Thursday 22 August 2013

HOA KỲ TUỘT TAY TẠI AI CẬP (Hùng Tâm - Người Việt)




Hùng Tâm/Người Việt
Wednesday, August 21, 2013 8:37:16 PM

Một sự lúng túng lưỡng đảng và nguy hiểm

Vừa trở về sau chuyến nghỉ hè tại một khu vực sang cả yên bình tại Martha's Vineyard, Tổng Thống Barack Obama lập tức triệu tập ban tham mưu về an ninh để thảo luận về tình hình Ai Cập. Hẳn là ông được báo cáo rằng Hoa Kỳ không còn ảnh hưởng như xưa với một vùng đất chiến lược cho quyền lợi của nước Mỹ.

Ai Cập có thể trôi vào khủng hoảng, thậm chí nội chiến như tại Syria, và trở thành vùng oanh kích tự do của lực lượng Hồi giáo quá khích xưng danh Huynh đệ Hồi giáo (MB), hay khủng bố theo mô hình Al-Qaeda. Trong một giả thuyết tốt đẹp hơn, là Ai Cập không tan rã, thì uy tín và mức độ đáng tin của nước Mỹ cũng bị sứt mẻ, trước tiên là với người dân Ai Cập.

Hồ sơ Người Việt xin tìm hiểu về câu chuyện phức tạp này.

Mùa Hè Ðỏ Lửa của Mùa Xuân Á Rập

Người ta lạc quan cho rằng những biến động từ năm 2010 tại khu vực Bắc Phi - Trung Ðông (Middle East - North Africa, MENA) báo hiệu một trào lưu dân chủ hóa trong thế giới Á Rập Hồi Giáo. Sự thật lại không được như vậy và trong khi truyền thông báo chí cứ nói về dân chủ, một trận động đất đã xảy ra và để lại một di sản tồi tệ nhất cho nhân quyền.

Kết quả tốt đẹp nhất, là sự hình thành của một hy vọng dân chủ tại Tunisia vẫn chỉ là hy vọng.

Còn Libya có đổi chủ thật, nhờ bàn tay can thiệp của Hoa Kỳ đằng sau sự thúc giục của các nước Âu Châu khiến lãnh tụ Muammar Gaddhafi bị hạ sát. Nhưng là đổi qua tình trạng loạn lạc, và 18 tháng sau thì bốn viên chức Mỹ bị tàn sát tại Benghazi, kể cả đại sứ Hoa Kỳ tại Libya, mà chính quyền Obama vẫn cố phủ lấp nguyên nhân thật và trách nhiệm của giới chức trong cuộc. Syria chưa ra khỏi nội chiến và thành trung tâm khuấy động của Iran, với sự yểm trợ của Liên bang Nga, cả trăm ngàn người dân bị tàn sát chỉ là thống kê màu đen của xứ này.

Chung quanh, từ Algeria, Lebanon qua Iraq, từ Yemen, Sudan tới Somalia, Mali, Nigeria và khu vực Tây Phi, các nhóm khủng bố đã tái phối trí, gom quân và ra tay, với hậu quả là bạo lực và đổ nát. Tiêu biểu hơn hết là việc Hoa Kỳ báo động về an ninh tại 19 sứ quán trong Tháng Tám. Kiều dân Mỹ không còn được bảo vệ, có thể bị tàn sát, hoặc trở thành con tin.

Ai sẽ quảng bá lý tưởng dân chủ Tây phương khi nhân viên ngoại giao Âu Mỹ phải ẩn náu trong lô cốt?

Trên khu vực rộng lớn này, Ai Cập giữ vị trí trọng yếu nhất cho quyền lợi của nước Mỹ. Và liên minh giữa Israel với Ai Cập là nền tảng của ổn định giữa những bất ổn do Iran, Syria và Liên bang Nga gây ra, cùng tác động khủng bố của các lực lượng Hamas, Hezbollah và Al-Qaeda nội hóa hay tự phát.

