Sunday 11 August 2013

NHÂN QUYỀN VIỆT NAM : LÀM TỚI (Vi Anh - Việt Báo)




08/10/2013

Hạ Nghị Viện Mỹ vừa thông qua Dự luật Nhân quyền Việt Nam HR 1897, với đa số áp đảo 430 đồng ý, 5 chống và 23 phiếu trắng. Đây là lần thứ tư bốn pháp nhiệm Hạ Viện Mỹ đã thông qua dự luật Nhân Quyền VN. Ba lần trước bị Uỷ Ban Đối Ngoại của Thượng Viện, chánh yếu là do Thượng Nghị sĩ Kerry, Chủ Tịch Uỷ Ban dìm, không đưa ra khoáng đại Thượng Viện.

Dự luật Nhân quyền Việt Nam HR 1897 kỳ này nội dung nói chung cũng gần giống như kỳ rồi, là cắt viện trợ phi nhân đạo tức cắt viện trợ kinh tế, quân sự đối với nhà cầm quyền CSVN và yêu cầu Bộ Ngoại Giao Mỹ phải có những biện pháp cứng rắn đối với Hà Nội trong các hồ sơ nhân quyền và tự do tôn giáo. Nó khác với năm rồi một chút là không dành một ngân khoản để giúp cho những nhà dân chủ hoạt động nhưng không cho cắt giớ, cắt tiền tài trợ cho Đài Á châu Tự do và yêu cầu Bộ ngoại Giao Mỹ phải vận động không cho VNCS vào Hội Đồng Nhẩn Quyền của Liên Hiệp Quốc.

Theo các nhà quan sát dự luật này được thông qua lúc 19 giờ 45 ngày 1 tháng 8 năm 2013 tại trụ sở Hạ Viện, trước dự trù cả hai tháng.

Dự luật do hai nghị sỹ Ed Royce, đảng Cộng hòa, bang California; và Chris Smith, đảng Cộng hòa, bang New Jersey, khởi xướng.

Theo Hiến Pháp Mỹ Dự luật HR 1897 này sẽ được chuyển qua Thượng Viện. Uỷ Ban Đối Ngoại của Thượng Viện sẽ xem xét, có thể đưa hay không đưa ra khoáng đại Thượng Viện thảo luận biểu quyết. Nếu Uỷ Ban dìm và giết trong trứng nước thì Dự luật sẽ theo số phận của ba dự luật trước. Nếu Ủy Ban đưa ra khoáng đại Thượng Viện thảo luận thì có hai trường hợp xảy ra. Thượng Viện bác bỏ hay thông qua. Trường hợp tốt nhứt là Thượng Viện thông qua, dự luật sẽ chuyển qua tổng thống để ký ban hành. Trường hợp suông sẻ là TT ban hành. Không suông sẻ là TT phủ quyết, trả về Quốc Hội. Lưỡng Viện Quốc Hội nếu đạt được túc bố 2/3 đồng ý thì TT có 10 ngày phải ban hành, nếu không dự luật đương nhiên thành luật.

Hy vọng dự luật được thông qua cao hơn mấy kỳ trước, vì TNS Kerry không còn ở Quốc Hội nữa, không còn làm Chủ Tịch Uỷ Ban Đối Ngoại Thượng Viện nữa.

Sở dĩ phải phân tích dông dài về thủ tục lập pháp nhiêu khê như thế để cho thấy nhu cầu vận động tới của người Mỹ gốc Việt cho dự luật nhân quyền VN – rất lớn.

Một là vì tình hình nhân quyền VN trong tương quan Hà nội và Washington rất phức tạp. Trong cuộc gặp gỡ giữa TT Obama và Chủ Tịch Trương tấn Sang, người ta thấy ô Obama có nói về nhân quyền VN nhưng nói yếu xìu. Còn Ông Sang trả lời trớt quớt, biện minh đó là một vấn đề tuỳ thuộc văn hoá của mỗi nước dù chính CS Hà nội thò tay mặt, đặt tay trái vào ký công ước nhân quyền là giá trị phổ quát của Nhân Loại.

Nói khác đi vấn đề nhân quyền tuy là giá trị Mỹ đang cổ võ trên hoàn cầu nhưng nó yếu hơn quyền lợi của Mỹ - cụ thể là yếu hơn, ít quan trọng hơn vấn đề kinh tế, vấn đề chiến lược.

Ngay trong nội bộ của chánh quyền Mỹ cũng tế nhị, Ba lần Chủ Tịch Uỷ Ban Đối Ngoại Thượng Viện ngâm dấm dự luật nhân quyền VN do Hạ Viện chuyển qua. Dù TNS Kerry chuyên ngâm dấm dự luật Nhân quyển VN hết làm chủ tịch uỷ ban này, nhưng nghị sĩ của Đảng Dân Chủ cũng chiếm đa số - dù đa số khít khao ở Thượng Viện, và TT Obama cũng là người của Đảng Dân Chủ, còn TNS Kerry là Ngoại Trưởng.

