúp người Cuba bù đắp cho mức lương thấp và tận dụng những cơ hội ít ỏi dành cho kinh doanh tư nhân. Nay khi chính phủ đã mở rộng hơn khu vực doanh nghiệp nhỏ, các mối quan hệ giữa cộng đồng kiều bào và đảo quốc đang mang lại lợi ích còn lớn hơn. Người Cuba ở nước ngoài hiện đã đầu tư vào các tiệm ăn uống mặt tiền, tiệm sửa chữa, và các doanh nghiệp nhỏ khác mọc lên khắp nước. Một số người tại Cuba cũng gởi tiền ra nước ngoài nhờ thân nhân mua giùm họ hàng tiêu dùng ở nước ngoài.

Tuy nhiên, ngoài việc chấn chỉnh một hiện trạng rất mất lòng dân, luật di trú mới đã đặt chính phủ vào tình thế khó xử. Giả định có đủ số người Cuba kham nổi lệ phí nay đã giảm, nhưng vẫn còn tương đối cao, để xin các giấy tờ thông hành cần thiết, các nước khác – chủ yếu là Mỹ – sẽ cần phải tiếp tục tiếp nhận số lượng lớn du khách và di dân cuba. Oái ăm thay, từ lâu Havana đã phê phán các ưu đãi đặc biệt mà luật di trú Mỹ dành cho người Cuba vì dường như khuyến khích và tưởng thưởng cho những nỗ lực nguy hiểm nhằm vượt biển sang Mỹ. Hiện nay, Cuba dường như hưởng lợi từ những biện pháp như vậy còn trong luật – đặc biệt là quy trình xử lý hồ sơ nhanh để được tư cách thường trú nhân theo quy định của Đạo luật Điều chỉnh Cuba năm 1996. Theo quy định của Cuba cho phép kéo dài thời gian lên đến hai năm được cứ trú hợp pháp ở nước ngoài, hơn 20.000 người Cuba di cư hợp pháp sang Mỹ mỗi năm sẽ có thể lấy được thẻ xanh mà không nhất thiết phải từ bỏ quốc tịch, nhà cửa hay cơ sở kinh doanh ở Cuba.

Nguồn vốn nhỏ nhoi của kiều bào có thể dễ quản lý hơn và dễ tin cậy hơn tiền của các tập đoàn đa quốc gia chỉ vì động cơ kiếm lợi. Theo các quy định về hồi hương trong luật di trú mới của Cuba, một số người Cuba thậm chí có thể về nước nghỉ hưu với số tiền hưu bổng và tiết kiệm sau mấy chục năm làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, mở cửa để thêm nhiều công dân trẻ tuổi ra đi có thể đầy rủi ro cho một xã hội nhanh chóng lão hóa và có tỉ lệ sinh sản thấp mà lâu nay đang bị chảy máu chất xám. Vả lại, ngoài kiều hối, Cuba rất cần những nhà đầu tư cỡ trung và cỡ lớn. Suy cho cùng, chỉ có chi tiêu nhiều hơn mới có thể giải quyết vấn đề kinh tế căn bản nhất của Cuba: các ngành sản xuất kiệt quệ của nước này. Castro dường như nhận thấy rằng thu hút đầu tư nước ngoài, phi tập trung hóa chính quyền, và mở rộng hơn nữa khu vực tư nhân là những cách duy nhất để xử lý vấn nạn dài hạn này. Tuy nhiên, có thể chính phủ sẽ thực hiện rất cẩn trọng. Giới chức trách không dám làm rúng động tình hình chính trị trong nước, còn người dân cũng như giới lãnh đạo đảng đều ngần ngại trước viễn cảnh có liệu pháp sốc thay đổi triệt để hơn. Những cuộc biểu tình đại chúng ngày càng tăng ở Trung Quốc và Việt Nam phản đối tình trạng bất bình đẳng và nạn tham nhũng tràn lan lại càng khiến chính phủ Cuba ưa chuộng chủ trương cải cách từ từ.

