Wednesday, 21 August 2013

NIỀM VUI PHƯƠNG UYÊN, HÀNH TRANG CHO CHẶNG ĐƯỜNG TRANH ĐẤU MỚI (Trần Trung Đạo)




August 21, 2013 1:54 PM

Chưa bao giờ trong suốt 38 năm, bản án chế độ CS dành cho một cô bé không chỉ làm lương tâm cả dân tộc thức dậy, đứng lên mà cả nhiều nơi trên thế giới bất bình, phẫn nộ như bản án Phương Uyên. Ba tháng qua, từ trong nước đến ngoài nước, từ nguyên thủ quốc gia Mỹ cho đến lãnh đạo các nước Bắc Âu, hai chữ Phương Uyên rất khó phát âm theo đúng tiếng Việt đã trở thành một điều kiện cho các quan hệ ngoại giao song phương và quốc tế.

Khi đứng trước tòa sơ thẩm giữa tháng Năm, thay vì dùng những câu nặng tính cách đấu tranh chính trị như “tôi quyết liệt phản đối” hay “tôi cương quyết không chấp nhận” bản án, em chỉ nói “tôi không cam tâm”: “Tôi là sinh viên yêu nước, nếu phiên tòa hôm nay kết tội tôi, thì những người trẻ khác sẽ sợ hãi và không còn dám bảo vệ chủ quyền của đất nước. Nếu một sinh viên, tuổi trẻ như tôi mà bị kết án tù vì yêu nước thì thật sự tôi không cam tâm”. Bốn chữ “tôi không cam tâm” nhỏ nhẹ như có chút gì trách móc những người ở tuổi ông bà đang ngồi xử em là tiếng nói chân thành, tha thiết nhưng không thiếu phần cương quyết.

Những ai ngạc nhiên vì bản án sáu năm tù ở quá khắc nghiệt lần trước cũng có thể ngạc nhiên vì bản án “ba năm tù treo” lần này. Thật ra, dưới chế độ CS chẳng có bản án tù chính trị nào dựa trên lý lẽ, bằng chứng, truy tố, phân tích hay biện hộ, tất cả đều phản ảnh của chính sách và chính sách lại luôn thay đổi tùy theo nhu cầu chính trị trong từng giai đoạn.

Điều 88 Bộ Luật Hình Sự của chế độ CSVN hiện nay không phải là một bộ luật do một cơ quan lập pháp độc lập nào làm ra mà chỉ là một văn bản của chế độ CSVN tự dựng lên và dùng làm thước đo để trừng trị những ai đi ngược lại quyền lợi của lãnh đạo đảng CS. Trên thế giới, ngoại trừ Trung Quốc, Bắc Hàn, Cu Ba và Việt Nam, không có quốc gia nào mà việc phê bình chỉ trích nhà nước và các cấp lãnh đạo nhà nước lại có thể bị phạt tù đến 12 năm như “Bộ Luật Hình Sự” kỳ quái của chế độ CSVN quy định.

“Bộ Luật Hình Sự” của Liên Xô trước đây là một ví dụ. Tháng Sáu năm 1934, để chuẩn bị cho cuộc thanh trừng đẫm máu sắp bắt đầu, Stalin đã thêm vào điều 58 bộ Luật Hình Sự Liên Xô được ban hành vào năm 1927 những khoản quy định các bản án dành cho các tướng lãnh quân đội và ngay sau đó chiếu vào các khoản này để xử bắn bốn trong số năm đô đốc, ba trong số năm thống chế, mười ba trong số mười lăm tướng lãnh ba sao và bốn sao, năm mươi trong số năm mươi bảy tư lịnh binh đoàn và toàn bộ mười sáu chính ủy cao cấp thuộc các binh chủng của Hồng Quân Liên Xô.

Theo tường thuật của các bloggers cũng như của đài RFA, cuộc tranh luận giữa Phương Uyên và các ông bà ngồi ghế quan tòa “như một cuộc chiến rất căng giữa một bên là chế độc độc tài, toàn trị, vô cảm với đầy đủ phương tiện đàn áp người dân với một bên là phe dân chủ “liễu yếu mong manh” nhưng bất khuất” và cũng tại đó em đã phát biểu câu nói lịch sử “Tôi không cần giảm án. Tôi chỉ cần tòa xử đúng người đúng tội. Tôi cho rằng chống đảng CS không phải chống phá đất nước, dân tộc”. Tuy nhiên, không phải vì Phương Uyên đã chiến thắng trong “cuộc chiến rất căng” về lý luận và đã khuất phục được bà Thẩm phán Trương Thị Minh Thơ chủ tọa phiên tòa phúc thẩm hôm 16 tháng Tám vừa qua và bà đuối lý đành kết án Phương Uyên “tù treo” thay vì “tù ở”. Không phải vậy đâu. Quyết định “tù treo” là quyết định từ trung ương đảng. Giả thiết, trong phiên tòa phúc thẩm dù Phương Uyên có hô to “Đả đảo Cộng Sản” như Cha Nguyễn Văn Lý đã hô hay bỗng dưng em đổi tính gọi ba đời nội ngoại của bà Trương Thị Minh Thơ ra chửi bằng ngôn ngữ hàng tôm hàng cá nhất, bà Thơ vẫn phải cắn răng tuyên bố Phương Uyên được hưởng “án treo” theo đúng chỉ thị đã nhận từ trước.

