Wednesday, 21 August 2013

CHÍNH TRỊ VIỆT NAM - BÌNH CŨ, RƯỢU ÔI (Đại Dương)




August 20, 2013 2:19 AM

Bộ Chính trị phái Chủ tịch Trương Tấn Sang tới Bắc Kinh để ký Tuyên bố chung với người tương nhiệm có thế lực gấp bội nên bị buộc vào cổ xe chiến lược của Trung Quốc làm cho dư luận trong nước và hải ngoại ái ngại hoặc bực tức.

Tiếp theo, Trương Tấn Sang vội vã sang gặp Tổng thống Barack Obama trong Toà Bạch Ốc hòng dùng miệng lưỡi Tô Tần đòi công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường và xác định đảng cộng sản kiên trì đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền. Mỹ không thể nào thừa nhận một thị trường tưởng tượng. Các tổ chức nhân quyền quốc tế và Lập pháp Mỹ liên tục nổ đại bác vào các vi phạm nhân quyền trầm trọng tại Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam buộc Obama phải gay gắt với Sang trong cuộc họp báo chung.

Những đứa con ghẻ của đảng cộng sản như Lê Hiếu Đằng, Hồ Ngọc Nhuận từng làm cánh tay nối dài cho Hà Nội những tưởng thời cơ đã tới để một lần nữa ra sức khuyển mã như từng tham gia trong Đảng Nhân dân Cách mạng Miền Nam Việt Nam.

Hà Nội cho thành lập đảng này vào 1-1-1962 do Hồ Chí Minh làm Lãnh tụ, Võ Chí Công Chủ tịch, Nguyễn Văn Linh Tổng bí thư nhằm che đậy chuyện Miền Bắc đang trực tiếp tổ chức lật đổ Việt Nam Cộng Hoà. Nó bị giải thể không kèn không trống đúng 30-4-1975.

Mỗi lần gặp khó khăn, đảng cộng sản lại bật đèn cho những “quân xanh” khơi lên cuộc tranh luận về đa nguyên, đa đảng, tách đôi đảng cộng sản.

Xính vính trước làn sóng cách mạng dân chủ Đông Âu vào thập niên 1990, những Lữ Phương, Hà Sĩ Phu … cùng với rất nhiều nhân sĩ trí thức hải ngoại lao vào một cuộc tranh luận về đa nguyên, đa đảng, xã hội dân sự. Hà Sĩ Phu đề nghị tách Đảng Cộng sản thành hai Đảng Bảo thủ và Đảng Cấp tiến. Câu chuyện trà dư hậu tửu này cũng tàn sau khi Hà Nội chỉnh đốn được hàng ngũ.

Năm 2006, nguyên Tổng bí thư Đảng Dân chủ, Hoàng Minh Chính tuyên bố khôi phục hoạt động của Đảng này bị Huỳnh Văn Tiểng tố cáo không có tư cách vì đã bị khai trừ từ lâu. Hy vọng được rót vào bình rượu cũ mà Đảng Cộng sản không nhận do rượu ôi nên chóng tàn lụi.
Năm 2009, Thi sĩ Bùi Minh Quốc tự xưng nhà đấu tranh cho dân chủ ở trong nước cũng đề nghị tách Đảng Cộng sản ra làm hai để cạnh tranh “làm đầy tớ” cho nhân dân. Làm đầy tớ trong chế độ cộng sản rất vinh quang, nhất hô bá ứng, tiền vào như nước nên không dễ gì chia sẻ cho những tên bị đẩy ra bên ngoài vòng quyền lực. Dân sợ quá, thêm đầy tớ sẽ chẳng còn tiền để “mua vải che mặt Bác Hồ”.

Ngày 13-5-2013, Bác sĩ Hồ Hải ở trong nước lại đặt câu hỏi đã đến lúc lập 2 đảng bảo thủ và cấp tiến chưa vì trong Đảng Cộng sản đã nẩy sinh mâu thuẩn đối kháng khó dung hoà. Thực tế, các nhóm lợi ích đang chi phối đảng cộng sản, nhưng, không hề khác biệt về bảo vệ quyền độc tôn lãnh đạo nên không thể tách đôi.

Hôm 15-8-2013, Dân biểu đối lập tại Việt Nam Cộng Hoà, Hồ Ngọc Nhuận núp bóng Lê Hiếu Đằng có 45 tuổi đảng [cộng sản] viết bài cổ vũ cho việc thành lập Đảng Dân chủ Xã hội nhằm cạnh tranh với Đảng Cộng sản để xây dựng xã hội dân sự.

Tại sao phong trào ồn ào và thậm thụt suốt hơn 2 thập niên mà đa nguyên đa đảng chẳng có và xã hội dân sự còn nằm trên giấy?

Tất cả những kẻ xướng xuất từ trong lòng chế độ đều mâu thuẩn khi lập luận.

