Sunday, 4 August 2013

ĐẤT NƯỚC NÀY CẦN HỆ THỐNG NÀO ? [Phần 3 & 4] (Yu-Chien Kuan - Phan Ba dịch)




Yu-Chien Kuan (Quan Ngu Khiêm)

Phan Ba dịch
Tháng Bảy 27, 2013 Comments: 4

Thử nghiệm trong lĩnh vực dân chủ

Phải có thay đổi về chính trị, điều này thì nhiều lãnh đạo trong Đảng đã biết rõ. Vì vậy mà người ta cũng thử nghiệm trong lĩnh vực dân chủ tương tự như trong kinh tế. Ở nông thôn và thành thị, bầu trực tiếp được đưa ra áp dụng cho cấp địa phương thấp nhất. Chúng cần phải củng cố tính chính danh về chính trị cho Đảng và niềm tin tưởng vào quan chức và các ủy ban nhà nước. Thử nghiệm trong kinh tế đã dẫn tới một cuộc phi tập thể hóa và một sự biến đổi từ kinh tế kế hoạch sang kinh tế thị trường. Trong chính trị, chúng có thể dẫn tới một sự dân chủ hóa nhất định của hệ thống chính trị.
Ở Bắc Kinh, chúng tôi phỏng vấn một nhân viên của Bộ Nông nghiệp. Hết sức bình thường, cứ như đó là một việc hiển nhiên, ông đã nhắc tới các cuộc bầu cử dân chủ ở cấp làng, những cái hiện bây giờ đã thắng thế trên toàn Trung Quốc. Ông cũng đã mang đến các thông tin bằng văn bản. Chúng tôi nhận lấy và nghiên cứu chúng sau đó. Chúng tôi muốn biết nhiều hơn về việc này. Chúng tôi hỏi thêm. “Vâng”, một người nông dân già trong một ngôi làng ở Giang Tô nhớ lại, “tốt đấy. Ai trong làng tôi cũng nhận được vài kí lô ngũ cốc từ gia đình họ Lí, để tất cả chúng tôi bầu cho người đứng đầu của gia đình họ. Rồi chúng tôi cũng làm như thế.”

Qua bầu cử trực tiếp và bí mật, chủ tịch các ủy ban tự quản trong làng và các tổ trưởng khu phố trong thành phố được quyết định. Nhiệm vụ của các tổ chức này, ngoài những việc khác là các vấn đề về phúc lợi công cộng, an ninh xã hội và thực hiện các quy định của nhà nước. Nông dân và người thành thị qua đó có thêm ảnh hưởng và có thể tham gia trực tiếp vào các quá trình quyết định về chính trị. Một hiệu ứng phụ quan trọng nữa là khả năng bãi nhiệm quan chức tham nhũng, vì vậy mà việc áp dụng bầu cử trực tiếp cũng được xem như là một công cụ quan trọng để chống lại tham nhũng ở địa phương.

Trải nghiệm với những lần bầu cử trực tiếp này rất khác nhau, đặc biệt là ở những vùng nông thôn. Nhưng nói chung thì nó củng cố cho nhận thức về luật lệ và chính trị của người nông dân, vì với lần bầu các trưởng làng, người ta cũng đưa ra các quyết định có tác động trực tiếp tới tình hình kinh tế làng của họ và sau đó là tới mức sống của họ. Ở những nơi nào đó, những cuộc bầu cử này – theo lời thuật lại của người nông dân đã nêu ra ở trên – đã làm sống dậy các cấu trúc làng mạc cũ. Những người có uy quyền trong thị tộc trước đây, các gia đình có nhiều quyền lực và nhóm lợi ích lại có được ảnh hưởng. Khi một nửa người dân làng có cùng họ, ví dụ như Lí, và dòng họ Lí muốn cho người đại diện của họ thắng thế thì các ứng viên khác, có thể là mang họ Trần hay Vương, sẽ không có cơ hội. Mặt khác, cũng qua chính những lần bầu cử này, những người có nhiều quyền lực trong thị tộc có thể sẽ bị suy yếu đi.

