Friday, 9 August 2013

ĐẤT NƯỚC NÀY CẦN HỆ THỐNG NÀO ? [Phần 5 & 6] (Yu-Chien Kuan - Phan Ba dịch)




Yu-Chien Kuan (Quan Ngu Khiêm)

Phan Ba dịch
Tháng Tám 5, 2013






“Cả trong một hệ thống độc đảng cũng phải có khả năng kiểm soát”

Ông N., 55 tuổi, nhà xuất bản, Bắc Kinh: “Một hệ thống hai hay đa đảng đối với tôi không phải là giải pháp. Nó sẽ chẳng giúp ích được gì cho đất nước của chúng tôi. Đối với chúng tôi, sự ổn định là quan trọng nhất. Vì dân số của Trung Quốc lớn như vậy nên chúng tôi không được phép có bạo động. Bạo động dẫn tới lộn xộn, lộn xộn dẫn tới thảm họa. Người dân chúng tôi đã quen với sự cai trị từ trung ương. Lúc nào cũng đã như vậy rồi. Trước đây thì hoàng đế đứng đầu, ngày nay thì là giới tinh hoa lãnh đạo chính trị. Nhưng lãnh đạo trung ương cần một hệ thống kiểm soát mạnh. Cả trong một hệ thống độc đàng thì cũng phải có khả năng kiểm soát, tôi còn muốn nói rằng nó có tầm quan trọng sống còn nữa. Nó cần phải được tiến hành trên tất cả các bình diện. Không chỉ từ mặt của Đảng. Cả người dân cũng phải có khả năng sử dụng những phương tiện như báo chí để vạch trần những bất cập. Đảng Cộng sản nhất định phải cho phép điều đó. Họ phải học cách lắng nghe những ý kiến khác nhau, thảo luận và rồi đưa ra quyết định của họ.

Kinh tế đã phát triển tốt, nhưng xã hội và văn hóa không tiến cùng bước. Đối với tôi, đó là vấn đề lớn nhất trong công cuộc xây dựng một xã hội hài hòa và một nền văn hóa cao. Phát triển xã hội quan trọng hơn là phát triển kinh tế. Tăng trưởng năm hay tám phần trăm, điều đó đối với tôi không quan trọng. Nó cũng có thể nằm ở mức ba phần trăm. Như thế cũng đã đủ rồi và có thể giữ được qua nhiều năm. Nhưng xây dựng văn hóa và xã hội thì không thể chờ được. Các thành phố đã phát triển rất tốt rồi, nhưng những vùng nông thôn thì vẫn còn quá nghèo. Đối với những con người ở đó thì không có cuộc sống văn hóa. Ngày nay chỉ có các thành phố lớn là có văn hóa. Sống ở Bắc kinh là những nghệ sĩ trẻ tuổi có quê ở tỉnh và trong bất cứ trường hợp nào thì cũng không muốn trở về đó nữa. Có những người trong số họ sống ở rìa tận cùng của thành phố, phải đi hai giờ đồng hồ để vào được nội thành, và chia sẻ với bốn người khác một căn phòng mà họ chỉ trả tính ra là mười lăm euro một tháng cho nó. Họ chấp nhận tất cả những việc đó, vì Bắc Kinh mang lại cho họ cơ hội, cảm hứng và nhiều khả năng đa dạng, và chuyến trở về tỉnh đối với họ có nghĩa là chấm dứt những giấc mơ của họ. Chúng tôi nhất định cần phải hỗ trợ cho văn hóa nhiều hơn nữa. Phải chi những khoản tiền rộng rãi cho việc này. Chỉ một nền văn hóa khỏe mạnh mới có thể mang lại một sự phát triển tinh thần khỏe mạnh cho Trung Quốc được.

Sự bất bình trong nước là lớn. Đã có quá nhiều bất công xảy ra. Sự khác biệt giữa nghèo và giàu ẩn chứa một lực nổ khổng lồ. Khuyến khích và giúp đỡ những người yếu phải đứng thật cao trên danh sách liệt kê các nhiệm vụ của chúng tôi. Phải nhanh chóng bắt đầu công việc chăm sóc cho người nghèo. Xây dựng một xã hội hài hòa – vâng, đó mới thật sự là nhiệm vụ hàng đầu ở thời chúng tôi.”