Ai cũng thừa nhận sự cần thiết của cách mạng bạo lực để giành độc lập dân tộc. Nhưng, Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã nướng gần 4 triệu dân và một đất nước tang hoang mà chỉ độc lập sau 30 năm so với 13 nước Á, Phi có cùng hoàn cảnh bị thực dân Tây Phương cai trị. Bọn họ mê muội đến độ mù tịt với xu thế giải thực toàn cầu được Liên Hiệp Quốc xướng xuất sau Đệ nhất Thế chiến và đẩy mạnh sau Thế chiến Thứ hai.

Họ tự cao, tự đắc về mục tiêu đấu tranh cho dân tộc. Lê Hiếu Đằng viết trong bài: Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh “Tôi tham gia kháng chiến vì bị thôi thúc bởi lòng yêu nước, ý chí chống xâm lược, giành độc lập, tự do dân chủ cho dân tộc”. Nhưng, bưng tai, bịt mắt trước thảm hoạ Cải cách Ruộng đất, Cải tạo Công thương nghiệp, hợp-tác-hoá giáng xuống đầu người Việt.
Lê Hiếu Đằng cao giọng “Không nên ngồi tranh luận với nhau về sự đúng, sai khi chọn lựa đứng bên này hay bên kia”. Ai có can đảm giao số phận vào tay những người có viễn kiến hạn hẹp, thiếu óc phán đoán, chậm tiêu kiến thức?

Những người trưởng thành trong chế độ cộng sản ở Miền Bắc không có hình mẫu sống động để so sánh sự khác biệt giữa xã hội công dân và xã hội toàn trị. Nhưng, Lê Hiếu Đằng, Hồ Ngọc Nhuận ăn cơm của của Miền Nam tự do đến mòn răng mà mãi gần kề miệng lổ, mất hết quyền lực mới kêu gọi thiết lập xã hội công dân sơ khởi.

Lê Hiếu Đằng kết tội “Đảng và nhà nước Việt Nam nhận chìm các tầng lớp nhân dân Việt Nam từ Bắc chí Nam dưới chế độ quản lý kinh tế bao cấp, đi ngược lại tất cả qui luật tự nhiên, cop-pi mô hình kinh tế của Liên bang Xô viết và Trung Quốc cộng sản 100%. Dân chúng đói kém rên xiết. Các đợt cải tạo tư sản X1, X2 đã làm tan nát biết bao gia đình, làm dòng người vượt biên ngày càng nhiều và biết bao gia đình phải chết tức tưởi trên biển. Có thể nói tất cả điều đó là tội ác của Đảng và Nhà nước Việt Nam”.

Những người đòi tách Đảng cộng sản làm đôi đã có sự “sai lầm cố ý” chỉ tách ra, nhưng, không độc lập mà trực thuộc nên liên thủ bảo vệ quyền lực và lợi ích cho nhau. Bộ Chính trị đồng ý hạ bệ “đồng chí X”, nhưng, thành viên trong Ban Chấp hành Trung ương không cho phép nên câu chuyện trở thành “đầu voi đuôi chuột”. Những đảng viên cộng sản điều hành trong hai đảng thì khác nào hai bình hoa Đảng Dân chủ và Đảng Xã hội từ năm 1946 đến 1988!

Lê Hiếu Đằng nhận xét về đối tác tương lai “Tôi nghĩ trong một thời gian dài Đảng Cộng sản vẫn sẽ là một lực lượng chính trị mà không có bất cứ lực lượng nào có thể tranh chấp được”. Vì thế, Đằng không từ bỏ đảng mà chỉ khuyên các đảng viên khác phải từ chức tập thể để gia nhập Đảng Dân chủ Xã hội dần dần đối lập với Đảng Cộng sản.

Phong trào này sẽ biến mất khi Việt Nam ký được Hiệp ước Đối tác Kinh tế Thái Bình Dương, TPP.

Hai Đảng Dân chủ và Đảng Xã hội do Cộng sản giật dây từ năm 1946 cho tới khi bị giải thể vào năm 1988 mà không hề thành đối lập bởi vì bản chất cuội.

Những người muốn đòi tách Đảng Cộng sản làm để có thể duy trì độc quyền lãnh đạo mà không chừa chỗ cho những người ngoài vòng tay thách đố quyền lực.

Tất cả những người đòi đa nguyên, đa đảng, xã hội dân chủ ở trong nước từ thập niên 1990 đến nay đều không có chủ trương tập họp quần chúng để đương đầu với Đảng Cộng sản nên chẳng có người theo sau tạo ra tình trạng vắng vẻ như Chùa Bà Đanh.

Mikhail Gorbachev muốn sửa đổi Đảng cộng sản đã bất thành nên than “Tôi đã bỏ nửa đời cho lý tưởng cộng sản. Nay phải nói Đảng Cộng sản chỉ biết tuyên truyền và nói dối”.

Boris Yeltsin bốp chát “Cộng sản không thể nào sửa chữa mà phải đào thải”.

Các dân tộc Đông Âu và Liên Xô đã tái xây dựng xã hội dân sự từ sức mạnh của quần chúng chứ không nhờ Đảng Cộng sản tách đôi.

Bình cũ, rượu ôi không thể uống mà phải đổ nếu chẳng muốn bị trúng độc.

Đại Dương


No comments:

Post a Comment

View My Stats