Tuesday, 6 August 2013

CHUYẾN VIẾNG THĂM CỦA ÔNG VƯƠNG NGHỊ "KHÔNG CÓ GÌ ĐÁNG GHI NHỚ" (VOA Tiếng Việt)




06.08.2013

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc hôm 5/8 đã hội kiến với Thủ tướng Việt Nam và Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam trong chuyến thăm mà giới phân tích cho rằng ‘không đạt được thành tựu gì to lớn’.

Tuy nhiên, ông Dương Danh Dy, Nguyên Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, nhận định rẳng trong tình hình quan hệ Việt – Trung hiện nay thì ‘gặp nhau như vậy còn tốt hơn là không gặp’.

Ông Vương Nghị tới Hà Nội tới Việt Nam hôm 3/8 sau khi ghé thăm một số quốc gia Đông Nam Á như Malaysia và Thái Lan trong bối cảnh Trung Quốc có tranh chấp biển đảo với Việt Nam và các nước khác trong khu vực.

Ông Dy cũng đặt dấu hỏi về việc Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc tới Việt Nam sau khi tới một số nước thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á.

Nguyên Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu nói: “Trung Quốc là nước ở gần, nước thân mật, gần gũi, anh em, đồng chí trên danh nghĩa với Việt Nam. Nếu gọi là thân mật thì phải đi sớm, đi đầu tiên chứ, tại sao đi sau như vậy?”

Bộ trưởng Vương Nghị được báo chí Việt Nam trích lời nói rằng Trung Quốc ‘hết sức coi trọng quan hệ với Việt Nam, mong muốn cùng với Việt Nam tăng cường mở rộng, đi sâu hợp tác trên mọi lĩnh vực theo phương châm ‘16 chữ’ và tinh thần ‘4 tốt’.

Tuy nhiên, từ Hà Nội, ông Vương Nghị nói rằng Bắc Kinh không vội ký vào Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (tức CoC).

Ông Nghị được báo giới trích lời nói: “Trung Quốc tin rằng không nên vội vàng. Một số nước hy vọng nhanh chóng đạt được CoC. Các nước này đang kỳ vọng một cách thiếu thực tế’.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc không nói cụ thể các quốc gia này. Ông đã nhắc lại lập trường đàm phán song phương để xử lý vụ tranh chấp ở biển Đông.

Trả lời VOA Việt Ngữ, ông Dy cho rằng tình hình biển Đông hiện giờ ‘rất phức tạp, rất khó nói’.

“Trong các cuộc thảo luận, ông Vương Nghị lộ ra một ý, tức là vẫn muốn giải quyết [tranh chấp thông qua đối thoại] song phương, mặc dù có dẫn ra vấn đề luật pháp quốc tế như UNCLOS (Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển) hay DOC (Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông). Một cái ông ta đưa lên hàng đầu, đó là vẫn kiên trì song phương. Cái đó không thể giải quyết được. Biển Đông hiện giờ là vấn đề quốc tế, vấn đề đa biên nên không thể nào mà Trung Quốc muốn giải quyết với từng nước được. Việt Nam không chấp nhận điều đó. Philippines và các nước khác ở ASEAN tôi nghĩ cũng như vậy. Qua việc này, nhân dânViệt Nam nói riêng và nhân dân thế giới nói chung càng thấy rõ dã tâm, ý đồ của Trung Quốc hơn”.

Nhà nghiên cứu về Trung Quốc nói thêm rằng biển Đông là vấn đề lâu ngày, không thể giải quyết ‘một sớm một chiều được’.

“Theo tôi, trong tình hình hiện nay, có lúc nó lên, có lúc nó xuống, rồi có lúc nó xuống, có lúc nó lại lên. Tình hình nó là như thế. Lúc căng lúc giảm, lúc giảm lúc căng. Cho nên không thể nhìn vào một, hai sự kiện mà đã vội kết luận rằng là vấn đề được giải quyết hay không được giải quyết”.

Cùng thời gian ông Vương Nghị thăm Việt Nam, Hà Nội còn đón tiếp Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius nhằm chuẩn bị nâng cấp quan hệ hai nước thành đối tác chiến lược.

Ông Dy cho biết, theo quan sát của ông, hoạt động của Ngoại trưởng Pháp bao gồm các cuộc tiếp xúc và hội họp rất sôi nổi, còn Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc thì không có hoạt động công khai, không có gặp gỡ gì với đông đảo quần chúng.

Cựu giới chức ngoại giao Việt Nam cho rằng Hà Nội muốn cân bằng quan hệ trên trường quốc tế chứ không phải muốn dùng các nước khác để chống lại Trung Quốc.

“Việt Nam không bao giờ chống Trung Quốc cả. Việt Nam chỉ chống những hành động bá quyền, những hành động xâm phạm lãnh thổ lãnh hải, chủ quyền của Việt Nam thôi. Nói chung, nhân dân Việt Nam luôn mong muốn sống hữu nghị với nhân dân Trung Quốc”.

Về quan hệ Việt – Trung sau chuyến công du của ông Vương Nghị, ông Dy cho rằng hai bên ‘khó có thể nồng ấm trở lại’.

Ông Dy cho rằng hai quốc gia ‘giữ được quan hệ như hiện nay đã là tốt rồi’.


No comments:

Post a Comment

View My Stats