Đảng là sếp

Ông J., 55 tuổi, nhà thông tin học: “Tôi sống từ ba mươi năm nay ở Hoa Kỳ. Tôi đánh giá dân chủ rất cao, nhưng tôi nghĩ rằng nó không thích hợp cho một đất nước có nhiều dân cư như Trung Quốc. Trung Quốc phải phát triển hệ thống riêng của nó. Đối với tôi, Trung Quốc ngày nay giống như là một công ty lớn. Đảng là sếp. Sếp quyết định hướng đi. Nếu không có hệ thống độc đảng thì người ta không thể kiểm soát được những tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu  nhanh như vậy được. Nhưng vì hệ thống nào cũng cần có một sự kiểm soát và người ta thì khó mà có thể tự kiểm soát được mình, nên tôi nghĩ là sẽ có lợi nhiều hơn cho Trung Quốc, nếu như người ta cho phép có tự do báo chí, để vạch trần bất công và những tình trạng bất cập.”

“Một hệ thống đa đảng sẽ dẫn tới hỗn loạn”

Ông C., 51 tuổi, họa sĩ, Hàng Châu: “Dân chủ cần một nền tảng, một mức văn hóa nhất định, và điều đó thì vẫn còn chưa có ở phần lớn người dân của đất nước chúng tôi. Một hệ thống đa đảng sẽ dẫn tới hỗn loạn. Ở Trung Quốc chúng tôi cần nông dân, ở châu Âu là công dân. Trình độ học vấn của người dân còn quá thấp. Tất cả các vấn đề ngày nay ở Trung Quốc đều có liên quan tới trình độ học vấn còn thiếu thốn của người dân.

Trong những lần bầu cử trực tiếp ở làng quê của ông bà tôi đã xảy ra chuyện như sau: Khi đại diện của dòng họ Chương thắng được cả hai họ lớn là Lưu và Lí thì những người thất bại đã tẩy chay tất cả các quyết định của ông Chương, vì họ nhất định muốn ứng cử viên của mình thắng cử. Tuy là với ông Chương, ứng cử viên có khả năng nhất đã thắng cử, nhưng họ cứ mặc kệ việc đó. Họ vẫn tẩy chay ông. Người của họ lẽ ra phải thắng. Họ chỉ quan tâm tới điều đó. Làng này cho tới ngày nay vẫn còn lạc hậu vì người dân không thống nhất với nhau được.

Khi chúng ta nói về Trung Quốc thì đó là 1,3 tỉ người. Người ta có thể cầm quyền họ như thế nào? Theo ý của tôi thì chỉ có thể với một hệ thống độc đảng. Chúng tôi cần một người nào đó chỉ ra hướng đi. Người Trung Quốc chúng tôi là thế. Chúng tôi cần một bàn tay mạnh, lo lắng mọi việc.

Người Âu có thể khác. Ở châu Âu và ở Hoa Kỳ có một sự đồng thuận hoàn toàn khác hẳn. Người ta cũng nhìn thấy điều đó ở những người nước ngoài từ Phương Tây làm việc cho các công ty Trung Quốc ở đây tại Trung Quốc. Họ chấp nhận cấp trên của họ và dốc toàn bộ sức lực cho công việc của họ. Tất cả mọi người Trung Quốc đều muốn chính mình làm sếp. Họ không thích xếp mình dưới những người mà họ nghĩ rằng những người đó cũng không thể làm gì nhiều hơn là chính họ. Tại sao chính tôi lại không phải là sếp, những người đó hỏi. Ngay cả khi họ tới từ miền quê thì họ cũng vậy. Vừa mới có một chút tiền thì họ đã kinh doanh độc lập ngay.

Tôi quen với nhiều người trong giới quân đội Đài Loan đã về hưu, những người bây giờ đến với chúng tôi trên lục địa vào lúc tuổi già, để hưu trí ở đây. Trong số đó có một viên tướng. Ông nói, ông sẽ biến mất ngay lập tức khi Trung Quốc có dân chủ. Những gì mà dân chủ mang lại thì người ta đã có thể nhìn thấy được ở Đài Loan. Cho tới chừng nào mà chỉ có một đảng cầm quyền, tức là Quốc Dân Đảng, thì tất cả đều hài lòng. Bây giờ có hệ thống đa đảng và vì vậy mà cứ cãi nhau bất tận. Kinh tế và nhà nước đều xuống dốc ở Đài Loan.

Người Trung Quốc còn chưa đủ chín chắn cho một nền dân chủ. Chỉ khi tất cả đều đạt tới mức của người dân ở Bắc Kinh và Thượng Hải thì có thể đưa ra một nền dân chủ. Ngày nay, tất cả đều được phán xét theo thương mại. Tổng sản lượng quốc gia cao bao nhiêu, thu nhập cao bao nhiêu, giá bất động sản cao bao nhiêu? Kinh tế quyết định chính trị, tiền bạc quyết định suy nghĩ của con người.”