Thỉnh thoảng cũng có xung đột giữa các trưởng làng được bầu lên và các bí thư Đảng không được bầu, những người không muốn công nhận lần bầu cử đó. Tuy vậy, người ta cũng tường thuật về những trường hợp mà các quan chức đã có thể cải thiện hình ảnh của họ, vì họ đã phát triển một cảm giác trách nhiệm mới do cuộc bầu cử đang tiến tới gần. Họ chỉ còn hoạt động vì lợi ích của cộng đồng làng và mặc kệ những chỉ thị và đường lối của trung ương. Nhiều quan chức không còn dám cứ vượt qua những người nông dân mà thực hiện những biện pháp nào đó, cần thiết nhưng không được lòng dân, vì sợ mất quyền lực. Thật sự là có thể quan sát thấy rằng trung ương ở Bắc Kinh ngày càng mất đi quyền kiểm soát các tổ chức Đảng ở địa phương.

Ông P., 55 tuổi, chỉ huy quân sự cấp cao, Thượng Hải: “Dân chủ có nghĩa là gì? Khái niệm này có nguồn gốc từ Phương Tây. Chúng tôi không quen thuộc với nó. Dịch sang tiếng Trung, khái niệm này mang nhiều khả năng diễn giải khác nhau, ví dụ như ‘nhân dân là người chủ’ hay ‘tôi là người chủ của nhân dân, tôi cai trị họ’. Ngày nay, khi chính phủ nói về dân chủ thì đối với những người ở thôn quê điều đó có nghĩa là vị dân tố chủ, ‘làm người chủ vì nhân dân’. Chính phủ là người chủ của nhân dân. Mỗi một người nông dân phải tuân lệnh người cai trị.

Người Trung Quốc và người Phương Tây suy nghĩ khác nhau. Ở Phương Tây, con người cùng nhau cộng tác với một tư tưởng cộng đồng mạnh. Ở Trung Quốc thì con người hướng tới gia đình. Không phải cộng đồng mà quan trọng chỉ là gia đình riêng của họ. Người Trung Quốc là những người cá nhân. Trong đầu của họ chỉ có người riêng của họ, những người mà họ cảm thấy có trách nhiệm với họ. Họ không có cảm giác tập thể.

Tiến hành bầu cử trong các làng mạc ở Trung Quốc là một việc nói dễ hơn làm.Vào lúc ban đầu, hầu như không có ai thích thú gì với chức vụ trưởng làng, vì ai cũng biết rằng đó là một nhiệm vụ bạc bẽo, cái mang lại nhiều sự bực mình hơn là lợi lộc. Hiện giờ thì điều đó đã thay đổi. Kinh tế tăng trưởng, cuộc sống đã cải thiện. Là trưởng làng thì người ta có nhiều lợi thế. Vì vậy mà chức vụ này hiện giờ đã trở nên rất hấp dẫn, và tất cả mọi người đều cố giành lấy nó. Trong lúc đó thì phần lớn các ứng cử viên đều ít nghĩ đến phúc lợi cộng đồng mà nhiều hơn là cho chính mình, cho gia đình họ, thị tộc họ và người ta làm lợi cho họ như thế nào là tốt nhất. Nếu người ta thuộc một dòng họ lớn thì thắng cử là điều chắc chắn, vì: dòng họ càng lớn thì chiến thắng càng dễ dàng. Dòng họ nào cũng cố mang người của mình vào vị trí lãnh đạo. Lúc nào thì cũng đã thế rồi. Nếu có hai, ba dòng họ cạnh tranh nhau trong một làng thì những người này đi mua phiếu bằng những lần mời mọc đắt tiền và cho tiền bạc. Ai cho nhiều hơn thì được bầu lên. Đó có phải là dân chủ không? Thật ra thì không. Nhưng nó là như thế trong những vùng thôn thôn ngày nay của chúng tôi.