Khi động loạn bùng nổ tại Ai Cập, người ta tưởng rằng đấy là sự thắng thế của trào lưu dân chủ. Thật ra, quân đội xứ này đã làm áp lực để Tổng Thống Hosni Mubarak phải từ chức để họ tìm cách ổn định Ai Cập và sự vẹn toàn lãnh thổ trong khi cho phép xây dựng các định chế và tổ chức bầu cử.

Nhưng khi bước qua giai đoạn bầu cử ở buổi giao thời, các lực lượng dân chủ theo tinh thần Tây phương đều đại bại vì thiếu tổ chức, đoàn kết và cán bộ. Một lực lượng quân chính có đầy kinh nghiệm bạo lực và khủng bố là Huynh đệ Hồi giáo MB đã thắng. Dù không lớn thì cũng kiểm soát được một phần Quốc hội và chiếm ghế tổng thống.

Thành lập từ năm 1928, mãi bây giờ lực lượng MB mới có cơ hội thiết lập giáo quyền của đạo Hồi và một chế độ độc tài.

Khi ấy, Hoa Kỳ lâm thế kẹt vì MB lấy chính quyền dân cử làm bàn đạp để thống trị cả nước, không khác gì Ðức quốc xã thời Hitler.

Chính là phản ứng của các khuynh hướng chính trị khác tại Ai Cập trước sự lộng quyền của chế độ MB và của Tổng thống Mohamed Morsi mới lại hâm nóng tình hình. Người dân biểu tình chống Morsi còn đông đảo hơn là chống Mubarak. Ðầu Tháng Bảy, khi quân đội Ai Cập ra tối hậu thư cho chế độ Morsi thì chính quyền Obama phân vân đứng giữa, đến giờ cuối còn muốn bảo vệ lực lượng MB khỏi bị đảo chánh.

Trong vụ này, nguyên tắc dân chủ hay kết quả bầu cử trực tiếp đụng độ với thực tế của chính trị và quyền lợi, và Hoa Kỳ không dám lấy trách nhiệm. Vì muốn cả hai nên mất cả hai.

Mất cả uy tín lẫn ảnh hưởng

Chính quyền Mỹ không đánh giá đúng thực chất của lực lượng Huynh đệ Hồi giáo MB vì nhiều giới chức bên trong bị lóa mắt bởi nguyên tắc dân chủ mà quên hẳn thực tế của địa dư chiến lược. Tổng thống Obama là một điển hình khi có những ngộ nhận khó hiểu về Hồ Chí Minh.

Lực lượng MB chưa hề tôn trọng dân chủ và chính quyền Morsi của họ không che giấu tinh thần chống Tây phương, diệt Israel và đả phá những giá trị tinh thần được coi là phổ quát của các nước dân chủ. Tại Ai Cập, họ tiến hành nỗ lực tập trung quyền lực nên gây bất mãn trong dân chúng. Khi thấy Hoa Kỳ cố bênh vực Morsi, người dân Ai Cập càng có ác ảm với nước Mỹ: ngày xưa đã bao che cho chế độ độc tài Mubarak, ngày nay lại bảo vệ chế độ độc tài Morsi.

Các lãnh tụ dân chủ, dân Thiên Chúa giáo theo hệ phái Coptic và những người chủ trương một chế độ thế quyền không còn ngả nào hơn là phải cầu cứu quân đội. Ngay cả lực lượng Hồi giáo Salafist và đảng Al Nour ở cánh hữu của lực lượng MB cũng đồng ý với việc truất phế Morsi.

Vì vậy, tướng lãnh Ai Cập đã ra tay hôm mùng 3 Tháng Bảy. Sau đó là những cuộc biểu tình liên tục của hai phe ủng hộ và chống MB. Biểu tình biến thành bạo động, dân quân của MB càng tấn công đốt phá đồn cảnh sát và đền đài Thiên chúa giáo thì lực lượng cảnh sát càng ra tay đàn áp. Trong khi đó, các nhóm dân quân Hồi giáo theo MB cũng phục kích và giết hại cảnh sát ngay tại bán đảo Sinai tiếp cận với Israel. Cả ngàn người đã thiệt mạng như vậy trong mùa hè đỏ lửa tại Ai Cập.

