Monday, 26 August 2013

TẠI SAO AI CẬP QUAN TRỌNG ? (TS Nguyễn Phương Mai, Amsterdam - Hòa Lan)




Nguyễn Phương Mai
Giảng viên ĐH Khoa học Ứng dụng Amsterdam
Cập nhật: 16:11 GMT - thứ sáu, 23 tháng 8, 2013

Có lẽ chưa một quốc gia nào ở Trung Đông – ở đây hiểu theo nghĩa rộng bao gồm cả vùng Bắc Phi – lại khiến thế giới nín thở và lo lắng đến như thế trong những ngày qua.

Chỉ trong vòng 2 năm, người dân Ai Cập tiến hành hai cuộc cách mạng, lật đổ một nhà độc tài sau 30 năm lũng đoạn quyền lực, tống giam một tổng thống chỉ sau một năm cầm quyền.
Người Ai Cập từ cả hai phe phái đổ xuống đường hàng triệu bước chân biểu tình. Sự đẫm máu trong các cuộc đụng độ của Ai Cập còn xa mới bằng Syria, và sự cùng quẫn của Ai Cập còn xa mới bằng một góc của cơn ác mộng mang tên Syria, nhưng những tuần qua, sự biến động không ngừng của Ai Cập đã khiến thảm họa hơn 100.000 người bỏ mạng và các cuộc tấn công vũ khí hóa học ở Syria hoàn toàn bị lu mờ.
Đằng sau sự khủng hoảng trầm trọng của Ai Cập hẳn nhiên là một bức tranh chính trị, xã hội, tôn giáo với rất nhiều tầng tranh chấp và một lịch sử không hề đơn giản.
Ai Cập không hề có nhiều tài nguyên thiên nhiên, dầu mỏ chỉ chiếm hơn 10% GDP, một phần khiêm tốn so với các nước cùng khu vực. Tuy nhiên, Ai Cập lại là thành tố quyết định trong toàn cảnh Trung Đông và thế giới.


Trước hết, người dân Ai Cập không những thừa kế một nền văn minh 5.000 năm cổ xưa nhất thế giới, mà còn là một trong những quốc gia hiếm hoi ở Trung Đông nơi khái niệm “đất nước” mạnh hơn khái niệm “bộ lạc”.
Sau khi đế chế Hồi giáo hùng mạnh Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay) sụp đổ, các nước lớn như Anh, Pháp bắt tay vào chia sẻ chiến lợi phẩm: đất đai và các vùng đô hộ. Vào thời kỳ ấy, hầu hết dân cư Trung Đông vẫn còn sống trong tầng văn hóa bộ lạc. Các bộ lạc người Ả Rập và các sắc dân bản xứ cạnh tranh và liên minh với nhau làm chủ từng vùng đất nhỏ.
Khái niệm đất nước và quốc gia hầu như hoàn toàn chưa được xác lập. Kẻ thắng cuộc Anh, Pháp là những thế lực quyền năng trong việc vẽ các đường biên giới, thành lập các quốc gia mới để chia phần cai quản.
Tuy nhiên, Ai Cập rộng lớn với số dân khổng lồ hơn 80 triệu người dù bị đô hộ nhưng vẫn bảo tồn gần như nguyên bản một tinh thần dân tộc thống nhất, bất khuất, vượt qua ranh giới của tầng bộ lạc.
Chính nền văn hóa mạnh mẽ đó đã biến Ai Cập trở thành trung tâm ảnh hưởng của Trung Đông. Các sản phẩm văn hóa nghệ thuật của Ai Cập như thời trang, âm nhạc, văn học mang yếu tố quyết định trào lưu, định hướng và khẩu vị của toàn Trung Đông.
Ngoài ra, trường ĐH Hồi Giáo Al-Azhar tại Cairo, thành lập từ thế kỷ thứ 10, được coi là một trong những trung tâm quyền lực tôn giáo có uy tín nhất thế giới, nơi các phát ngôn tôn giáo có sức nặng ảnh hưởng đến đông đảo tín đồ, nơi đào tạo hàng ngàn Imam (người hướng đạo) cho Trung Đông, nơi khoa học và tôn giáo được kết hợp chặt chẽ sát sao theo tinh thần trọng dụng kiến thức của Hồi giáo thời kỳ cổ điển.
Các học giả của Al-Azhar là người đứng sau các bản Hiến Pháp, các chế tài pháp luật cũng như các quyết định chính trị và tôn giáo quan trọng của rất nhiều nước Trung Đông cùng dòng Hồi giáo Sunni.
Chính vì vậy, những biến động văn hóa, tôn giáo ở Ai Cập không chỉ gói gọn trong phạm vi quốc gia mà còn quyết định đường hướng phát triển và tạo dựng khung mẫu tâm lý phản ứng cho đại đa số các quốc gia Trung Đông.


