Monday 26 August 2013

MỸ XOAY TRỤC SANG CHÂU Á, BẮC KINH - WASHINGTON CHẠY ĐUA VŨ TRANG (Đức Tâm - RFI)




Đức Tâm   -  RFI
Chủ nhật 25 Tháng Tám 2013

Trong tháng Tám này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Trung gặp nhau hai lần, ở Washington và tại Brunei, và theo như lời hai vị lãnh đạo, là nhằm thúc đẩy hợp tác giữa quân đội hai nước, trong các lĩnh vực trợ giúp nhân đạo, cứu hộ, chống khủng bố, tổ chức tập trận chung, thực hiện các chương trình trao đổi đào tạo v.v... Thế nhưng, chiến lược tái cân bằng quân sự của Mỹ trong vùng Châu Á - Thái Bình Duơng, nơi mà Trung Quốc đang cố gắng mở rộng ảnh hưởng của mình, đã thúc đẩy hai cường quốc này lao vào một cuộc chạy đua vũ trang, tập trung vào vũ khí quy ước.

Khi được hỏi về chiến lược « xoay trục » sang Châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, tướng Thường Vạn Toàn, đã nhắc lại câu nói của Chủ tịch Tập Cận Bình : Thái Bình Dương có đủ chỗ cho hai cường quốc lớn là Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Trong khi đó, Bắc Kinh lại có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với các đồng minh và đối tác của Washington trong khu vực, cụ thể là với Philippines, Việt Nam ở Biển Đông và với Nhật Bản tại biển Hoa Đông.

Hoa Kỳ đã nhiều lần tuyên bố không đứng về bên nào trong các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và kêu gọi các bên liên quan giải quyết hồ sơ này một cách hòa bình, không dùng bạo lực.

Theo giới phân tích, đó là những tuyên bố ngoại giao, mang tính nguyên tắc của cả Trung Quốc và Hoa Kỳ. Còn trên thực tế, hai bên theo dõi sát mọi động thái của nhau và tăng cường chạy đua vũ trang.

Cuối tháng Tám, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới Philippines. Hiện nay, Washington đang đàm phán với Manila một thỏa thuận cho phép quân đội Mỹ tiếp cận dễ dàng các căn cứ quân sự tại Philippines.
Theo bà Bonnie Glaser, cố vấn cao cấp về châu Á, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế - CSIS, được trang web Atimes.com trích dẫn, Trung Quốc không ngạc nhiên về triển vọng hợp tác quân sự giữa Mỹ và Philippines. Đối với Bắc Kinh, chiến lược « xoay trục » của Mỹ là nhằm ngăn chặn ảnh hưởng ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc ở trong vùng.

Giới phân tích ghi nhận là có những dấu hiệu rõ ràng về một cuộc chạy đua vũ trang giữa Mỹ và Trung Quốc, trong lĩnh vực vũ khí quy ước. Theo Học viện nghiên cứu Hòa bình Stockholm – SIPRI – trong năm 2012, hai nước có ngân sách quốc phòng cao nhất thế giới, Mỹ là 682 tỷ đô la, còn Trung Quốc đạt mức 166 tỷ. Một báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ trong năm 2013 nhận định là Trung Quốc đã nỗ lực đầu tư vào lĩnh vực chống tàu chiến, tấn công trên bộ, tên lửa đạn đạo, lá chắn chống tên lửa, khả năng tin học…

Các phương tiện này là một phần trong chiến thuật chống tiếp cận và phong tỏa khu vực – A2/AD nhằm ngăn chặn khả năng hành động của Mỹ. Để đối phó, Hoa Kỳ chủ trương áp dụng chiến thuật Không-Hải Chiến, vốn có từ thời Chiến tranh Lạnh, chống lại nguy cơ tấn công kết hợp không quân và hải quân của Liên Xô tại Châu Âu.

Chuyên gia Glaser nhấn mạnh: « Cuộc chạy đua về vũ khí quy ước giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc chủ yếu tập trung vào việc quân đội Mỹ tiếp cận khu vực. Trung Quốc đang phát triển các khả năng chống tiếp cận và phong tỏa khu vực, nhằm ngăn chặn Mỹ tiếp cận khi xẩy ra khủng hoảng, trong khi Mỹ quyết tâm tăng cường khả năng tiếp cận và tác chiến ».