Giữ được thế cân đối thích hợp sẽ không phải là việc dễ. Cuối năm 2012, Havana hợp pháp hóa việc thành lập các hợp tác xã vận tải – các tổ chức tư nhân, chia sẻ lợi nhuận do các hội viên sở hữu và quản lý – để giải quyết tình trạng tắc nghẽn trong phân phối nông sản.. Trong khi đó, 100 doanh nghiệp nhà nước hiện đang tự hạch toán độc lập trong một chương trình thí điểm kéo dài một năm. Được biết chính phủ cũng đang cân nhắc những cách để dành nhiều điều khoản thuận lợi hơn cho nhiều loại đối tác nước ngoài tiềm năng tham gia liên doanh. Nhưng Đảng Cộng sản đang tìm cách vượt qua nhiều mâu thuẫn – công nhận có chỗ cho kinh tế thị trường, bỏ những thành kiến lâu đời đối với giới doanh nghiệp, và có dấu hiệu muốn phi tập trung hóa ngân sách trong khi khẳng định ngược lại, theo câu chữ trong văn bản hướng dẫn chính thức năm 2011, rằng “kế hoạch hóa tập trung, chứ không phải thị trường, sẽ nắm vai trò chủ đạo”.

Trút bớt gánh nặng cho nhà nước gia trưởng

Giảm bớt vai trò kinh tế của nhà nước trong khi duy trì tính liên tục về chính trị đòi hỏi phải khéo léo xử lý vấn đề ý thức hệ tế nhị. Tuy chính phủ hy vọng tiếp tục cung cấp cho người dân Cuba các dịch vụ xã hội quan trọng, chẳng hạn như y tế và giáo dục, giới lãnh đạo đảng đã khiển trách người dân đảo quốc quá lệ thuộc vào cái mà cách đây vài năm một quan chức có uy tín gọi là “nhà nước gia trưởng” (daddy state). Nhiều người dân Cuba xem điều đó thật mỉa mai. Những nhà cách mạng lập quốc của Cuba xưa kia đã xây dựng một nhà nước gia trưởng để bảo đảm bình đẳng, nay lại kêu gọi phá bỏ một phần nhà nước đó. Hơn nữa, phần lớn người Cuba hiện đã cần phải nhờ tới chợ đen hay sự trợ giúp của thân nhân ở nước ngoài để có được nhiều nhu yếu phẩm hằng ngày.

Phó chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel (Adalberto Roque/AFP/Getty Images)

Nói như vậy không có nghĩa là các cải cách được thực hiện mà không có ý kiến đóng góp của người dân. Trong thời gian chuẩn bị cho Đại hội 6 của Đảng Cộng sản Cuba vào năm 2011, chính phủ đã triệu tập nhiều cuộc họp trên khắp nước để nghe người dân bày tỏ bất bình và đưa các kiến nghị thay đổi, và để thảo luận chương trình nghị sự của Castro. Dù trước mắt chưa thể có bầu cử đa đảng, nỗ lực này đã tạo điều kiện cho tranh luận công khai rộng rãi và thường quyết liệt, tuy vẫn trong khuôn khổ nhận thức “xã hội chủ nghĩa” tổng quát. Tuy vẫn bảo vệ chế độ cai trị độc đảng, Castro cũng đã kêu gọi giới quan chức nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho phép báo chí nhà nước tiếp xúc với họ, và ông cũng yêu cầu báo chí về phần mình hãy bỏ giọng điệu đắc thắng thường thấy. Theo tinh thần tương tự, ông nài nỉ sinh viên hãy “dũng cảm tranh luận” và đảng viên hãy “nhìn thẳng vào mắt nhau, bất đồng và tranh luận, bất đồng ngay cả với những gì lãnh đạo nói bất cứ khi nào [các đồng chí] nghĩ có lý do phải bất đồng”. Gần đây hơn, Díaz-Canel công khai nhắc tới việc không thể nào ngăn cấm lan truyền tin tức qua các mạng xã hội và Internet – một dấu hiệu cho thấy rằng, đối với chính phủ, lợi ích chiến lược tạo điều kiện thuận lợi để kết nối Internet rộng rãi hơn rất có thể sẽ có giá trị hơn nhiều so với lợi ích của việc kiểm soát truy cập mạng.

