Thursday, 15 August 2013

CHUYỆN GÌ SẼ XẢY RA NẾU SNOWDEN PHẢI RA TÒA ? (Quế Anh - TTXVN)




Quế Anh  (P/v TTXVN tại Nga)
Thứ Ba, 13/08/2013 21:40


Báo Độc lập (Nga) ngày 13/8 đưa tin cha của Snowden có khả năng sẽ phải đối mặt với tòa án và chính quyền Mỹ khó có thể bảo đảm một phiên tòa xét xử công bằng.

Trông đợi một phiên tòa công bằng

Được biết, hiện cha của Edward Snowden là ông Lonnie Snowden và luật sư của gia đình này là ông Bruce Fein đã nhận được thị thực nhập cảnh vào Nga. Theo kế hoạch, khi đến Nga, cha đẻ Snowden và luật sư của gia đình sẽ thảo luận với con trai mình- cựu nhân viên làm hợp đồng cho Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden - về khả năng trở về nhà (Mỹ) và thậm chí phải chấp nhận bị xử án. Phiên tòa đó sẽ phải được tiến hành một cách thật công bằng.

Song dường như thật khó để có thể có một phiên tòa như thế, khi mà giới chức nước này đã "dọn" cho Snowden một dư luận hết sức gai góc suốt thời gian qua.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn trên một kênh truyền hình Mỹ, ông Lonnie Snowden và luật sư của gia đình khẳng định rằng họ đã nhận được thị thực nhập cảnh vào Nga và sẽ sớm lên đường. Tuy nhiên thời điểm tiến hành chuyến đi này không được tiết lộ, để tránh những cuộc "rượt đuổi" tất yếu sẽ xảy ra của giới truyền thông.

Tờ Thời báo New York cũng xác nhận ngoài việc đi thăm con trai và thân chủ của mình, Lonnie Snowden và Bruce Fein dự định thuyết phục "người thổi còi" Snowden trở về và chấp nhận ra hầu tòa xét xử với tội danh tiết lộ bí mật quốc gia đối với chương trình giám sát bí mật của Cơ quan an ninh Mỹ (NSA).

Trước đó, báo chí Nga dẫn lời "kẻ phản bội" Snowden nói anh ta đang nắm giữ sơ đồ toàn cầu gồm 700 máy chủ của NSA dùng chương trình XKeyscore - công cụ theo dõi người dùng Internet.

Đương nhiên, điều kiện để Snowden cân nhắc trở về chính là sự bảo đảm của chính quyền Mỹ về một phiên tòa công khai và công bằng. Đến thời điểm hiện tại, mới có một bức thư của Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Eric Holder nói rằng sẽ có một phiên tòa xét xử Snowden một cách công khai, và mọi người dân Mỹ đều có thể biết được tiến trình xét xử.

Trước đó, ông này cũng khẳng định Snowden hiện đang bị truy tố với tội danh chưa đến mức tử hình, và trong tương lai, nếu Snowden bị kết án với tội danh cao nhất (tử hình), thì chính phủ Mỹ cũng sẽ không áp dụng mức án này với Snowden.

Trong khi đó, nguyện vọng của cha Snowden cũng là mong muốn con trai trở về quê hương và được xét xử tại một phiên tòa công bằng. Còn nếu như có một thỏa thuận ngầm nào đó buộc Snowden phải nhận tội, thì cha của Snowden sẽ cực lực phản đối.

Được biết, hồi tháng 6 vừa qua, chính quyền Mỹ cũng đã "soạn thảo" sẵn cho Snowden ba tội danh đánh cắp bí mật an ninh quốc gia; cố tình chuyển giao trái phép thông tin an ninh quốc gia và chuyển giao chúng cho những người không có phận sự. Tội danh thứ hai và thứ ba gán cho Snowden tội hoạt động gián điệp, và anh này sẽ bị xét xử theo Luật hoạt động gián điệp của Mỹ từ năm 1917.

Án lệ?

Ông Fien cho biết dự định của gia đình là sẽ tìm cho Snowden những luật sư giàu kinh nghiệm nhất trong lĩnh vực các tội danh liên quan đến hoạt động gián điệp. Ông Fein cho biết thêm trong lịch sử ngành tòa án Mỹ, những vụ xét xử với tội danh làm gián điệp ở nước này không nhiều. Tuy nhiên, không thể không nhắc tới một vụ án gián điệp kinh điển vốn làm rung chuyển cả thế giới.

Năm 1951 vợ chồng điệp viên Ethel và Julius Rosenberg đã phải chấp hành bản án tử hình với tội danh cung cấp bí mật nguyên tử cho Liên Xô và cho đến nay vụ án gián điệp nổi tiếng nhất nước Mỹ này vẫn gây nhiều tranh cãi ở cả hai bên.