Việc đế chế Hồi Giáo một thời vinh quang chói lọi bị sụp đổ, cộng với hầu như toàn bộ Trung Đông đắm chìm trong nghèo đói và trở thành các nước chư hầu của thực dân Anh, Pháp, là một vết nhơ trong lịch sử phát triển cực thịnh của Hồi Giáo.
Cùng với Al-Afghani của Thổ Nhĩ Kỳ, một nhân vật xuất sắc của Ai Cập tên là Muhammad Abdul đã dấy lên một phong trào phục hưng, lấy ý tưởng và nguồn lực từ chính tôn giáo, đã tạo nên vinh quang cho đế chế Hồi Giáo.
Chủ nghĩa Hồi Giáo thống nhất được hình thành với thông điệp tiên phong là chống lại chủ nghĩa thực dân Anh-Pháp, giải phóng Trung Đông, và tái xây dựng một dải văn minh rực rỡ trên nền tảng tôn giáo của đạo Hồi, dùng đạo Hồi làm kim chỉ nam cho cuộc sống cá nhân và chính trị của toàn xã hội.
Từ trung tâm Ai Cập, Chủ nghĩa Hồi giáo phát triển mạnh mẽ trên toàn thế giới, tỏa ra nhiều nhánh với nhiều hướng đi khác nhau, thậm chí xung khắc nhau và triệt tiêu nhau dữ dội.
Các tổ chức của Chủ nghĩa Hồi giáo khác biệt tùy trường phái cổ điển, hiện đại, ôn hòa hoặc dùng vũ lực (Al-Qaeda, Taliban). Các đảng phái của Chủ nghĩa Hồi giáo chính thức xuất hiện ở 32 nước, trong đó có bốn nước phương Tây là Mỹ, Phần Lan, Hà Lan và Anh.
Với nguồn trợ cấp dồi dào từ vương quốc dầu mỏ, cộng đồng Hồi giáo và Chủ nghĩa Hồi giáo ở phương Tây dịch chuyển, thay đổi tư duy, tái cơ cấu tổ chức và tư tưởng, nghiêng theo cả cánh tả lẫn cánh hữu, cả cực đoan và trung dung, cả bạo động và ôn hòa.
Đây chính là nguyên nhân của hàng loạt các chính sách tập trung vào Hồi giáo và nỗi lo sợ Hồi giáo cực đoan lũng đoạn châu Âu của chính quyền phương Tây gần đây.
Một trong những nhánh Islamism có sức công phá mạnh nhất, có tổ chức quy củ chặt chẽ nhất, có ảnh hưởng rộng lớn nhất không những tại Ai Cập, Trung Đông mà còn ở châu Âu và Mỹ chính là tổ chức Huynh đệ Hồi giáo (Muslim Brotherhood).