Người dân chịu ảnh hưởng sâu đậm bởi hệ thống hoàng đế. Những điều như thế không để cho người ta thay đổi qua đêm. Nhưng ngay cả khi người dân có thể tự giải phóng mình ra khỏi một ảnh hưởng như vậy, và rộng mở cho một dự án chính trị, thì theo ý của tôi cũng sẽ không thể hoạt động được, vì các tập tục và truyền thống cũ đã mất đi ảnh hưởng tốt của chúng lên chúng tôi. Cuộc Cách mạng Văn hóa đã phá hủy các giá trị và đức tính tốt cơ bản của chúng tôi, và những gì mà nó không thể phá hủy được thì đã trở thành nạn nhân của cái tự do to lớn mà ngày nay chủ yếu thống trị trong các sự việc về kinh tế. Mỗi người đều có thể làm những gì mà anh ta muốn để trở nên giàu có. Tham lam và ích kỷ thống trị cung cách đối xử hàng ngày với nhau. Các cải cách về kinh tế đã dẫn đến những thành công thật khó tin, nhưng cũng dẫn tới một sự lộn xộn nhất định và vô chính phủ. Trung Quốc đang đứng trước ngã ba đường. Nó cần phải đi theo hướng các phương án dân chủ Phương Tây hay chúng tôi cần phải tìm kiếm một con đường mới phù hợp với nền văn hóa và truyền thống riêng của chúng tôi? Cả hai con đường hứa hẹn sẽ dài và rất là cực nhọc.”

Ở thành thị người ta ít quan tâm tới các cuộc bầu cử trực tiếp hơn là ở nông thôn, nơi chúng ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của người nông dân. Ở thành phố, hệ thống đơn vị, gắn bó cứng nhắc vào một đơn vị, đã bị bãi bỏ qua cuộc cải cách kinh tế. Một tính di động trong xã hội hoàn toàn mới đã thành hình. Người ta có một quan hệ lao động được quy định qua hợp đồng với người chủ lao động, hợp đồng mà có thể được chấm dứt từ cả hai bên. Các căn hộ không còn thuộc nhà máy mà người ta làm việc ở trong đó nữa, mà là sở hữu tư nhân. Cuộc sống trong một giới láng giềng quen thuộc đã nhường chỗ cho tính vô danh của những ngôi nhà cao tầng. Nếu như ngày xưa người ta quen biết người dân của cả một khu phố thì ngày nay người ta chỉ còn trao đổi một vài từ với người láng giềng trực tiếp. Trong một bầu không khí như vậy thì không có nhiều người tình nguyện muốn hoạt động vì quyền lợi của cộng đồng.

Thế thì như thế nào với những thử nghiệm trong lĩnh vực dân chủ? Một giáo sư của Đại học Phục Đán nổi tiếng ở Thượng Hải trở nên bực dọc khi chúng tôi đề cập tới đề tài bầu cử trong một bữa ăn tối với mười lăm người cạnh một cái bàn tròn. Nhưng vào lúc đầu thì ông chỉ có thể hít thở thật sâu. Sau bữa ăn, khi tất cả ra về, ông kéo chúng tôi sang một bên, để làm rõ sự việc với gương mặt đỏ hồng hậm hực: “Anh chị bàn về thử nghiệm dân chủ trong lĩnh vực dân chủ. Thế có dân chủ trong Đảng Cộng sản của chúng tôi hay không? Không, tất nhiên là không. Tất cả những cái đó chỉ là lừa bịp. Ở chỗ chúng tôi thì Đảng quyết định một mình. Họ làm những gì mà họ cho là đúng. Có muốn làm gì đi nữa thì cũng vậy thôi. Người ta không có quyền hành gì trước ý muốn của họ đâu. Họ quyết định tất cả.”
Bà Y., 62 tuổi, nữ doanh nhân, Thượng Hải: “Vẫn còn quá sớm cho những cuộc bầu cử dân chủ. Tôi biết người dân của tôi mà. Họ sẽ mua phiếu bầu ngay lập tức. Đặc biệt là ở nông thôn.”

Một nhân viên nhà nước trẻ tuổi ở Ninh Ba, một thành phố cảng lớn trong tỉnh Chiết Giang, hết sức ngạc nhiên và gãi đầu khi chúng tôi hỏi anh ấy về những cuộc bầu cử trong thành phố. Anh không nghe gì về việc đó cả. Người đồng nghiệp của anh biết nhiều hơn. “Có, có bầu cử”, anh nói, “nhưng chúng diễn ra không được tốt cho lắm.”