Thực tế vẫn chưa bắt kịp với những lời hô hào này. Tranh luận công khai của các quan chức cao cấp của Cuba vẫn còn hiếm, cho dù có tin nói rằng khi họp kín nội bộ họ tranh cãi kịch liệt. Cũng chưa rõ liệu Quốc hội Cuba có thể trở thành một nhánh chính quyền có ý nghĩa hơn, có khả năng tranh biện hơn hay không. Những phát biểu công khai bị xem là bài bác tính chính đáng của Cách mạng Cuba vẫn là điều cấm kỵ, và là căn cứ để lãnh hậu quả ở công sở hay thậm chí bị khai trừ. Tuy nhiên, bên ngoài các cơ quan chính phủ cao cấp và các nhật báo chủ yếu vẫn nhu mì không dám bày tỏ bất đồng, những tiếng nói đa dạng đã nâng tầm tranh luận đáng kể trong những năm gần đây, xóa nhòa ranh giới khá rõ rệt phân biệt các quan điểm “cách mạng” và “ phản cách mạng”.

Quốc tế thường chú ý đến cộng đồng bất đồng chính kiến có quy mô nhỏ và tự phong của Cuba, đặc biệt là một nhóm mới hơn gồm những nhà hoạt động và blogger thành thạo kỹ thuật số. Song, ở một nước mà Internet vẫn còn là mặt hàng đắt đỏ và bị quản lý chặt chẽ, có lẽ những cuộc tranh luận lý thú nhất và có thể có tác dụng nhất đang diễn ra trong giới học thuật, giới nghệ sĩ, các nhà làm phim độc lập, các cựu quan chức, và các lãnh tụ tôn giáo không chuyên, đặc biệt từ Công giáo. Người dân Cuba dễ dàng tiếp cận hơn với các trang mạng, tạp chí, và các diễn đàn công khai của các giới này. Nhìn chung, các giới này không kiến nghị dứt khoát đoạn tuyệt với tất cả các di sản, biểu tượng và chủ đề tuyên truyền của Cách mạng Cuba. Họ cũng giữ khoảng cách với nguồn hỗ trợ tài chính từ nước ngoài, đặc biệt của Mỹ và người Mỹ gốc Cuba; các nguồn tài chính đó đã khiến nhiều nhà bất đồng chính kiến thành “tay sai” trong con mắt của nhà nước Cuba. Song, họ hành động như vậy là do niềm tin chính trị chứ không phải vì tính toán chiến lược, không chịu chấp nhận cái được xem là lựa chọn giữa quỵ lụy trước đảng ở quốc nội và cộng tác với các âm mưu chuyển tiếp dàn dựng ở hải ngoại.
Gần đây, một nhóm nhỏ gồm những người Công giáo ôn hòa và những người Marxist chủ trương cải cách được một trung tâm văn hóa do giáo hội tài trợ tập hợp lại với nhau, đã lưu hành trên mạng một loạt các kiến nghị thẳng thắn về cải cách chính trị. Những kiến nghị bao gồm cho phép bầu cử trực tiếp và có tính cạnh tranh cho tất cả các vị trí lãnh đạo quan trọng của Cuba (dù với tất cả các ứng cử viên xuất phát từ cùng một đảng), được quyền truy cập Internet không hạn chế, truyền thông tự do hơn, phân chia quyền lực hữu hiệu hơn trong chính quyền, và sử dụng nhiều hơn các cuộc bỏ phiếu toàn dân đối với các quyết định lớn của chính phủ. Những kiến nghị này đã gây nên sự phản đối từ một số người muốn giữ nguyên hiện trạng, trong khi tạo được sự quan tâm và ủng hộ đáng kể, và tranh luận trong giới học thuật trên đảo quốc.