Vẫn theo giới chuyên gia, cho dù vẫn từng bước phát triển vũ khí nguyên tử, Trung Quốc không muốn lao vào một cuộc chạy đua vũ trang với Mỹ về loại vũ khí chiến lược vì hai lý do : Thứ nhất, điều này làm dấy lên phản ứng mạnh mẽ, đáp trả từ phía Hoa Kỳ và các nước khác trong vùng. Thứ hai, chi phí cho cuộc chạy đua về vũ khí nguyên tử rất lớn và lãng phí.

-----------------------------------

Đức Tâm   -  RFI
Thứ hai 26 Tháng Tám 2013

Đang viếng thăm Malaysia trong khuôn khổ vòng công du nhiều nước Đông Nam Á, ngày hôm qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tuyên bố rằng việc Hoa Kỳ đầu tư vào quan hệ đối tác an ninh và hợp tác sẽ hỗ trợ cho các mục tiêu kinh tế của các nước trong khu vực Châu Á. Ám chỉ đến tình hình căng thẳng tại Biển Đông do các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, lãnh đạo Bộ Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh, các vấn đề như đối đầu trên biển, tin tặc và mất an ninh là một mối đe dọa trực tiếp đối với nền kinh tế toàn cầu.

Phát biểu tại Bộ Quốc phòng Malaysia, ông Chuck Hagel nhận định : « An ninh là nền tảng trọng yếu của sự phồn thịnh. Thương mại không thể phát triển tại những vùng biển mà ở đó các tranh chấp được giải quyết bằng vũ lực ; các xã hội không thể thịnh vượng nếu bị khủng bố đe dọa và thương mại không thể phát triển bền vững tại những khu vực bị thiên tai tàn phá  ».

Bộ trưởng Hagel đánh giá chuyến thăm của ông tới bốn nước Đông Nam Á, Malaysia, Indonesia, Brunei và Philippines trong tuần này là một ví dụ về « ngoại giao quốc phòng ».

Tuy nhiên, chuyến đi này diễn ra vào lúc nhiều sự kiện nóng bỏng đang diễn ra tại Trung Đông. Do vậy, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã nhiều lần đề cập đến tình hình Ai Cập và dành nhiều thời gian để thảo luận qua điện thoại với Tổng thống Barack Obama về cuộc xung đột tại Syria.

Trọng tâm chuyến đi Đông Nam Á của lãnh đạo Quốc phòng Mỹ là thúc đẩy hợp tác đa phương giữa Mỹ và các đối tác trong khu vực. Các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ đã làm cho việc hợp tác quân sự trở nên phức tạp. Mặc dù nhiều nước mong muốn đẩy mạnh quan hệ đối tác với Hoa Kỳ thông qua các cuộc tập trận chung, thế nhưng việc thúc đẩy các hoạt động hợp tác đa phương không phải là dễ dàng.

Theo Bộ trưởng Hagel, quan hệ đối tác đóng vai trò quyết định để có thể đối mặt với những vấn đề trong khu vực như khủng bố, cướp biển và thảm họa thiên tai mà một quốc gia đơn lẻ không thể giải quyết được.

Khi được hỏi là phải chăng khó có thể tránh được một cuộc xung đột giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Hagel nói rằng xung đột có thể xẩy, ra nhưng ông tin tưởng rằng lãnh đạo Mỹ - Trung sẽ tìm được các phương thức để tránh điều này xẩy ra.

Theo giới quan sát, trả lời của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel phản ánh quan điểm đã có từ lâu của ông về xung đột quân sự. Ông nói : « Thế giới đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh. Một trong những điều mà chúng ta có thể học được từ quá khứ, bất kể ở khu vực nào trên thế giới, là các cuộc chiến tranh không thể giải quyết được các bất đồng, nhất là trong một thế giới mà chúng ta đang sống vốn có những mối liên hệ chặt chẽ với nhau ».

Về triển vọng hợp tác với các nước trong khu vực, báo The Wall Street Journal cho rằng, chiến lược ngắn hạn của Mỹ là cố gắng thúc đẩy các cuộc tập trận truyền thống, phát triển các quan hệ song phương và đa phương. Các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh là có nhiều tiến triển trong việc tổ chức các cuộc tập trận chung với sự tham gia của nhiều nhóm nước hơn.

Trước đó, trong cuộc họp báo chung, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein có nhắc đến các tranh chấp lãnh thổ giữa Malaysia và Philippines, thế nhưng, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chỉ nhấn mạnh đến tầm quan trọng của hợp tác đa phương và cho rằng cần phải xây dựng được lòng tin giữa giới lãnh đạo các nước.

Sau Malaysia, ông Hagel công du Indonesia, trước khi sang Brunei để dự các cuộc họp với bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và sau đó, tới Philippines.




No comments:

Post a Comment

View My Stats