Mùa Xuân Ả Rập

Khi mùa xuân Ả Rập tràn từ Tunisia đến Ai Cập với hàng ngàn người xuống đường biểu tình chống lại chế độ độc tài, Phong trào Huynh đệ Hồi giáo hoàn toàn bị bất ngờ, tuy nhiên đã nhanh chóng tham gia dòng biểu tình, và bằng sự chỉn chu về mặt tổ chức đã trở thành phong trào dẫn đầu và thậm chí trúng cử tổng thống, dù mới đầu tuyên bố không tham gia chính trường.
Với tuyên ngôn “Kinh Koran là Hiến Pháp” và “Hồi giáo chính là Giải pháp”, ông Morsi đã có những bước đi sai lầm, không những không làm cho kinh tế Ai Cập thoát khỏi trạng thái rơi tự do mà còn xây dựng một hình tượng độc tài mới thâu tóm quyền lực và thao túng chính trường bằng người của đảng mình.
Chỉ một năm sau khi nhận chức, vị tổng thống đầu tiên được bầu cử dân chủ của Ai Cập bị hạ bệ.
Trong khi Phong trào Huynh Đệ Hồi Giáo tổn thất nặng nề, một nhánh khác của Chủ nghĩa Hồi giáo thì lại hân hoan. Đó là các tổ chức chủ trương bạo động và dùng vũ lực như Al-Qeada và Taliban.
Ngay từ những ngày đầu của mùa xuân Ả Rập, thủ lĩnh Ayman al-Zawahiri của Al-Qeada đã lớn tiếng nhận định rằng đường lối ôn hòa, dùng chính trị để đi lên của Huynh đệ Hồi giáo chỉ có thất bại.
Việc ông Morsi bị quân đội lật đổ bằng vũ lực khiến ông al-Zawahiri mở cờ trong lòng, vì nó gián tiếp chứng minh rằng không phải dân chủ mà vũ lực mới là công cụ để đạt được mục đích cách mạng.
Chính vì vậy, bàn cờ Ai Cập không chỉ đơn giản là thế thắng thua của Ai Cập mà còn ảnh hưởng mạnh mẽ tới phương thức đấu tranh của hàng trăm nhánh Chủ nghĩa Hồi giáo trên toàn thế giới và nhất là của phe Hồi giáo cực đoan nhằm vào phương Tây.


Song song với Chủ nghĩa Hồi giáo, Ai Cập còn là cái nôi của một tư tưởng và phong trào không kém phần quan trọng: Chủ nghĩa Ả Rập thống nhất.
Mệnh đề chính của Pan-Arabism (Chủ nghĩa Ả Rập Thống nhất) là việc coi toàn bộ sắc dân Ả Rập là một quốc gia, kết nối và thắt chặt quan hệ trong suốt một dải Bắc Phi và bán đảo Ả Rập.
Nếu quan sát kỹ, bạn sẽ thấy hình ảnh con đại bàng của Saladin nằm trên lá cờ của Ai Cập và từng có mặt trên rất nhiều quốc huy của các nước Ả Rập khác như Nam Yemen, Palestine, Iraq và Syria.
Đây là biểu tượng của Arab Nationalism (Chủ nghĩa Dân tộc Ả Rập), xuất xứ từ biểu tượng của Saladin, một tướng tài người Kurd đã đánh thắng Thập tự chinh của phương Tây, trị vì Ai Cập.
Và dù không phải dòng giống Ả Rập nhưng Saladin tiêu biểu cho ý chí và mối dây thống nhất của toàn bộ các quốc gia nằm trong vùng thống trị bởi người Ả Rập.
Năm 1952, đại tá Nasser đảo chính và giữ chức vụ Phó thủ tướng trong tân chính phủ. Ông trở thành Tổng thống thứ hai của Ai Cập từ năm 1956.
Dù xuất thân từ Phong trào Huynh đệ Hồi giáo, ông Nasser tuy chia sẻ tư tưởng chống thực dân, chống ảnh hưởng phương Tây và phục hưng của Chủ nghĩa Hồi giáo, nhưng cho rằng phương thức để đạt tới thành công nằm ở việc thành lập một nhà nước hiện đại, thế tục (secular - tách biệt tôn giáo và chính quyền) theo mô hình phương Tây và các nước phát triển ở Á châu.