Yu-Chien Kuan (Quan Ngu Khiêm)
Phan Ba dịch

*
*

Yu-Chien Kuan (Quan Ngu Khiêm)

Phan Ba dịch
Tháng Tám 2, 2013 Comments: 2

Con người là sinh vật sống theo thói quen –
Về những khái niệm phức tạp như dân chủ

Rõ ràng là phần lớn người Trung Quốc đều nhìn nền dân chủ như là một hình thức chính phủ lý tưởng. Nhưng họ hoài nghi là ngày nay nó có thể hoạt động được ở Trung Quốc. Tiền đề cho một nền dân chủ là việc tất cả các thành viên sẵn sàng giữ đúng các quy định và trong trường hợp không trúng cử thì chấp nhận thất bại và từ bỏ quyền lực. Người Trung Quốc còn cách xa với một nhận thức như thế. Chính khách Trung Quốc không thích từ bỏ quyền lực và ảnh hưởng. Vì vậy, theo ý kiến phổ biến, đầu tiên là phải nhập tâm các giá trị dân chủ, tìm thấy một sự đồng thuận chung và xua đuổi tham nhũng đang hoành hành, vì nếu không thì điều cuối cùng này sẽ đào rỗng tất cả các cố gắng thật sự. Sau đó thì một hệ thống dân chủ mới có thể hoạt động được. 

Điều thú vị là những người sống ở thành thị cho rằng người dân ở nông thôn chỉ có một khả năng phán xét có hạn và ít có chín chắn cho dân chủ. Trình độ học vấn của họ còn quá thấp, vì vậy mà họ vẫn còn quá sớm cho một hệ thống dân chủ. Giới trí thức thành phố cũng nhìn xuống những người ít học ở thành thị giống như vậy. Cả họ cũng không có đủ sự chín chắn cho dân chủ.

Một giáo sư ở Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc than phiền, rằng kiến thức về dân chủ không được giảng dạy ở trường trung học và đại học.

Chúng tôi hỏi một cô gái nông dân trong tỉnh Giang Tây, rằng cô đã có lần nào nghe về dân chủ hay chưa.

“Dân chủ ư? Đó là cái gì vậy?”, cô hỏi lại, hoàn toàn không biết gì. “Hãy giải thích cho tôi đi! Có liên quan gì tới xã hội đen hay không?”

Khi chúng tôi phủ nhận, cô trở nên bồn chồn. “Tôi làm sao mà biết được nó là cái gì? Tôi không phải là quan chức.”

Với khái niệm “quyền con người” thì ngược lại cô hiểu nhiều hơn. Trong tiếng Trung, khái niệm này gồm hai từ ‘Nhân’ và ‘Quyền’.

“Điều này thì đơn giản thôi. Tôi có thể nghĩ đó là cái gì. Anh chị muốn nói tới quyền mà một con người có được, ví dụ như một người chủ cửa hàng có thể sai khiến nhân viên của ông ấy.” Rồi cô cười to. “Tôi chỉ là một người hết sức bình thường thôi. Tôi không có quyền.”

Một nữ công nhân trẻ ở Thượng Hải: “Họ hàng ở Úc của tôi luôn nói rằng chúng tôi thiếu tự do. Nhưng tôi thì không thấy như vậy. Chúng tôi có đủ tự do. Tôi muốn nói là chúng tôi thiếu dân chủ. Đó là cái gì: dân chủ? Tôi không biết chính xác điều đó. Nhưng người ta cho rằng nó là tốt.”