Điều đáng nói là mặc dù khi đó có rất ít chứng cứ để kết án bà Ethel Rosenberg làm gián điệp cho Liên Xô, nhưng vào thời điểm đó người ta lại cố tình bỏ qua nhiều "tiểu tiết", và do đó, bà Ethel Rosenberg đã trở thành người phụ nữ đầu tiên ở Mỹ bị tử hình sau vụ nữ sát thủ Mary Surratt bị treo cổ vì tham gia ám sát Tổng thống Abraham Lincoln.

Vợ chồng Rosenberg đã bị hành quyết trên ghế điện hai năm sau khi bản án được tuyên và lời nói cuối cùng của cả hai vợ chồng điệp viên này vẫn là: "Chúng tôi vô tội!".

Vụ án cũng dấy lên hành động phản đối trên toàn thế giới, đòi xét xử công minh cho vợ chồng điệp viên này.

Trở lại vụ Snowden, Báo Độc lập Nga cho biết bản thân ông Lonnie Snowden có 30 năm phục vụ trong quân đội và ông mới chỉ xuất ngũ năm 2009. Tuy nhiên, quá trình phụng sự đất nước tới 30 năm của ông cũng không đủ để "bảo lãnh" cho ông không phải đối mặt với nguy cơ cũng phải ra hầu tòa vì bị nghi ngờ đã hỗ trợ và tiếp tay cho "kẻ phản bội" nước Mỹ Snowden-con. Đây cũng chính là lý do vì sao Snowden-cha đã tránh giao tiếp, nói chuyện với con trai mình kể từ khi "kẻ đào tẩu" Snowden chạy tới Hong Kong.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố rằng nếu Edward Snowden tin tưởng vào sự vô tội của mình, hãy để anh ta có mặt tại tòa và chứng minh điều đó. Bình luận về "lời mời" này của Tổng thống, Snowden-cha đã lên án Quốc hội Mỹ đã tạo dư luận không công bằng cho con trai mình, và như vậy là cố tình làm mất đi tính khách quan trong tâm lý xét xử của các vị quan tòa.

Bài báo kết luận với một thông tin cho biết tuy ông Lonnie mong con trai trở về Mỹ để hầu tòa, song ông sẽ tôn trọng quyết định cuối cùng của con trai về việc Snowden sẽ ở đâu.

Lúc này, tại Nga, triển vọng về cuộc sống và công việc của một kỹ thuật viên IT giỏi như Snowden đang hứa hẹn tốt hơn, khi mà Công ty "Facebook Nga" Vkontakte cũng đã đánh tiếng mời Snowden đến làm việc với tư cách chuyên gia IT.

Quế Anh  (P/v TTXVN tại Nga)

*
*
Ngọc Nga (Theo RBC.ru)
Thứ tư, 14/08/2013, 05:26 (GMT+7)

Cựu đặc vụ Mỹ Edvard Snowden vừa cho biết thêm thông tin “không lành” về các cựu đồng nghiệp của mình: Nga, Trung Quốc là những nước quan trọng hàng đầu đối với hoạt động do thám của Mỹ.

Tờ Spiegel, trong một bài về Edvard Snowden, trích dẫn lời anh này rằng ở Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ, nơi trước đây Snowden làm việc, các quốc gia được xếp hạng theo thang điểm 5 về mức độ quan tâm để do thám.

Trong đó, điểm 1 dành cho mục tiêu được đặc biệt quan tâm do thám, còn điểm 5 dành cho các mục tiêu ít được chú ý hơn. Trong danh sách này, đứng đầu là Nga cùng với Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Pakistan, Afganistan và Iran.

Các nước châu Âu ít được Mỹ quan tâm hơn. Mức độ quan trọng của các nước này được đánh mức từ 3 đến 5 ở cơ quan đặc vụ Mỹ. Riêng nước Đức được đánh giá theo từng mảng khác nhau: chính sách đối ngoại và kinh tế (điểm 3), xuất khẩu vũ khí (điểm 4), phản gián (điểm 5).

Các nước có điểm đánh giá thấp nhất ở cơ quan đặc vụ Mỹ là: Phần Lan, Cộng hòa Sec, Croatia và Đan Mạch.

Trước đây, Snowden nhắc đến chuyện một trong những máy chủ của Mỹ có thể nằm trên địa phận tòa đại sứ Mỹ ở Moscow. Mỹ điều hành tất cả gần 700 hệ thống theo dõi kiểu đó, Snowden khẳng định.
Edvard Snowden đã được cho phép tị nạn tạm thời ở Nga trong 1 năm. Phía Mỹ đang yêu cầu dẫn độ cựu nhân viên An ninh quốc gia bị buộc tội lộ bí mật thông tin quân sự, bí mật quốc gia, hoạt động hoạt động gián điệp và ăn cắp thông tin.