Nhìn lại thì khi cố giữ vị trí trung lập giữa quân đội và lực lượng MB, Hoa Kỳ bị cả hai phe đả kích và để lộ ra sự bất lực của mình.

Ðầu tiên, Chính quyền Obama can gián các tướng lãnh Ai Cập, dưới quyền của bộ trưởng Quốc Phòng kiêm Tổng tư lệnh Abdel Fattah Al-Sisi, là đừng lật đổ chế độ Morsi và nên hòa giải với lực lượng MB. Tướng Al-Sisi làm ngược, đảo chánh và cầm tù Morsi rồi thẳng tay dẹp biểu tình. Là một viên tướng về Quân báo, ông Al-Sisi được chính Morsi đưa lên cầm đầu quân đội, nhưng lại phá vỡ các cơ sở MB bị lộ diện, tống giam các lãnh tụ và thành người hùng của dân Ai Cập!

Chúng ta cũng không quên sự thể là dân Ai Cập kính trọng quân đội của họ và có ác cảm với lực lượng đàn áp là cảnh sát. Trong những tuần máu lửa vừa qua, dân biểu tình chống Morsi lại sát cánh cùng lực lượng cảnh sát trong một tình huynh đệ khác!

Hòa giải không xong, Hoa Kỳ dùng viện trợ làm đòn bẩy và thì lãnh một đòn vào mặt.

Mỗi năm, nước Mỹ viện trợ cho Ai Cập khoảng một tỷ 500 triệu đô la với nhiều điều kiện ràng buộc, trong đó có 200 triệu là viện trợ kinh tế, phần còn lại là viện trợ quân sự để mua chiến cụ của Mỹ. Sau “Mùa Xuân Á Rập” Ai Cập bị khủng hoảng kinh tế và thiếu viện trợ thì kinh tế sụp đổ.

Nhưng khi Hoa Kỳ gây áp lực viện trợ để chặn một vụ đảo chánh thì các tướng Ai Cập lại được sự cổ võ của ba nước Á Rập dầu hỏa trong vùng Vịnh, là Saudi Arabia, Kuweit và các Tiểu vương quốc Á Rập thống nhất UAE.

Sau khi quân đội đảo chánh Morsi, các nước Hồi giáo kia liền nhảy vào hỗ trợ với kế hoạch viện trợ trị giá 12 tỷ đô la.

Trong có hai ngày sau đảo chánh, Saudi Arabia đã chuyển qua ngân hàng trung ương Ai Cập hai tỷ đô la - nhiều hơn viện trợ của Mỹ trong cả năm và gấp chục lần viện trợ kinh tế. Chỉ vì họ hiểu rõ và e ngại MB bành trướng, nên mong quân đội Ai Cập nhổ cỏ tận rễ, chứ không dập dình bắt bí như Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ, đồng minh thiếu khả tín

Chính sách Ai Cập của Hoa Kỳ còn gặp phản ứng của nhiều đồng minh khác, đứng đầu là Israel.

Trong khi Ngoại trưởng John Kerry của Hoa Kỳ tìm cách hòa giải Israel với Chính quyền Quốc gia Palestine thiếu thực quyền, lãnh đạo Israel lo sợ hai chuyện còn sinh tử hơn.

Ðó là chính quyền Morsi hủy bỏ hiệp ước hòa bình với Israel và dân quân võ trang của lực lượng MB sẽ gây loạn từ Sinai vào lãnh thổ Do Thái, trước tiên là trong Dải Gaza, nơi hùng cứ của lực lượng Hamas. Dù chẳng công khai phối hợp với các nước Hồi giáo vùng Vịnh, Israel cũng muốn quân đội Ai Cập thành công và chính quyền mới tại Cairo sẽ tôn trọng những cam kết từ thời Tổng thống Anwar Sadate vào năm 1979. Ða số dân Mỹ không biết hoặc đã quên là Tổng thống Sadate đã bị các sĩ quan theo lực lượng MB ám sát năm 1981 về tội hòa giải với Israel.

