Sunday 11 August 2013

NGHỊ ĐỊNH 72 & LIÊN HỆ VỚI HOA KỲ (Lê Phan)




Lê Phan
Saturday, August 10, 2013 5:24:45 PM

Kể từ 1 tháng 9 tới đây chính quyền Hà Nội sẽ cho áp dụng Nghị định 72/2013 về “Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.”

Ðiều đã dấy lên những phản đối từ các tổ chức nhân quyền và gây hoang mang trong giới nhà báo tự do ở Việt Nam là điều khoản liên quan cái gọi là “trang thông tin tổng hợp” và tin tổng hợp. Về cái gọi là trang thông tin tổng hợp thì chính quyền định nghĩa như sau “Trang thông tin điện tử tổng hợp là trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp thông tin tổng hợp trên cơ sở trích dẫn nguyên văn, chính xác nguồn tin chính thức và ghi rõ tên tác giả hoặc tên cơ quan của nguồn tin chính thức, thời gian đã đăng, phát thông tin đó.”

Khoản 2 của điều 20 như vậy đã khẳng định là các trang thông tin điện tử chỉ có quyền loan truyền những “nguồn tin chính thức.” Cũng trong điều 20, khoản 4 xác định về quyền hạn của “trang thông tin điện tử cá nhân” như sau “Trang thông tin điện tử cá nhân là trang thông tin điện tử do cá nhân thiết lập hoặc thiết lập thông qua việc sử dụng dịch vụ mạng xã hội để cung cấp, trao đổi thông tin của chính cá nhân đó, không đại diện cho tổ chức hoặc cá nhân khác và không cung cấp thông tin tổng hợp.”

Ngay lập tức chúng ta thấy là mục tiêu của nghị định này là những trang như Anh Ba Sàm, Bauxite Việt Nam, vốn là những trang mà mục đích chính là tổng hợp tin tức và cung cấp cho mọi người. Theo điều khoản trên thì họ sẽ không có quyền hoạt động nữa.

Dĩ nhiên các tổ chức bảo vệ quyền của nhà báo đã lên tiếng. Ở Pháp, Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) đã lên án “Việc thi hành nghị định này sẽ dẫn đến việc các cơ quan chính quyền thường xuyên kiểm soát toàn diện và liên tục mạng Internet.” Nhắc lại là theo nghị định, các blog và các trang giao dịch xã hội sẽ chỉ có quyền “cung cấp và trao đổi các thông tin mang tính cá nhân,” RSF khẳng định là nghị định này sẽ tạo nên một “lỗ đen” thông tin ở Việt Nam. RSF kêu gọi “toàn thể cộng đồng quốc tế lên án một cách nghiêm khắc Việt Nam, nếu chính quyền Việt Nam thị hành Nghị định 72...”

RSF còn yêu cầu tính đến việc loại Việt Nam ra khỏi các đàm phán liên quan đến thỏa thuận mậu dịch xuyên Thái Bình Dương TPP vì trong thỏa ước này có điều khoản quốc gia tham gia phải bảo vệ nhân quyền.

Từ Bangkok, ký giả Shawn Crispin, đại diện Ðông Nam Á của Ủy Ban Bảo Vệ Nhà Báo (CPJ) đã lên án nghị định này là “Cố gắng mới nhất của Việt Nam để đàn áp blog chính trị và ngăn chặn mọi hình thức bình luận chỉ trích online. Các blogger độc lập đang thách thức độc quyền của đảng Cộng sản cầm quyền về báo chí và truyền thông và nghị định mới này là cố gắng mới nhất của chính quyền để đóng cửa một không gian mở.”

Bình luận trong nhật báo Christian Science Monitor, giáo sư chính trị học chuyên nghiên cứu về Việt Nam Zachary Abuza đã chỉ ra là Việt Nam đang tự tạo cho mình nguy cơ làm các nhà đầu tư ngoại quốc tức giận bỏ đi với những nghị định luật ngày càng thêm khắt khe về Internet. Ông Abuza chỉ ra là trong khi Trung Quốc có đủ khối lượng khổng lồ người sử dụng Internet để có thể vì lợi nhuận điều đình với các đại công ty như Google, để có những cấm cản trong việc truy cập. Việt Nam không có được cái thế mạnh đó.

Và có lẽ chính vì vậy một số các nhà bình luận chỉ ra là ở một khía cạnh nào đó chính quyền đã chùn tay. Nghị định 72 nguyên thủy được soạn thảo với điều khoản đòi hỏi tất cả các công ty cung cấp dịch vụ Internet ngoại quốc phải có các server tức là các máy chủ và văn phòng tại Việt Nam nếu muốn được cho phép hoạt động ở Việt Nam. Ðiều này có thể buộc các công ty này phải cung cấp các thông tin về thân chủ và hoạt động trên Internet cho chính quyền Hà Nội nếu bị yêu cầu.