Tám đảng bị lãng quên

Trong lúc hăng say thảo luận, nhiều người Trung Quốc quên rằng về mặt hình thức thì nước họ có một hệ thống đa đảng. Bên cạnh Đảng Cộng sản còn có tám đảng chính trị nữa, trong đó có một tổ chức kế thừa Quốc Dân Đảng cũng như một Trung Quốc Dân chủ Xúc tiến Hội. Những đảng này được gộp vào trong một mặt trận nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Tức là họ không đối lập với Đảng Cộng sản đang cầm quyền mà cần phải giúp đỡ đảng này trong công việc của họ. Vì vậy mà cũng không có gì là lạ thường, khi có những người nào đó vừa là đảng viên của Đảng Cộng sản vừa là đảng viên của một trong các đảng kia,

Ông L., 52 tuồi, diễn viên, Bắc Kinh: “Bên cạnh Đảng Cộng sản còn có tám cái được gọi là đảng dân chủ nữa. Tôi thấy điều đó thú vị nên tôi đã hoạt động một thời gian trong một của những đảng đó. Cho tới khi chúng tôi bầu chọn một chủ tịch mới. Khi cuối cùng rồi chúng tôi chọn được ông ấy qua cách bỏ phiếu dân chủ, ông còn phải được Đảng Cộng sản xác nhận nữa. Lúc đó, tôi tự hỏi tại sao tôi lại hoạt động trong một đảng hạng hai như thế này, khi Đảng Cộng sản toàn trị mang quyền quyết định cuối cùng. Vì thế nên tôi lại ra khỏi đảng đó.”

Bà G., 35 tuổi, nữ giảng viên đại học, Vô Tích: “Một người bạn khuyên tôi hãy gia nhập đảng Trí Công. Đảng viên của đảng này thường xuất phát từ những nghề nghiệp mang tính hàn lâm. Tôi sẽ quen biết những người quan trọng và qua đó có nhiều khả năng tốt hơn để lập nghiệp. Rất đáng tiếc là tư cách đảng viên vẫn còn chưa giúp tôi được gì nhiều, mặc dù hiện giờ tôi đã quen biết với một vài người quan trọng. Có lẽ tôi nên gia nhập Đảng Cộng sản thì tốt hơn.”

“Chúng tôi thiếu một gen dân chủ”

Ông X., 48 tuổi, nhà báo, Bắc Kinh: “Khi tôi nhìn cách đối xử với nền dân chủ ở Đài Loan thì tôi chỉ còn có thể nói rằng người Trung Quốc chúng tôi dường như còn chưa chín chắn cho một hệ thống như vậy. Ai kiểm soát quyền lực? Tôi cần phải bầu ai? Ở đằng sau tất cả mọi điều có phải là tư bản hay không? Chúng tôi nói chung là còn có thể tin ai được nữa? Không có sự lựa chọn khác nào hay sao? Các đảng phái dân chủ ở Đài Loan cũng chuyên quyền. Người Trung Quốc chúng tôi thiếu sự hiểu biết cơ bản về dân chủ và khả năng chấp nhận những kết quả không được ưa thích. Chúng tôi thiếu một gen dân chủ. Ở Trung Quốc cho tới nay chỉ có hết hệ thống chuyên quyền này tới hệ thống chuyên quyền khác, từ vương quốc của hoàng đế tới sự thống trị của Đảng Cộng sản. Làm sao mà tinh thần cho một nền dân chủ có thể phát triển được? Người ta phải học và chấp nhận dân chủ. Nhưng ngày nay thì doanh nhân nhỏ nào cũng cư xử như một ông hoàng nhỏ trong công ty của ông ấy. Cho tới chừng nào mà người ta còn làm việc cho những người khác thì người ta chỉ mắng chửi sếp của mình mà thôi. Vừa mới kinh doanh độc lập thì người ta lại cư xử giống y như vậy. Con người là như thế đó. Lúc nào cũng ham mê quyền lực.”
Ông Z., 35 tuổi, nhân viên bảo tàng, Thiên Tân: “Giả như ngày nay mà chúng tôi có thể bầu cử thì có lẽ là chẳng có ai đi bầu cả. Khi chúng tôi thật sự muốn có dân chủ thì chúng tôi sẽ lấy nó cho chúng tôi.”