Ông Y., 50 tuổi, giảng viên, Bắc Kinh: “Dân chủ, tự do và nhân quyền ư? Những điều đó chỉ làm cho chúng tôi giới trí thức xao động thôi. Tự do thật sự có ý nghĩa như thế nào, điều đó thì chỉ có ít người biết tới. Người Trung Quốc chúng tôi đã quen với hệ thống chuyên quyền. Ở Trung Quốc đã có lần nào đó có một cái gì khác với một chính phủ trung ương hay không? Không, tất nhiên là không. Con người là một sinh vật sống theo thói quen. Hắn chẳng nhận ra được là có cái gì đó không ổn. Vừa mới đây, tôi có tới thăm một người bạn ở một thành phố khác. Nhà vệ sinh công cộng ở bên cạnh khu hộ ở, khu mà anh ấy đang sống ở trong đó, hôi thối vô cùng. Tôi đề cập tới việc này với anh. Anh rất ngạc nhiên. Anh không còn ngửi thấy mùi hôi thối nữa. Anh đã quen với nó từ lâu rồi. Người ngoại quốc là những người đầu tiên xây khách sạn năm sao ở Trung Quốc. Chúng tôi học ở họ và xây dựng chúng sau này. Trước đó chỉ có nhà trọ thôi. Mới đây, tôi vừa tới ngụ tại một nhà trọ xưa cũ như vậy ở trong tỉnh Tứ Xuyên. Nước nhà cầu chảy trong phòng tắm của tôi. Vì tôi rất khó ngủ nên tôi đã có cảm giác bị quấy rầy. Vào sáng ngày hôm sau, tôi yêu cầu sửa nhà cầu nhưng được trả lời là nó đã chảy như thế lâu nay rồi. Do đó mà người ta cứ để mặc như thế, và thay thì vậy thì giao cho tôi một phòng mới. Ở đó, nước nhà cầu cũng chảy, ngay khi có ít hơn.”

Về các hệ thống độc đảng và đa đảng

Ông X., 57 tuổi, khoa học gia, Bắc Kinh. “Tuy Đảng Cộng sản thống trị ở Trung Quốc, nhưng mà đảng này có giống đảng Cộng sản Liên xô trước kia trong Liên bang Xô viết hay đảng đó ở trong DDR [CHDC Đức] trước kia hay những đảng cộng sản khác của thế giới này hay không? Hay là phong cách lãnh đạo của nó giống các mẫu mực Khổng Tử nhiều hơn? Những người theo thuyết của Khổng Tử đặt uy quyền lên cao hơn tự do cá nhân. Xã hội mang nhiều ảnh hưởng Khổng Tử của chúng tôi nói chung là có khả năng dân chủ hay không?”

Một nỗi lo ngại to lớn đang làm dao động nhiều người là sự lộn xộn có thể xảy ra khi quyền lực tập trung ở trung ương bị giải tán vì một hệ thống dân chủ. Bà H., 48 tuổi, nữ giáo sư, Thành Đô: “Người Trung Quốc có khuynh hướng vô chính phủ. Chỉ chế độ chuyên quyền mới có thể cầm quyền được với họ thôi. Một nền dân chủ sẽ thất bại và dẫn tới tình trạng vô chính phủ.” Chồng bà, ông Z., 52 tuổi, thầy giáo, nói về vấn đề này: “Tôi thật không hiểu có điều gì tốt ở một hệ thống đa đảng. Tôi không nhìn thấy lợi điểm nào trong đó cho đất nước của chúng tôi cả. Trong mắt tôi, Đảng Cộng sản Trung Quốc rất thành công. Họ có nhiều quyền lực. Họ có thể đạt tới được nhiều điều. Chúng tôi ở Trung Quốc đã quen với một hoàng đế và một hệ thống độc đảng. Đảng Cộng sản ngày nay lo lắng cho người dân. Tôi hài lòng với họ. Họ là đảng phái chính trị có khả năng nhất và có nhiều quyền lực nhất của thế giới. Họ có thể thành công trong mọi việc.”