Lý do trực tiếp của việc em được thả đã được nhiều người phân tích trong đó có áp lực của chính quyền Barack Obama và quốc tế, chiều hướng mới về chính sách đối ngoại của lãnh đạo CSVN, một cách tỏ thái độ đối với Trung Quốc v.v… Tất cả đều có thể đúng tùy theo góc độ phân tích của vấn đề nhưng như kẻ viết bài này đã viết trong bài Áp lực nào buộc CSVN phải thả Phương Uyên? trước đây, chính tinh thần đấu tranh bền bỉ, đa dạng, tích cực và nhiệt tình của mọi tầng lớp nhân dân, mọi thế hệ Việt Nam trong nước và ngoài nước là nguyên nhân sâu xa và sức đẫy chủ động đã giúp Phương Uyên được trở về trong vòng tay của mẹ. Tận dụng ưu thế của cộng đồng người Việt tại Mỹ và các quốc gia dân chủ từ châu Úc đến châu Âu là một bằng chứng thành công hùng hồn. Sức mạnh tổng hợp của các thành phần dân tộc và xu hướng phát triển văn minh của thời đại là nền tảng của cuộc đấu vì tự do dân chủ trước đây, hôm nay và tái thiết đất nước sau này.

Việc vận dụng các điều kiện chính trị thế giới cũng như trong vùng Đông Nam Á của các tổ chức người Việt không có liên hệ trực tiếp hay gián tiếp gì với việc “lệ thuộc vào ngoại bang” và cũng chẳng “theo tây theo Mỹ” nào cả. Phân tích một cách dễ hiểu, không có cuộc vận động liên tục của nhiều tổ chức đấu tranh người Việt không một Tổng thống Barack Obama nào, không một dân biểu Ed Royce, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ nào, không một Dân biểu Loretta Sanchez thuộc đảng Dân Chủ nào, không một Dân biểu Chris Smith thuộc đảng Cộng Hòa nào, không một bà Catherine Ashton, phụ trách đối ngoại của Quốc Hội Châu Âu nào, không một dân biểu Quốc hội Châu Âu nào trong số 34 vị ký tên trong thư phản đối tình trạng nhân quyền tồi tệ tại Việt Nam biết đến Phương Uyên.

Áp lực từ các lãnh đạo quốc tế có thể là những giọt nước làm tràn chiếc ly nhưng ly nước lớn kia vốn đã chứa đựng bao giọt mồ hôi và nước mắt trong gian khổ đấu tranh của nhiều lớp người Việt Nam đi trước. Bức tường chuyên chính không sụp bằng những cơn bão Đông Âu nhưng sẽ sụp từ những giọt nước nhỏ xuống một cách âm thầm và kiên nhẫn như thế.

Qua đoạn phim ngắn phỏng vấn Phương Uyên của hệ thống truyền hình Dòng Chúa Cứu Thế chúng ta thấy em rất chững chạc và trưởng thành về nhận thức dù tuổi còn nhỏ và quá trình giáo dục bị đóng khung trong hệ thống giáo dục tuyên truyền nhồi sọ khi em phát biểu đừng đánh đồng giữa đảng CS và tổ quốc Việt Nam vì “Tổ quốc Việt Nam thiêng liêng hơn rất là nhiều”.
Vâng, đúng thế.

“Tổ quốc Việt Nam thiêng liêng hơn rất là nhiều” vì trên mảnh đất này vẫn còn ghi lại dấu chân của những người để lưng trần, tóc cắt ngắn, đóng khố che thân, đầu đội mũ lông chim Hồng, tay ẵm đàn con Lạc Việt, vượt bao nhiêu núi rừng ghềnh thác trong cuộc Nam tiến đầy gian nan nhưng vô cùng hiển hách, từ vùng Nam Hoa di dân xuống lưu vực sông Hồng 48 thế kỷ trước.