Vì thế Liên Minh Internet Á Châu, một tổ chức của ngành kỹ nghệ tin học thành lập bởi eBay, Facebook, Google, Salesforce và Yahoo, đã đưa ra tuyên bố chống lại những điều khoản này, nói sẽ có thể làm hại đến đầu tư ngoại quốc. Và ngay sau khi có tuyên bố này, chính quyền Hà Nội đã lặng lẽ rút bỏ những điều khoản về việc buộc họ phải có máy chủ ở Việt Nam.

Hà Nội cũng đã lùi bước bỏ đề nghị cấm những người sử dụng Facebook và Twitter đưa các web-links lên trang của họ. Với 11 triệu trương mục từ Việt Nam, Facebook đã ngày càng thay thế blog trong thông tin chính trị thành ra nhượng bộ này quả là đáng kể.

Nhưng như ông David Brown, một nhà cựu ngoại giao chuyên nghiên cứu về Việt Nam, nghị định này chưa chắc đã tạo nên mấy thay đổi. Bởi theo ông Brown, “Họ viết ra những luật như thế này, nhưng họ đã không thi hành hay là thi hành quá chọn lọc thành ra không bị coi như là đe dọa cho cá nhân.”

Vả lại, những người sử dụng Internet ở Việt Nam bây giờ rành rõi luật lệ lắm. Họ cũng rất rành nghề “trèo tường lửa” để tìm đến những địa chỉ họ muốn. Và một số blog đã chuẩn bị với Anh Ba Sàm và Dân Làm Báo nay sử dụng những máy chủ ở ngoại quốc.

Như vậy là chưa chắc đã kiểm soát thêm được Internet chút nào không, nhưng chắc chắn là nghị định này đã làm Hoa Kỳ không hài lòng. Với Việt Nam có vẻ đang tiến tới trong việc cải thiện liên hệ với Hoa Kỳ qua cuộc viếng thăm dù vội vàng của Chủ tịch Trương Tấn Sang cũng như một số các công ty Hoa Kỳ như Starbucks và McDonald's tiếp tục tiến vào thị trường Việt Nam, Nghị định 72 đã làm Hoa Kỳ phản ứng mạnh.

Ðược biết là trước khi ông Sang đến Hoa Kỳ, trong chuyến công du của Tham mưu trưởng Quân Ðội Nhân Dân Tướng Ðỗ Bá Tỵ đã bày tỏ muốn được Hoa Kỳ hủy lệnh cấm bán vũ khí chiến tranh. Ðây là một việc mà Hà Nội coi như là một cách tăng cường thêm liên hệ giữa hai cựu thù và thúc đẩy hợp tác quân sự.

Nhưng hôm Thứ Tư, 7 tháng 8 vừa qua, Ðại sứ David Shear, trong một lời tuyên bố với báo chí trong nước, đã khẳng định “Phía Việt Nam đã bày tỏ muốn hủy bỏ giới hạn đó, và chúng tôi sẽ cứu xét việc này một cách nghiêm chỉnh. Nhưng chúng tôi cũng tin rằng để có tạo được ủng hộ chính trị cho việc hủy những giới hạn này... chúng tôi cần thấy có một số tiến bộ nào đó về nhân quyền về phía Việt Nam.” Ðiều ông đại sứ muốn nhắc khéo là luật cấm vận do Quốc Hội đưa ra và với tình hình nhân quyền hiện nay thì khó mà được Quốc Hội Hoa Kỳ chấp nhận cho hủy cấm vận vũ khí.

Cùng với chiến dịch bắt bớ blogger và những người chỉ trích chính quyền, nghị định mới này đã làm cho Việt Nam khó tăng cường liên hệ với Hoa Kỳ. Những giới hạn này cũng có tiềm năng gây phức tạp cho các liên hệ mậu dịch trong tương lai, kể cả cố gắng của Việt Nam tham gia Hiệp ước Ðối tác Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương TPP.

Một điều mà Giáo Sư Carl Thayer của Học Viện Quốc Phòng Úc đã chỉ ra cho ta thấy rõ là tuy Hà Nội đã có ký kết những hiệp ước đối tác chiến lược với Trung Quốc, Nga và cả Anh Quốc, chuyến công du của ông Sang đã không mang lại được một thỏa thuận đối tác chiến lược với Hoa Kỳ.


No comments:

Post a Comment

View My Stats