Yu-Chien Kuan (Quan Ngu Khiêm)
Phan Ba dịch


Yu-Chien Kuan (Quan Ngu Khiêm)

Phan Ba dịch
Tháng Tám 8, 2013

“Chúng tôi sống trong một hệ thống không rõ ràng một cách kỳ lạ”

Ông S., 33 tuổi, nhà thông tin học, Bắc Kinh: “Người ta nói về Chủ nghĩa Xã hội, nhưng nhìn đâu thì cũng chỉ thấy Chủ nghĩa Tư bản thôi. Ở chúng tôi thì còn tư bản hơn cả ở Phương Tây tư bản nữa. Hoàn toàn chưa rõ là tất cả cần  phải phát triển theo hướng nào. Theo một nền kinh tế thị trường đặc sắc Trung Quốc?  Thế tức là rồi chúng tôi cố hướng tới dân chủ? Hay là chúng tôi ở lại một nền độc tài? Nhiều người trẻ thích nhất là muốn áp dụng dân chủ ngay lập tức. Nhưng phần lớn trong độ tuổi của tôi, tức là những người trên ba mươi, không chia sẻ quan điểm đó. Một nền dân chủ chỉ có thể hoạt động khi nhà nước và xã hội có những cơ cấu vững chắc, và trước hết là phải xây dựng chúng đã. Cho tới ngày nay thì chỉ có lời nói của những người cầm quyền mới có giá trị thôi, và trong số họ thì hầu như chẳng có ai quan tâm tới các văn bản luật pháp. Nếu bây giờ chúng tôi áp dụng một hệ thống đa đảng thì tất cả chì tồi tệ hơn thôi. Ít nhất thì người ta không được phép quên rằng vẫn còn nhiều người  cả ngay nay cũng chỉ có thể ăn vừa đủ no mà thôi, và ngoài ra thì nghèo khổ vô cùng. Dưới những điều kiện đó thì một hệ thống độc đảng có thể làm được nhiều việc hơn, vì có thể phản ứng nhanh hơn và hiệu quả hơn với các phát triển nguy hiểm. Việc đóng cửa các nhà máy quốc doanh và tư nhân hóa nền kinh tế đã gây ra nhiều vấn đề lớn trong xã hội của chúng tôi. Hố sâu giữa nghèo và giàu tạo ra nhiều lực nổ. Tôi tin chắc rằng những lần bạo động ở Tây Tạng và ở Tân Cương thật ra là có nguồn gốc từ kinh tế. Người có nhiều kinh nghiệm từ những vùng đất đã phát triển ở cạnh bờ biển hay ở nội địa đi tới những vùng lạc hậu ở phía Tây và đầu tư kiến thức và tiền vốn của họ ở đó. Tất nhiên là qua đó họ có nhiều cơ hội tốt hơn là người dân bản xứ, đặc biệt là những người thuộc các dân tộc thiểu số mà phần lớn họ thường thiếu tiếp xúc và thiếu quan hệ trên khắp nước. Chính phủ trung ương đã nhận ra mối nguy hiểm. Họ phải phản ứng nhanh. Nhưng họ chỉ có thể làm như vậy trong một hệ thống độc đảng.

Về những cái đầu củ cải Trung Quốc và về sự khó khăn của chuyển giao hệ thống chính trị

Ông C., 53 tuổi, nhà báo, Bắc Kinh: “Ngay Marx cũng đã nói rằng kinh tế kiểm soát chính trị. Các hệ thống chính trị thành hình và biến đổi với những đặc điểm về kinh tế của một nước. Theo như thế thì phương án và hệ thống cũng không thể được tiếp nhận. Quyết định bao giờ cũng là con người. Trung Quốc không thể cứ đơn giản sao chép lại nền dân chủ Phương Tây, vì xã hội và lối suy nghĩ trong Trung Quốc hoàn toàn khác hẳn với Phương Tây. Chúng ta cứ đơn giản là so sánh hai cái bàn, mỗi cái có hai mươi người ngồi và ăn. Ở một bàn là người Đức và ở bàn kia là người Trung Quốc. Rồi điều gì xảy ra? Ở bàn Đức, người ta nói chuyện rì rầm, ở bàn Trung Quốc toàn tiếng hò hét vui vẻ, cho tới mức người Đức xem người Trung Quốc là không có văn minh và người Trung Quốc xem người Đức là khô cứng.