Mà không chỉ có Israel.

Các nước Á Rập khác như Algeria, Morocco hay Jordan, đều rút tỉa bài học dân chủ hóa tại Libya và tình trạng hỗn loạn vô chính phủ sau này.

Họ e sợ khả năng phát triển của lực lượng Hồi giáo quá khích MB lẫn các nhóm dân quân khủng bố kiểu Hamas hay Hezbollaz và phong trào “Al-Qaeda tại vùng Maghreb Hồi giáo” (AQIM). Với họ, mầm dân chủ chưa kịp mọc trên sự đổ nát của chế độ độc tài thì nọc khủng bố Hồi giáo đã lan rộng trong cả khu vực.

Hai năm trước, họ can gián tòa Bạch Cung là nên coi chừng lực lượng MB và đừng gây áp lực để hạ bệ Hosni Mubarak. Bây giờ, họ thấy cả Hoa Kỳ lẫn Âu Châu đều lúng túng với sự chọn lựa giữa việc ủng hộ một cuộc đảo chánh của quân đội hay ủng hộ một phong trào có khả năng khủng bố. Họ đành phải lo lấy thân.

Với các nước Á Rập Hồi giáo, khi các nghị sĩ Cộng Hòa bảo thủ và có ảnh hưởng như John McCain hay Lindsey Graham còn đòi chấm dứt viện trợ quân sự cho Ai Cập, vấn đề không chỉ thu gọn vào tầm nhìn quá ngắn của chính quyền Obama mà là bệnh cận thị của lãnh đạo Hoa Kỳ.

Với các nước Á Rập Hồi giáo, Hoa Kỳ và Âu Châu có thể khoanh tay đứng giữa để bảo vệ nguyên tắc dân chủ, rồi buông xuôi hay thả nổi cả khu vực Trung Ðông để khỏi bị liên lụy, như đã từng bị tại Iraq và Afghanistan. Nhưng ở tại chỗ, các nước Á Rập thân Tây phương đều phải có những chọn lựa đi ngược với sự tính toán của Washington.

Kết luận ở đây là gì?

“Mùa Xuân Á Rập” gây vấn đề về chiến lược cho quyền lợi của Hoa Kỳ vì chế độ dân chủ chưa thành hình thì đã dẫn tới đại loạn và tạo cơ hội cho các lực lượng quá khích chống Tây phương, đàn áp dân chủ và kêu gọi bạo động.

Giữa khung cảnh hỗn mang đó, giới trí thức Hoa Kỳ tranh luận về việc nên hay không nên yểm trợ chế độ đương quyền tại Ai Cập. Một thí dụ là trong cùng ngày Thứ Tư 21, trên cùng một trang bình luận của tờ Wall Street Journal, hai cựu đại sứ thuộc khuynh hướng bảo thủ và thân Cộng Hòa là John Bolton và Elliot Abrahms đã trình bày hai quan điểm trái ngược.

Cả hai lập luận đều có vẻ có lý! Sự chần chờ lúng túng của chính quyền Obama là một thái độ... “lưỡng đảng”!

Ở tại chỗ, trong khu vực Trung Ðông, các nước liên hệ không mấy quan tâm đến vấn đề này, hoặc cách lý giải về “thế nào là dân chủ.” Họ phải sống - và chết - với những bài toán địa dư chiến lược. Và có cùng một quan điểm là thất vọng với Hoa Kỳ.

Bài diễn văn của Tổng thống Obama tại Cairo vào Tháng Sáu năm 2009 là một sự mỉa mai. Các chế độ Hồi giáo thân Hoa Kỳ hết tin vào nước Mỹ. Các lực lượng Hồi giáo khủng bố hay chống Mỹ thì có cơ hội bằng vàng. Cho đến khi nước Mỹ lại có bầu cử tổng thống vào năm 2016.


No comments:

Post a Comment

View My Stats