Mâu thuẫn
Điều này mâu thuẫn trực tiếp với Chủ nghĩa Hồi giáo với chủ trương dùng tôn giáo là kim chỉ nam cho hệ thống vận hành của một đất nước. Chính vì vậy, Huynh đệ Hồi giáo trở thành kẻ đối đầu với ông Nasser và Chủ nghĩa Dân tộc Ả Rập.
Trong hơn 50 năm của chính quyền secular, từ ông Nasser cho đến ông Mubarak, hàng ngàn thành viên của Phong trào Huynh đệ Hồi giáo bị bắt giam, cầm tù, và xua đuổi khỏi Ai Cập.
Dù là nhà nước thế tục tách rời tôn giáo khỏi thể chế chính quyền, tuy nhiên, Ai Cập cũng như các quốc gia thế tục khác (Tunisia, Yemen, Libya) cũng đồng thời trở thành các chế độ độc tài, đối chọi hẳn với thể chế chính trị dân chủ của phương Tây.
Tuy nhiên, các chế độ độc tài này vẫn nhận được sự ủng hộ của phương Tây vì các nhà độc tài luôn hùng hồn tuyên bố rằng, nếu không có họ mạnh tay với Chủ nghĩa Hồi giáo thì phương Tây sẽ nguy to với phe Hồi giáo cực đoan.
Sự lựa chọn của phương Tây là: muốn yên thân hay muốn bạo loạn? Muốn yên thân thì hãy nhắm mắt làm ngơ với các chế độ độc tài.
Một điểm quan trọng nữa với ảnh hưởng của các chính quyền thế tục độc tài là sự im lặng, ủng hộ, hoặc không dùng vũ lực đối với Israel.
Ai Cập đóng vai trò then chốt trong việc giữ Israel ở thế an toàn, tránh khỏi các cuộc xung đột và chiến tranh đẫm máu từ phía các phong trào của Chủ nghĩa Hồi giáo.
Là một quốc gia Do Thái giữa lòng Trung Đông lại cộng thêm chính sách cực hữu không khoan nhượng đối với các vùng đất Palestine, đương nhiên Israel là kẻ thù không đội trời chung với Chủ nghĩa Hồi giáo.
Để bảo vệ Israel trong suốt 30 năm qua, Mỹ và phương Tây đã chấp nhận bắt tay với các nhà độc tài, trong đó đương nhiên có ông Mubarak.
Chính vì vậy, sự sụp đổ của hàng loạt chính quyền thế tục độc tài ở Trung Đông trong đó có Ai Cập là một cú sốc với phương Tây trên bàn cờ chính trị.
Ai Cập là con Hậu quyền lực trong ván cờ lớn với Chủ nghĩa Hồi giáo, là tiếng nói uy quyền với thế giới 22 nước Hồi giáo, là sức mạnh hòa giải xung đột trong khu vực, là cán cân quyền lực trong thế đối đầu của Mỹ với Iran, và là tấm khiên che chắn vững chắc cho Israel – đồng minh “cho đến hơi thở cuối cùng” của Mỹ và phương Tây.


Với mùa xuân Ả Rập và ông Mubarak bị truất quyền, không ai có thể ngờ rằng tiếp nối quyền lực lại là Phong trào Huynh đệ Hồi giáo.
Việc Chủ nghĩa Hồi giáo chạm vào vinh quang dù không phải là người khởi xướng cách mạng khiến những người theo chủ nghĩa Dân tộc, hay chính xác hơn ở thời điểm này là những người thế tục tự do và những người theo đường lối dân tộc (liberal secularism/nationalism) không thể ngồi yên.
Trong cuộc đua tranh cử, những người đại diện của họ đã bị rớt lại. Ở vòng cuối, “kẻ thù” của họ - Chủ nghĩa Hồi giáo – là người chiến thắng, dù chỉ chiếm 51,73% số phiếu.
Gần như chính xác một nửa số phiếu còn lại bầu cho một kẻ thủ khác là ông Shafik, một nhà lãnh đạo của chính quyền cũ vừa bị lật đổ. Là tinh thần của Mùa xuân Ả Rập nhưng kết thúc thì những người theo liberal secularism/nationalism hoàn toàn trắng tay.
Bắt đầu từ đây, chưa bao giờ Ai Cập bị chia cắt rõ ràng như thế. Hai luồng tư tưởng khởi sinh ở vùng đất này cũng đồng thời là hai nửa không đội trời chung. Sự không khoan nhượng của hai trường phái thậm chí còn mạnh hơn khát vọng dân chủ.
Đây cũng chính là một nguyên nhân quan trọng khiến tháng trước, hàng ngàn người lại tiếp tục xuống đường đòi ông Morsi phải từ chức, và kết cục là quân đội thao túng quyền lực, dựa vào cớ nghe theo lời kêu gọi của người dân và lật đổ ông Morsi một cách phi dân chủ.
Những người theo secularism/nationalism hò reo hân hoan, những người theo Chủ nghĩa Hồi giáo cay đắng.
Phong trào Huynh đệ Hồi giáo đã không chịu thua và tổ chức hàng loạt các cuộc biểu tình đòi tiến trình dân chủ phải được tôn trọng: Tổng thống Morsi nhận chức bằng lá phiếu thì cũng phải được bãi nhiễm bằng lá phiếu.
Quân đội thẳng tay đàn áp. Phong trào Huynh đệ Hồi giáo bắt đầu đáp trả bằng vũ lực. Phe theo Chủ nghĩa Hồi giáo giết 24 cảnh sát ở Sinai. Nhiều nhà phân tích bắt đầu tính đến khả năng nội chiến.