Tuy nhiên, dù các cuộc thảo luận này có quy mô vô tiền khoáng hậu, khó mà tiên đoán liệu chúng có tạo được thay đổi cụ thể trong ngắn hạn hay không. Hiện tại, các cuộc thảo luận này dường như chẳng có tác động gì lắm đối với công chúng; họ ít quan tâm với chúng hơn giới chính thống khăng khăng bám giữ đức tin cách mạng. Lý do giải thích việc thường dân Cuba không màng đến chính trị vừa là do tính bàng quan, tính trì trệ, tâm lý tự phòng thân, và các nhu cầu vật chất mà họ đối mặt hàng ngày, vừa là do họ ít được tiếp cận thông tin và quyền tụ họp bị hạn chế. Dù gì đi nữa, rất nhiều người Cuba xem các đài truyền hình Miami qua băng đĩa hoặc vệ tinh lậu, nhưng đến nay có vẻ như họ không có nhiều khả năng xuống đường biểu tình hơn những người hàng xóm không được tiếp cận thông tin như vậy. Kể từ thập niên 1960, những cách chính để những người bất mãn hay không hài lòng tại Cuba bày tỏ quan điểm của mình là di cư – đặc cụ thể là sang Mỹ, do có nhiều động cơ khuyến khích dành cho người Cuba được quy định trong luật nhập cư của Mỹ. Chừng nào chiều hướng này còn tiếp tục, Havana sẽ có không gian chính trị để tiếp tục các cải cách của mình “không ngừng nghỉ, nhưng không vội vã”, theo lời của Castro.

Tảng băng cuối cùng của Chiến tranh Lạnh

Như vấn đề di trú cho thấy, không thể hiểu rõ hoàn cảnh kinh tế và chính trị của Cuba nếu tách biệt nó ra khỏi bối cảnh quốc tế. Lệnh cấm vận của Mỹ vẫn là một chướng ngại vật rất lớn đối với sự thịnh vượng kinh tế của đảo quốc, và khiến triển vọng chính trị nội địa của Cuba rất u ám. Trong trường hợp Việt Nam, chỉ sau khi Mỹ bỏ lệnh cấm vận năm 1994 nền kinh tế mới bắt đầu biến đổi thật sự. Do Cuba ở gần Mỹ, và có chi phí lao động tương đối thấp, một thay đổi tương tự về luật của Mỹ có thể có tác động sâu sắc đối với Cuba.

Hồi tháng Giêng, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry mở đầu buổi điều trần để phê chuẩn chức vụ cho ông bằng cách ca ngợi mối quan hệ cộng tác mật thiết giữa ông với Thượng nghị sĩ John McCain (Đảng Cộng hòa, tiểu bang Arizona) trong việc vượt qua di sản của chiến tranh để khôi phục quan hệ của Mỹ với Việt Nam. Song, cả Kerry lẫn Obama dường như vẫn theo quan niệm truyền thống đã lỗi thời về Cuba; theo quan niệm đó, Washington không thể thay đổi chính sách thất bại của mình chừng nào những người Mỹ gốc Cuba trong Hạ viện tiếp tục phản đối. Tuy nhiên, thực tế hiện đang thay đổi. Cử tri của những nhà lập pháp này đã bắt đầu bỏ phiếu bằng đôi chân và túi tiền của mình, về Cuba và gởi tiền về cho gia đình ở đó với mức độ chưa từng thấy trước đây. Ngoài ra, nhiều người người Mỹ gốc Cuba giàu có hiện nay đang bàn bạc trực tiếp với Havana về những dự án đầu tư lớn trong tương lai. Là một ứng cử viên Đảng Dân chủ đã giành gần một nửa số phiếu của người Mỹ gốc Cuba ở Florida trong năm 2012, Obama có vị thế vững vàng hơn bất cứ vị tổng thống tiền nhiệm nào để bắt đầu phác thảo lộ trình chấm dứt lệnh cấm vận kéo dài 50 năm của Mỹ.

