Friday 3 May 2013

VIỆT NAM - MỘT TRONG 1O NƯỚC TỒI TỆ NHẤT THẾ GIỚI VỀ TỰ DO BÁO CHÍ (RFI, BBC, VOA)




Đức Tâm  -  RFI
Thứ sáu 03 Tháng Năm 2013

Hôm nay, 03/05/2013, nhân ngày Tự do báo chí thế giới, tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF), có trụ sở tại Pháp, cho công bố bản xếp hạng 2013 về tự do báo chí trên thế giới. Cũng như năm trước, thứ hạng của Việt Nam không thay đổi, đứng thứ 172 trong tổng số 179 quốc gia được xem xét, tức là vẫn nằm trong nhóm 10 nước cuối bảng, bóp nghẹt quyền tự do báo chí. Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng vẫn nằm trong danh sách 39 sát thủ của quyền tự do báo chí.

Bản đồ thế giới về quyền tự do báo chí 2013 (trắng: tốt nhất; đen: tồi tệ nhất) RSF

Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới tỏ thái độ thất vọng : Sau làn sóng « Mùa Xuân Ả Rập » và phong trào phản kháng trong năm 2011, vấn đề tự do báo chí trên thế giới dường như quay trở lại tình hình như trước.

Đối với nhiều quốc gia, thứ hạng về quyền tự do báo chí không liên quan đến những biến động chính trị. Do vậy, bảng xếp hạng năm nay giúp đánh giá tốt hơn về thái độ và ý đồ của các chế độ đối với quyền tự do báo chí trong trung hạn và dài hạn.

Dẫn đầu bảng là ba nước Bắc Âu, Phần Lan, Hà Lan và Na Uy. Ba nước cuối bảng là Turkménistan, Bắc Triều Tiên và Eritrea.

Trong năm 2013, xếp hạng của Việt Nam trong lĩnh vực quyền tự do báo chí, không thay đổi so với năm 2011-2012, đứng thứ 172 trong tổng số 179 quốc gia. Theo Phóng Viên Không Biên Giới, Việt Nam là nhà tù khổng lồ thứ hai trên thế giới đối với các công dân mạng. So với năm 2010, Việt Nam đã bị mất 6 hạng và vẫn nằm trong nhóm 10 nước tồi tệ nhất về quyền tự do báo chí.

Cũng vào dịp này, Phóng Viên Không Biên Giới cập nhật danh sách các những chính trị gia, tổ chức là kẻ thù – tạm gọi là sát thủ - của quyền tự do báo chí. Trong số 39 nhân vật hoặc tổ chức, có 5 sát thủ mới, như tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình.

Ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam có mặt trong danh sách các sát thủ của quyền tự do báo chí. Phóng Viên Không Biên Giới đã trích dẫn những phát biển của ông Trọng, để chứng minh. Lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam cho rằng « báo chí không có vai trò tuyên truyền chống Nhà nước. Các nhà báo chỉ đưa các thông tin có thể chấp nhận được và không nên có những bình luận ủng hộ đa đảng… ». Vẫn theo tổ chức này, ông Trọng còn có những phát biểu liên quan đến việc bỏ tù các blogger và các nhà ly khai sử dụng internet.

Điều đáng chú ý là năm nay, Phóng Viên Không Biên Giới đã không còn xếp tổng thống Miến Điện Thein Sein trong danh sách các sát thủ của quyền tự do báo chí.

-------------------------------------------------

BBC
Cập nhật: 09:18 GMT - thứ sáu, 3 tháng 5, 2013

Việt Nam vẫn ở vị trí gần cuối bảng 172/179 trong Danh sách về tự do báo chí của tổ chức Phóng viên không Biên giới (RSF) ra hôm 3/5.
Danh sách này được công bố nhân ngày Tự do Báo chí Thế giới.

