Friday, 2 August 2013

NGHỊ ĐỊNH SIẾT INTERNET CHẶT HƠN BỊ DƯ LUẬN VIỆT NAM "NÉM ĐÁ" (Người Việt)




Thursday, August 01, 2013 7:43:26 PM

HÀ NỘI (NV) .- Chưa đầy 24 tiếng đồng hồ sau khi chế độ Hà Nội loan báo ban hành một nghị định mới về việc quản lý dịch vụ Internet, nó bị  hàng trăm dân mạng “ném đá” tới tấp.

Các bloggers Việt Nam gặp đại diện Văn phòng cao Ủy Nhân Quyền LHQ tại Thái Lan trao Tuyên bố 258” ngày 31/7/2013 với chũ ký của hơn 100 thành viên. (Hình: Facebook Đoan Trang)

'Ném đá' là từ mà các cư dân mạng dùng để chỉ hành động phê phán hay chỉ trích, mà lần này là dành cho nhà cầm quyền Việt Nam.

Nghị định mang số 72/2013/NĐ/CP do ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ngày 15/7/2013 và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/9/2013 chủ đích siết chặt sự sử dụng internet ở Việt Nam thêm một mức nữa, đặc biệt nhắm vào các người sử dụng các mạng xã hội để trao đổi thông tin, và muốn “quản” cả các công ty dịch vụ ở nước ngoài.

Một số điểm nổi bật bị "ném đá" của cái nghị định nói trên, đó là:

'Các trang thông tin điện tử cá nhân là trang thông tin điện tử do cá nhân thiết lập hoặc thiết lập thông qua việc sử dụng dịch vụ mạng xã hội để cung cấp trao đổi thông tin của chính cá nhân đó, không đại diện cho tổ chức hoặc cá nhân khác và không cung cấp thông tin tổng hợp” , theo khoản 4 điều 20 của nghị định nói trên.

Người có “tài khoản” ở các mạng xã hội phải “đồng ý cung cấp thông tin”...”khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật”, theo điểm 7 điều 21 của nghị định trên. Nói khác, khi bị Công an xét máy, hoạnh họe thì phải đưa mật mã, khai tên thật để tra gạn xem có gì “tuyên truyền chống nhà nước” hay “âm mưu lật đổ” gì không để đi ở tù.

Đối với các công ty dịch vụ internet hay mạng xã hội ở ngoại thì bị đòi hỏi như thế này khi “cung cấp thông tin công cộng qua biên giới” theo điều 22 của nghị định: “Các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài khi cung cấp thông tin công cộng qua biên giới có người sử dụng tại Việt Nam hoặc có truy cập tại Việt Nam cần tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan của Việt Nam”.

Một trong những điều mà nhà cầm quyền Hà Nội đòi hỏi không biết có thực hiện được không và người ta có chịu làm không, như điều 25 nói về “Quyền và nghĩa vụ của tổ chức doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội” là đòi họ phải “có ít nhất 1 hệ thống máy chủ tại Việt Nam đáp ứng việc thanh tra, kiểm tra, lưu trữ, cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền...”

Đồng thời điều khoản này buộc họ phải “cung cấp thông tin của người sử dụng” cũng như phải “phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để loại bỏ hoặc ngăn chặn thông tin có nội dung” bị nhà cầm quyền Hà Nội dị ứng.

Blogger Nguyễn Quang Vinh viết trên blog: “Nghị định này rõ ràng nhắm bịt mồm quần chúng”. Facebooker Nguyễn Văn Phương viết: “Nhà cầm quyền muốn biến chúng ta thành những người máy”. Blogger Huỳnh Ngọc Chênh đếm từ lúc Bộ 4T công bố nghị định 72 chiều ngày 31/7 đến sáng hôm sau, ngày 1/8 thì thấy “đếm được trên mạng có gần 100 từ 'điên khùng' để chỉ về nghị định 72.”
Blogger Nguyễn Hữu Vinh thì cho rằng theo cái nghị định mới đó, từ nay facebooker chỉ được đưa tin một mẫu thí dụ như “Ngủ dậy mấy giờ? Có mơ khi ngủ không? Ăn sáng chưa?” “Và không được nói ăn sáng với ai và ai mua”, bởi vì “Phải luôn luôn nhớ lá chỉ được đưa những thứ của chính mình” lên mạng. Nếu không thì phạm luật.

Ngày 24/7/2013 vừa qua, Tổ chức Bảo Vệ Ký Giả Quốc Tế CPJ tố cáo rằng cái nghị định mà nhà cầm quyền Hà Nội đang đưa ra là muốn các công ty dịch vụ internet quốc về và các mạng xã hội phải “đồng lõa” với nhà cầm quyền trong việc xâm phạm quyền tự do thông tin của người dân.

Bị đả kích thậm tệ, Bộ Thông tin - Truyền thông CSVN ngày 1/8 họp báo rằng nghị định mang số 72 của họ đã "bị hiểu không chính xác." Sau khi vòng vo giải thích rằng nhà nước Việt Nam không cấm các trang mạng cá nhân "chia sẻ và tổng hợp thông tin," ông Hoàng Vĩnh Bảo, Cục trưởng Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử nói rằng "không ai cấm cá nhân làm các trang thông tin điện tử tổng hợp, miễn phải thỏa mãn các điều kiện theo quy định của pháp luật."

Ngày hôm trước, trong cuộc họp báo giới thiệu về Nghị định 72, một Thứ trưởng của Bộ Thông tin Truyền thông nói, bộ của ông ta sẽ soạn thảo một thông tư riêng về “cơ chế quản lý đối với các doanh nghiệp cung cấp thông tin xuyên biên giới”. Liệu các “doanh nghiệp nước ngoài” như Facebook, Google sẽ tự nguyện chấp nhận “cơ chế quản lý” do chính quyền Việt Nam soạn thảo (?).

Cũng viên thứ trưởng đó cho biết, thông tư mà bộ của ông ta đang soạn thảo sẽ tuân thủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Liệu có điều ước quốc tế nào cho phép chế độ Hà Nội hạn chế tối đa việc chia sẻ những thông tin mang tính đương nhiên như tin thời sự (?).

Viên thứ trưởng vừa kể còn tuyên bố rằng, nhiều trang web mang “nội dung xuyên tạc” có nguồn gốc từ nước ngoài nên ngoài nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước, còn cần phải có sự phối hợp với các cơ quan, tổ chức quốc tế cũng như các quốc gia khác để xử lý, ngăn chặn những trang web loại này.

Liệu có bao nhiêu quốc gia, cơ quan, tổ chức quốc tế sẵn sàng vứt bỏ nhân quyền để cùng với Việt Nam “xử lý, ngăn chặn” những trang web mà chính quyền Việt Nam không thích (?). (GĐ-PL-TN)



No comments:

Post a Comment

View My Stats