Bối cảnh địa chính trị ở Châu Mỹ Latinh là một lý do khác mà chính phủ Mỹ nên có thay đổi nghiêm túc về Cuba. Năm năm qua, Obama đã làm ngơ về việc Châu Mỹ Latinh nhất trí phản đối quan điểm của Washington về Cuba. Thay vì duy trì mãi thế cô lập ngoại giao của Havana, chính sách của Mỹ thể hiện các kỳ vọng đế quốc của một thời đại đã qua, góp phần dẫn đến việc chính Washington bị đẩy ra bên lề. Gần như tất các các nước trong khu vực đã từ chối tham dự một Hội nghị Thượng đỉnh các Châu Mỹ nữa nếu không có sự hiện diện của Cuba. Cuba, về phần mình, hiện là chủ tịch Cộng đồng các Nhà nước Châu Mỹ Latinh và Caribe mới thành lập và loại trừ Washington. Chính quyền Obama đã bắt đầu vạch ra cái có thể trở thành chương trình nghị sự nghiêm túc trong nhiệm kỳ thứ hai về Châu Mỹ Latinh, tập trung vào năng lượng, việc làm, sự tham gia của toàn xã hội, và tăng cường hội nhập với các Châu Mỹ. Nhưng Cuba có ý nghĩa tượng trưng mạnh trên khắp khu vực này đến nỗi Tòa Bạch Ốc chỉ có thể dứt khoát đưa các quan hệ Mỹ- Châu Mỹ Latinh ra khỏi Chiến tranh Lạnh và bước vào thế kỷ 21 bằng cách thay đổi chính sách của mình đối với Cuba.

Tuy nhiên, để có thay đổi như vậy, Washington phải từ bỏ giả định cho rằng Havana thích một mối quan hệ đối đầu với Mỹ. Raúl Castro đã cho thấy ông không giống anh trai của mình và tận dụng nhiều kênh khác nhau, công khai lẫn riêng tư, để nhắn với Washington rằng ông sẵn sàng thảo luận. Như vậy không có nghĩa là ông hay những người kế nhiệm ông sẵn sàng thỏa hiệp về chính trị nội bộ của Cuba; thực ra, vẫn chưa rõ Castro sẵn sàng đưa những vấn đề gì ra để thương thảo. Nhưng các quyết định của chính phủ ông về việc thả hơn 120 tù chính trị trong năm 2010 và 2011 và cho phép các blogger và nhà hoạt động bất đồng đi nước ngoài trong năm nay có thể là nhằm mục đích dọn đường cho các cuộc thảo luận có thể có với Mỹ.

Trong khi dó, cái chết của Hugo Chávez, cựu tổng thống Venezuela, và thắng lợi sít sao của người kế nhiệm ông, Nicolás Maduro, đã cho thấy rõ là Havana có những lý do riêng của mình để vạch ra con đường tiến tới bang giao với Mỹ. Trong khoảng một thập niên vừa qua, Cuba đã lệ thuộc vào Venezuela để được cung cấp số lượng lớn dầu hỏa được trợ giá, và đổi lại bằng cách cử một lực lượng hùng hậu bác sĩ Cuba làm việc cho các chương trình xã hội của chính quyền Chávez. Tình hình bất ổn chính trị ở Caracas là một lời nhắc nhở mạnh mẽ về những mối nguy hiểm của việc lệ thuộc quá nhiều vào một đối tác. Havana hiện đang bắt đầu mở rộng quan hệ. Ngoài việc đầu tư vốn vào dự án nâng cấp Cảng Mariel, Brazil đã cấp một hạn mức tín dụng để cải tạo và mở rộng năm sân bay ở cuba và gần đây đã ký thỏa thuận tuyển mộ 6.000 bác sĩ Cuba để giải quyết tình trạng thiếu nhân sự phục vụ y tế nông thôn của Brazil. Dù vậy, về lâu về dài, Mỹ vẫn là một thị trường tự nhiên trọng yếu cho các sản phẩm và dịch vụ của Cuba.

Dĩ nhiên, như thập niên 1990 đã chứng minh, ngay cả một đợt khó khăn tài chính nghiêm trọng cũng có thể chưa đủ để khiến Havana đến cầu cạnh Washington. Nửa thế kỷ chiến tranh kinh tế của Mỹ đã khiến các quan chức chính quyền và cán bộ đảng ở Cuba nghĩ rằng sự cởi mở trong nước hoặc đối với Mỹ có liên hệ với mối đe dọa cho nền độc lập của Cuba. Một số người theo chủ trương cứng rắn có thể thích chèo chống để vượt qua khó khăn của hoàn cảnh hiện tại hơn là đối mặt với tình hình bất trắc có thể xuất hiện do mở cửa đất nước rộng hơn.