Việt Nam bị RSF liệt vào danh sách các nước thù địch Internet (vùng màu đen trên bản đồ)

Tổng bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng cũng tiếp tục 'trụ' trong danh sách 39 sát thủ đối với tự do thông tin (Predators of Freedom of Information) của tổ chức này.

Danh sách chỉ số tự do báo chí thế giới của RSF nhận định rằng trong năm 2013, tình hình không có gì khả quan hơn trên toàn thế giới.
Ba quốc gia được cho là tôn trọng tự do báo chí nhất vẫn là ba nước đứng đầu năm ngoái: Phần Lan, Hà Lan và Na Uy.
Đứng cuối bảng vẫn là Syria, Turkmenistan, Bắc Hàn và Eritrea.
Việt Nam ở lại trong danh sách 10 quốc gia thiếu tôn trọng tự do báo chí nhất thế giới, với con số blogger bị cầm tù lớn thứ hai thế giới.
Miến Điện, ngược lại, đã vươn lên vị trí 151 từ vị trí 169 năm ngoái nhờ các cải tổ chính trị mới đây, nhất là các cải thiện trong lĩnh vực báo chí mới.


Sát thủ đối với tự do thông tin
Cùng với Danh sách Tự do Báo chí, RSF cũng cho ra một danh sách cập nhật các Sát thủ đối với tự do thông tin.
Bốn lãnh đạo các nước đã được loại ra khỏi danh sách năm ngoái.Một trong số đó là tổng thống Miến Điện, Thein Sein, với lý do nước này đang "trải qua những cải cách chưa từng thấy trước đây, bất chấp bạo lực tôn giáo".

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nằm trong danh sách 39 sát thủ của tự do báo chí.
Trong phần chú thích về ông Trọng, RSF thay lời ông này tự thuật về bản thân:
"Tôi rất quen thuộc với truyền thông và báo chí vì bản thân tôi cũng là nhà báo từ năm 1967 tới năm 1966, sau đó làm biên tập viên của Tạp chí Cộng sản."
"Ở Việt Nam, nhà báo được tự do tác nghiệp, miễn là đừng công kích Đảng [CSVN]."
"Với tổng cộng 100 năm tù dành cho các blogger và các nhà bất đồng chính kiến trên mạng chỉ trong 12 tháng qua ... tôi tin rằng kỷ lục của tôi tốt hơn hẳn người tiền nhiệm, ông Nông Đức Mạnh."

Trong số các nhân vật mới được đưa vào danh sát sát thủ này có ông Tập Cận Bình, tân Chủ tịch nước Trung Quốc.
"Việc thay đổi nhân sự không hề ảnh hưởng đến bộ máy đàn áp được cầm đầu bởi Đảng Cộng sản Trung Quốc," báo cáo viết.


Sự im lặng đáng xấu hổ
Bản báo cáo mới nhất của RSF cho rằng cộng đồng quốc tế không được phép im lặng trước sự đàn áp tự do báo chí tại các nước bị tổ chức này cáo buộc là kẻ thủ của Internet.

"Những người cầm đầu các chế độ độc tài vẫn tồn tại một cách yên ổn trong lúc truyền thông và báo chị bị bịt miệng hoặc loại bỏ," theo bản báo cáo.
"Những lãnh đạo như thế bao gồm Kim Jong-Un ở Bắc Hàn, Issaias Afeworki ở Ernitrea và Gurbanguly Berdymukhammedov ở Turkmenistan..."
"Đối với những nước này, cũng như các nước khác bao gồm Belarus, Việt Nam, Uzbekistan và một số nước khu vực Trung Á khác, sự im lặng của cộng đồng quốc tế không chỉ đáng xấu hổ, mà còn thể hiện sự đồng lõa."
"RFS khuyến cáo cộng đồng quốc tế không núp bóng đằng sau lợi ích kinh tế cũng như địa lý ... Lợi ích kinh tế luôn đi trước tất cả mọi thứ, như cách họ làm với Trung Quốc. Cũng giống như tất cả các nước mà phương Tây xem là mang tính "chiến lược."