Tế nhị và phức tạp nên quí vi dân biểu tác giả và bảo trợ mới vận động đưa dự luật vào nghị trình để thảo luận và biểu quyết trước hai tháng, ngay sau khi Chủ Tich Trương tấn Sang sang gặp TT Obama mà vấn đề nhân quyền không được quan tâm đúng mức.

Vì vậy Hạ viện muốn gởi một thông điệp chánh thức cho VNCS, cho Hành Pháp Mỹ rằng Hạ Viện trái tim và khối óc của nhân dân Mỹ rất quan tâm tới nhân quyền VN.

Chính vì thế người Mỹ gốc Việt phải cố gắng hơn, tăng cường nỗ lực hơn trong cuộc vận động. Không lý do gì phải nản chí, lơ là trước một quốc gia đại sự, một chánh nghĩa cốt lõi mà hầu hết người Việt trong ngoài nước đã tin tưởng, đã vận động suốt mấy pháp nhiệm của Quốc Hội Mỹ rồi.

Kinh nghiệm cho thấy xuyên qua lịch sử lập pháp Mỹ, một vấn đề lớn ít khi thành luật trong một thời gian ngắn. Luật đối nội như Bảo Hiểm Y tế bao đời tổng thống vẫn chưa hoàn chỉnh.

Luật nhập cư cũng thế. Thì luật Nhân Quyền VN để thay đổi một chế độ từ độc tài CS đảng trị toàn diện sang tự do, dân chủ bằng nhân quyền là khác tinh, là huỷ thể đối với CS - không thể một tháng một năm mà thành được.

Trong chánh trị ai dài hơi người đó thắng. Chiến thắng chánh trị tuy lâu dài mới thành đạt nhưng đã thành đạt thì giá trị lâu dài và tổng hợp hơn chiến thắng quân sự.

Nếu xét kỹ quí vị dân biểu Mỹ tác giả và đồng bảo trợ các dự luật nhân quyền VN, kể cả Dự luật HR 1897 này cũng đi từng bước, tiệm tiến với thời gian.

Nước chảy riết đá phải mòn. Có công mài sắt có ngày nên kim, quí vị dân biểu tác giả và hổ trợ cũng không mất kiên nhẫn, không cầu toàn trong một vấn đề chánh trị ngoại giao rất phực tạp và lớn lao nhu nhân quyền VN. Những người chủ xướng chỉ mong đây là bước đầu – bước đầu luôn khó, vạn sự khởi đầu nan – nên chỉ mong dự luật này sẽ giúp cải thiện tình hình nhân quyền trong nước Việt Nam, thúc đẩy nhà nước cộng sản tôn trọng tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận và các quyền dân chủ, lao động khác, đồng thời giải quyết nạn buôn người.

Nhưng dự luật là một phản biện hùng hồn và đầy đủ bằng cớ chống lại biện minh một cách vô lý của CSVN rằng "những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc bảo đảm quyền con người trên mọi lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và được cộng đồng quốc tế ghi nhận".

Xu thế thời đại, nhân dân và chánh quyền các nước và đồng bào VN chánh trực ủng hộ Nhân Quyền VN.

Vấn đề còn lại cứ vận động tới, nhứt là đối với người VN trong ngoài nước, Nhân quyền VN là của người VN, người Việt không làm thì ai làm. Thất bại vài ba lần là chán nản, thối chí, bỏ cuộc là chưa đánh đã đầu hàng. Ba thất bại trước chỉ là thua ba trận chớ chưa thua cuộc đấu tranh cho nhân quyền VN. 38 năm đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền VN còn làm được thì có ăn thua gì vài ba vận động thất bại cho nhân quyền VN. Trong chiền trường cũng như chính trường, ai còn trụ lại trong 15 phút chót là người đó thắng.

Nhờ cuộc vận dộng kiên trì của người Mỹ gốc Việt mà càng ngày số dân biểu và phiếu ủng hộ nhân quyền VN tại Hạ Viện Mỹ càng tăng, công luận ủng hộ nhân quyền càng phổ quát, nhân quyền càng ngày càng thành trở ngại trung tâm trong bang giao giữa Hà nội và Washington.

Người Mỹ gốc Việt chỉ sử dụng lá phiếu, một chữ ký, một cú điện thoại, một chuyến đi điều trần, biểu tình – chớ đâu có mất mát gì đâu - mà đồng bào có tự do, dân chủ, nhân quyền. Nên việc góp một bàn tay, một tiếng nói cho nhân quyền VN là điều đáng làm, cần làm, phải làm và làm tới./. (Vi Anh)




No comments:

Post a Comment

View My Stats