Đổ máu
Cả Ai Cập rơi vào tình trạng hỗn loạn. Gần như mỗi người dân Ai Cập đều có chính kiến của mình, và chính kiến này thường đen trắng rõ ràng.
Luồng ý kiến thứ nhất ngả theo Huynh đệ Hồi giáo, lên án quân đội lộng quyền, tố cáo tướng al-Sisi biến Ai Cập thành quốc gia của nhà binh và đòi ông Morsi phục chức.
Luồng ý kiến thứ hai ủng hộ quân đội, coi quân đội như một yếu tố nắm giữ cán cân quyền lực để loại bỏ Chủ nghĩa Hồi giáo và hướng tới một cuộc bầu cử mới với cơ hội chiến thắng thuộc về secularism/nationalism.
Luồng ý kiến thứ ba hân hoan với việc độc tài Mubarak được thả khỏi nhà tù, chán nản với cuộc khủng hoảng không lối thoát của đất nước và ủng hộ sự trở lại của chính quyền cũ, “dù độc tài nhưng còn hơn đổ máu và chết đói”.
Mỗi năm Ai Cập nhận được hàng tỷ đô la viện trợ từ Mỹ, đứng thứ hai chỉ sau Israel.
Ai Cập không những là đồng minh chính trị quan trọng mà còn là đối tác làm ăn lớn của Mỹ với 1/5 số lượng hàng nhập khẩu hàng năm vào Ai Cập, 1/8 số lượng hàng xuất khẩu từ Ai Cập, 30% các hạng mục đầu tư trên lãnh thổ Ai Cập là của Mỹ với trị giá hơn 2 tỷ đô la mỗi năm chỉ từ riêng nông sản.
Ai Cập đóng vai trò then chốt ở Trung Đông đến mức Mỹ kiên quyết không công nhận việc quân đội (dưới sức ép của người biểu tình) lật đổ Morsi là một cuộc “binh biến” để không phải đột ngột cắt nguồn tài trợ.
Luật pháp Mỹ không cho phép việc tài trợ các nhà nước được thành lập bằng đảo chính quân đội. Tuy nhiên, cũng như tất cả các đời tổng thống khác, Tổng thống Obama và phương Tây luôn phải cân nhắc giữa thế gọng kìm của việc bảo vệ các lợi ích về kinh tế, chính trị của Mỹ tại Trung Đông.
Tuy nhiên họ cũng đồng thời hiểu rằng, việc bảo vệ các lợi ích này đồng nghĩa với việc đi ngược lại các giá trị dân chủ mà họ luôn cố công rao giảng, kể cả việc bắt tay với các nhà độc tài như họ đã làm trong 30 năm qua, hay bắt tay và nuôi một hệ thống quân đội lộng quyền.
Ai Cập là một nước lớn và cũng là một chân trong cuộc chơi với các nước lớn. Không đâu khác ngoài Ai Cập, vùng đất này sẽ là chiến trường cuối cùng để khẳng định kết quả vòng chót của cuộc cách mạng khiến Trung Đông và toàn thế giới rung chuyển.
Số phận của Mùa xuân Ả Rập sẽ được định đoạt ở Ai Cập: Sống hay là Chết!

Tiến sĩ Nguyễn Phương Mai là giảng viên ĐH Khoa học ứng dụng Amsterdam (Hà Lan), hiện đang nghiên cứu về Trung Đông dọc theo lịch sử của các nước Hồi giáo từ nơi khởi đầu tại bán đảo Ả Rập đến Tây Phi và Nam Á. Bài viết thể hiện quan điểm tiêng của tác giả.



No comments:

Post a Comment

View My Stats