Tuy nhiên, cách tốt nhất để thay đổi những thái độ như vậy là Washington nên chủ động thiết lập một thỏa thuận ngoại giao và kinh tế với Havana. Trong ngắn hạn, hai nước có nhiều vấn đề thực tiễn để cùng nhau giải quyết, trong đó có các thách thức về môi trường và an ninh, cũng những số phận của những nhân vật được nhiều người biết đến đang ở tù tại Mỹ và Cuba. Phần lớn các bước chính sách mà Obama nên thực hiện ở giai đoạn này –đưa Cuba ra khỏi danh sách các nhà nước ủng hộ khủng bố, loại bỏ các rào cản cho tất cả người Mỹ sang Cuba, và cho phép thương mại và đầu tư nhiều hơn – sẽ không cần sự phê chuẩn của nghị viện hay mặc cả quan trọng với Havana. Dù có thể bất tiện về chính trị ở Mỹ nếu một vị tổng thống bị xem là ra tay giúp Castro, tại Cuba, những biện pháp như vậy có thể củng cố lập luận cho rằng Cuba có thể trở thành một xã hội cởi mở hơn, dân chủ hơn mà không ngã quỵ trước áp lực bên ngoài hay bị lật đổ. Hơn nữa, các mối quan hệ thương mại sâu rộng hơn có thể có tác động vượt ra khỏi khuôn khổ kinh tế, giúp giới cải cách trong nước có ảnh hưởng hơn và tăng mức độ ủng hộ tại Cuba đối với việc tự do hóa kinh tế và chính trị nhiều hơn.

Năm 1991, tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev đứng cạnh Ngoại trưởng Mỹ James Baker ở Moscow và tuyên bố rằng Liên Xô sẽ bỏ khoản trợ cấp hàng tỉ Mỹ kim mỗi năm cho Cuba. Các nhà phân tích của CIA và giới bình luận ở Mỹ ngay lập tức bắt đầu tiên đoán Cách mạng Cuba sắp chết và sự nhanh chóng khôi phục chủ nghĩa tư bản. Hơn 20 năm đã qua kể từ khi đó, Fidel Castro đã rút lui, và Raúl Castro, 82 tuổi, hiện đang trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ chủ tịch 5 năm theo ông là nhiệm kỳ cuối cùng của ông.

Năm 2018, khi Díaz-Canel nắm quyền, rất có thể Cuba sẽ tiếp tục thách đố những mơ tưởng của Mỹ thời hậu Chiến tranh Lạnh cho dù Cuba ngày càng xa rời quá khứ xã hội chủ nghĩa chính thống của mình. Với những người còn lại của thế hệ cách mạng lập quốc của Cuba, sự chuyển biến tế nhị như vậy là cơ hội cuối cùng để định hình di sản của họ. Với những người Cuba sinh sau năm 1991, những năm sắp tới có thể mang lại cơ hội từ bỏ hoàn cảnh bế tắc ý thức hệ và kinh tế kéo dài mà họ đã lớn lên cùng.

Trong khi đó, Obama có quyền lựa chọn. Ông có thể chọn con đường ít bị chống đối chính trị nhất và để các quan chức chính quyền thủ cựu, những người khư khư chủ thuyết an ninh quốc gia, và những ý kiến ủng hộ cấm vận ở Mỹ tiếp tục chính sách hạn chế Cuba, càng làm xa lánh các đồng minh trong khu vực và khiến các quan chức Cuba tiếp tục có tâm lý bị cô lập. Hoặc ông có thể can đảm trở thành vị tổng thống rốt cuộc đã rút Mỹ ra khỏi cuộc tranh luận nội bộ của Cuba và tìm được cách để Washington và Havana hợp tác với nhau. Nếu được như vậy thì cả người dân Cuba lẫn các lợi ích quốc gia của Mỹ đều được lợi.

Nguồn: Julia E. Sweig and Michael J. Bustamante, Cuba After Communism, Foreign Affairs, July/August 2013.

Bản tiếng Việt © 2013 Phạm Vũ Lửa Hạ

(Bản dịch tiếng Việt, ký tên Khương An, đăng 3 kỳ trên Thời Mới Canada, ngày 24/7, 31/7 & 7/8/2013.)


No comments:

Post a Comment

View My Stats