Ngọc Nga (Theo RBC.ru)

*
*
Thanh Hảo(Theo TIME)
14/08/2013 05:00 GMT+7

Một năm là khoảng thời gian đủ lâu để tìm hiểu về một đất nước rộng lớn như Nga. Vì vậy, Edward Snowden - người tuýt còi Mỹ được Nga cho tị nạn tạm thời - nên tận dụng cơ hội, như vị luật sư đại diện từng nói rằng anh muốn "nghiên cứu văn hóa Nga" và khám phá hết 9 múi giờ của nước này.

TIN BÀI LIÊN QUAN:

Hiện tại, nơi ở của Snowden vẫn là một điều bí ẩn, cũng chưa rõ anh ta đã đi được bao nhiêu nơi trên đất Nga. Báo TIME đã đưa ra một danh sách mà họ khuyên Snowden nên đánh dấu vào lịch của mình.

Thăm Duma: Căn cứ vào những người thiện chí với Snowden trong chính phủ Nga (một nhà lập pháp còn tuyên bố đề cử anh này cho giải Nobel Hòa bình) thì nhân vật bị Mỹ truy nã nên tới thăm quốc hội Nga.
Trong cửa hiệu quà tặng ở tầng 1, anh này có thể chọn một vật kỷ niệm. Còn quầy ăn tự phục vụ ở Duma cũng khá rẻ và Snowden có thể chọn một tô súp củ cải đường (Borsht) hay một miếng thịt rán dầu hướng dương.
Luật sư người Nga của Snowden, Anatoly Kucherena, mới đây cho biết người tuýt còi Mỹ "thực sự không có nhiều tiền, nhưng đến giờ anh vẫn có đủ để ăn".

Làm việc cho phiên bản Facebook của Nga: Snowden có thể bắt đầu xoay sở cuộc sống của mình giữa đất thủ đô đắt đỏ của nước Nga vì trang mạng xã hội nổi tiếng Vkontakte (VK) đã có lời mời "tội đồ Mỹ" tới làm việc tại trụ sở của công ty ở St Petersburg cùng ngày anh này nhận được giấy phép tị nạn.
"Tôi nghĩ Edward có thể thấy thú vị khi thử và bảo vệ dữ liệu cá nhân cho hàng triệu người dùng của chúng tôi", Pavel Durov - người đồng sáng lập công ty - viết trên trang VK của ông. Chắc chắc Snowden sẽ là một sự bổ sung nhân sự hữu ích của VK.

Rong chơi cùng với người tị nạn nổi tiếng thứ 2 ở Nga: Khi thông tin xuất hiện ngày 16/6 rằng khi tị nạn tại Nga, Snowden sẽ được phép đi lại tự do ở đất nước này, Jon Lee Anderson - một cây bút viết cho tờ New Yorker - là người đầu tiên viết trên twitter: "Một cuộc biểu diễn lưu động cùng với Depardieu?".

Ngôi sao điện ảnh Pháp Gerard Depardieu đã nhận được một hộ chiếu Nga hồi tháng 2 từ chính tay của Thủ tướng Vladimir Putin. Ông này rời bỏ quê hương bởi vì thuế nặng. Địa chỉ chính thức của Depardieu hiện nay là One Democratic Street ở thành phố Saransk, cách Moscow hơn 600km về phía đông.

Cưới Anna Chapman: Trước Ngày Độc lập mà Snowden kỷ niệm hồi tháng trước trong khu quá cảnh của một sân bay Moscow, nữ điệp viên tóc đỏ của Nga đã ngỏ lời cầu hôn Snowden qua mạng xã hội Twitter: "Snowden: Anh cưới em nhé?!".
Kể từ năm 2010, sau khi bị trục xuất khỏi Mỹ vì làm gián điệp, Chapman - 31 tuổi - đã trở thành một nhân vật danh tiếng ở Nga.

Thăm Kalmykia: Theo báo New York Times, Snowden đã đăng ký tôn giáo của mình là đạo Phật sau khi làm việc tại một căn cứ quân sự Mỹ ở Nhật Bản. Vì vậy, anh này có thể cân nhắc một chuyến hành hương tới Kalmykia, vùng đất của Phật Giáo ở miền nam nước Nga.

Thanh Hảo(Theo TIME)


---------------------------------------




No comments:

Post a Comment

View My Stats