Một nhà thiết kế trẻ tuổi ở Hàng Châu, anh Y., 28 tuổi, nhìn vấn đề mang tính phê phán nhiều hơn: “Không ai trong số những người lãnh đạo Đảng Cộng sản là được bầu lên cả. Tất cả họ đều được bổ nhiệm. Những người lãnh đạo ở trên bổ nhiệm những người ở cấp trung, những người cấp trung bổ nhiệm những người cấp dưới. Có một nhà thông thái nào đó có lần đã nói rằng Chủ nghĩa Xã hội là một sự thoái lui. Tôi cũng nhìn như vậy. Cội rễ của tất cả các vấn đề trong đất nước này là hệ thống độc đảng. Khi chỉ có một đảng cầm quyền thì có nghĩa là quyền lực tập trung ở trong tay của một số ít người, và những người này có thể hoạt động như họ muốn. Không có cả đối lập lẫn kiểm soát. Tức là những người có quyền lực cũng không cần giữ đúng nhiều luật lệ mới mà hiện giờ chúng tôi đã có.”
Bà S., 38 tuổi, giám đốc, Vô Tích: “Dưới thời Mao Trạch Đông và sau đó dưới thời Đặng Tiểu Bình thì lời nói của họ là luật lệ. Thời đó đã qua rồi. Ngày nay, không có ai trong Đảng Cộng sản có lời nói mang nhiều uy quyền giống như vậy nữa. Tất cả chúng tôi đều biết rằng có những ý kiến rất khách nhau trong giới lãnh đạo chính trị. Nhưng các ý kiến khác nhau này được trao đổi ở phía sau những cánh cửa đóng kín. Như thế thì không còn có một cá nhân riêng lẻ quyết định nữa, mà là một nhóm lãnh tụ chính trị. Đó đã là một bước tiến lớn rồi.

Không chỉ ở nước ngoài, cả trong nước cũng có những người nào đó chỉ trích hệ thống độc đảng. Mặc dù vậy, tôi vẫn thấy là nó cũng có thể có lợi điểm. Chúng tôi ở Trung Quốc đơn giản là có quá nhiều người. Bất cứ điều gì sắp cần phải thực hiện – nếu như trước đó còn có những cuộc thảo luận kéo dài giữa nhiều đảng, thì chúng tôi sẽ chẳng làm được gì cả. Với một đảng duy nhất, có thể một mình quyết định về một vấn đề, thì tất cả đều diễn ra nhanh chóng. Ví dụ như về các tác động của cuộc khủng hoảng tài chính tế giới, khi ngoại thương của chúng tôi giàm sút nặng vì không có đơn đặt hàng từ nước ngoài, và nạn thất nghiệp ở một vài vùng gần bờ biển đạt tới một mức đáng ngại. Lúc đó, chính phủ trung ương đã phản ứng ngay lập tức. Họ đã đầu tư ngay những số tiền khổng lồ vào trong các dự án hạ tầng sơ sở và qua đó đã tạo ra việc làm mới trong nội địa, nhiều cho tới mức các nhà máy công nghiệp ở các vùng ven biển bất thình lình lại loan báo thiếu lao động. Có những người nào đó phê phán điều này, họ nói rằng qua các dự án hạ tầng cơ sở này, đường giao thông được mở rộng một cách quá hấp tấp. Những gì mà các nước khác cần tới nhiều thập niên để thực hiện thì chúng tôi đã hoàn thành trong vòng vài năm. Tôi tự hỏi, có điều gì ở đó là không tốt. Một mạng lưới giao thông được xây dựng tốt là rất quan trọng cho đất nước của chúng tôi. Nó càng tốt chừng nào thì càng có lợi cho nền kinh tế của chúng tôi.

Đối với một đất nước rộng lớn như Trung Quốc thì hoạt động cương quyết của chính phủ trung ương tại những vấn đề cấp bách đóng một vai trò quan trọng. Chỉ hệ thống một đảng mới có thể lo cho an ninh và trật tự trong một tình huống khủng hoảng như vậy. Chúng ta hãy xét đến một ví dụ nữa, thị trường chứng khoán. Ở Trung Quốc, nếu như chứng khoán tăng quá nhanh thì chính phủ can thiệp và làm giảm bớt xuống. Họ có đủ quyền lực và phương tiện để mà làm việc đó, và khi họ quyết định tăng tổng sản phẩm nội địa lên ví dụ như tám phần trăm cho năm tới đây, thì rồi họ cũng có thể đạt tới điều đó. Tôi thấy như vậy thì không tệ đâu.”

Yu-Chien Kuan (Quan Ngu Khiêm)
Phan Ba dịch

Đọc những bài trước ở trang Thùng thuốc súng Trung Quốc



No comments:

Post a Comment

View My Stats