Các bài liên quan


-------------------------------------------

02.05.2013

Việt Nam bị xếp vào nhóm các nước Không có Tự do trong báo cáo thường niên về tự do báo chí trên thế giới do tổ chức Freedom House công bố hôm qua, ngày 1/5.

Freedom House, một tổ chức nhân quyền có trụ sở ở Hoa Kỳ, nói rằng con số những người sống trong các xã hội hoàn toàn có tự do báo chí đã giảm xuống mức thấp nhất, tính từ một thập niên nay.

Ông David Kramer, Chủ tịch của Freedom House, cho biết tiêu chuẩn để xếp một nước vào nhóm các quốc gia không có tự do báo chí :
“Lý do mà một nước được đánh giá là không có tự do báo chí là bởi vì nước này không đáp ứng các tiêu chuẩn về tự do pháp lý, tự do chính trị, tự do kinh tế, để cho phép các nhà báo và tổ chức truyền thông có thể hoạt động. Thế cho nên tại các nước nằm trong nhóm 'Không có tự do', có khá nhiều các nước như thế, nhưng tệ hại nhất gồm có Belarus, Cuba, Guiné Xích đạo, Eritrea, Iran, Bắc Triều Tiên, Turkmenistan and Uzbekistan.”

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho ban tiếng Khmer của Đài VOA, bà Karin Deutsch, một chuyên viên phân tích nghiên cứu về Châu Á thuộc Freedom House, so sánh tự do báo chí của Việt Nam với nước láng giềng Campuchia:
“Rõ ràng môi trường làm việc của giới truyền thông ở Campuchia chắc chắn là cởi mở hơn so với Việt Nam, hoặc với Miến Điện.”

Trong năm qua, tin tức về các vụ bắt bớ, giam cầm và truy tố các nhà báo và blogger không ngừng gia tăng cùng với những mối đe dọa và sách nhiễu đối với những người cầm bút, cho thấy xu hướng giới hạn quyền tự do báo chí tại Việt Nam không những tiếp diễn mà có lẽ còn tệ hơn.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho ban Việt ngữ –VOA, ông Shawn Crispin, Đại diện cấp cao của Ủy ban Bảo vệ các Ký giả Cở Đông Nam Á (CPJ), và là tác giả của một phúc trình về tự do báo chí tại Việt Nam, đánh giá về tình hình tự do báo chí tại Việt Nam trong năm 2012 như sau:
“Rõ ràng là tình hình tự do báo chí ở Việt Nam đã xuống dốc rất nhanh. Cuộc nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, chính quyền Việt Nam đang tăng cường đàn áp các blogger độc lập, và các nhà báo viết bài đăng trên mạng. Điều đó chứng tỏ là chính quyền Việt Nam đã có một nỗ lực phối hợp để siết chặt một thế giới mạng từng hoạt động tương đối cởi mở, cung cấp các quan điểm và tin tức đa dạng bên cạnh giới truyền thông chính thức bị nhà nước chi phối. Sự kiện Việt Nam xếp hạng thứ 6 trên danh sách của CPJ là một dấu hiệu cho thấy là giới thẩm quyền Việt Nam ngày càng ra tay trấn áp mạnh bạo hơn các quyền tự do trên mạng, chiến dịch này vẫn đang tiếp diễn ở Việt Nam. Quan tâm của chúng tôi là tình hình chỉ có thể trở nên xấu hơn trong bối cảnh chính phủ Việt Nam đang gặp khó khăn kinh tế và khi những rạn nứt đã bắt đầu xuất hiện giữa các phe phái khác nhau trong nội bộ Đảng Cộng Sản Việt Nam.”

Thứ hạng của Việt Nam trong báo cáo năm nay không thay đổi so với năm trước đó. Freedom House xếp Việt Nam hạng thứ 182 trên tổng số 197 quốc gia và lãnh thổ được khảo sát về tự do báo chí.



No comments:

Post a Comment

View My Stats