“Tổ quốc Việt Nam thiêng liêng hơn rất là nhiều” vì trong lúc bao nhiêu bộ tộc Bách Việt khác đã hoàn toàn bị tiêu diệt hay đồng hóa vào những tỉnh, những huyện như Hồ Nam, Quảng Tây, Quảng Đông, Vân Nam, Phúc Kiến của Trung Quốc ngày nay, giòng giống Lạc Việt qua bao độ thăng trầm, vẫn tồn tại và trưởng thành nên quốc gia Việt Nam độc lập và tự chủ.

“Tổ quốc Việt Nam thiêng liêng hơn rất là nhiều” vì trên mảnh đất này tên của một con sông, một ngọn núi, một thôn làng, khi được nhắc đến có thể làm người Việt Nam phải rơi nước mắt. Những Phong Hóa, Nam Quan, Mê Linh, Bạch Đằng, Vạn Kiếp, Thiên Trường, Diên Hồng, Chi Lăng, Lam Sơn, Đống Đa v.v… không phải chỉ đơn giản là những địa danh, mà hơn thế nữa, còn là là nơi giữ gìn anh linh hùng khí của dân tộc. Hình ảnh những chiếc búa, những chiếc rìu, những mũi thương, mũi đao, mũi tên bằng đồng đào được ở vùng Trung Châu, Bắc Việt, ở sông Bạch Đằng, dọc Ải Nam Quan không chỉ là những cổ vật mà còn là chứng tích của bao nhiêu trận mạc, bao nhiêu cuộc chiến đấu, bao nhiêu máu xương của tổ tiên đã đổ xuống trước áp lực của các triều đại Bắc phương xâm lấn.

“Tổ quốc Việt Nam thiêng liêng hơn rất là nhiều” như Phương Uyên nói không thể đem so với một đảng chính trị chỉ mới nhập từ Nga năm 1930 và đã bị đào thải trên phạm vi thế giới. Thế nhưng, không chỉ trong giới sinh viên học sinh mà ngay cả trong nhiều người lớn, trong tầng lớp “tiến sĩ”, “thạc sĩ”, “nhà văn”, “nhà thơ”, “trí thức xã hội chủ nghĩa” không phải ai cũng thấy được sự khác biệt đó như em. Mà có thấy được cũng đành “ngậm bồ hòn làm ngọt” chứ không đủ can đảm gióng lên tiếng nói như em.

Dù sao Phương Uyên đã về quê với mẹ. Chuyến xe lửa đã rời nhà ga. Những ngày nóng bỏng của mùa hè 2013 đang qua và tiếng cười rạng rỡ như tia nắng cuối ngày vừa tắt. Mai đây em sẽ đối diện với thực tế mới và những chọn lựa mới trong đời. Những ai hy vọng em sẽ làm những việc vượt quá khả năng của em có thể sẽ thất vọng. Phương Uyên chỉ mới 21 tuổi. Em có nhận thức rất sáng so với các bạn cùng thế hệ nhưng để bay cao, để đi xa cần có thêm nhiều phương tiện. Em có thể sẽ trở lại trường học, có thể chọn một việc để làm, có thể sẽ tiếp tục cùng các bạn tiếp tục hành trình phục vụ đất nước, chống tham nhũng, chống độc tài, chống “Tàu khựa” bằng một hình thức khác. Làm gì đi nữa, một chương lớn trong cuộc đời em vừa mới lật qua. Phương Uyên không còn là một Phương Uyên mang ít nhiều huyền bí và hấp lực trong tù mà là cô bé 21 tuổi ngoài xã hội với cuộc sống bình thường.

Nhưng đất nước thì không. Đất nước như một giòng sông vẫn còn đang trôi qua những ghềnh đá cheo leo, những núi non ngăn cách suốt ba mươi tám năm đầy chịu đựng. Trên quê hương Việt Nam, hàng trăm người Việt Nam vẫn còn đang bị tù đày cũng chỉ vì cùng quan niệm như em “Tổ quốc Việt Nam thiêng liêng hơn rất là nhiều”.

Hôm nay, điều kiện thật sự của Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, người anh cả của phong trào tuổi trẻ chống Trung Quốc âm mưu rước đuốc qua Hoàng Sa nhân dịp Thế Vận Hội mùa hè tại Bắc Kinh, vẫn chưa ai biết rõ một cách chính xác ra sao. Từ 2008 đến nay, Điếu Cày Nguyễn Văn Hải là tù nhân chính trị chịu đựng nhiều truy bức và đày ải nhất. Trong lúc sự kính trọng dành cho hàng trăm nhà dân chủ đang bị tù dày bao giờ cũng sâu đậm, sự quan tâm của đồng bào trong và ngoài nước dành cho anh Điếu Cày Nguyễn Văn Hải đã vượt lên trên. Tình cảm đồng bào dành cho anh giống như tình cảm của anh dành cho đất nước, đơn sơ, thiêng liêng và trong sáng.