Nước nào cũng có lịch sử và truyền thống riêng của nó, vì vậy mà con người cũng phản ứng khác nhau dựa trên những trải nghiệm lịch sử của họ. Khi ví dụ như chính khách ở Phương Tây rút lui khỏi chức vụ của họ hay về hưu thì họ cũng từ giã quyền lực chính trị. Ở Trung Quốc thì không như vậy. Ở chỗ chúng tôi thì các lãnh tụ chính trị ngay cả sau khi về hưu rồi cũng còn nắm lấy quyền lực và ngồi ở những vị trí cao. Họ cũng không ngần ngại can thiệp vào trong công việc của người kế nhiệm. Quyền lực và đặc quyền là một cái gì đó mà ở Trung Quốc người ta không thích từ bỏ.

Một đạo luật được chúng tôi tiếp nhận từ Hoa Kỳ hay Đức không bắt buộc phải có hiệu lực như ở nước xuất xứ. Nó biến đổi khác đi ở chúng tôi. Có thể nói là nó bị Hán hóa. Người ta cũng có thể diễn tả khác đi: Chúng tôi là những cái đầu củ cải Trung Quốc, ở ngoài thì xanh và ở bên trong thì hồng. Chúng không mọc trên đất của Phương Tây. Cũng giống như người ta muốn mang một cây quýt cho trái ngọt ở Quảng Đông đi trồng ở Bắc Trung Quốc. Ở đó nó chỉ cho trái chua và có thể còn chết nữa.
Người Đức thường hay than phiền, rằng chúng tôi ở đây, trong đất nước này, không có dân chủ, nhưng nói chung là họ có biết sẽ xảy ra điều gì khi người ta áp dụng nền dân chủ Đức vào Trung Quốc hay không? Tôi biết, những hệ thống như vậy không thể được áp dụng một cách đơn giản được, nhưng cứ cho là nó thành công đi, thì rồi còn có yên bình ở nơi chúng tôi nữa hay không? Tôi hoài nghi việc này. Một ví dụ là Iraq. Saddam đã từng nói rằng khi ông chết, nước Iraq sẽ rơi vào hỗn loạn. Như ngày nay có thể thấy được, dường như là ông đã đúng. Saddam chết rồi. Và nước Iraq ngày nay trong tương lai tới đây có được bình định, có được một nền dân chủ như người Mỹ hy vọng hay không? Hay chúng ta hãy nhìn văn hóa mafia ở Ý. Những cấu trúc như thế cũng có ở Trung Quốc. Đặc biệt là ở tỉnh Phúc Kiến. Ở đó có những  hội bí mật và cái được gọi là Xã hội Đen ở khắp mọi nơi.

Đảng ngày nay đã yếu hơn ngày xưa. Ở nhiều nơi, họ đã mất quyền kiểm soát rồi. Bánh lái thường hay trượt ra khỏi tay của họ. Nhiều người không còn nghe họ nữa, trước hết là các ngân hàng. Chính phủ trung ương chỉ còn có thể cố đưa ra một phương hướng và hy vọng rằng những người khác đi theo nó. Nhưng điều này chưa đủ.

Tôi lo sợ là sẽ có một thảm họa, khi người Cộng sản thật sự mất quyền lực của họ. Không có một sự lãnh đạo cương quyết thì tất cả các vấn đề sẽ lộ diện, những cái mà bây giờ còn có thể cực nhọc giữ cho chúng nằm ở dưới bề mặt: những vấn đề với các dân tộc thiểu số nào đó, với những cộng đồng tín ngưỡng, với cái nghèo và sự không hài lòng, với nhiều sự thanh toán với quá khứ và nạn nhân của các phong trào chính trị vẫn còn có. Tất cả những điều đó đều rất nguy hiểm và dễ nổ.

Bây giờ thì tình hình còn tương đối yên ổn, vì người nông dân còn đất của họ. Khi người trong các nhà máy ở miền Nam Trung Quốc bị cho thôi việc vì thiếu đơn đặt hàng, nhiều người sẽ trở về làng quê của họ. Khi họ không còn có khả năng đó nữa, vì gia đình họ đã mất quyền sử dụng đất, thì họ làm gì? Ở thành phố họ không có thu nhập, ở nông thôn cũng không. Có phải là những cuộc nông dân nổi dậy – như thường xuyên có trong lịch sử Trung Quốc – đã được lập sẵn rồi hay không? Một người nông dân tìm việc làm trong thành phố vào lúc ban đầu cảm thấy bình thường, rằng người dân thành phố sống tốt hơn là người ở nông thôn. Nhưng khi ông ấy đã làm việc bốn năm ở thành phố rồi thì thái độ đó thay đổi. Rồi ông thấy như vậy là không công bằng.”

Yu-Chien Kuan (Quan Ngu Khiêm)
Phan Ba dịch



No comments:

Post a Comment

View My Stats