Điếu Cày không phải là nhà thơ, nhà văn, nhà chính trị, nhà cách mạng, nhà lý thuyết, nhà báo, nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp. Không phải là nhà nào cả. Mơ ước của anh là được cầm máy ảnh đi thăm ba miền đất nước để ghi lại những vẻ đẹp nên thơ và hùng vĩ của quê hương. Anh đã đi nhưng vết thương Hoàng Sa và Trường Sa buộc anh dừng lại. Quê hương không còn đủ nghĩa khi hai quần đảo thiêng liêng và chiến lược rơi vào tay Trung Quốc. Từ đó, anh dấn thân trên con đường gai góc, con đường nhiều triệu người khác không dám đi: con đường chống Trung Quốc xâm lăng. Và cũng từ đó, Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, cái tên một lần nghe rất lạ đã trở thành quen thuộc, gần gũi, thân thương trong mọi gia đình Việt Nam, đặc biệt trong lòng tuổi trẻ Việt Nam.

Anh Điếu Cày Nguyễn Văn Hải không phải là Nelson Mandela của Nam Phi, Aung San Suu Ky của Miến Điện, Vaclav Havel của Tiệp. Anh là một người Việt Nam bình thường, đơn giản và hiền hòa như hạt gạo, củ sắn, củ khoai, con mắm, ngọn rau nhưng anh cũng vô cùng cao quý vì đã nói lên khát vọng độc lập tự chủ của dân tộc Việt Nam trong thời đại ngày nay.

Ngoài Điếu Cày, còn nhiều anh chị em khác nữa, những Đinh Nguyên Kha, Việt Khang, Nguyễn Hữu Cầu, Trần Huỳnh Duy Thức, Hồ Đức Hòa, Đặng Xuân Diệu, Lê Văn Sơn, Phan Thanh Hải, Mai Thị Dung, Nguyễn Công Chính, Phạm Thị Phượng, Tạ Phong Tần, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Đặng Minh Mẫn, Trần Thị Thúy, Phùng Lâm, Đỗ Thị Minh Hạnh, Đoàn Huy Chương, Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Tiến Trung, Phạm Văn Thông, Nguyễn Ngọc Cường, Đinh Đăng Định, Nguyễn Xuân Nghĩa, Trần Vũ Anh Bình, Nguyễn Kim Nhàn, Hồ Thị Bích Khương, Lê Thanh Tùng, Phan Ngọc Tuấn, Vi Đức Hồi, Nguyễn Văn Lía, Võ Minh Trí, Lê Quốc Quân v.v… tất cả vẫn còn ở trong tù.

Chúng ta nên làm gì cho họ đây. Không có con đường nào khác ngoài việc tiếp tục cuộc đấu tranh như đã từng tranh đấu cho Phương Uyên. Nếu có khác chăng, chặng đường mới có nhiều hy vọng và thuận lợi hơn. Cuộc vận động dân chủ ngày nay không phải là môi trường chỉ dành riêng cho những người ly khai khỏi mọi ràng buộc, dâng hiến trọn vẹn cuộc đời cho lý tưởng tự do dân tộc theo kiểu “gát bút nghiên lên đường tranh đấu” như cha ông chúng ta đã làm ngày trước mà diễn ra ở mọi người, tại mọi nơi, mọi chỗ và trong mọi ngành nghề.

Cuộc vận động dân chủ sẽ thành công bởi vì có sự góp sức của hơn hai triệu người Việt đang sống nhiều nơi trên thế giới. Ngày xưa chúng ta thường tranh luận nhau, trong nước hay ngoài nước sẽ đóng vai trò chủ lực, trong nước hay ngoài nước sẽ là nhân tố chính thúc đẩy con tàu dân chủ. Hôm nay, những tranh luận đó không còn cần thiết nữa. Mọi người Việt Nam dù ở đâu trên trái đất nầy cũng đều có thể đóng góp, có thể làm được phần mình theo điều kiện và hoàn cảnh mỗi người đang có mà không phải chen lấn nhau hay dẫm lên bước chân người khác.

Việt Nam có thể vẫn còn phải tiếp tục chịu đựng dưới ách độc tài một thời gian ngắn nữa nhưng các phong trào dân chủ không còn là các nhóm nhỏ hoạt động rải rác mà sẽ phối hợp chặt chẽ và thách thức chế độ một cách công khai bằng nhiều hành động cụ thể. Tranh đấu cho dân chủ là khẩu hiệu của thời đại, là niềm vui chứ không còn là nỗi sợ.


No comments:

Post a Comment

View My Stats